Người Sài Gòn gọi nhau đi hiến tạng
Chỉ trong vòng ba giờ đồng hồ, đã có 427 lá đơn đăng ký hiến xác, hiến mô, tạng từ những người dân TP.HCM.
Tối 27-11, tại chùa Giác Ngộ (quận 10, TP.HCM) đã diễn ra buổi lễ đăng ký hiến xác, mô, tạng cho y học. Buổi lễ do Trung tâm Điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người (thuộc Bộ Y tế) phối hợp với Quỹ đạo Phật ngày nay, Ban Trị sự chùa Giác Ngộ tổ chức.
Còn nhiều người khổ, giúp được gì thì giúp
Rất đông Phật tử cùng người dân đã đến sớm để đăng ký hiến tặng với mong ước giúp đỡ nhiều người kém may mắn, mang bệnh tật trong người.
Chị Nguyễn Thị Thanh Tuyền (49 tuổi, ngụ quận 8) chia sẻ chị quyết định đăng ký hiến tặng sau khi nhìn thấy một hoàn cảnh thương tâm ở trong bệnh viện.
“Cách đây mấy tháng, tôi đưa người nhà đi khám bệnh ở BV Ung bướu. Ở đó tôi gặp một cậu bé chỉ mới sáu tuổi có nguy cơ bị mù vì gặp vấn đề với giác mạc. Bà ngoại của em nói rằng có thể em sẽ bị mù vì không tìm ra người hiến tặng để cấy ghép. Lần đó về tôi cứ suy nghĩ mãi, ở đâu đó vẫn còn nhiều người đang rất cần được giúp đỡ nên khi nghe có chương trình này tôi quyết định đăng ký ngay” – chị Tuyền kể.
Đứng né qua một góc nhỏ để nhường chỗ cho nhiều người khác, bà Nguyễn Thị Cẩm (64 tuổi, ở Bình Dương) cặm cụi điền vào lá đơn với vẻ hào hứng. Bà kể qua báo đài biết được còn rất nhiều người đang cần được ghép thận, gan, tim… nên bà muốn góp phần kéo dài sự sống cho ai đó.
“Bản thân tôi chỉ nghĩ là mình mà rơi vào trường hợp như họ thì cũng sẽ hy vọng có ai đó giúp đỡ. Mình nằm xuống rồi cũng trở về với cát bụi thôi, nếu có thể giúp người khác kéo dài sự sống thì sao không làm” – bà Cẩm chân thành.
Video đang HOT
Không chỉ những người trung niên, người già mà rất đông các bạn trẻ cũng đã đến làm đơn đăng ký. Chị Thanh Nguyệt (28 tuổi) chia sẻ: “Đâu đó có người đang mấp mé giữa sự sống và cái chết, hoặc có thể vĩnh viễn mất đi một phần nào đó trên cơ thể. Nếu mình có thể giúp sức để họ kéo dài sự sống thì mình cũng vui”.
Đông đảo người dân đến tham gia làm đơn đăng ký hiến xác, mô, tạng cho y học vào tối 27-11 tại chùa Giác Ngộ. Ảnh: THANH TUYỀN
Sẽ thuyết phục người thân
Ở một góc phòng đăng ký, chị Ngọc Dung dìu người bạn của mình là chị Bích Thủy ngồi xuống ghế. Vì chị Thủy bị gãy chân do tai nạn xe cách đây mấy ngày nên gặp khó khăn khi đi lại, chị Dung đi theo để giúp bạn.
Chị Dung cho biết lần này chị chưa đăng ký hiến tặng vì vấp phải sự phản đối từ phía con cái trong gia đình. “Tôi muốn đăng ký lắm nhưng khi nói cho mấy đứa con nghe thì đứa nào cũng phản đối. Chúng thương mẹ, lo mẹ nằm xuống thân thể không trọn vẹn. Tôi sẽ gắng thuyết phục tụi nhỏ cho bằng được. Tôi đăng ký hiến xong rồi cũng giục tụi nó làm theo luôn, còn biết bao nhiêu người cần mình mà” – chị Dung nói chắc nịch.
