Người Sài Gòn khoái nhạc bolero?
Rất nhiều người dân Sài Gòn bày tỏ niềm yêu thích dòng nhạc bolero vì giai điệu nhẹ nhàng, sâu lắng, ca từ gần gũi, chạm vào xúc cảm người nghe.
Bạn đọc Võ Thị Xuân Xuân, 22 tuổi, Q. Tân Bình bày tỏ:
“Tôi thích nghe và cũng hay nghe nhạc bolero. Đơn giản là vì giai điệu nó nhẹ nhàng, sâu lắng và những ca từ cũng rất gần gũi, dễ hiểu.
Võ Thị Xuân Xuân hiện là nhân viên văn phòng, làm việc tại TP. HCM
“Mặc dù nhạc bolero không có được sự mãnh liệt, nhịp điệu dồn dập như thể loại nhạc trẻ, nhạc điện tử nhưng nó chân thực và chạm đến trái tim nếu mình nghe nó một cách say sưa. Bản thân tôi rất thích nghe những bài bolero do ca sĩ Như Quỳnh hát. Ví dụ bài Vùng lá me bay (của nhạc sĩ Trần Quang Lộc)”.
Ca sĩ Như Quỳnh nhận được sự yêu thích của bạn đọc Xuân Xuân đối với bài Vùng lá me bay
Khi được hỏi kiến thức về dòng nhạc này, Xuân Xuân bày tỏ: “Thực ra, tôi cũng không hiểu chính xác như thế nào thì được gọi là nhạc bolero nhưng tôi nghĩ những ca khúc có tiết tấu nhẹ nhàng, chậm chậm và đa số đều hơi buồn buồn thì đó là bolero. Điểm đặc biệt của những cá khúc bolero đó là phần lời khá dài, đôi khi nó khó nhớ, nhưng khi đã nhớ thì sẽ rất khó quên”.
Bạn đọc Võ Ngọc Dung, 33 tuổi, Q.1 chia sẻ:
“Tôi rất thích nghe nhạc bolero. Đơn giản vì tôi thích giai điệu của nó, rất da diết. Nhất là những khi có tâm trạng buồn, tôi hay nghe những bài nhạc bolero. Ca sĩ yêu thích nhất của tôi hiện tại là Lệ Quyên. Có nhiều bài cô ấy hát tôi nghe cảm thấy đồng cảm, dễ hiểu mà cũng dễ xúc động vì nó phản ánh được tâm tư, tình cảm của tôi ngay lúc đó”.
Vũ Ngọc Dung làm việc tại Q.1, TP. HCM
Ngọc Dung chia sẻ thêm: “Theo tôi hiểu thì bolero là những bài hát có giai điệu mượt mà, khi hát đòi hỏi người ca sĩ phải có những luyến láy rất mềm mại, thanh thoát. Khi ca sĩ Tùng Dương nói ai ai cũng hát bolero sẽ làm cho âm nhạc thụt lùi thì tôi thấy kỳ cục, không đúng. Bởi người ta sẽ nghe và hát những gì người ta cảm nhận là hay, phù hợp với tâm trạng thôi. Như các bạn tuổi teen thì họ chỉ thích nhạc của Sơn Tùng – MTP”.
Bạn đọc Võ Thị Ngọc Dung mến mộ giọng ca Lệ Quyên qua các ca khúc bolero nhiều tâm trạng/
Video đang HOT
Ngọc Dung cũng nhận định thêm về việc bolero có vẻ đang được thịnh hành hơn các dòng nhạc khác: “Còn việc bolero phát triển ồ ạt, nhiều như bây giờ tôi nghĩ cũng chỉ là trên các kênh truyền hình đã mở nhiều cuộc thi về bolero quá mức cần thiết thôi. Trong cuộc sống hằng ngày thì bolero cũng vấn phát triển bình thường bên cạnh nhạc trẻ và các thể loại nhạc khác”.
Bạn đọc Nguyễn Quỳnh Anh, 35 tuổi, Q. Bình Thạnh chia sẻ:
“Tôi thích nhạc bolero vì ca từ thâm thúy nhưng lại dễ nghe, dễ hiểu. Theo tôi hiểu thì bolero không phải là tên gọi chính thống, có thể hiểu đó là những bản nhạc nhẹ trữ tình, có giai điệu và tiết tấu chậm. Tôi thích nghe bolero do các ca sĩ như Lệ Quyên, Đàm Vĩnh Hưng, Đan Nguyên, Quang Lê, Quang Dũng hát”.
Bạn đọc Quỳnh Anh thích nhạc bolero vì ca từ thâm thúy nhưng dễ nghe, dễ hiểu.
Bạn đọc này cũng yêu mến giọng ca Đàm Vĩnh Hưng (ảnh dưới) và Quang Lê (ảnh trên)
Quỳnh Anh chia sẻ thêm: “Tôi nghĩ đa số những người cùng thế hệ của tôi hoặc từ tầm tuổi của tôi trở lên thì cũng từng một thời đắm đuối với những bài hát bolero vốn rất thịnh hành từ rất lâu rồi. Vậy nên khi nhắc đến bolero thì như nhắc đến một món ăn tinh thần quen thuộc, đâu thể nói nó là thụt lùi hay là quê mùa so với các dòng nhạc khác”.
