Người Sài Gòn bị mê hoặc bởi bún cá Num-bo-chóc nửa thế kỷ ngay chợ Campuchia
Giữa TP.HCM, có một đặc sản Campuchia ‘mê hoặc’ người ăn đã gần nửa thế kỷ. Bún cá Num-bo-chóc Tư Xê là một điểm hẹn thú vị cho ai muốn tìm hiểu ẩm thực độc đáo nơi xứ sở Chùa Tháp.
Món bún Num-bo-chóc Tư Xê nửa thế kỷ “mê hoặc” thực khách
Nằm lọt thỏm trong một con hẻm trên đường Lê Hồng Phong (Q.10, TP.HCM), chợ Campuchia đã không còn xa lạ với người Sài Gòn. Khu chợ lập nên từ những người Campuchia di cư sang Việt Nam sinh sống từ những năm 70 của thế kỷ trước, cũng như kiều bào người Việt từ Campuchia hồi hương, mang theo phong vị ẩm thực nơi xứ sở Chùa Tháp.
Một trong những đặc sản không thể không nhắc đến ở “thiên đường ẩm thực” Campuchia này là món bún cá Num-bo-chóc. Hàng quán xấp xỉ tuổi đời khu chợ phải kể đến “ thương hiệu” bún cá Tư Xê ở số 57/27 trong chợ Lê Hồng Phong (đường Hồ Thị Kỷ, P.1, Q.10, TP.HCM).
Thương hiệu gần nửa thế kỷ
Năm 1970, sau biến cố chính trị ở Campuchia, cộng đồng người Campuchia gốc Việt trở về sinh sống chủ yếu ở các tỉnh biên giới và Đông Nam bộ. Gia đình bà Tư Xê cũng trong dòng người ấy, đã mang theo nhiều đặc sản, đưa nét văn hoá ẩm thực “xứ Cam” trở thành một phần không thể thiếu của Sài Gòn.
Num-bo-chóc là tên gọi của một loại bún cá nổi tiếng ở Campuchia
Nước lèo bún Num-bo-chóc là sự hòa trộn độc đáo của cá lóc đồng, sả, nghệ tươi, trái trúc, ngải bún, mắm bò hóc,…
Ông Ngô Văn Hoa (62 tuổi), chủ hiện tại của cửa hàng Tư Xê chuyên kinh doanh đặc sản Campuchia, kể lại: “Lúc đó cả gia đình tôi dắt díu về khu chợ này. Năm 1972, ổn định rồi thì bắt đầu làm lại cái nghề cũ. Từ ông bà, sau đến bà Tư Xê mẹ tôi, giờ là tôi, mới đây mà đã 3 đời. Tính ra cũng ngót nghét nửa thế kỷ”.
Theo chủ quán, 80% nguyên liệu để nấu bún Num-bo-chóc đều được lấy từ Campuchia. Trong đó, thành phần quan trọng nhất để tạo nên hương vị đặc trưng của món bún này là mắm Prohoc (mắm bò hóc), ngải bún và trái trúc. Những ai e ngại mùi mắm bò hóc cũng đừng lo. Bởi với bún cá Num-bo-chóc, sự kết hợp của ngải bún, vỏ trúc cùng sả, nghệ tươi giã nhuyễn đã thừa sức khiến nước lèo “mê hoặc” những thực khách khó tính nhất.
Video đang HOT
Cá dùng để nấu bún phải là cá lóc đồng, vì cá nuôi sẽ rất bở và tanh. Trong đó, phần béo nhất, ngon nhất không phải thịt cá mà là đầu cá. Nhưng muốn thưởng thức đầu cá ở quán Tư Xê, thực khách phải đến “giành phần” từ sớm.
Cá lóc đồng là nguyên liệu chính của tô bún Num-bo-chóc
Tô bún có màu vàng của nghệ, màu trắng của lát cá lóc tươi. Khi ăn lại điểm thêm màu xanh của rau, dưa leo, màu tím của bông súng
Nước lèo sóng sánh, dậy mùi thơm khó cưỡng
Ăn kèm món bún này, ngoài rau thơm, rau muống bào, bắp chuối, bông điên điển, bông súng,… còn phải có đậu đũa sống, vừa ngọt vừa giòn. Theo ông Hoa, chỉ cần nhìn cách ăn đậu đũa, là biết ngay người nào gốc Campuchia, người nào sành ăn. Nếu trụng chín đậu đũa thì chưa “đúng điệu”.
Hương vị “mê hoặc” người ăn
Hương vị tô bún Tư Xê cũng không hề thay đổi theo thời gian. Ông Hoa khẳng định: “Đảm bảo công thức nấu, nguyên liệu nấu lúc mở ra sao thì giờ y vậy. Mình thay khác sẽ mất khách, cũng như mất đi đặc trưng mùi vị của món ăn độc đáo này”.
