Người thi hành công vụ được bắn: Quá khủng khiếp
Được hỏi ý kiến về việc điều 18 dự thảo nghị định “Quy định các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý hành vi chống người thi hành công vụ” cho phép người thi hành công vụ được nổ súng…, nhiều thẩm phán và kiểm sát viên cao cấp đều cho rằng nguy hiểm và rất đáng sợ. Ông Trần Đông Chu (kiểm sát viên cao cấp Viện Kiểm sát nhân dân tối cao khu vực 3 TP.HCM): Tôi không ủng hộ
Bộ Công an đã có dự thảo tờ trình Chính phủ nói về sự cần thiết phải ban hành nghị định, trong đó khẳng định có sự gia tăng số vụ chống người thi hành công vụ trong thời gian qua. Tuy nhiên, bộ chỉ nêu số lượng mà không nói rõ các hành vi nguy hiểm có tăng theo hay không.
Ông Trần Đông Chu
Chống người thi hành công vụ thì có nhiều hành vi: lao xe vào cảnh sát giao thông, hất cảnh sát giao thông lên nắp capô xe…, mức độ nguy hiểm rất khác nhau. Khi đưa ra số liệu về số vụ chống người thi hành công vụ trong vòng mười năm là 8.513 vụ, với 13.706 đối tượng vi phạm, thì có thể thấy số vụ rất nhiều nhưng tờ trình không nói rõ có bao nhiêu vụ đối tượng dùng dao, súng, hung khí nguy hiểm gây ảnh hưởng đến tính mạng và sức khỏe của lực lượng thi hành công vụ, tính chất mức độ như thế nào… Rất khó để nói rằng tình hình chống người thi hành công vụ gia tăng và nguy hiểm.
Cá nhân tôi, khi giữ quyền công tố tại Viện Kiểm sát nhân dân tối cao khu vực 3, nhận thấy số vụ chống người thi hành công vụ có gia tăng nhưng các vụ có tính chất nguy hiểm không nhiều. Ít có trường hợp phải sử dụng vũ khí để trấn áp.
Một vài vụ cụ thể cảnh sát giao thông bị tấn công chẳng hạn thì lực lượng cảnh sát có quyền trấn áp. Tôi không ủng hộ việc cho phép bắn, bởi hiện nay số vụ chống người thi hành công vụ chủ yếu trong lĩnh vực đất đai và giao thông, tụ tập đông người… Tất cả những đối tượng này đều không cần thiết phải dùng tới súng để đối phó!
Hơn nữa, về các trường hợp sử dụng vũ khí thì đã có pháp lệnh 16/2011 của Quốc hội rồi. Pháp lệnh rất chặt chẽ, trong khi đó dự thảo nghị định lại không có sự rõ ràng trong điều khoản sử dụng súng và công cụ hỗ trợ như điểm 2, điều 18. Tôi nhấn mạnh ở câu “được sử dụng công cụ hỗ trợ, phương tiện kỹ thuật hoặc nổ súng trực tiếp” vì công cụ hỗ trợ, phương tiện kỹ thuật và súng rất khác nhau, không thể đặt vào trong cùng một tình huống.
Ông Phạm Công Hùng (thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao tại TP.HCM): Hết sức nguy hiểm
Video đang HOT
Khi dự thảo nghị định để cho lực lượng chức năng được bắn có nghĩa là người thi hành công vụ đã được cho quyền phán xét tính mạng của người khác thay tòa án. Tôi cho rằng đây là một dự thảo quá nguy hiểm, nhất là cụm từ “dấu hiệu” trong khoản 2 điều 18. Từ “dấu hiệu” đến kết luận hành vi đó có nguy hiểm hay không là cả một quá trình điều tra, truy tố và xét xử.
