Người Sài Gòn nhớ bữa ăn sáng thời cách ly xã hội: Nhớ quá ra mua về!
Dọc theo các con đường ở TP.HCM, rất nhiều những hàng quán nhỏ bán đồ ăn sáng vẫn duy trì hoạt động với hình thức bán mang đi. Vì vậy người Sài Gòn vẫn có nơi để ghé mua một phần để đỡ nhớ những bữa ăn sáng ngồi thơ thẩn quán xá cách đây không lâu.
Xôi mặn là món ăn sáng quen thuộc của nhiều người
Với nhiều người Sài Gòn, ngồi quán cóc, vỉa hè ăn gói xôi, tô hủ tiếu để khởi đầu một ngày mới là điều quen thuộc. Nhưng vì phòng dịch Covid-19 họ phải thay đổi thói quen ấy bằng việc mua đồ ăn sáng rồi mang đi. Điều này khiến nhiều người có phần nhớ nhung những ngày đã qua.
Ăn sáng và hàng tá… nỗi nhớ
Chị Thúy Quyên (26 tuổi, ngụ Q.Thủ Đức, TP.HCM) đang đợi mua phần bánh ướt mang đi cho biết: “Mình ngồi ăn quán quen rồi, trời mưa nắng gì cũng ra quán ăn sáng rồi mới đến chỗ làm, đó là thói quen từ hồi mới ra trường. Còn cả tuần nay mình chỉ mua để mang đi thôi. Mình thấy như vậy tiết kiệm được chút thời gian buổi sáng đấy nhưng mà vì thói quen nên nhớ ngày trước thật”
Xe bánh ướt nóng, quầy xôi mặn giá bình dân đều vắng vẻ, người bán chuẩn bị sẵn phần ăn để đi giao các nơi
Nên duyên vợ chồng nhờ ngồi quán cóc vỉa hè và gần 10 năm nay hai vợ chồng anh Đặng Ngọc Bình (37 tuổi, ngụ Q.9) luôn giữ thói quen đó. Bởi theo anh có thể nhờ vậy mà tình yêu giữa hai người luôn mặn nồng.
Anh Bình kể: “Tôi quen vợ và chúng tôi lấy nhau cũng là nhờ những lần ngồi chung quán ăn sáng trước công ty. Gần 10 năm hai vợ chồng giữ thói quen ấy, bữa trưa bữa tối thì sẽ ăn ở nhà nhưng nhất định bữa sáng là ăn quán. May mắn, hai chúng tôi lại làm chung công ty nên tiện đường và có nhiều thời gian để ngồi với nhau, chuyện trò, tâm sự trước khi vào giờ làm. Những ngày gần đây quán ăn chỉ bán mang đi, chúng tôi cảm thấy hụt hẫng khi bắt đầu ngày làm việc, cả ngày cứ thấy thiếu thiếu và buồn buồn”.
Hàng quán ăn sáng không còn phục vụ khách ăn tại chỗ
Một số người có nhiều điều quan trọng trong cuộc sống gắn liền với hàng quán. Từ kỷ niệm, tình bạn đến những câu chuyện và cả công việc hằng ngày… của họ đều được xuất phát từ ngồi ăn sáng quán cóc lề đường.
Chị Thu Hường (nhân viên văn phòng, Q.3, TP.HCM) tâm sự: “Mình và 3 bạn làm chung phòng không cần hẹn, cứ nghiễm nhiên 6 rưỡi sáng mỗi ngày đến quán quen trên đường Võ Văn Tần (Q,3) gần công ty là thấy họ ở đó rồi. Ăn đôi khi không phải chỉ vì hợp khẩu vị mà còn vì câu chuyện hay, chuyện gì cũng có, vui buồn, hay dở đều tâm sự với nhau”.
