Người Sài Gòn kể chuyện ‘bất ngờ’ bị cách ly, phong tỏa vì Covid-19: Cần chuẩn bị gì?
Những ngày dịch Covid-19 thì câu chuyện các chung cư, các tòa nhà hay khu phố bất ngờ bị phong tỏa hay cách ly cư dân để ngăn chặn, phòng dịch Covid-19 trở thành câu chuyện quen thuộc.
Bạn hay khu dân cư của bạn đều có thể rơi vào trạng thái, cách ly, phong tỏa. Vậy, mỗi người chúng ta cần chuẩn bị tâm thế gì cho trường hợp này.
Nhà đầu tư hỗ trợ cư dân chung cư sữa và mì gói trong thời gian bị cách ly . Ảnh NVCC
Hơn 10 năm sống tại TP.HCM, đây là lần đầu tiên tôi trải qua những ngày khác lạ vì dịch Covid-19. Sau 48 tiếng bị cách ly, tôi rút ra nhiều kinh nghiệm để sẵn sàng… nếu lỡ rơi vào một tình huống bất ngờ nữa.
Công bố bệnh nhân 234, 235, 236, 237 nhiễm bệnh Covid-19 ở Việt Nam
Sống ở chung cư M-One Nam Sài Gòn (quận 7), tuần trước tôi đã trải qua 48 tiếng cách ly sau khi phát hiện 1 trường hợp xác nhận dương tính Covid-19, là cư dân sống ở 1 block của chung cư (có tổng cộng 3 block). Dù chỉ bị cách ly 2 ngày nhưng đây cũng là sự kiện không thể nào quên và từ đó tôi rút ra một số kinh nghiệm để bản thân không bị bỡ ngỡ nếu một ngày nào đó lại bị… cách ly bất ngờ.
Chiều muộn thứ 5, đang vùi đầu trong báo cáo gấp để nộp sếp, màn hình điện thoại chợt nhấp nháy, thường tôi sẽ gạt qua một bên nhưng không biết linh tính sao mà cầm lấy. Tin nhắn từ nhóm cư dân chung cư! Liên tục hiện lên hình ảnh xe cứu thương, công an, lực lượng bảo vệ, dân phòng, rào chắn… Mùa dịch Covid-19 này, hình ảnh đó đồng nghĩa trở về nhà là bị cách ly.
Chung cư M-One Nam Sài Gòn những ngày bị cách ly . Ảnh NVCC
Ngán không? Ngán chớ! Thời điểm này, doanh nghiệp phần lớn đều khó khăn, siết chặt nhân sự. Bị cách ly không đi làm được, không biết có bị trừ tiền lương không, và rủi ro mất việc cao hơn hẳn!
Nhưng, liệu bản thân mình có vô tình gặp người nhiễm Covid-19 khi đi lại trong chung cư không? Trách nhiệm đối với xã hội! Và quan trọng nhất, người ở nhà đang ra sao? Vậy là bấm số, dặn dò đứa em ở yên trong nhà, đừng cao hứng mà xuống dưới sân chạy bộ, vội vàng thu dọn đồ đạc, nhắn sếp một câu xin phép rồi hòa vào dòng người tan tầm hối hả.
Chung cư lấp lánh ánh đèn trong màn đêm buông xuống, nhưng không có cảnh người chạy bộ, đánh cầu lông hay trẻ con đạp xe như thường lệ. Thay vào đó là dáng người lố nhố một góc quan sát tòa nhà có chiếc xe cứu thương đậu trước sảnh, dây bắt đầu được kéo quanh. Bước lên nhà, trấn an đứa em xong là ngay lập tức nhìn tủ lạnh và tủ đồ khô, nhẩm tính trong đầu còn ăn được mấy bữa, vì gần cuối tuần đồng nghĩa thức ăn dần cạn. Điều lo lắng phập phồng nhất, chính là loa yêu cầu cư dân trở về nhà và ở yên, sẽ có thông báo tiếp theo.
Ai nấy đều tất bật lo toan. Lực lượng chức năng thì lo đảm bảo an toàn, cư dân thì lo lắng chuyện sinh hoạt ăn uống . Ảnh NVCC
Nhóm chat của cư dân thì liên tục hiện lên những câu hỏi chuyện gì đang xảy ra, hình ảnh từ người ở ngoài chụp gửi vào. Bạn bè nhắn tin gọi điện hỏi han bị cách ly rồi hả, thôi ráng chịu khó vì cộng đồng nha, không quên dặn với một câu “Đừng chửi người bị nhiễm nhé. Đâu ai muốn đâu!”. Trong chưa tỏ mà ngoài ngõ đã tường.
Gần khuya, tiếng loa vang lên, xác nhận có ca nhiễm Covid-19 và yêu cầu cách ly tạm thời 24 tiếng để khử trùng, kiểm tra và khai báo y tế của toàn bộ cư dân, rồi sẽ có thông báo tiếp tục. Cái câu “rồi sẽ có thông báo tiếp tục” gieo vào lòng người nỗi nặng nề rất bỗng nhiên vì không rõ quyết định cuối cùng thế nào để tìm cách chuẩn bị thực phẩm và để xin sếp cho phép làm việc tại nhà. Liếc nhìn qua, gương mặt đứa em chảy dài không hề chê giấu.
