Người Sài Gòn tập ’sống chung’ với cướp
Không đeo vàng bạc hay sử dụng xe đời mới, ra đường chỉ dám đi taxi… là một trong số cách người dân Sài Gòn áp dụng để tự bảo vệ mình trước nạn cướp giật đang hoành hành.
Sáng đầu tuần, sau khi đưa con đi học, chị Hồng (40 tuổi) dừng chiếc Spacy tại cây xăng trên đường Tô Hiến Thành (phường 15, quận 10, TP HCM). Vừa mở cốp xe lấy ví để trả tiền đổ xăng, chị bị một thanh niên mặc sơ mi trắng, quần jeans xanh, chạy xe Novo (vừa đổ xăng xong) giật phăng rồi rồ ga chạy mất.
Sự việc xảy ra quá nhanh, người phụ nữ chỉ ú ớ mà không kịp truy hô. Nhiều người đưa ánh mắt ái ngại nhìn nạn nhân và cho biết khu vực cây xăng này thường xuyên xảy ra chuyện “ăn bay” của đám cướp giật.
Đeo túi trên vai là “mồi ngon” cho bọn cướp. Ảnh: N.V
Mang tâm trạng chán chường về một quán cà phê trong con hẻm gần nhà kể lại cho bạn bè nghe, chị Hồng bảo trước đó thấy nam thanh niên vừa đổ xăng vừa nhìn mình nhưng trông bộ dạng anh ta quá lịch sự khiến chị không cảnh giác. “Khi ví bị giật khỏi tay, tôi mới biết đã gặp phải tên cướp chuyên nghiệp”, người phụ nữ nói và than tiếc hơn 5 triệu đồng, 200 USD và toàn bộ giấy tờ tùy thân bị lấy mất…
Khi câu chuyện còn đang dang dở, chị Hồng và nhóm bạn giật bắn người bởi tiếng động cơ xe gầm rú từ trong hẻm phóng ra đường lớn, phía sau là tiếng hô “cướp! cướp…” của một phụ nữ. Được hỏi thăm, người đàn bà mặc đồ bộ, tay xách giỏ đi chợ lắp bắp cho biết vừa bị 2 thanh niên giật mất sợi dây chuyền. “Tên ngồi sau còn nhăn nhở quay lại cười chọc tức tôi”, nạn nhân bức xúc.
Ông Hải (45 tuổi, tài xế xe ôm trước hẻm 372 Cách Mạng Tháng Tám, quận 3) cho biết, chuyện cướp giật xảy ra tại đoạn đường này “thường như cơm bữa”, nhiều hôm một buổi sáng xảy ra đến vài vụ. “Vài lần, tôi và các anh xe ôm khác đuổi theo hoặc quăng ghế ra đường ngăn cản nhưng không bắt được chúng. Nhiều sáng đi làm sớm, tôi bắt gặp ở cuối hẻm các túi xách nằm lẫn với giấy tờ mà chúng vứt lại sau khi lấy hết tiền”, ông kể.
Cũng từng là nạn nhân, chị Thu (32 tuổi, nhân viên một tập đoàn viễn thông) cho biết, đám cướp giật giờ không chỉ là những tên lóc chóc, ăn mặc lôi thôi mà đôi khi trông rất lịch sự, đi xe đắt tiền. Một lần, chị đi mua đồng hồ cho con trai trên đường Cách Mạng Tháng 8, đang loay hoay chọn kiểu thì một thanh niên vẻ sang trọng bước vào. Anh ta vờ ngắm nghía các mẫu mã… rồi lao đến giật chiếc ví chị cầm trên tay. Phát hiện sớm, chị kịp giằng co, hắn ta tuột tay nên bước nhanh ra ngoài.
“Nhưng hắn không bỏ đi mà rình ở đường, giằng chiếc ví của tôi một lần nữa. Tôi la lên, kéo con trai chạy sâu vào trong tiệm và truy hô thì hắn mới lên chiếc Vespa LX của đồng bọn chờ sẵn, ung dung bỏ đi. Bây giờ, chúng ta hớ hênh một chút là trở thành con mồi của cướp”, chị Thu nói.
Chị Hải Yến (35 tuổi, ngụ Tân Bình) lại cho rằng trong các vụ án cướp giật cũng có một phần “lỗi” của nạn nhân. “Ai bảo đi xe mà đeo túi xách hờ hững trên vai thì có khác nào ‘mời ông xơi’?”, chị nói và cho biết mình không phải dạng người cẩn thận nhưng với tài sản cá nhân thì làm hết sức có thể để tự bảo vệ.
