Người Tây Nguyên đổ xô đào giếng vượt đại hạn
Hồ đập trơ đáy, người dân vùng đại hạn đang cấp tập khoan giếng tìm nước tưới cho hàng trăm nghìn hecta cây trồng, dấy lên quan ngại suy giảm mạch nước ngầm.
Giữa tháng 4, các con đường dẫn vào rẫy tiêu, cà phê ở Tây Nguyên tấp nập những người đàn ông lấm lem bùn đất ra vào. Tiếng máy khoan giếng vang rền cả khu vực. Dưới cái nắng đỏ da, từng tốp người mồ hôi nhễ nhại, hì hục kéo những xô đất đỏ từ lòng đất lên bờ.
Tốp thợ 4 người do anh Đào Tiến Thành ở huyện Chư Pưh (Gia Lai)thuê đào giếng 10 ngày nay vẫn chưa có nước, dù đạt độ sâu gần 30 m. Số tiền trả cho thợ đã hơn 20 triệu đồng trong khi dự đoán phải đào 5-7 m nữa mới bắt được mạch nước ngầm.
“Tôi có sẵn 2 giếng rồi nhưng sau Tết nó hết nước, gần 3 ha cà phê khô nhánh, rụng lá nên phải thuê đào gấp. Mấy giếng cũ mình cũng cho đào thêm 4 m rồi khoan ngang tìm mạch nước ngầm. Tốn gần 50 triệu rồi, hi vọng trời thương cho nước”, anh Thành nói, vẻ ngán ngẩm.
Trước đây gia đình anh Thành chỉ cần đào 15-20 m, nước đã tuôn xối xả. Ba hecta cà phê chỉ cần một giếng nhưng nay chỉ cần tưới 10 phút là hết nước. Việc khoan, đào xuống sâu tìm nước ngầm gặp khó khăn khi thường xuyên vướng đá bàn. Loại đá cứng, nằm cách mặt đất 30-40 m.
Dễ dàng bắt gặp hình ảnh này ở Tây Nguyên mùa đại hạn. Ảnh: Duy Trần
Tại xã Hbông ( “rốn” hạn của huyện Chư Sê, Gia Lai), người dân cũng tranh nhau thuê thợ về khoan giếng. Ông Hoàng Đinh – chủ cơ sở khoan giếng – cho biết, nhà ông có 3 tốp thợ nhưng hai tháng nay không có ngày nghỉ ngơi. Bản thân ông cùng hai con trai cũng mang máy đi khoan.
“Một ngày tôi nhận hàng chục cuộc gọi hối thúc của khách vì tiêu, cà phê của họ đang chết dần, nghe xót lắm. Nhưng khoan sâu mới có nước, lại toàn đụng đá bàn nên thợ mất rất nhiều thời gian.Tiền thì nhiều thật nhưng trong cảnh bà con khốn khó vầy cũng không ham”, ông Đinh nói.
Tình trạng thiếu nước hiện diễn ra nghiêm trọng hơn ở thủ phủ cà phê – Đăk Lăk – do hàng trăm hồ, đập đã kiệt nước. Do vậy người dân chỉ còn biết đào giếng mới hy vọng có nước cứu cà phê. Không may mắn như nhiều người, anh Nguyễn Thế Lâm (huyện Cư M’gar) cho biết đã khoan giếng xuống độ sâu gần 100 m vẫn chưa thấy nước, tốn hàng chục triệu đồng. Hiện, nhóm thợ đang khoan mũi thứ hai.
Tương tự anh Lâm, các chủ vườn cà phê khác dù đang khó khăn vẫn sẵn sàng vay ngân hàng hàng chục triệu đồng để khoan, đào giếng. Đây được xem là giải pháp duy nhất khi tất cả nguồn cung nước khác đã “đầu hàng” đại hạn.
“Dân chúng tôi giờ trăm người như một, ai cũng lo chọc đất tìm nước, có nhà khoan đào đến 2-3 giếng để có nước tưới. Nhiều nhà khoan hơn trăm mét cũng không có nước”, anh Lâm tỏ vẻ ngao ngán.
Toàn vùng Tây Nguyên hiện có 500.000 ha cà phê. Trong đó hơn 50% nguồn nước tưới vào mùa khô được lấy từ các giếng khoan, giếng đào.
