Người thân hai miền Triều Tiên sẽ được hội ngộ vào tháng 10
Các gia đình bị chia ly sau Chiến tranh Triều Tiên sẽ được gặp mặt nhau tại khu nghỉ dưỡng ở núi Kumgang (Triều Tiên) từ ngày 20-26.10 tới, Yonhap ngày 8.9 dẫn thỏa thuận vừa đạt được giữa Hàn Quốc và Triều Tiên.
Cụ bà Lee Young-si (87 tuổi) hội ngộ em gái Lee Yung-sil (84 tuổi) vào năm 2014 – Ảnh: Reuters
Sau những cuộc đàm phán xuyên đêm ở Bàn Môn Điếm, Triều Tiên và Hàn Quốc ngày 8.9 đã đạt được thỏa thuận về việc tổ chức hội ngộ cho những gia đình bị ly tán do cuộc chiến tranh Triều Tiên (1950-1953). Theo thỏa thuận này, 100 gia đình ở mỗi miền sẽ được đoàn tụ với người thân mình tại khu nghỉ dưỡng ở núi Kumgang của Triều Tiên từ ngày 20-26.10 tới, Yonhap dẫn thông báo của Bộ Thống nhất Hàn Quốc.
Hơn 60 năm kể từ cuộc chiến tranh Triều Tiên, hàng trăm nghìn người mong ngóng được đoàn tụ gia đình, trong đó ở Hàn Quốc hiện nay hơn 66.000 người còn sống và tiếp tục chờ đợi. Thế nhưng kể từ cuộc họp lịch sử liên Triều vào năm 2000 đến nay, với nhiều lần tổ chức gặp mặt các gia đình hai bên nhưng chỉ có khoảng 18.800 người tính cả hai miền được gặp mặt người thân.
Video đang HOT
Rất nhiều người đã ở tuổi gần đất xa trời vẫn mong ngày được gặp mặt người thân – Ảnh: Reuters
Một cụ ông người Hàn Quốc gạt nước mắt nhìn người thân của mình lên xe đi về sau cuộc hội ngộ – Ảnh: Reuters
Lần gần đây nhất các gia đình ở hai miền được hội ngộ là vào tháng 2.2014. Lúc đó, 170 gia đình được đoàn tụ với hình ảnh đầy xúc động của những cụ già đã ngót nghét 70, 80 tuổi.
Thỏa thuận về việc tổ chức cuộc hội ngộ vào tháng 10 cho các gia đình bị ly tán sau chiến tranh được đánh giá là một hy vọng mới cho mối quan hệ giữa hai miền Triều Tiên, dù căng thẳng trong quan hệ liên Triều vẫn còn nhiều.
Ngọc Mai
Theo Thanhnien
Quan hệ giữa Triều Tiên và Hàn Quốc: Cần mà không thể vội
Quan hệ giữa CHDCND Triều Tiên và Hàn Quốc có thêm biểu hiện giảm căng thẳng khi 2 miền nối lại thảo luận về đoàn tụ những gia đình bị ly tán bởi chiến tranh.
Người Hàn Quốc đăng ký tham gia chương trình đoàn tụ - Ảnh: Reuters
Theo thỏa thuận trước đây, việc này được tiến hành hằng năm nhưng thực tế không được như vậy. Suốt 5 năm qua, mới diễn ra 1 cuộc tái hợp và cũng chỉ cho hơn 100 gia đình trong khi ở cả hai phía còn rất nhiều người mong được một lần gặp lại người thân.
Nhìn từ giác độ con người thì việc này vừa cần thiết vừa gấp gáp. Sau hơn 60 năm chia cắt, tất cả những người ly tán gia đình giờ đều đã cao tuổi. Nếu tiến độ cứ chậm và quy mô cứ nhỏ như vậy thì số người được đáp ứng nguyện vọng gặp lại người thân chẳng thấm tháp vào đâu.
Lẽ ra, Triều Tiên và Hàn Quốc phải cùng nhau chạy đua với thời gian nhưng cả hai đều tỏ ra không vội. Đối với người dân, việc này mang tính nhân đạo và là chuyện tình cảm gia đình thuần túy. Nhưng đối với chính phủ của cả hai nước thì đây không chỉ là chuyện chính trị đối nội mà còn là một con chủ bài trong xử lý quan hệ song phương.
Nó được cả hai phía duy trì và đặc biệt coi trọng vì có tác dụng như hàn thử biểu về mức độ quan hệ vừa có thể dùng để làm găng với nhau lại vừa có thể là cái van giảm căng thẳng. Chính vì thế mà cả chính phủ lẫn dân chúng 2 miền đều thấy việc này rất cần nhưng đồng thời cũng rất biết rằng không thể vội vã được.
Thương thảo được nối lại là biểu hiện tích cực và đáng khích lệ nhưng cũng không nên thiếu thận trọng trong lạc quan.
La Phù
Theo Thanhnien
Triều Tiên không xin lỗi Hàn Quốc vụ nổ mìn ở biên giới Ủy ban Quốc phòng Triều Tiên cho biết Bình Nhưỡng không hề lên tiếng xin lỗi về vụ nổ mìn tại khu vực biên giới hai nước ở Bàn Môn Điếm hồi tháng 8 như Hàn Quốc đã tiết lộ trước đó, hãng tin AP cho biết. Quan chức Triều Tiên và Hàn Quốc bắt tay nhau trong một cuộc họp tại Paju...