Đi cùng vợ và con gái, anh Nguyễn Hoàng Tuấn (ở quận 10) cho biết cả anh và vợ cùng làm đơn hiến tặng trong đợt này.
“Cả hai vợ chồng tôi đều nghĩ rằng nếu khi mình nằm xuống mà còn có thể gieo một mầm sống mới cho một người khác, giúp họ có cuộc sống khỏe mạnh, vui vẻ bên người thân, không ốm đau gì là mình thấy vui lây rồi. Chúng tôi dẫn con gái nhỏ đi theo là để con hiểu được đây là một việc làm hết sức ý nghĩa, sau này con lớn lên mong rằng con cũng sẽ quyết định như vậy” – anh Tuấn cười tươi.
Mỗi một người đến đây đều mang trong mình những mong ước chân thành nhất rằng họ sẽ giúp người kém may mắn hơn có được cuộc sống an lành. Hy vọng những thiện tâm đó sẽ mãi lan tỏa để nhiều người có thể tiếp tục sống khi ở lằn ranh giữa sự sống và cái chết.
Ai có thể tham gia hiến tặng mô, tạng? Điều 5 Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác năm 2006 quy định: “Người từ đủ 18 tuổi trở lên, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ có quyền hiến mô, bộ phận cơ thể của mình khi còn sống, sau khi chết và hiến xác”. Việc hiến tặng mô, tạng cũng cần đảm bảo các nguyên tắc như tự nguyện đối với người hiến, người được ghép; vì mục đích nhân đạo, chữa bệnh, giảng dạy hoặc nghiên cứu khoa học; không nhằm mục đích thương mại; giữ bí mật về thông tin liên quan đến người hiến, người được ghép… Người muốn đăng ký hiến mô, tạng trước hoặc sau khi chết, chết não có thể đến bất kỳ cơ sở y tế nào gần nhất bày tỏ ý nguyện đó. Cơ sở y tế đó sẽ có trách nhiệm tiếp nhận thông tin và báo về Trung tâm Điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người (Bộ Y tế) để thông tin đến cơ sở y tế có chức năng phù hợp tiếp nhận đơn đăng ký hiến mô, tạng của người muốn hiến và hoàn tất thủ tục pháp lý, tư vấn, cấp thẻ đăng ký hiến mô, tạng (hiến sau khi chết), hiến xác cho người đăng ký hiến… ____________________________ 6.000 người bị suy thận mạn đang cần được ghép, trên 1.500 người có chỉ định ghép gan (chỉ tính riêng một số BV lớn tại Hà Nội), khoảng 300.000 người bị mù do các bệnh lý giác mạc và trên 6.000 người đang chờ được ghép giác mạc, hàng trăm người phải chờ ghép tim, phổi. Tính đến ngày 15-6-2016, cả nước đã thực hiện 1.281 ca ghép thận, 54 ca ghép gan, 16 ca ghép tim, tám ca ghép tủy, một ca ghép khối thận-tụy, một ca ghép khối tim-phổi.
Theo Thanh Tuyền ( Pháp luật TP HCM)
Chàng trai ngồi xe lăn bán hàng rong mong được hiến tạng
Bệnh tật đã cướp đi sức khỏe, hoài bão, khiến anh nằm liệt một chỗ. Nhưng không ai ngờ rằng, chàng trai kém may mắn ấy đã nguyện hiến cơ thể mình cho y học để giúp ích cho những ai cần sự sống hơn. Người có trái tim nhân hậu ấy là Đinh Quốc Tuấn (35 tuổi, ở Yên Viên, Gia Lâm, Hà Nội).
Từ ngày sinh ra, anh Đinh Quốc Tuấn dường như chỉ nằm trên giường. Ảnh: Ngọc Thi
35 năm nằm một chỗ
Chúng tôi gặp anh Đinh Quốc Tuấn trong căn nhà nhỏ anh trọ trên phố Khâm Thiên (Hà Nội). Bệnh tật hành hạ khiến anh già hơn nhiều so với tuổi thật. Anh nằm co quắp trên giường. Đọc được suy nghĩ của chúng tôi là tưởng mình đang đau, anh lên tiếng ngay: "Tôi bị liệt cơ bẩm sinh nên thế, các cơ không giống người thường, biểu hiện lạ vậy nhưng khỏe thôi". Đôi tai anh cũng bị ảnh hưởng, khi nói chuyện phải nói to. Không chỉ vậy, người đàn ông tội nghiệp này phát âm rất chậm, tiếng méo xệch, rất khó để hiểu.