Chị Yến cho rằng dùng túi xách hàng hiệu mà chị em cứ đeo khi đi xe máy ngoài đường thì không ổn, phải để trong cốp xe. Nhiều bạn bè của chị đã chọn cách đi taxi “cho chắc ăn” bởi họ nghĩ bọn cướp chủ yếu nhằm vào người đi xe máy.
Cất túi xách trong cốp xe là một cách các phụ nữ phòng chống cướp giật. Ảnh: N.V
Trao đổi với VnExpress, ông Trương Lâm Danh, Phó Ban Pháp chế HĐND TP HCM cho biết, thời gian qua tình hình an ninh trật tự tại thành phố thực sự phức tạp, xảy ra nhiều vụ cướp táo tợn. Người thân, bạn bè của ông cũng từng là nạn nhân của bọn cướp.
Video đang HOT
Theo ông, nhiều người còn quá chủ quan, mất cảnh giác như đi đường vắng lúc khuya, đeo nữ trang hớ hênh để rồi biến mình thành “con mồi” cho bọn cướp. “Trách nhiệm bảo đảm an ninh trật tự không phải của riêng ngành công an mà còn là trách nhiệm của mỗi người. Công dân phải tăng cường cảnh giác, tự bảo vệ mình”, ông Danh nói.
Sẽ phong hàm vượt cấp cho công an bắt cướp
Cũng theo ông Danh, Ban Pháp chế HĐND TP HCM từng lưu ý, đề nghị công an tăng cường kiểm soát triệt để, thường xuyên tuần tra, kiểm soát và chỉ đạo cho các công an phường, xã phối hợp với dân phòng tuần tra vào ban đêm. Đồng thời, cơ quan chức năng cũng phải giám sát, theo dõi những người tái hòa nhập cộng đồng, hưởng án treo, hay đang mang tiền án, tiền sự… hết hạn được trả về.
Về việc nhiều người dân cho rằng cần thành lập lực lượng phản ứng nhanh 141 như ở Hà Nội, theo ông Danh thực tế TP HCM cũng đã có lực lượng tương tự. Đó là những đội đặc nhiệm trinh sát hình sự theo dõi, nắm bắt tình hình trật tự xã hội. Lực lượng này mặc thường phục, đi tuần tra nên khó biết và đa phần những vụ cướp giật trên đường phố bị phát hiện là nhờ đội này. “Trong vụ cướp táo tợn ở cầu Phú Mỹ, đội trinh sát đặc nhiệm cũng đã theo dõi và nắm được địa bàn hoạt động của các nghi phạm, tuy nhiên do đang theo dõi từ xa nên không thể ứng cứu nạn nhân kịp thời khi bọn cướp ra tay”, ông Danh nói.
Theo ông, ngày mai 30/11 thường trực HĐND TP HCM sẽ họp thông qua chương trình làm việc trong kỳ họp HĐND, “Rất có thể trong kỳ họp HĐND đầu tháng 12 sắp tới, vấn đề trộm cướp hoành hành cũng sẽ được các đại biểu thảo luận tại nghị trường”, ông Danh cho biết.
Theo tinmoi
Kinh tế khó khăn, nạn cướp giật càng phức tạp
Vấn đề ngăn ngừa, phòng chống tội phạm cướp giật đường phố sẽ được đưa ra thảo luận kỹ tại kỳ họp thứ 7 HĐND TPHCM (khóa VIII) diễn ra từ ngày 4 đến 7/12 tới. Ông Trương Lâm Danh (Phó Trưởng ban Pháp chế HĐND TPHCM) khẳng định, chiều 27/11.
Sẽ chất vấn cơ quan chức năng
Ông Trương Lâm Danh nói: Thực tế qua giám sát các cơ quan công an, tòa án, viện KSND, Ban Pháp chế đã lưu ý tình hình tội phạm cướp giật trên đường phố cũng như trộm cắp trong thời gian vừa qua có chiều hướng xấu đi nên đã yêu cầu Công an TPHCM tăng cường tuần tra, chỉ đạo công an phường, xã, thị trấn phối hợp dân phòng tuần tra ngày đêm, tập trung xóa các tụ điểm thường xảy ra trộm cắp, cướp giật truy lùng các đối tượng bỏ trốn... Kỳ họp này sẽ dành một ngày để các đại biểu chất vấn. Tuy nhiên, lãnh đạo sở nào trả lời chất vấn thì còn thảo luận. Đến thứ sáu này mới có quyết định.