Biết chúng tôi đang cách ly tạm thời, má gọi điện dặn dò: “Nhà còn gì ăn đó nha con, đừng gọi Grab hay dịch vụ đặt hàng, mình chưa biết phạm vi lây nhiễm ra sao, lỡ người ta mang đồ đến vì mưu sinh mà bị lây bệnh thì tội họ.”
Sáng hôm sau, bộ phận y tế đi đến từng nhà lấy thông tin, rồi cả ngày trôi vào im lặng. Thông tin duy nhất nhận được là chủ đầu tư sẽ hỗ trợ cư dân mì gói và sữa.
24 tiếng của sự chờ đợi, 30 tiếng trôi qua chậm chạp. Tiếng chuông vang lên, hình ảnh bộ đồ phòng hộ xanh lè ngay cửa, đưa quà hỗ trợ rất nhanh và rút cũng rất nhanh khiến nét mặt em mình chuyển dần căng thẳng. Điện thoại thì không ngừng rung “Cách ly hả? Ở khu vực nào?” Quyết định phải có câu trả lời để còn sắp xếp công việc, tôi đeo khẩu trang, găng tay, trùm kín mít, nhét túi chai xịt khuẩn rồi đi xuống sảnh chung cư trong ngày mệt mỏi đó.
Bước chân hùng hổ chợt khựng lại trước hình ảnh cậu thanh niên con rất trẻ (có lẽ là dân phòng) đang cúi lom khom cắm điện ấm nước, bên cạnh là ly mì gói. Ở góc cửa hông, một chiếc giường xếp chắn ngang, trên đó là gương mặt mỏi mệt. Ngoài sân, dây chăng khắp nơi, cảnh sát, dân phòng trực chốt. Giữ khoảng cách như khuyến cáo, tôi khẽ hỏi thăm tình hình. Bất giác tôi chợt thấy mình còn may mắn, dù bị hạn chế đi lại trong tòa nhà và không được ra ngoài, nhưng ít ra tôi vẫn còn được nghỉ ngơi trong không gian quen thuộc, có sách để đọc, có thiết bị để làm việc, còn lực lượng công an, dân phòng túc trực lo lắng cho cả một khu chung cư khá rộng, liên tục chuyển đồ hỗ trợ lên từng căn và họ chưa được về nhà.
Tin nhắn tôi gửi trong nhóm cư dân, một lát sau, mỗi người một tay góp sức cảm ơn người gác, nào là hộp bánh, quả bưởi, cà phê… xuýt xoa dặn nhau đừng gửi mì gói, ăn nóng người thì tội.
Hơn 48 tiếng, ‘lệnh’ phong tỏa được gỡ bỏ, thông báo phát đi trên loa, cả khu im ắng chợt vang lên vài tiếng nhạc, đâu đó là sự chia sẻ với tầng nhận quyết định chính thức cách ly 14 ngày và thêm 7 ngày giám sát y tế.
Chừng đó ngày nghĩa là công việc đình trệ, cũng có khả năng mất việc, giảm thu nhập giữa mùa căng thẳng này. Đối với ai không quen sống trong không gian “hẹp” của những căn hộ diện tích vừa đủ giữa thành phố là một thử thách không hề nhỏ.
Trải qua sự căng thẳng lần này, tôi hiểu sự cần thiết của thông tin đúng, đủ và kịp thời. Mong rằng các chung cư rơi vào tình huống cách ly, thường xuyên có loa thông báo để mọi người nắm được tình hình và được trấn an. Cảm ơn các anh công an, bộ phận y tế, dân phòng, lực lượng bảo vệ – những người âm thầm trong mùa dịch Covid-19 nhưng lại là những người nỗ lực làm nhiều nhất. Và thiết tha mong những ai đã trở về từ nước ngoài, vui lòng ý thức khai báo y tế, chấp hành nghiêm túc các quy định cách ly và hướng dẫn để sớm vượt qua mùa dịch gian khó này.
Chuẩn bị thế nào cho trường hợp bị cách ly bất ngờ?
1. Thực phẩm và thuốc men
Không chỉ trong mùa dịch bệnh kéo dài mà thông thường ở nhà nên có sẵn một số loại thuốc cơ bản như nhức đầu, hạ sốt, sổ mũi…, các loại vitamin và sản phẩm bổ sung, nhất là vitamin C.
Bổ sung gạo, đồ hộp, thực phẩm khô như bánh, mì gói, nui đóng gói, bún, hủ tiếu…
Bổ sung thịt, cá, trứng, sữa, rau củ quả, gia vị để bữa ăn luôn đảm bảo cung cấp đủ dưỡng chất vượt qua mùa dịch.
Dùng nhiều trái cây hơn. Ưu tiên các loại hoa quả có thể để được vài ngày như cam, bưởi…
Kiểm tra bếp núc và thay bình gas (nếu gần hết) trong trường hợp gia đình dùng bếp gas để nếu nướng.
