Người thân nạn nhân thảm kịch Thượng Hải đòi thi thể
Người thân của các nạn nhân trong vụ giẫm đạp đêm giao thừa tại Thượng Hải yêu cầu nhà chức trách đối xử công bằng sau khi thi thể của 2 người nước ngoài được trả về cho gia đình, theo South China Morning Post (SCMP) ngày 5.1.
Thân nhân người bị nạn trong thảm kịch giẫm đạp ở Thượng Hải – Ảnh: Reuters
Người thân của các nạn nhân vụ giẫm đạp đêm giao thừa đã tụ tập trước tòa nhà chính quyền ở thành phố Thượng Hải để yêu cầu bồi thường, và trao trả thi thể người thiệt mạng về cho gia đình. Tuy nhiên, cơ quan chức năng đã từ chối những đòi hỏi này, thông báo sẽ tiếp tục lưu giữ xác của các nạn nhân nhằm phục vụ công tác điều tra, theo SCMP.
Trước đó, thi thể của 2 người đến từ Đài Loan và Malaysia đã được trao trả về cho gia đình, khiến người dân Trung Quốc cảm thấy bị phân biệt đối xử. Quan chức Thượng Hải bị cáo buộc cẩu thả khi cho đến nay vẫn chưa đưa ra phát ngôn nào nhằm giải thích hoặc an ủi thân nhân, SCMP dẫn lời một người dân tham gia biểu tình.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã yêu cầu cơ quan có trách nhiệm phải làm mọi cách để hỗ trợ người bị thương và tiến hành điều tra thật cặn kẽ. Nguồn tin cấp cao cho biết nhiều quan chức và nhân viên cảnh sát quận Hoàng Phố có thể sẽ phải nghỉ việc.
Video đang HOT
Ít nhất 36 người thiệt mạng, 49 người khác bị thương trong thảm họa giẫm đạp đầu năm mới tại khu Bund, nằm bên bờ sông Hoàng Phố (Thượng Hải). Tính tới trưa 4.1, 25 người vẫn đang phải điều trị tại bệnh viện, trong đó 7 người trong tình trạng nguy kịch, SCMP dẫn thông báo từ chính quyền thành phố Thượng Hải.
Năm 2004, thị trưởng và 14 quan chức quận Mật Vân (Bắc Kinh) đã phải từ chức và chịu các án phạt, thậm chí ngồi tù để chịu trách nhiệm cho vụ giẫm đạp trên cầu trong Lễ hội đèn lồng khiến 37 người thiệt mạng, theo SCMP.
Hữu Đạt
Theo Thanhnien
Thảm kịch Thượng Hải lộ yếu kém trong quản lý đám đông
Các nhân chứng và gia đình nạn nhân thảm kịch giẫm đạp ở Thượng Hải cho rằng vụ việc đêm giao thừa có thể ngăn chặn nếu đủ cảnh sát và họ được chuẩn bị cho việc quản lý đám đông, theo tờ Time ngày 2.1.
Tưởng niệm những nạn nhân trong vụ giẫm đạp ở bến Thượng Hải - Ảnh: Reuters
Ngay trước thời khắc giao thừa, vụ giẫm đạp kinh hoàng khiến 36 người thiệt mạng và 47 người bị thương đã xảy ra ở Bến Thượng Hải, Trung Quốc. Sự việc càng làm lộ rõ sự yếu kém trong vấn đề kiểm soát đám đông ở quốc gia đông dân nhất thế giới.
Thảm kịch nói trên làm dấy lên lo ngại về thời gian nghỉ lễ lớn vào dịp Tết Nguyên đán của Trung Quốc. Trên thực tế, thời khắc đón mừng năm mới vừa qua chưa lớn so với kỳ lễ hội quy mô vào dịp Tết âm lịch, sẽ bắt đầu bằng lễ hội mùa xuân ngày 19.2 và kết thúc bằng lễ hội đèn lồng vào ngày 5.3.
Điều đáng chú ý là truyền thông nước ngoài đã bị cấm tham gia cuộc họp báo của cảnh sát về vụ việc, điều này cho thấy sự nhạy cảm của vấn đề, theo Reuters.
Vụ giẫm đạp gây chết người vừa qua đặt ra nhiều câu hỏi về nguyên nhân thực sự. Nhiều người nghĩ rằng nguyên nhân do những đồng tiền giả 100 USD bị ném xuống và mọi người xô đẩy nhau tranh giành. Thế nhưng, cảnh sát Thượng Hải đã bác bỏ nguyên nhân này, họ cho rằng hành động ném những đồng tiền giả nói trên diễn ra sau khi hỗn loạn, theo Reuters.
Một đoạn video được đăng tải trên Youku.com cho thấy cảnh sát và những người tham gia vui chơi tại khu vực đã la hét để đám đông lớn dừng việc di chuyển. Một cảnh quay khác trong đoạn video cho thấy mọi người cứ la hét và đẩy ngã những người khác, Time dẫn tin từ đài truyền hình CCTV.
Vụ giẫm đạp đêm giao thừa tại bến Thượng Hải làm 36 người thiệt mạng - Ảnh: Reuters
Các nhân chứng và gia đình của nạn nhân nói với truyền thông địa phương rằng sự hiện diện của cảnh sát ở bến Thượng Hải đêm hôm xảy ra vụ việc là rất ít, họ cũng nói rằng cảnh sát đã không chuẩn bị hay ra sức quản lý đám đông hôm xảy ra thảm kịch.
Một nhân chứng nói với tờ South China Morning Post rằng: "Bi kịch có thể tránh được nếu có đủ nhân viên cảnh sát được điều động để duy trì trật tự". Trong khi đó, Cơ quan quản trị du lịch quốc gia Trung Quốc cũng đã chỉ trích giới chức và kêu gọi thực hiện các biện pháp kiểm soát đám đông ở các điểm du lịch chính.
Đây không phải lần đầu tiên Trung Quốc để xảy ra những vụ việc đau lòng trong các sự kiện lớn. Vào năm 2004, trong đêm cuối cùng của kỳ lễ hội Tết Nguyên đán, một vụ giẫm đạp đã khiến 37 người thiệt mạng tại một công viên ở ngoại ô Bắc Kinh.
Các phương tiện truyền thông lúc đó đã chỉ trích cảnh sát không kiểm soát lượng người được phép lên một cây cầu, do vậy sau khi một người bị trượt chân thì một phản ứng dây chuyền làm nhiều người hoảng loạn và ngã theo, theo Time.
Ngọc Mai
Theo Thanhnien
5 thảm kịch đầu năm trên thế giới Với nhiều người trên thế giới, ngày đầu năm là thời điểm để ăn mừng và nghỉ ngơi, tuy nhiên đối với một số người lại là thảm kịch. Tờ RT của Nga thống kê những tai nạn đau lòng trên thế giới ngay vào dịp năm mới. Hiện trường vụ giẫm đạp tại thành phố Thượng Hải (Trung Quốc) - Ảnh: Reuters...