Chưa bao giờ, người dân cảm thấy bất an như lúc này. Kẻ cướp ngày càng táo tợn, liều lĩnh hơn. Vì sao lại có tình trạng này?
Do kinh tế khó khăn, các doanh nghiệp (DN), đặc biệt là DN vừa và nhỏ có dấu hiệu giải thể, ngưng sản xuất, sa thải một bộ phận không nhỏ công nhân, người lao động. Tình hình thiên tai bão lũ ở một số địa phương dẫn đến việc di dân ồ ạt vào TPHCM.
Công ăn việc làm giải quyết căn cơ đời sống. Càng khó khăn thì tình hình trộm cắp, cướp giật càng diễn biến phức tạp.
Một nguyên nhân khác là các sản phẩm văn hóa không lành mạnh như phim ảnh, trò chơi điện tử, đặc biệt là game online bạo lực... Các đối tượng phạm tội đa phần đều còn rất trẻ, muốn có tiền ăn chơi nên vô hình trung tạo thành các băng nhóm trộm cắp, cướp giật.
Vụ chém cô gái cướp xe máy SH trên đường dẫn cầu Phú Mỹ (quận 2), đối tượng sinh năm 1993 cầm đầu một nhóm có tiền án tiền sự gây án.
Nhất định sắp tới, chúng tôi sẽ tiếp tục yêu cầu cơ quan công an đẩy mạnh truy bắt các đối tượng phạm tội còn bỏ trốn.
Bên cạnh những chính sách an sinh xã hội, dư luận cho rằng rất cần những "hiệp sỹ đường phố" để góp phần giữ bình yên trên những tuyến đường
Thưa ông, có dư luận cho rằng gần đây, việc nhập cư vào TPHCM dễ dàng và công tác quản lý người nhập cư chưa tốt, việc đưa về cộng đồng hàng chục nghìn người đang cai nghiện ma túy... đã làm cho tình hình phức tạp hơn?
Người nhập cư từ các tỉnh đổ về thành phố làm làm ăn sinh sống góp phần làm tăng trưởng GDP (tổng sản phẩm quốc nội). Tuy nhiên, nó cũng có những mặt trái, chẳng hạn ở quê không có công ăn việc làm, đến TPHCM cũng bị thất nghiệp thì sẽ dẫn đến nguy cơ gia tăng tội phạm.
Vấn đề người cai nghiệp tái hòa nhập công động, theo tôi cũng là nguyên nhân nếu công tác quản lý người cai nghiệp tái hòa nhập không tốt. Tuy nhiên, để kết luận chính xác thì cần nghiên cứu như người cai nghiệp, người chấp hành án tù được tha tù trước thời hạn...chiếm tỷ lệ bao nhiêu trong số tội phạm gây án.
Người cai nghiện sau khi tái hòa nhập cộng động, cơ quan chức năng đã bàn giao và chính quyền địa phương, công an khu vực, các tổ chức đoàn thể theo dõi, quản lý.
Công tác này vừa qua TPHCM đã làm tốt. Vấn đề cốt lõi hiện nay là phải tạo ra nhiều công ăn việc làm. Người bình thường kiếm việc đã khó. Người sau cai nghiện càng khó hơn. Làm một nồi xôi, gánh bắp đi bán đâu có dễ. Không mang về ăn cũng đối mặt với nguy cơ bị xử lý vì lấn chiếm lòng lề đường.
Bần cùng sinh đạo tặc?
Nhưng cũng không thể vin vào lý do không có việc làm mới đi ăn cướp?
Đúng vậy, một vấn đề quan trọng nữa là việc giáo dục thế hệ trẻ trong gia đình, nhà trường, xã hội, việc chọn lọc, định hướng cho các em trong tiếp cận các sản phẩm game online, phim ảnh.
Cứ mở ti vi ra thì thấy phim đều có nội dung na ná. Đó là nhiều cảnh bạo lực, chém giết, yêu dở dang, thù hận.
Người lớn từng trải có "kháng thể", khi thất nghiệp ở TPHCM có thể xuống Bình Dương, Bình Phước, hay bất cứ đâu để kiếm việc làm.