“Giờ thì mỗi sáng tụi mình chỉ ghé mua 1 hộp rồi lên phòng, ai bàn nấy ngồi ăn. Không gian làm việc thì dù có nói những chuyện ở quán vỉa hè cũng không thú vị nữa. Cứ tưởng thay đổi nhỏ nhưng đó là cả một vấn đề về cuộc sống hằng ngày của tụi mình”, chị Hường kể.
Chủ các quán hàng ăn sáng người thì nhớ những vị khách quen, người nhớ không gian rộn ràng khi đông khách, có người lại nhớ mỗi ngày phải dậy thật sớm để chuẩn bị nhiều nguyên liệu để bán chứ không ít ỏi như bây giờ…Nỗi lo kéo dài
Dịch Covid-19 kéo dài, nhiều người bán hàng quán ăn sáng dù lo lắng cho sức khỏe bản thân nhưng vẫn mở bán bởi họ có nhiều khó khăn, khúc mắc khác nhau.
Video đang HOT
Những ổ bánh mì nhân xíu mại, nhân thịt quay… là thức ăn sáng bình dân, quen thuộc của người Sài Gòn
Với chị Phạm Thị Y (53 tuổi, bán hàng xôi mặn giá bình dân trên đường Ung Văn Khiêm, Q.Bình Thạnh), việc đóng hàng ăn là điều chị chưa dám nghĩ đến.
“Dịch nguy hiểm thế này mà vì gia đình túng thiếu nên tôi cũng đành ra đây bán để kiếm chút tiền mua đồ ăn. Cả nhà 4 người giờ ai cũng thất nghiệp, chồng tôi già yếu, không làm gì ra tiền, con cái cũng không có việc làm luôn. Chỉ còn xe xôi này nên tôi phải bươn chải để kiếm ngày 70.000 – 80.000 đồng một ngày để đi chợ thôi chứ làm gì có tiền để mua đồ ăn dự trữ. May mắn có một số nhà hảo tâm cho gia đình tôi một ít gạo chứ không thì không biết trôi về đâu”, chị Y tâm sự với Thanh Niên.
Khó khăn là thế nhưng tấm lòng của người chủ hàng xôi mặn luôn rộng mở với những người xung quanh. “Tôi bán xôi mặn, có những ngày bán không hết thì tôi đưa về cho hàng xóm hay mấy người bán vé số. Bởi vì dù sao chúng tôi cũng đều khó khăn như nhau, giúp được gì tôi phải giúp ngay”, chị Y nói thêm.
Thực khách vội vã mua ổ bánh mì rồi vội vã đi
Người bán hàng ăn sáng và thực khách luôn giữ khoảng cách, đeo khẩu trang khi giao nhận hàng
Còn gia đình chị Nguyễn Ngọc Tuyền (36 tuổi, ngụ Q. Bình Thạnh) lại là một hoàn cảnh khác. Chị Tuyền bộc bạch: “Mỗi ngày mình bán khoảng được 30 – 40 phần bánh ướt cho người mang đi. May mắn nhờ mùa dịch mình không phải chi nhiều, tiết kiệm được chút tiền học của con cái nên dù thu về ít nhưng cũng đủ. Còn chồng mình làm về thực phẩm cho học sinh thì nghỉ luôn rồi, giờ vợ bán chồng giao hàng”.
Trần Kim Anh
Cách ly xã hội nới lỏng từ 23.4: Tương tư bún bò, cơm hến là dĩ vãng
Thuộc nhóm có nguy cơ trung bình, Huế vẫn tiếp tục giãn cách xã hội và hàng quán bán đồ ăn vẫn bán mang đi. Nhưng cách mấy thì người Huế vẫn ưng ăn sáng ngoài đường. Từ ngày mai lệnh nới lỏng cách ly xã hội sẽ được áp dụng, người Huế chắc hẳn sẽ hết tương tư.
Gánh bún bò Huế ở chợ Đông Ba trước thời điểm cách ly xã hội ở Huế. ẢNH: TUYẾT KHOA
Nấu ăn ở nhà, làm sao có được tô bún bò, tô cơm hến và vô vàn món ngon khác của những mụ, những o đã luyện tay nghề nấu ngon hàng chục năm khiến người Huế thèm điên đảo.