Bất kể một công dân nào từ lúc có hành vi vi phạm pháp luật đến lúc bị kết tội đều phải trải qua nhiều bước khác nhau: điều tra, xét hỏi, truy tố, xét xử, thậm chí không chỉ xét xử một lần mà còn rất nhiều lần. Thậm chí điều tra, truy tố, xét xử rồi mà vẫn còn oan sai.
Trong khi đó dự thảo cho phép lực lượng chức năng có “quyền bắn” chỉ bằng nhận định chủ quan duy ý chí? Mà bản thân người thi hành công vụ lúc đó không đủ tỉnh táo sáng suốt để phán đoán xem hành vi ấy đã đủ cấu thành tội nguy hiểm hay chưa bởi đối tượng chống đối rất dễ khiến cho người thi hành công vụ bức xúc. Như vậy, tôi cho rằng đây là những cụm từ hết sức nguy hiểm và thậm chí còn rất khủng khiếp.
Ông Phạm Công Hùng.
Tôi nói ví dụ thế này, nếu người thi hành công vụ nhìn thấy đối tượng cầm một khẩu súng và phán xét rằng hành vi cầm súng có “dấu hiệu” nguy hiểm đến tính mạng của bản thân nên bắn nhưng nếu đó chỉ là khẩu súng nhựa thì sao? Lúc đó lỡ mạng người mất rồi sẽ tính thế nào?
Hơn nữa, pháp lệnh 16 đã quy định rất rõ ràng về việc sử dụng súng và bắn trong những trường hợp rất cụ thể. Luật càng cụ thể bao nhiêu thì việc thi hành luật càng dễ dàng bấy nhiêu. Nghị định, thông tư là để hướng dẫn thực hiện pháp lệnh tốt hơn, còn dự thảo nghị định này lại làm không đúng, thậm chí làm rối rắm hơn pháp lệnh thì thật sự không thể ban hành!
Thẩm phán Phạm Văn Nam (phó chánh án Tòa án nhân dân tỉnh Điện Biên): Không ai có quyền tước đi mạng sống của người khác
Trong dự thảo Hiến pháp sửa đổi đang lấy ý kiến nhân dân có thêm điều khoản: Mọi người đều có quyền được sống! Khi mọi người đều có quyền sống thì không ai có quyền tước đi mạng sống của người khác trừ pháp luật.
Thẩm phán Phạm Văn Nam.
Tôi chỉ nói đến quy trình xét xử một bản án tử hình đối với tội phạm, đó là sự đấu tranh rất lớn của những người cầm cân nảy mực, giữ vai trò của người đại diện pháp luật và tuyên án. Thậm chí, đã có trường hợp tòa án xử tử hình nhưng trong văn bản lại viết sai tên lót của đối tượng thì cũng phải xử lại, điều tra lại, xác minh lại, làm lại hồ sơ vụ án. Điều đó cho thấy luật pháp hết sức cẩn trọng khi quyết định liên quan đến sinh mạng con người.
Ở Điện Biên có rất nhiều án ma túy nghiêm trọng, khi buộc phải tuyên án tử hình, tước đi quyền sống của một con người, thì cả một hệ thống cơ quan điều tra, viện kiểm sát, tòa án… làm việc nghiêm túc và cẩn trọng. Vậy nên, về quyền “được bắn” của lực lượng chức năng đối với người chống người thi hành công vụ mà quy định theo ý chí chủ quan của lực lượng thi hành công vụ là vi phạm nghiêm trọng quyền con người. Vậy nên, biện pháp tốt nhất để trấn áp những đối tượng chống người thi hành công vụ chính là biện pháp nghiệp vụ mà lực lượng chức năng phải được trang bị.