Còn các em mới lớn, thiếu sự quan tâm của gia đình, nhà trường, học hành không đến nơi đến chốn, vốn sống mỏng thì sao? Buồn chán không có việc làm, không chịu làm nghề bốc vác, bưng bê nên dễ sa ngã.
Chưa đủ cơ sở vững chắc đã vội "góp gạo thổi cơm chung", tiến tới hôn nhân. Thời buổi khó khăn, lương vợ chồng công nhân đã không đủ sống, huống chi một hoặc cả 2 vợ chồng, cả gia đình thất nghiệp, cuộc sống bị đẩy đến đường cùng.
Để trị căn bệnh này, phải chăng phải làm từ gốc, tức là các địa phương phải chăm lo cho người dân để họ đừng rời bỏ quê hương?
Đúng vậy. TPHCM chưa hẳn đã là "đất lành" nhưng vì không còn chọn lựa nên người dân các tỉnh khác buộc phải đến.
Các địa phương cần phải tạo công ăn việc làm cho người dân, phải giải quyết tốt vấn đề an sinh cho người dân và phải có cơ chế chung, thống nhất trong giải quyết vấn đề nhập cư.
Người nhập cư không có việc làm, địa phương đó phải có trách nhiệm, không thể đẩy hết cho TPHCM.
Ngưỡng mộ các hiệp sỹ, nhưng...
Nhiều vụ việc xảy ra, nạn nhân bị bỏ mặc vì người đi đường sợ rước vạ vào thân. Hơn lúc nào hết, chúng ta cần nhiều hơn nữa những hiệp sỹ đường phố. Nguyễn Văn Minh Tiến từng đề xuất thành lập Câu lạc bộ phòng chống tội phạm như Bình Dương nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết. Quan điểm của ông như thế nào?
Tôi rất ngưỡng mộ các hiệp sỹ đường phố cứu giúp người hoạn nạn. Các anh đã góp phần gìn giữ bình yên cho thành phố.
Hành động trượng nghĩa của các hiệp sỹ rất cần được động viên, khen thưởng kịp thời, xứng đáng và có chế độ, chính sách hỗ trợ để nhân rộng thành phong trào toàn dân tham gia bảo vệ ANTT.
Tuy nhiên, mô hình câu lạc bộ phòng chống tội phạm hiện nay còn quá mới. Nhiều vấn đề chưa được pháp luật quy định nên tôi cho rằng cần có thời gian nghiên cứu thêm...
Cảm ơn ông.
Hơn 100 hiệp sỹ đường phố sẵn sàng bắt cướp
Chiều 27/11, "Hiệp sỹ đường phố" Nguyễn Văn Minh Tiến cho biết, nhóm hiệp sỹ tại TPHCM đang theo dõi 4 đối tượng đi xe máy thường đeo bám theo những người đi xe SH (đặc biệt là phụ nữ). Sự táo tợn, dã man của của nhóm tội phạm đã chém chị Nguyễn Thị Ngọc Thúy trên đường dẫn cầu Phú Mỹ đã khiến các hiệp sỹ hết sức căm giận.
"Tôi đã tham gia bắt hàng trăm tên cướp. Hầu như vụ nào cũng được người đi đường hỗ trợ. Trong vụ chị Thúy, tôi cho rằng nhiều người đi đường yếu thế, sợ bọn cướp trả thù, liên lụy đến gia đình, vợ con nên không dám can thiệp thôi chứ họ không vô cảm đâu. Từ năm 2009 đến nay, tôi đã đào tạo trên 100 anh em có trình độ võ thuật, nghiệp vụ săn bắt cướp. Hiện nay, nhóm chúng tôi có gần 10 anh em hàng ngày chia nhau tuần tra tại một số địa bàn nóng, sẳn sàng truy bắt tội phạm" - anh Tiến nói.
Phạm Lê Thư
Theo 24h
Tuyên chiến với cướp giật Vụ cướp kinh hoàng dưới chân cầu Phú Mỹ gây rúng động Sài Gòn, làm cảm giác bất an của người dân lên đến đỉnh điểm khi mà nạn cướp giật luôn rình rập, có thể giáng xuống bất kỳ ai, bất cứ đâu. Đã đến lúc chính quyền TP.HCM cần phải có biện pháp mạnh, đủ sức răn đe, trấn áp tội...