Người Sài Gòn khốn khổ vì con đường bụi mịt mù
Dự án cải tạo hệ thống thoát nước đường Kinh Dương Vương ( quận Bình Tân) không chỉ “biến” nhà dân thành hầm mà còn gây bụi dày đặc khiến cuộc sống mọi người xáo trộn.
Đường Kinh Dương Vương (quận Bình Tân) hơn 2 tháng nay bụi phủ mịt mù do dự án nâng đường chống ngập bị ngưng, chờ chủ trương mới của thành phố để không không còn “biến” nhà người dân thành hầm.
Đây là tuyến đường huyết mạch nối Quốc lộ 1A về miền Tây nên lượng xe luôn đông đúc. Mỗi khi xe khách, ôtô chạy qua, bụi bốc lên mù mịt nên tầm nhìn còn khoảng 30 m.
Bụi dày đặc từ sáng sớm đến tận khuya khiến con đường thành nỗi kinh hoàng với người dân lưu thông qua đây. Nhất là những trưa nắng gắt, nhiệt độ cao, bụi khiến không gian quanh khu vực đặc quánh, ngột ngạt.
Có việc phải vào bến xe miền Tây, anh Trịnh Đức Tâm (ngụ quận 6) nhiều lần tấp vào lề đường thở dốc. “Tui ráng nín thở mà chịu không nổi vì bụi trắng đường cả 3-4 km. Tui phục sát đất bà con sống trên tuyến đường này, làm sao mà họ chịu được”, anh Tâm nói.
Video đang HOT
Ngồi trông tiệm tạp hoá, cụ bà dùng khăn thấm nước trùm đầu để cản bụi tiên tục táp vào nhà mỗi khi xe ôtô chạy qua hoặc khi có gió mạnh. “Mưa thì ngập kinh khủng, nắng thì bị như vầy, thiệt tụi tui khổ hết sức”, bà lão cho hay.
Những cửa hàng, quán xá dọc hai bên đường đang khốn khổ vì bụi. Theo anh Bình (chủ tiệm balo, cặp xách), hai tháng nay doanh số tụt dốc thảm hại do chẳng mấy khách ghé mua. Các sản phẩm bám đầy bụi, ố màu nên anh phải bọc kín bằng nylon, thường xuyên dùng bình khí nén phun xịt.
Tiệm làm yên xe, ghế bọc da của anh Công cả tháng nay cũng ế ẩm. Dù ở trong nhà nhưng gia đình anh lúc nào cũng phải đeo khẩu trang, trừ lúc ăn uống.
“Ở đây ai cũng kêu trời. Gặp nhau là mọi người lại hỏi thăm không biết bao giờ con đường mới làm xong cho dân nhờ”, anh Công nói và cho biết gia đình mình còn cầm cự được chứ nhiều cửa hàng đã phải trả mặt bằng đi nơi khác làm ăn.
Để chống bụi, trụ lại con đường ô nhiễm, nhiều cửa hàng nghĩ ra cách căng màn, lưới hoặc bạt nylon để cản bụi.
Đơn vị thi công đường cũng thường xuyên dùng xe bồn tưới nước nhưng do lưu lượng xe qua lại đông, trời nắng nóng cộng với đường rộng, dài nên sau khi tưới 15 phút bụi lại mịt mù.
Dự án cải tạo hệ thống thoát nước đường Kinh Dương Vương (đoạn từ vòng xoay Phú Lâm đến vòng xoay An Lạc) có chiều dài 3,5 km, rộng 48 m với tổng mức đầu tư hơn 730 tỷ đồng. Dự án đang bị ngưng thi công do nâng đường 0,4-1,2 m khiến hàng trăm nhà dân bị “biến” thành hầm. Ngày 6/9, UBND TP HCM quyết định hạ độ cao mặt đường 35 cm và xây dựng trạm bơm chống ngập hơn 70 tỷ đông cho con đường này.
Duy Trần
Theo VNE
Hạ cao độ tuyến đường 'biến' nhà người Sài Gòn thành hầm
Để dự án chống ngập không "biến" hàng trăm căn nhà trên đường Kinh Dương Vương thành hầm, TP HCM đồng ý hạ cao độ và đầu tư trạm bơm tại đây.