Tô bún Tư Xê gần nửa thế kỷ vẫn giữ nguyên mùi vị
Giá cho mỗi tô bún thơm ngon dao động từ 45.000 – 55.000 đồng. Một phần đầu cá ăn thêm là 75.000, nhưng chỉ có vào sáng sớm
Nhiều thực khách gắn bó với hàng bún Tư Xê đã hàng chục năm
“Thứ nhất là màu sắc tô bún rất bắt mắt. Thứ hai là mùi thơm rất khó cưỡng. Những nguyên liệu Campuchia độc đáo như mắm bò hóc, trái trúc, ngải bún hòa quyện với nhau dậy mùi thơm ngào ngạt. Đi kèm là chén nước chấm làm từ trái trúc, chén muối ớt. Mới nhìn, mới ngửi thôi đã thấy hấp dẫn rồi, nói chi ăn”, thực khách Nguyễn Thành Nhân (ngụ Q.10) tấm tắc.
Nhiều thực khách đánh giá hương vị tô bún cá ở Tư Xê rất khó tìm ở nơi khác, bởi sự chọn lọc nguyên liệu của người chủ quán và công thức nấu gia truyền. “Có người ăn từ khi ông bà tôi còn bán, giờ con cháu đầy đàn vẫn dắt lại ăn, rồi kể chuyện xưa. Xa xôi đâu tận Vũng Tàu, Long Khánh, Biên Hòa, Bình Dương,… cũng tìm tới, thấy quý lắm!”, ông Hoa cười.
Quán đông khách từ 6 giờ 30 đến khoảng hơn 10 giờ mỗi ngày
Khách kiên nhẫn chờ đợi tô bún ngon ở hai bên quán cà phê
Bún cá Tư Xê mở cửa lúc 6 giờ 30, nhưng hơn 4 giờ sáng, ông Hoa cùng các thành viên trong gia đình đã phải dậy chuẩn bị nguyên liệu. Không gian quán khiêm tốn giữa khu chợ đông đúc và chật hẹp, vì thế, thực khách phải ngồi cả hai bên quán cà phê bên cạnh. Đều đặn mỗi ngày, quán tấp nập khách vào ra, đến hơn 10 giờ trưa thì hết.
Bún cá Num-bo-chóc giúp thực khách người Việt biết thêm những nét văn hóa ẩm thực đa dạng “xứ Cam”. Hơn thế, với những kiều bào Campuchia, món ăn này còn giúp họ nhớ về quê hương của mình, cũng như cảm nhận được sự thân gần với mảnh đất Sài Gòn náo nhiệt.
Cửa hàng Tư Xê còn bán nhiều đặc sản Campuchia độc đáo khác
Quán phục vụ cả các loại chè Campuchia béo ngậy
Theo Thanhnien
Món ngon từ cá lạc
Theo các ngư dân, cá lạc sống trong những rạn san hô ngoài khơi nhiều nhất từ Đà Nẵng đến Phú Yên, để bắt được loại cá này chỉ có hai cách là câu đêm hoặc dùng lưới vây.
Cá lạc tươi và nguyên liệu nấu canh chua
Mới nhìn thấy hình dáng cũng đủ thấy "gai" người vì con cá lạc da trơn, to và dài, cái đầu thon nhọn dài như đầu trăn, đôi mắt thao láo, miệng rộng và cái đuôi bè bè nhỏ tí. Người ở biển gọi đây là đặc sản có một không hai, bởi thịt cá lạc cực ngon, vừa trắng vừa ngọt lại dai, làm được nhiều món như kho sả ớt, nấu cháo, nướng và ngon nhất là món canh chua.
Đầu tiên là làm sạch cá, giữ độ tươi rồi đem thái khúc hoặc chẻ theo dọc xương sống, ướp với gia vị, đem tao sơ qua với dầu, phi thơm tỏi, hành tím đến khi con cá trong nồi tạm săn chắc, cho vào đó lượng nước sôi cần thiết. Khi nước sôi nhẹ, đợi cá chín, thì xắt ớt, cà cho vào và cuối cùng là cho các loại rau lá đã chuẩn bị, nêm gia vị, vặn lửa nhỏ.
Nồi canh lúc này có vị chua dìu dịu, mùi hương thơm ngát, nước lại trong. Ăn canh chua cá lạc, ta cảm nhận được vị béo của cá, vị thơm của rau giá và lá me, ăn tới đâu thỏa lòng tới đó.
Nhất thiết trong bữa ăn phải có một chén nước mắm ngon hoặc chén muối giã với ớt. Từng khúc cá lạc béo ngậy được gắp ra để trên cái đĩa, người ăn cứ thế mà dùng.
Ở miền biển, canh chua cá lạc còn được dùng làm món ngon mỗi khi nhà có khách. Đơn giản, thơm ngon bổ dưỡng, lạ miệng, ai được ăn một lần khó thể quên. Cá lạc xứng danh là một trong những món hải sản hàng đầu của biển ở nước ta.
Theo Thanhnien
Đến dốc chùa Tàu Đà Lạt, đừng quên 'bộ đôi' sữa chua phô mai, trứng hồng đào Sữa chua phô mai với lớp váng thơm, béo được làm thủ công và trứng hồng đào luộc vừa tới đã tạo nên một "cặp đôi hoàn hảo" khiến nhiều du khách xiêu lòng mỗi khi đến thăm địa danh chùa Tàu nổi tiếng ở Đà Lạt. Chùa Tàu hay còn gọi là chùa Thiên Vương Cổ Sát do các nhà sư thuộc...