“Người rừng” bỗng nhiên muốn về lại rừng
Câu nói trọn vẹn bằng tiếng Cor của anh Hồ Văn Lang với người thân sau 39 năm sống biệt lập giữa rừng già là xin được trở về thăm ngôi nhà treo trên cây.
Sức khỏe ông Hồ Văn Thanh đã tạm ổn
Ngày 10/8, ông Hồ Minh Lâm (chú ruột Lang) cho hay, sau mấy ngày sống với mọi người, anh Lang đã dần dần làm quen với cuộc sống mới, không còn sợ hãi khi người lạ tới và tập một số sinh hoạt đời thường.
Hồ Văn Lang tuy đã cầm đũa gắp thức ăn nhưng vẫn nhớ rừng.
“Lang đã biết cầm đũa gắp thức ăn, biết xem tivi, nghe nhạc và đặc biệt rất thích đi chơi bằng xe máy. Hầu như lúc nào có tôi ở nhà là Lang chỉ tay vào chiếc xe máy đòi chở đi” – anh Lâm kể. Chiều người cháu sống cách biệt 39 năm ở rừng, anh Lâm cùng vợ là chị Hồ Thị Mai chở Lang đi khắp nơi, với mục đích tạo cho Lang quen dần với thế giới văn minh. Đến bữa ăn, Lang đã tự biết cầm đũa gắp thức ăn. Chị Mai cũng bắt đầu thêm ít muối, nước mắm vào thức ăn của Lang để anh quen dần với vị mặn.
“Lúc đầu, Lang kiên quyết không ăn, buộc tôi phải nấu cháo gà, không bỏ muối. Dần dần, tôi thêm từng hạt một, Lang cũng vui vẻ chấp nhận”. Kể từ ngày được đưa trở về làng, hầu như Lang không hề mở miệng nói gì. Nhưng mới đây, người thân trong nhà hỏi, Lang cũng đã trả lời, bằng tiếng Cor. “Ai hỏi ăn chưa, Lang cũng đã biết trả lời là ăn rồi hoặc chưa ăn. Chúng tôi cũng không dám làm phiền nó nhiều, chủ yếu để nó nghỉ ngơi dưỡng sức” – chị Mai kể.
Đặc biệt, lần đầu tiên Hồ Văn Lang đã nói được một câu trọn vẹn với anh Lâm, bằng tiếng Cor. Đó là sau khi ăn sáng xong, anh Lâm chỉ vào xe máy, hỏi xem có đi chơi hoặc lên bệnh viện thăm cha không, Lang đến và nói nhỏ với anh Lâm: Thích được trở lại thăm nhà, thăm rẫy trong rừng Apon. Hỏi vì sao, Lang nói vì nhớ rừng, không thích ở đây nữa.
Sự việc này, anh Lâm cũng đã báo cáo với ông Trương Ngọc Đông – Chủ tịch UBND xã Trà Phong. Ông Đông lập tức yêu cầu người nhà không được đưa Lang đi thăm rừng và lúc nào cũng túc trực vài người bên cạnh, phòng khi Lang bỏ trốn.
Video đang HOT
Chưa thể khẳng định ông Thanh là bộ đội chính quy
Nụ cười đã xuất hiện trên mặt Tarzan Hồ Văn Lang.
Ông Trương Ngọc Đông cho hay, hiện sức khỏe của ông Hồ Văn Thanh đã tạm ổn: “Ông Thanh đã ăn được 2 chén cơm, có dấu hiệu hồi phục. Tuy nhiên, ông vẫn chưa nói chuyện với bất kỳ ai trừ với đứa con trai của mình”.
Cơ quan chức năng đang khẩn trương tiến hành nhập hộ khẩu cho cha con Hồ Văn Thanh – Hồ Văn Lang vào hộ gia đình Hồ Văn Tri (người con thứ hai với vợ là Hồ Thị Phương mà ông Thanh không thừa nhận).