Bún bò ngon nhất Huế
Nói đến thức ăn sáng của người Huế thì bún bò luôn đứng ở vị trí số 1. Bún bò được xem như linh hồn của ẩm thực Huế. Có rất nhiều quán để lựa chọn và trong cơn cuồng bún bò, nhiều quán được gọi tên như nhớ một miền kí ức tưởng chừng xa xôi lắm như bún bò mệ Kéo ở phố Bạch Đằng nổi tiếng bao đời, bún bò Kim Đồng thay đổi địa điểm nhiều lần nhưng đi tới đâu khách tìm tới đó, nhiều quán ở đường Nguyễn Công Trứ hương vị cũng khó lẫn, bún bò Cây Gòn ở tít cuối đường Nguyễn Sinh Cung nhưng vẫn lắm khách tìm về...
Bún bò Huế với bò nhúng ngọt ngon mềm mại
Không ít người Huế như tôi vẫn có thói quen ăn ở một quán quen thuộc bình dân nhưng hợp khẩu vị dù có thể không nổi tiếng. Đến không cần nói nhiều là chủ quán đã biết cần múc heo hay bò. Heo thì nghéo, khoanh hay ba chỉ. Bò thì bò nhúng hay bò trong nồi...
Những ngày cách ly, nhiều quán vẫn bán mang về nhưng nhiều người vẫn lựa chọn ăn sáng ở nhà để hạn chế việc ra đường và tránh tiếp xúc. Không ít người mua về nhà ăn nhưng thực sự bún bò phải ăn tại chỗ mới giữ được vị ngon đúng điệu.
Gia vị nấu bún bò Huế chuẩn vị tại gia
Tô bún được múc ra tô từ nồi nước đang sôi sóng sánh, thơm nức mùi sả. Nồi nước ấy quyết định vị ngon của tô bún bò. Nó thường được nấu từ nước hầm xương cho thêm sả và gia vị. Đặc biệt, người Huế thường cho thêm vào nước dùng một chút ruốc để hương vị thêm đậm đà.
Tô bún giò khoanh béo ngậy ngon ngất ngây
Những miếng giò heo được ninh đủ độ chín, không dai, không quá mềm được đặt phía trên tô cùng những miếng huyết mềm tan, miếng chả cua vàng ánh hay miếng bò mềm mại ngọt nước vừa nhúng chín. Tô bún nóng hổi ấy luôn phải ăn kèm cùng rau sống gồm đủ loại rau như xà lách, rau thơm, rau húng, ngò, giá, búp chuối...Trên bàn luôn có nước mắm cùng ớt xắt lát, chén tương ớt, vài miếng chanh để khách tự nêm vừa miệng.
Gần ba tuần cách ly mà tưởng chừng như lâu lắm, giờ mới thấm cảm giác của những người Huế tha hương luôn tương tư đủ món về Huế, đặc biệt là bún bò.
Bún hến, cơm hến cay nồng sẽ ăn thỏa thích
Đang ở Huế nhưng tôi cũng có cảm giác như đang đi đâu xa và thèm mùi vị quê hương đến nôn nao, thèm tô bún hến cay nồng được chủ quán tay múc lia lịa nêm nếm gia vị cực vừa miệng cùng tô nước hến nóng hổi. Mùi hến, mùi ruốc chạy thẳng lên mũi khó cưỡng.
Mỗi tô bún hến nhỏ xíu cần không dưới 20 gia vị và nguyên liệu
Thèm rau sống của bún hến, rất đặc trưng
Bún hến là món ăn khá dân dã nhưng lại là sự kết hợp hài hòa âm dương kể cả màu sắc và hương vị. Mỗi tô bún hến nhỏ xíu cần không dưới 20 gia vị và nguyên liệu. Nguyên liệu cực kỳ đa dạng như bún, hến, nước hến, rau sống, đậu phụng, giá, tóp mỡ, khế, xoài...