Là con cả trong gia đình nhưng số phận đã không cho anh làm một con người hoàn chỉnh. Lớn lên, cơ thể anh teo tóp dần rồi liệt hẳn. Mong con khỏe mạnh để bằng bạn bằng bè, tất cả tiền bạc, tài sản bố mẹ đều vắt kiệt để lấy tiền chữa trị cho con nhưng mọi thứ không có gì tiến triển. Ông Đinh Quang Minh (bố anh Tuấn) cho biết: "Ngày vợ mang bầu đứa con đầu lòng, tôi vui mừng khôn tả. Trong thâm tâm, chưa bao giờ tôi nghĩ con mình sinh ra lại không được lành lặn như bao người".
Ngày ấy, để giữ được mạng sống cho cậu con trai tội nghiệp, ông và vợ chạy vạy vay tiền ngân hàng, họ hàng hai bên được hơn 30 triệu đồng. Ông bà gồng mình đưa con đi chữa trị ở không ít bệnh viện, cầu mong có một chút hi vọng đến với con. Nhưng rồi các bác sỹ của Bệnh viện Nhi Trung ương kết luận: Anh Tuấn bị liệt cột sống, không có khả năng phục hồi. Không có từ nào có thể diễn tả được nỗi đau của ông bà khi đó. Không còn cách nào khác, ông bà quyết định đưa con về chăm sóc tại nhà. Trong thâm tâm, họ vẫn cầu mong một phép màu, vào một ngày nào đó con mình sẽ khỏi bệnh.
Bị ám ảnh, phải mất một thời gian dài sau, ông bà mới quyết định sinh thêm. Ngày vợ mang bầu lần hai, ông vừa vui, vừa lo nhưng ông không nói với vợ vì sợ vợ đau buồn thêm. Sau này, ông mới biết, vợ mình cũng có chung tâm lý như vậy nhưng không dám nói ra!
Mong được hiến nội tạng cho y học
Lớn lên, anh Tuấn không thể đi học, không thể tự làm những việc muốn làm, ngay cả việc hòa nhập cuộc sống với gia đình cũng bất lực. Nhiều lần anh đã có ý định kết thúc cuộc đời cho người thân đỡ khổ. Mẹ anh cũng đã khóc cạn nước mắt vì con. Các thành viên trong gia đình thay phiên nhau chăm sóc anh. Nhiều khi họ phải trói tay anh lại để anh không tìm đến cái chết.
"Bậc làm cha làm mẹ, nhìn con đau đớn, chúng tôi chỉ ước mình có thể chịu thay. Thân thể què quặt nhưng đầu óc cháu hoàn toàn bình thường. Không có nỗi khổ nào bằng việc đầu óc tỉnh táo nhưng bất lực về hành động", bà Thành (mẹ anh Tuấn) chia sẻ.
"Hồi ấy, tôi đau lắm. Mỗi buổi tối trước khi đi ngủ, tôi phải uống hai liều thuốc ngủ loại nặng để ngủ thiếp đi, quên cơn đau. Thời gian đầu, thuốc còn có tác dụng, về sau dù có uống thuốc nhưng cả đêm tôi vẫn thức trắng. Lúc đó, tôi chỉ muốn chết đi, mong muốn được hiến nội tạng cho y học", anh Tuấn bộc bạch.
