Người sửa điểm thi ở Hà Giang có bị xử lý hình sự?
Theo phân tích của luật sư, hành vi can thiệp, sửa chữa điểm của Phó Trưởng phòng Khảo thí (Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Giang) có dấu hiệu phạm tội “Giả mạo trong công tác”. Ngoài ra, cơ quan điều tra có thể mở rộng để làm rõ có hay không hành vi đưa – nhận và môi giới hối lộ.
Liên quan đến vụ việc ông Vũ Trọng Lương (Phó Trưởng phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng – Sở GD&ĐT Hà Giang) trực tiếp can thiệp vào kết quả của thí sinh từ máy tính quét trắc nghiệm, PV Dân trí có cuộc trao đổi với luật sư Tạ Anh Tuấn – Trưởng Văn phòng luật sư Bách Gia Luật và Liên danh (Đoàn Luật sư TP Hà Nội).
Họp báo về điểm thi cao bất thường ở Hà Giang. (Ảnh: Kiên Trung)
Theo luật sư Tuấn, các kỳ thi nói chung và kỳ thi THPT Quốc gia phải được tổ chức công bằng, nghiêm túc, khách quan. Mọi sự sai sót, sự cố hay có dấu hiệu tiêu cực nếu có đều phải được xử lý kịp thời và nghiêm minh.
Sự việc Phó Trưởng phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng (Sở GD&ĐT Hà Giang) có hành vi can thiệp, sửa điểm, làm sai lệch kết quả thi hàng trăm trường hợp đã gây ảnh hưởng đến uy tín của ngành giáo dục nói chung và của tỉnh Hà Giang nói riêng, gây bất bình trong dư luận xã hội. Vụ việc này, theo luật sư Tuấn, cần thiết phải được khởi tố, điều tra và xử lý thật nghiêm minh theo quy định của pháp luật.
Trưởng Văn phòng luật sư Bách Gia Luật và Liên danh cho rằng, hành vi can thiệp sửa điểm thi nói trên tùy theo tính chất mức độ vi phạm người vi phạm sẽ bị xử lý kỷ luật buộc thôi việc theo Điều 48 quy chế thi THPT quốc gia và xét công nhận tốt nghiệp THPT (ban hành kèm theo Thông tư số 04/2017/TT-BGDĐT ngày 25/1/2017 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT) hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 359 Bộ luật Hình sự năm 2015 về tội “Giả mạo trong công tác”.
Điểm cao bất thường của Hà Giang so với cả nước (Ảnh: vtv.vn).
Theo phân tích của luật sư Tuấn, hành vi can thiệp sửa điểm của ông Vũ Trọng Lương có dấu hiệu phạm tội theo Điều 359 BLHS năm 2015. Cụ thể, căn cứ khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can để điều tra về hành vi gian lận theo tội danh này người phạm tội phải thỏa mãn đầy đủ 4 yếu tố cấu thành tội phạm: mặt khách thể tội phạm, mặt khách quan, mặt chủ quan và chủ thể tội phạm.
Trong đó, dấu hiệu về mặt chủ thể là dấu hiệu bắt buộc của tội danh theo Điều 359. Theo đó, người phạm tội là người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan nhà nước do được bổ nhiệm thực hiện công việc được giao (chủ thể đặc biệt) vì động cơ vụ lợi hoặc vì lợi ích vật chất khác có hành vi sửa chữa làm sai lệch giấy tờ, tài liệu…
Video đang HOT
“Như vậy, trong vụ việc này, hành vi can thiệp sửa chữa điểm nói trên của Phó Trưởng phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng (Sở GD&ĐT Hà Giang) có dấu hiệu phạm tội theo Điều 359 BLHS năm 2015.” – luật sư Tạ Anh Tuấn nhận định.
Ngoài hành vi có dấu hiệu tội danh theo Điều 359, theo luật sư Tuấn, nếu vụ án được khởi tố điều tra mở rộng, cơ quan điều tra chứng minh được người thân hoặc thông qua trung gian có hành vi đưa – nhận tiền hoặc lợi ích vật chất khác cho người có chức vụ quyền hạn làm sai lệch kết quả thi sẽ truy tố về tội “Nhận hối lộ” theo Điều 354, tội “Đưa hối lộ” theo Điều 364 và tội “Môi giới hối lộ” theo Điều 365 BLHS năm 2015.
Điều 359. Tội giả mạo trong công tác
1. Người nào vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác mà lợi dụng chức vụ, quyền hạn thực hiện một trong các hành vi sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
a) Sửa chữa, làm sai lệch nội dung giấy tờ, tài liệu;
b) Làm, cấp giấy tờ giả;
c) Giả mạo chữ ký của người có chức vụ, quyền hạn.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm:
a) Có tổ chức;
b) Người phạm tội là người có trách nhiệm lập hoặc cấp các giấy tờ, tài liệu;
c) Làm, cấp giấy tờ giả với số lượng từ 02 giấy tờ giả đến 05 giấy tờ giả.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Làm, cấp giấy tờ giả với số lượng từ 05 giấy tờ giả đến 10 giấy tờ giả;
b) Để thực hiện tội phạm ít nghiêm trọng hoặc tội phạm nghiêm trọng.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm:
a) Làm, cấp giấy tờ giả với số lượng từ 11 giấy tờ giả trở lên;
b) Để thực hiện tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.
5. Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm, có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng.
Tiến Nguyên
Theo Dantri
Về nghi vấn con ông Vũ Trọng Lương được sửa điểm thi năm 2017
Một số thông tin cho rằng ông Vũ Trọng Lương có con gái tên là Vũ Đan Lê, đạt số điểm 28,4 điểm, đang học tập tại Học viện A và đặt nghi vấn có hay không việc sửa điểm thi của thí sinh này vào kỳ thi THPT quốc gia năm 2017. Tuy nhiên, xác minh của PV cho thấy, thông tin này không có cơ sở
Trên nhiều trang mạng xã hội đã chia sẻ một số hình ảnh một thí sinh có tên là Vũ Đan Lê, tham dự kỳ thi THPT quốc gia năm 2017, được cho là con gái của ông Vũ Trọng Lương. Điều đáng lưu ý là thí sinh này đạt số điểm rất cao, cụ thể là Toán 9,6, Ngoại ngữ 9,8, Hóa học 9,0, Ngữ văn: 6,5, Vật lý 0,0 và Sinh học 9,25. Nhiều ý kiến băn khoăn rằng liệu có sự tác động nào từ phía ông Lương tới điểm số này hay không khi vụ việc nâng điểm chưa bị phát hiện?
Nghi vấn thí sinh Vũ Đan Lê là con gái ông Vũ Trọng Lương xôn xao trên mạng xã hội ngày hôm nay.
Để làm rõ thông tin này, chiều 18.7, phóng viên Dân Việt đã có mặt tại tại nơi gia đình ông Vũ Trọng Lương sinh sống ở TP Hà Giang. Tuy nhiên căn nhà 3 tầng được cho là của ông Vũ Trọng Lương cửa đóng kín mít. PV bấm chuông nhiều lần không có ai ra mở cửa.
Căn nhà 3 tầng của ông Vũ Trọng Lương đóng cửa kín mít. (Ảnh: P.V)
Trao đổi với PV, ông Toản - cán bộ về hưu từng phục vụ quân đội, hiện là tổ trưởng tổ dân phố nơi ông Lương sinh sống ngay lập tức phủ nhận thông tin thí sinh Vũ Đan Lê là con gái của ông Vũ Trọng Lương. Để chứng minh, ông Toản khẳng định ông nắm rõ trong gia đình, ông Vũ Trọng Lương chỉ có 2 con trai, sinh năm 2003 và 2007 chứ không có con gái tên là Vũ Đan Lê. Trong danh sách tổ dân phố cũng ghi rõ, ông Lương có vợ là Tống Thị Hương và 2 con trai là Vũ T.H và Vũ Q.M.
Ông Vũ Trọng Lương (SN 1978, nguyên quán Thái Bình) được đánh giá là một cán bộ có chuyên môn tốt. Trước khi về công tác tại Sở Giáo dục và đào tạo tỉnh Hà Giang, vị Phó trưởng phòng Khảo thí và Kiểm định chất lượng từng là giáo viên dạy Vật Lý tại trường THPT chuyên tỉnh Hà Giang.
Tuy nhiên, với vai trò là Thư ký Hội đồng thi THPT Quốc gia năm 2018 của Hội đồng thi tỉnh Hà Giang, sau khi kỳ thi kết thúc, ông này đã có những tác động làm sai lệch kết quả của thí sinh gây rúng động dư luận.
Cụ thể, qua kết quả kiểm tra các bài thi trắc nghiệm, cơ quan chức năng xác minh thấy có dấu hiệu nâng kết quả điểm thi.
"Có tất cả 114 thí sinh, với hơn 330 bài thi có tổng điểm đã công bố chênh lên hơn 1,0 điểm so với điểm chấm thẩm định. Không ít thí sinh có tổng điểm chênh lên hơn 20 điểm so với điểm chấm thẩm định. Cá biệt có những thí sinh có tổng điểm được làm tăng lên đến 26,8 điểm, thậm chí 29,95 điểm so với điểm chấm thẩm định" - đại diện Bộ GDĐT cho biết.
Theo kết quả điều tra, ông Lương được phân công dùng máy tính quét bài thi trắc nghiệm hàng năm ở Hà Giang. Lợi dụng việc này, ngày 27.6, vị phó phòng đã lên mạng tải toàn bộ đáp án thi về máy tính và chuyển vào phần mềm. Từ các tin nhắn gửi vào điện thoại cá nhân, ông Lương nhập số báo danh vào máy tính và sửa điểm. Ông Lương chỉ mất 6 giây để sửa điểm cho một thí sinh.
Cơ quan chức năng còn cho biết, ông Lương đã mở ổ khóa niêm phong, rút bài ở túi và sửa đáp án thi. Tổng cộng, ông Lương đã sửa hơn 330 bài thi trắc nghiệm của 114 thí sinh.
Theo Danviet
Cộng đồng đặt loạt câu hỏi nghi vấn quanh vụ nâng điểm thi THPT quốc gia tại Hà Giang Mặc dù đã có những kết luận điều tra ban đầu và tìm ra thủ phạm trong vụ sai phạm nghiêm trọng ở Hà Giang, tuy nhiên dư luận vẫn có nhiều thắc mắc xoay quanh sự việc. Chiều hôm qua (17/7), sau 5 ngày điều tra, Bộ GD&ĐT đã có kết luận chính thức về những nghi vấn điểm thi cao bất...