Ngày 6/9, Phó chủ tịch UBND TP HCM Lê Văn Khoa thống nhất với đề xuất hạ 35 cm cao độ tuyến đường Kinh Dương Vương (quận Bình Tân), đoạn chưa thi công xong (từ đường Tên Lửa đến đường Sinco, dài hơn 800 m) và đầu tư trạm bơm 70 tỷ đồng để giải quyết ngập tại đây khi mưa lớn kết hợp triều cường.
Ông Khoa yêu cầu các đơn vị liên quan phải giải thích kỹ phương án hạ độ cao, lấy ý kiến người dân, chính quyền địa phương. "Tôi muốn có một giải pháp tốt nhất để phục vụ người dân", ông Khoa nói.
Sau chỉ đạo của UBND TP HCM, vỉa hè trước nhà người dân trên đường Kinh Dương Vương sẽ thấp hơn vạch sơn đỏ 35 cm. Ảnh: Ngọc Hậu
Trung tâm điều hành chương trình chống ngập TP HCM (chủ đầu tư) cho biết, dự án nâng cấp đường Kinh Dương Vương chia làm 3 gói thầu, hiện đã gần hoàn tất 2 gói nên chỉ có thể giảm độ cao vỉa hè xuống 10 cm. Gói thầu còn lại thay vì xây cao độ 2 m như thiết kế ban đầu, các đơn vị liên quan sẽ hạ cao độ vỉa hè xuống 35 cm và hạ tim đường xuống 25 cm. Phương án này đã được lấy ý kiến người dân và có hơn 50% đồng tình.
Theo chủ đầu tư, cao độ đoạn đường này chỉ còn 1,65 m - tức là thấp hơn mức triều cao nhất (1,68 m). Do vậy, khi mưa lớn kết hợp triều cường thì khu vực này phải cần trạm bơm công suất 42.000 m3 mỗi giờ.
Nêu quan điểm về vấn đề này, đại diện UBND quận Bình Tân cho rằng, do chủ đầu tư đưa ra ít phương án nên người dân phải chọn một cái chấp nhận được với tình hình hiện tại. "Mặc dù người dân chưa hài lòng với phương án này nhưng mục đích của mọi người là muốn dự án mau chóng hoàn thành để họ ổn định cuộc sống", đại diện UBND quận Bình Tân nói.
Theo ông Lê Văn Khoa, đường làm rồi mà phải hạ xuống sẽ rất lãng phí nhưng nếu việc này vẫn đảm bảo kỹ thuật và thuận lòng dân thì phải làm. Thành phố không ngại tốn kém để bố trí trạm bơm phục vụ người dân vì khi hệ thống kiểm soát triều hoàn tất sẽ rút trạm bơm phục vụ nơi khác. "Đề xuất trạm bơm là tạm thời để giải quyết ngập nhưng nếu nó không hiệu quả thì chủ đầu tư phải chịu trách nhiệm", Phó chủ tịch UBND TP HCM nói.
Dự án cải tạo hệ thống thoát nước đường Kinh Dương Vương (đoạn từ vòng xoay Phú Lâm đến vòng xoay An Lạc) có chiều dài 3,5 km, rộng 48 m với tổng mức đầu tư 730,5 tỷ đồng. Cao độ hoàn chỉnh mặt đường được nâng lên từ 0,4 đến 1,2 m đã dẫn đến nhà ở và công trình xây dựng dọc tuyến đường thấp hơn vỉa hè 0,6-1 m. Dự án đã ảnh hưởng đến 466 căn nhà; một bệnh viện; 64 doanh nghiệp; 27 trụ sở cơ quan hành chính sự nghiệp; 44 tuyến đường, hẻm kết nối với đường này và các khu dân cư dự án nhà ở tiếp giáp.
Ngọc Hậu
Theo VNE
Dự án biến nhà thành hầm 'nóng' nghị trường HĐND TP HCM Đường Kinh Dương Vương được nâng cấp cải tạo nhưng khi thi công nhà dân bị biến thành hầm, vì thấp hơn cao độ 2 m của đường, là vấn đề các đại biểu quan tâm. Chiều 4/8, là người đầu tiên chất vấn Giám đốc Sở Giao thông Vận tải (GTVT) Bùi Xuân Cường tại kỳ họp thứ 2 HĐND TP HCM...