Video đang HOT
Giếng nước bỏ hoang ở huyện Chư Sê, Gia Lai vì hết nước. Ảnh: Duy Trần
Trong khảo sát của trường Đại học Thủy lợi Hà Nội phối hợp với Viện Khoa học Kỹ thuật Nông Lâm nghiệp Tây Nguyên (Wasi), tại một số vùng, cứ một km2 có tới 120-180 giếng đào, khoan lớn nhỏ với tần suất khai thác hơn 200 triệu lít mỗi ngày đêm. Mùa khô năm sau thì số giếng tăng rất nhiều so với năm trước. Độ sâu của giếng theo đó cũng gia tăng liên tục qua từng năm.
Còn nghiên cứu của Đoàn Tài nguyên nước Trung Tây Nguyên chỉ ra mực nước ngầm tại Đăk Lăk, Đăk Nông đã thấp hơn khoảng 2 m so với bình quân nhiều năm. Trong đó, vùng Cư Bao (thị xã Buôn Hồ, tỉnh Đăk Lăk) cá biệt nhất, sụt giảm 4 m so với bình quân nhiều năm.
Tốc độ phát triển nông nghiệp ở Tây Nguyên ngày một tăng nhanh, kéo theo nhu cầu sử dụng nguồn nước càng lớn. Nhiều nhà khoa học đã lên tiếng cảnh báo hoạt động khai thác, sử dụng nguồn nước ngầm đã đến mức báo động, không kiểm soát nổi.
Theo Tiến sĩ Lê Ngọc Báu – Viện trưởng Wasi, mô hình tưới tiết kiệm được khuyến cáo áp dụng từ rất lâu nhưng người dân vẫn sử dụng nước lãng phí. Cà phê trong năm đầu chỉ cần tưới 120 lít nước một gốc mỗi lần, chu kỳ tưới 20-22 ngày. Hai năm tiếp theo, nâng gấp đôi lượng nước tưới với chu kỳ 22-25 ngày. Đối với cà phê thu hoạch, cần tưới khoảng 500 lít một gốc mỗi lần.
Nhưng người trồng cà phê ở Tây Nguyên vẫn có thói quen tưới 5 lần trong một mùa khô, khối lượng nước cho mỗi lần lên tới 600-700 lít một gốc. Với thói quen này, lượng nước tưới gây lãng phí lên tới 300-400 lít một gốc.
Hiện hàng trăm hồ đập ở Tây Nguyên trong tình trạng trơ đáy. Ảnh: Duy Trần
Do hiện tượng El Nino diễn biến phức tạp nhất trong 20 năm qua nên hàng trăm hồ chứa ở các tỉnh Tây Nguyên đang kiệt nước. Nhiều hồ trơ đáy, các con suối, sông nhỏ cũng rơi vào tình cảnh tương tự. Ngoài việc tiếp nước, dân Tây Nguyên mong trận mưa lớn để giải “cơn khát” kéo dài hơn 3 tháng nay.
Duy Trần – Nhật Hạ
Theo VNE
Tây Nguyên 'oằn' mình trong đại hạn lịch sử
Hồ chứa trơ đáy nứt nẻ, giếng đào sâu 40 m không có nước khiến hàng hàng nghìn hecta cà phê, tiêu, lúa... chết cháy và người dân Tây Nguyên vùng "rốn" hạn cũng không còn cả nước sinh hoạt.
Trong cơn hạn hán kéo dài nhiều tháng qua, hàng trăm hồ chứa ở các tỉnh Tây Nguyên chỉ còn khoảng 30-40% so với dung tích thiết kế. Tại Đăk Lăk có 250 hồ cạn nước, con số này ở Đăk Nông, Kon Tum, Gia Lai lần lượt là 17-40-5 hồ.
Trong ảnh là hồ Iamơnông rộng 69 ha trơ đáy ở huyện Chư Păh, Gia Lai. Đây cũng là tỉnh chịu ảnh hưởng nặng nề của trận hạn hán khắc nghiệt được đánh giá nghiêm trọng nhất hai mươi năm qua.
Không chỉ hồ chứa, tất cả giếng đào sâu 30-40 m cũng không có nước. "Mình đã đào 42 m, tạt ngang 3 m nữa nhưng cứ bơm chừng 10 phút là hết nước. Hiện không thể đào sâu thêm vì tiền công nhiều, lại gặp đá tảng", Anh Hồ Duy Hoàng, chủ 3 hecta cà phê ở huyện Chư Sê cho hay.