Thấy bệnh con trai nặng thêm, bố mẹ đưa anh lên Bệnh viện Tâm thần Hà Nội khám. Tại đây, các bác sỹ cho anh uống thuốc mê để chụp não. Uống đến 3 liều thuốc mê vẫn không có tác dụng, anh vẫn tỉnh như sáo. Các bác sỹ đều lấy làm lạ, trước giờ họ chưa gặp một bệnh nhân nào đặc biệt như vậy. May mắn khi anh được đích thân Giám đốc bệnh viện khám. Sau một hồi bắt mạch, hỏi han biểu hiện, bác sỹ kê cho anh thuốc giãn cơ. Thương cảm với hoàn cảnh của anh, Bệnh viện đã tài trợ thuốc miễn phí. Sau 1 năm ròng rã uống thuốc, anh đã cắt được cơn co giật, ăn, ngủ điều độ nên sức khỏe tiến triển tốt hơn.
Cách đây 4 năm, anh Tuấn ngỏ lời với bố mẹ cho mình được sống tự lập. Thấy cậu con trai trước giờ nằm một chỗ, vệ sinh cũng cần người nhà giúp có ý định chuyển ra sống riêng, cả gia đình ai cũng ngạc nhiên. Họ không nghĩ anh có thể tự lo liệu được cuộc sống. "Mưa dần thấm lâu", anh Tuấn kiên trì giải thích cho bố mẹ hiểu mong ước được sống tự lập của bản thân.
Anh bắt đầu đăng ký tham gia các câu lạc bộ dành cho người khuyết tật ở Hà Nội. Dần dần, anh quen với các bạn sinh viên tình nguyện. Họ thương cảm, giúp đỡ anh việc nhà, vệ sinh cá nhân. Hiện tại, hằng ngày anh đi bán hàng rong trên chiếc xe lăn, thu nhập không nhiều nhưng đủ để anh trang trải cuộc sống. Anh vẫn ấp ủ ý định hiến tạng cho những người cần khi sức khỏe của mình yếu đi.
Chia sẻ về quyết định hiến nội tạng của con trai, ông Minh cho hay, ban đầu cả nhà vừa ngạc nhiên, vừa thương xót. Bệnh tật hành hạ, Tuấn không được lành lặn về hình thức nhưng lại có tâm hồn nhân hậu, vị tha sâu sắc. Gia đình đã đồng tình với quyết định của anh. Bố mẹ Tuấn cũng rất mừng khi thấy con trai biết yêu thương, quan tâm đến những người khuyết tật khác.
Cần huy động sự ủng hộ của cộng đồng GS.TS Nguyễn Viết Tiến, Thứ trưởng Bộ Y tế chia sẻ: Nguồn tạng tại Việt Nam rất dồi dào, chứ không phải khan hiếm. Tuy nhiên, do chúng ta chưa biết huy động, nên nguồn tạng hiện nay mới chỉ đáp ứng 10 - 20% nhu cầu của người cần ghép tạng. Hiện nay cả nước chỉ thực hiện khoảng 1.200 ca ghép tạng, nhưng nhu cầu người cần ghép tạng lên đến gần 10.000 người và hàng nghìn người khác đang chờ đợi. Do đó, để có đủ nguồn tạng, rất cần sự chung tay, góp sức của các tổ chức xã hội, cơ quan chức năng, chức sắc tôn giáo... trong việc giúp người dân hiểu được ý nghĩa của việc hiến mô tạng. Đặc biệt, các nhà khoa học cần nghiên cứu, tìm tòi, cập nhật những kỹ thuật mới trên thế giới nhằm giúp cho việc ghép tạng ở Việt Nam phát triển hơn nữa. Bộ Y tế đã tham mưu xây dựng hành lang pháp lý và ban hành quy định nhằm giúp các nhà khoa học yên tâm làm tốt chuyên môn trong lĩnh vực ghép tạng.
Theo Ngọc Thi (Báo Gia đình & Xã hội)
Nam thanh niên hiến tạng cứu 3 người lính Lá gan, trái tim, quả thận của thanh niên 31 tuổi đã hòa nhịp đập trong cơ thể 3 quân nhân đúng ngày 27/7. Sáng nay, GS Đỗ Quyết, Giám đốc Học viện Quân y cho biết, hàng trăm bác sĩ của học viện cùng bệnh viện Việt Đức đã xuyên đêm thực hiện thành công cùng lúc 4 ca ghép tạng từ...