Tất cả thực phẩm cần tính toán để mua và bảo quản đủ ăn ít nhất 1-2 tuần nếu khu vực bạn sống bất ngờ bị cách ly. Thật ra, số lượng này không quá nhiều để gọi thành “tích trữ” vì đối với dân công sở hay các gia đình hiện đại sống tại các thành phố lớn thì việc đi chợ cho cả tuần là chuyện rất bình thường.
2. Đồ dùng cần thiết
Bởi chúng ta không biết sau ra khỏi nhà để đến công sở thì nơi làm việc hay khi trở về thì nhà có bị cách ly hay không? Vì thế, luôn mang theo một số đồ dùng cần thiết như giấy tờ tùy thân, hơn 1 cái khẩu trang để thay thế, nạp sẵn tiền điện thoại và internet, dụng cụ thiết bị làm việc, điện thoại và đồ sạc pin. Nếu không ngại thì chuẩn bị một ít đồ lót và vật dụng vệ sinh cá nhân bên mình.
Bạn không cần phải tha “một cái tủ” trên lưng khi ra khỏi nhà, chỉ cần vừa đủ dùng trong vài ngày trước khi nhận được đồ tiếp tế nếu bị cách ly bất ngờ.
Bên cạnh đó, giữ tinh thần lạc quan, luôn theo dõi nắm bắt thông tin, giữ kết nối với nhóm cư dân nơi mình ở, tập thể dục đều đặn và có thể tải app trên smartphone để giải trí.
Bảo Hướng
Bệnh viện Bạch Mai dừng tiếp nhận hỗ trợ và nhắn 'xin hãy dành cho tuyến sau'
Trong thông báo ngừng tiếp nhận hỗ trợ từ cộng đồng, Bệnh viện Bạch Mai nêu rõ việc này nên dành cho tuyến sau, những người khó khăn hơn.
"Cho đến nay, cùng với sự đồng hành của người dân, Bệnh viện Bạch Mai cơ bản vượt qua giai đoạn khó khăn. Ban lãnh đạo bệnh viện và đội ngũ y bác sĩ gửi lời cảm ơn từ đáy lòng với sự quan tâm, giúp đỡ, ủng hộ trong thời gian qua. Bệnh viện thông báo xin dừng tiếp nhận tại đây.
Mọi sự hỗ trợ, giúp đỡ của người dân xin được dành cho các bệnh viện tuyến sau, các đơn vị bộ đội, công an hiện đang giúp đỡ, hỗ trợ những người cách ly còn gặp nhiều khó khăn", thông báo này 3/4 của bệnh viện nêu rõ.
Bệnh viện Bạch Mai thông báo ngừng tiếp nhận hỗ trợ.
Hai ca bệnh Covid-19 đầu tiên ở Bệnh viện Bạch Mai được xác nhận ngày 20/3. Đây là 2 nữ điều dưỡng (bệnh nhân số 86 và 87) làm việc tại bệnh viện. Đến nay, trong tổng số 233 ca mắc Covid-19 tại Việt Nam có tới 41 trường hợp có liên quan tới Bệnh viện Bạch Mai và Công ty TNHH Trường Sinh, đơn vị cung ứng dịch vụ ăn uống tại bệnh viện.
Ngày 28/3 vừa qua, UBND TP Hà Nội có lệnh cách ly, phong tỏa toàn bộ Bệnh viện Bạch Mai sau khi liên tiếp phát hiện bệnh nhân mắc Covid-19 tại ổ dịch Công ty TNHH Trường Sinh.
Bệnh viện cho đóng cửa cách ly toàn diện 3 khoa là: Khoa C4 (Viện Tim mạch Quốc gia), Khoa Thần kinh và Trung tâm Bệnh Nhiệt đới. Hơn 7.000 bệnh nhân cùng các nhân viên, y bác sĩ của Bệnh viện Bạch Mai được lấy mẫu xét nghiệm.
Để phục vụ công tác phòng chống dịch Covid-19, bệnh viện cũng cho xây dựng các bệnh viện dã chiến ngay trong khuôn viên để kịp thời ứng phó khi cần thiết.
Đến nay, nhờ sự chung tay đóng góp, hỗ trợ, giúp đỡ từ cộng đồng, tình hình dịch Covid-19 tại Bệnh viện Bạch Mai phần nào được kiểm soát. Bệnh viện cũng được phép tiếp nhận những bệnh nhân nặng, cấp cứu.
Video: Bên trong tâm dịch Bạch Mai những ngày phong tỏa
PHẠM QUÝ
Hai bệnh nhân Ninh Thuận xét nghiệm âm tính lần 3 Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh Ninh Thuận chiều 29/3 thông báo mẫu xét nghiệm của "bệnh nhân 61", "bệnh nhân 67" âm tính lần thứ 3 liên tiếp. Hai lần xét nghiệm trước đó vào ngày 21/3 và 24/3, "bệnh nhân 61" và "bệnh nhân 67" âm tính nCoV. Bác sĩ Thái Phương Phiên, Giám đốc Bệnh viện tỉnh Ninh Thuận...