Gia vị ngoài muối, nước mắm, dầu, bột ngọt, ớt, tiêu còn là thứ không thể thiếu: mắm ruốc. Rau sống ngoài thành phần chính là môn ngọt (còn gọi môn bạc hà, dọc mùng) thì còn có rau thơm, giá được trụng qua nước sôi, búp chuối, khế...
Bún hến thì phải có tóp mỡ
Tất cả được chuẩn bị sẵn sàng, đến khi ăn chỉ cần cho mỗi thứ mỗi ít rồi trộn đều. Khi ăn trộn thêm ít tương ớt cay nồng để tô bún thêm đậm đà. Thật khó để diễn tả hương vị đầy đủ một tô bún hến bởi sự đa dạng của nguyên liệu. Nhưng trên hết món này không hề ngán, ăn một lúc nhiều tô và có thể ăn mỗi sáng. Ngoài bún hến còn có cơm hến, mì hến không kém phần hấp dẫn. Cách chế biến cũng tương tự, chỉ thay cơm bằng mì và bún.
Những quán bún hến được người Huế khá ưa chuộng như quán Nhỏ ở đường Phạm Hồng Thái, quán bà Cam ở đường Trương Định, một số quán ngay chân cầu Đập Đá, quán gốc đường Lê Hồng Phong cùng vô số quán không tên tuổi nhưng vẫn tấp nập người ăn.
Hẹn ngày hết cách ly ăn một bữa no với bún hến
Cả bánh canh, cháo lòng, bánh ướt
Người Huế vốn có thói quen ra ngoài ăn sáng nên sự nhớ nhung những hàng quán ăn sáng lại càng nhân lên khi tiếp tục trải qua tình trạng giãn cách xã hội. Trong tâm trí tôi vẫn nghĩ, khi nào dịch bệnh được kiểm soát, hàng quán mở lại sẽ đi ăn hết, không chỉ bún hến, bún bò mà Huế còn có nhiều món ăn sáng cũng ngon đáo để như bánh canh, cháo bò, cháo lòng, bánh ướt thịt heo... Ngày mai khi hết cách ly xã hội, nếu hàng quán mở lại tôi sẽ ăn một bữa sáng thật đã.
Bánh canh cua cho buổi sáng đầy năng lượng
Còn gì ngon hơn lòng heo sáng sớm mới ra lò, trắng trẻo, thơm ngon chấm với nước mắm cá truyền thống quyện cùng ớt bột kèm với rau thơm, rau quế. Hay đằm bụng với tô bánh canh cua nấu bột gạo, một vài miếng chả cua cùng da heo, chan thêm ít lát ớt xanh và tương ớt trộn tóp mỡ...
Bánh ướt thịt heo ngon khó cưỡng
Mới nghĩ đến đã muốn ăn nhưng đành đợi hết ngày cách ly, khi dịch bệnh được kiểm soát, ta lại rộn ràng ra phố thưởng thức những món ngon Huế như những ngày quen thuộc như khi chưa có Covid-19 xuất hiện, để biết quý làm sao những khoảng khắc cuộc sống bình dị ấy...
Những buổi sáng bình dị hàng quán ven đường lại là nỗi nhớ những ngày cách ly
Tuyết Khoa
Tiếp tục cách ly xã hội, người Sài Gòn nhớ món ăn vặt cả thời thanh xuân Người Sài Gòn ngoài ăn sáng cũng hay ăn vặt. Ăn vặt Sài Gòn có rất nhiều món mà lâu không ăn sẽ "phát điên" vì nhớ. Với tình trạng tiếp tục cách ly thì tín đồ của phá lấu, bột chiên, gỏi khô bò, bánh bèo Huế, chè tiếp tục ở nhà thèm quay quắt. Phá lấu lòng bò, món ăn vặt...