Thiếu nước, hàng nghìn ha lúa trên các cánh đồng ở phía tây tỉnh Gia Lai cháy khô, giờ làm nguồn thức ăn cho trâu bò.
"Lúa đương bông nhưng chẳng có giọt nước nào nên cháy vàng, lép xẹp, mình đành để cho bò ăn thôi. Năm nay đói rồi, đồng bào mình chỉ dựa vào đây nên chờ chính quyền cứu trợ thôi", chị Rơ Châm Chút ở huyện Chư Pưh than thở.
Việc thiếu nước tưới khiến hàng trăm nghìn ha cà phê ở Tây Nguyên queo quắc. Bà Nguyễn Thị Nga ở huyện Chư Pưh có 5 sào cà phê nhưng phần lớn đã chết khô do 2 tháng nay do chỉ được tưới một lần.
Hàng loạt gia đình đã nhổ cọc, phá bỏ cây tiêu vì không có nước tưới. "Giờ nước sinh hoạt cho người còn phải tằn tiện lấy đâu ra nước tưới. Tiêu giúp mình làm giàu mấy năm nay giờ phải nhổ bỏ. Lâu lắm rồi làng này mới thấy hạn hán khốc liệt như năm nay", ông Võ Lâm Ba huyện Chư Pưh chia sẻ.
Dọc theo các tuyến đường dẫn vào rẫy tiêu, cà phê, người dân đua nhau đào, khoan giếng mới hoặc đào sâu hơn các giếng cũ để tìm nước. Nhiều chủ vườn cho biết phải vay ngân hàng, mượn tiền bà con ở xa để đào giếng bởi mỗi cái tốn 60-70 triệu đồng.
Nước sinh hoạt cũng trở thành vấn đề nan giải với người dân vùng hạn. Chiều tối hoặc sáng sớm, tại các khe suối, sông cạn, người dân địu giỏ mang bình ra hứng nước về sử dụng. Nguồn nước này dùng để ăn uống, tắm giặt trong gia đình.
Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp, hiện có hơn 30.000 người ở Tây Nguyên thiếu nước sinh hoạt. Đài khí tượng thủy văn khu vực Tây Nguyên dự báo, đợt hạn hán sẽ còn kéo dài và lên đỉnh điểm vào thời gian tới.
Tại xã Hbông, nơi đang hứng chịu hạn hán khốc liệt nhất của tỉnh Gia Lai, hàng nghìn thùng nước được chính quyền địa phương hỗ trợ người dân giải "cơn khát" nước.
Chị Rơ Chăm Hân cho biết mỗi gia đình được hỗ trợ 3 thùng nước 20 lít, 3 can nhựa để chứa nên có thể yên tâm trong 10 ngày tới. "Vườn coi như bỏ rồi, người giờ cũng thiếu nước nữa mà. Giếng thì cạn khô nên nhận được nước hỗ trợ thì quý lắm", Rơ Chăm Hân hớn hở.
Nhận định về tình hình khô hạn tại Tây Nguyên, Thứ trưởng Nông nghiệp &Phát triển nông thôn Hoàng Văn Thắng cho rằng, đây là đợt El Nino kéo dài nhất trong lịch sử quan trắc nước ta. Điều này khiến nhiệt độ tăng cao, lượng mưa ít gây thiếu nước nghiêm trọng, đe dọa đến sản xuất và đời sống của người dân.
"Mùa khô năm nay sẽ hạn gay gắt, khốc liệt nhất trong lịch sử Tây Nguyên", ông Trần Trung Thành - Phó giám đốc Đài Khí tượng thủy văn Tây Nguyên nói.
Trước đó, Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về thị sát hạn hán tại Tây Nguyên nhận định tình hình hết sức nghiêm trọng. Ông chỉ đạo giãn nợ cho người dân, phát 500 tấn gạo mỗi tỉnh để cứu đói đồng thời chi gấp 300 tỷ xây thêm hồ chứa khu vực phía Tây tỉnh Gia Lai.
Duy Trần
Theo VNE
8.000 ha cây trồng ở Quảng Trị đang khô hạn Hạn hán khiến tỉnh Quảng Trị bị chậm lịch thời vụ khoảng 10 ngày, dẫn đến nguy cơ hạn đầu vụ, lụt cuối vụ. Ngày 8/4, Thứ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Quốc Doanh có chuyến thăm và làm việc tại Quảng Trị. Báo cáo với đoàn công tác, ông Võ Văn Hưng, Giám đốc Sở Nông nghiệp Quảng...