Bạn đọc Trương Đông Giang, 40 tuổi, sống tại Hà Nội bày tỏ:
“Tôi vốn là “tín đồ” của dòng nhạc quê hương và cách mạng, nhưng bolero cũng nằm trong số những ca khúc mà tôi hay thưởng thức, đặc biệt là những ca khúc có giai điệu dễ nghe, dễ hát như:Nửa đêm ngoài phố (của nhạc sĩ Trúc Phương), Lưu bút ngày xanh (cố nhạc sĩ Thanh Sơn), Về đâu mái tóc người thương (nhạc sĩ Hoài Linh)…”
Bạn đọc Trương Đông Giang hiện làm việc tại Cục Đăng Kiểm Việt Nam ở Hà Nội.
Anh chia sẻ thêm những kiến thức, theo như anh hiểu của mình về dòng nhạc bolero: “Theo tôi thì, bolero là dòng nhạc dễ nghe, dễ hát, dễ đồng cảm với từng tâm trạng. Không dừng lại ở đó, nhạc bolero cũng có những giai phẩm ca ngợi tình yêu quê hương, đất nước, lứa đôi rất dễ đi vào lòng người. Chẳng hạn như: Bài ngợi ca quê hương (cố nhạc sĩ Thanh Sơn), Còn thương rau đắng mọc sau hè (cố nhạc sĩ Bắc Sơn), Hình bóng quê nhà (Thanh Sơn)… Qua đó, có thể nhận thấy, bolero là dòng nhạc đại chúng, không kén người nghe, và với bất cứ ai cũng đều có thể nghêu ngao chúng”.
Bạn đọc Trương Đông Giang thích các ca khúc bolero của cố nhạc sĩ Thanh Sơn.
Lý giải về lý do bolero được đông đảo mọi người yêu mến, anh Đông Giang bày tỏ: “Ngay như ở hiện tại, bolero còn mang tính phổ cập đến mọi tầng lớp khán thính giả cũng bởi giai điệu dễ nghe, dễ nhớ, dễ hát mà nó mang lại. Bởi nhắc đến bolero, là nhắc tới đời sống của chúng ta. Những cung bậc ái, ố, hỉ, nộ được chuyển tải bằng bolero giúp chúng gần gũi và “đời” hơn qua sự khéo léo sắp đặt ngôn từ, ý tứ của mỗi tác giả. Đây cũng là yếu tố giúp dòng nhạc này không bao giờ “lỗi thời” dù phải trải không gian, thời gian và cả … địa lý”
Đ.T.H – T.Thuận (theo PNVN)
Bolero nở rộ trên truyền hình: Thiếu đột phá
Ba năm qua game show Bolero nở rộ trên sóng truyền hình nhưng các tiết mục biểu diễn chỉ dừng lại ở mức giải trí, thiếu đột phá, sáng tạo.
Bolero ra đời ở miền Nam cách đây 50 năm, nhưng hiện tại dòng nhạc này vẫn đang làm mưa gió trong làng nhạc Việt. Không chỉ các ca sĩ đua nhau ra MV, album, show diễn nhạc Bolero, trên sóng truyền hình cũng ngập tràn các chương trình gắn với Bolero.
Game show Bolero phủ sóng đài truyền hình
Đài Vĩnh Long với lượng người xem chủ yếu là khán giả miền Tây được cho là địa hạt màu mỡ của Bolero. Có hàng loạt game show được phát sóng trên đài này như Solo cùng Bolero, Tình Bolero, Tình Bolero hoan ca và Kịch cùng Bolero.
Quán quân Solo cùng Bolero - Lâm Ngọc Hoa và ca sĩ Quang Linh. Ảnh: BTC.
Một số game show khác tuy không lấy chữ Bolero nhưng thí sinh đa số lựa chọn dòng nhạc này để tranh tài như Hãy nghe tôi hát, Người hát tình ca...
Theo thông tin từ nhà sản xuất Khang Media, việc họ sản xuất nhiều chương trình liên quan đến dòng nhạc này vì nhận được sự đón nhận của khán giả. Lượng rating các chương trình gắn với nhạc Bolero luôn đạt số điểm cao.
Được coi là khởi đầu cho những chương trình Bolero trên sóng truyền hình, Solo cùng Bolero đến nay đã bước sang mùa thứ 4 nhưng độ hot dường như vẫn chưa giảm.
Trong vòng sơ tuyển vừa qua, riêng ở TP.HCM đã có hơn 15.000 người đến dự thi. Tiếp đó, vòng sơ tuyển từ Hà Nội đến Cần Thơ luôn đông nghẹt người tham gia. Điều này chứng tỏ sân chơi Bolero này thu hút khán giả yêu nhạc Bolero từ mọi nơi, mọi nghề nghiệp, lứa tuổi khác nhau.