Trường hợp có căn cứ thực tế để cho rằng hành vi chống người thi hành công vụ sẽ gây ra hậu quả nghiêm trọng về tính mạng, sức khỏe, tài sản của người thi hành công vụ hoặc của người khác hoặc có dấu hiệu của một tội phạm nghiêm trọng, rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng thì người thi hành công vụ được sử dụng công cụ hỗ trợ, phương tiện kỹ thuật hoặc nổ súng trực tiếp vào người và phương tiện vi phạm để phòng vệ, tấn công, vô hiệu hóa hành vi chống người thi hành công vụ, kịp thời ngăn chặn hậu quả xảy ra và bắt giữ người có hành vi chống người thi hành công vụ.
(Khoản 2, điều 18 dự thảo nghị định)
Theo vietbao
"Doạ" cảnh sát giao thông sẽ bị phạt tới 5 triệu đồng
Từ 1/7, người tham gia giao thông có lời nói, hành động đe doạ, lăng mạ, xúc phạm hoặc chống lại người thi hành công vụ sẽ bị phạt từ 3-5 triệu đồng.
Vài năm trở lại đây tại các thành phố lớn ở nước ta, đặc biệt là Hà Nội và TPHCM liên tục xảy ra các trường hợp người tham gia giao thông sau khi bị lực lượng thi hành công vụ, chủ yếu là cảnh sát giao thông, thanh tra giao thông dừng xe kiểm tra hành chính không những không chấp hành mà còn có lời nói, hành động đe doạ, thậm chí hành hung lực lượng làm nhiệm vụ.
Theo Dự thảo Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt do Bộ Giao thông vận tải vừa hoàn thành đang lấy ý kiến các bộ, ngành, từ 1/7, người tham gia giao thông có lời nói, hành động đe doạ, lăng mạ, xúc phạm hoặc chống lại người thi hành công vụ sẽ bị phạt từ 3-5 triệu đồng.
Cụ thể, Điều 35 của Nghị định về việc xử phạt người có hành vi cản trở việc thanh tra, kiểm tra, kiểm soát của người thi hành công vụ hoặc đưa hối lộ người thi hành công vụ, nêu rõ: Phạt tiền từ 1.000.000 - 2.000.000 đồng đối với hành vi môi giới, tiếp tay, chỉ dẫn cho người điều khiển phương tiện trốn tránh việc kiểm tra, kiểm soát của người thi hành công vụ.
Phạt tiền từ 3.000.000 - 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi: Cản trở hoặc không chấp hành yêu cầu thanh tra, kiểm tra, kiểm soát của người thi hành công vụ về: Các giấy tờ liên quan đến người và phương tiện, điều kiện hoạt động của phương tiện, hoạt động vận tải và dịch vụ hỗ trợ vận tải, đào tạo, sát hạch lái xe, đăng kiểm phương tiện;
Có lời nói, hành động đe dọa, lăng mạ, xúc phạm danh dự hoặc chống lại người thi hành công vụ, xúi giục người khác không chấp hành yêu cầu thanh tra, kiểm tra, kiểm soát của người thi hành công vụ, sử dụng uy tín của cá nhân, tổ chức để gây áp lực, cản trở người thi hành công vụ; Đưa tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác cho người thi hành công vụ để trốn tránh việc xử lý vi phạm hành chính.
Ngoài việc bị phạt tiền, người vi phạm còn bị áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung: tịch thu số tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác đưa hối lộ cho lực lượng làm nhiệm vụ; bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe (khi điều khiển ô tô, mô tô, máy kéo, các loại xe tương tự ô tô, các loại xe tương tự mô tô), chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ (khi điều khiển xe máy chuyên dùng) 2 tháng.
Theo dantri
Tạm đình chỉ 9 cán bộ quản lý thị trường vi phạm đạo đức công vụ Sau khi báo chí phản ánh một số cán bộ quản lý thị trường (QLTT) trên địa bàn có những biểu hiện tiêu cực trong thực thi nhiệm vụ, Sở Công thương tỉnh Nghệ An đã tạm đình chỉ 9 cán bộ QLTT để điều tra vụ việc. Đây là thông tin đã được ông Phan Thanh Tịnh - Giám đốc Sở Công...