Trên sóng đài quốc gia như VTV3 cũng không thể thiếu vắng Bolero. Thành công và tạo tiếng vang nhất phải kể tới Thần tượng Bolero. Chương trình được mua bản quyền từ nước ngoài, nên thu hút nhờ kết cấu kịch tính, sự chặt chém giữa 4 huấn luyện viên. Khi đó, mỗi tuần, mỗi vòng với sự đi, ở của thí sinh luôn khiến khán giả quan tâm, bình luận.
Ngoài các cuộc thi Bolero thuần túy thì không ít thí sinh tại các chương trình khác cũng ưu tiên chọn dòng nhạc này để tranh tài.
Ngọc Sơn hát cùng học trò Phương Liên. Ảnh: BTC.
Phương Trinh Jolie chiến thắng tại Hãy nghe tôi hát nhờ hát Bolero. Cuộc thi Ai sẽ thành sao nhí dù không giới hạn dòng nhạc nhưng đa số thí sinh lựa chọn Bolero. Vì thế, trong buổi ra mắt chương trình, báo chí tỏ ra e ngại khi dàn giám khảo không ai chuyên hát Bolero như Thủy Tiên, nhóm MTV, Thanh Thảo thì họ sẽ thẩm định và chấm điểm thế nào.
Thiếu sáng tạo, đột phá
Theo dõi các cuộc thi Bolero trên truyền hình, khán giả đều nhận ra sự đầu tư hoành tráng về sân khấu, còn âm nhạc chưa có nhiều đổi mới. Thay đổi làm sao khi quanh quẩn chỉ có nhiêu đó bài hát lặp đi lặp lại. Danh ca Phương Dung từng tiếc nuối khi kho tàng Bolero có tới 8.000 bản nhưng hiện chỉ được cấp phép ở Việt Nam 200 ca khúc.
Về hòa âm, phối khí, tất nhiên ca sĩ, giám đốc âm nhạc của các chương trình đều khoác chiếc áo mới cho các ca khúc cũ. Tuy nhiên để sự phá cách, đủ ấn tượng, chinh phục khán giả như bản Thành phố buồn của Hoài Lâm và Hà Lê thì hầu như không có.
Nhạc sĩ Minh Vy - Giám đốc âm nhạc của Thần tượng âm nhạc từng khẳng định dù thay đổi nhưng vẫn trung thành với những giai điệu nhẹ nhàng, đi vào lòng người của Bolero. Anh không chấp nhận sự phá cách nào mất đi vẻ đặc trưng đó.
Thu Hằng vẫn được nhớ tới là học trò Đàm Vĩnh Hưng hơn là danh hiệu quán quân. Ảnh: BTC.
Giám đốc âm nhạc đã có quan điểm như thế thì thí sinh tất nhiên không thể đi ra ngoài ranh giới ấy. Quan điểm của nhạc sĩ Minh Vy cũng dễ hiểu vì khán giả vốn đã quen với giai điệu của Bolero 50 năm qua. Sự thay đổi, làm mới chắc chắn sẽ gây nên tranh cãi, ý kiến trái chiều. Đó là lựa chọn nguy hiểm đối với một chương trình thực tế.
Tuy nhiên sự an toàn lại dẫn tới có hàng chục cuộc thi, hàng trăm ngàn thí sinh hòa vào trong dòng chảy Bolero nhưng dấu ấn của họ đọng lại chưa nhiều.
Mặc dù Solo cùng Bolero thành công liên tiếp ba mùa nhưng quán quân của chương trình vẫn chưa kịp được khán giả nhớ tên. Thu Hằng vẫn được nhắc tới là học trò của Đàm Vĩnh Hưng, được anh ưu ái trong show diễn của mình hơn là danh hiệu quán quân Solo cùng Bolero.
Tố My là một trong những ca sĩ bước ra khỏi cuộc thi Solo cùng Bolero thành công khi có nhiều chương trình, show diễn trong và ngoài nước. Nhưng cô vẫn bị nhắc tới như một bản sao của Như Quỳnh với những so sánh về giọng hát, cách xử lý giống giọng ca hải ngoại.
Tố My xinh đẹp, giọng hát tốt nhưng vẫn bị so sánh với Như Quỳnh.
Như vậy hát Bolero thì không khó nhưng tạo được dấu ấn lại không dễ chút nào.
Theo VNE
Bolero Việt - thể loại nhạc gây những cuộc tranh cãi 'nảy lửa' Ở Việt Nam, Bolero gây tranh cãi ngay từ việc định danh. Nhiều nghệ sĩ cho rằng nó là một dòng nhạc, số khác lại khẳng định đó chỉ là một điệu nhạc du nhập từ nước ngoài. Sau phát ngôn thẳng thắn của Tùng Dương, Bolero một lần nữa lại là chủ đề làm dư luận "sục sôi" những ngày qua. Trước...