Trong những ngày qua, vợ chồng anh Tri túc trực bên giường bệnh, chăm sóc cha mình rất tận tình. “Dù ông có nhận hay không thì đó vẫn là cha của chúng tôi, Lang cũng là anh tôi” – vợ anh Tri, chị Hồ Thị Nhung nói. Theo ông Đông, anh Tri cũng thuộc diện hộ nghèo của xã, vì thế, sau khi nhập khẩu cha con ông Thanh vào nhà này, huyện cùng xã sẽ có các chế độ đặc biệt cho ông. Huyện chỉ đạo xã nghiên cứu cấp đất, xây nhà cho cha con ông Thanh.
Trao đổi với chúng tôi, lãnh đạo Ban chỉ huy quân sự huyện Tây Trà (Quảng Ngãi) cho hay, chưa thể khẳng định một cách chính xác, ông Hồ Văn Thanh có phải là bộ đội chủ lực của QK V như một số tờ báo nêu, mà phải kiểm tra hồ sơ kỹ lưỡng.
Theo Thượng tá Phan Minh Công – Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự huyện Tây Trà: Chỉ bằng một bộ quần áo và lời kể của người thân là chưa thể khẳng định. Chúng tôi đang khẩn trương xác minh bằng hồ sơ cụ thể và đi tìm những người già, cùng thời với ông Thanh ở huyện Trà Bồng cũ (sau này tách thành Trà Bồng và Tây Trà). Phải mất khoảng thời gian dài mới có trả lời cụ thể, bởi thời gian đã quá lâu. Theo Thượng tá Công, huyện đội Tây Trà đã cho người xuống làm việc với Phòng LĐ-TB&XH huyện Trà Bồng, dò hỏi các đơn vị quân sự từng đóng ở Trà Bồng cách đây 40 năm, hỏi các người lớn tuổi. Việc này phải mất hơn 1 tháng.
Theo Xahoi
Trở thành 'người rừng' sau trận bom kinh hoàng
Hoảng loạn trước cái chết thảm thương của mẹ và 2 con trai khi bom Mỹ dội trúng nhà, anh bộ đội ôm đứa con hơn 1 tuổi chạy vào rừng sâu sống cách biệt suốt 40 năm.
Lá thuốc giúp cha con ông Thanh vượt qua thời tiết khắc nghiệt trong rừng sâu 40 năm qua. Ảnh: Trí Tín
Vượt qua nhiều dốc cao dựng đứng, băng qua nhiều ghềnh thác suốt hơn 4 giờ, đoàn công tác của huyện miền núi Tây Trà (Quảng Ngãi) đi "giải cứu" cha con "người rừng" Hồ Văn Thanh (81 tuổi) và Hồ Văn Lang (41 tuổi, dân tộc Cor) mới tiếp cận được căn chòi lá nằm chót vót trên thân cây cổ thụ ở đỉnh núi APon.
Nơi ở của cha con ông Thanh nhìn từ xa như một tổ chim lớn trên cây chò già và được chống đỡ bởi hàng chục cây lồ ô. Cách căn chòi lá vài mét là dòng suối chảy róc rách theo máng hứng làm bằng nửa thân cây lồ ô. Đây là nguồn nước sinh hoạt của cha con ông Thanh.
Muốn lên được căn chòi lá này, dân làng phải leo lên chiếc thang làm bằng thân cây rừng được buộc bằng những sợi mây. Mái chòi được lợp bằng các loại lá chuối khô, mây rừng và lá cây sộp đan chồng lên nhau. Ngôi "nhà" rộng chừng 2m2 ám đầy khói tro. Ngoài khoảnh nhỏ làm bếp để sưởi ấm, nấu ăn, khoảng trống còn lại chỉ đủ cho cha con ông Thanh nằm.
Anh Hồ Văn Tri (con trai ông Thanh) bảo, người thân kể rằng năm 1972 cha anh đi bộ đội đóng quân gần nhà. Một hôm, nghe tiếng bom dội, ông Thanh tức tốc chạy về thì thấy căn nhà chỉ còn là đống đổ nát, mẹ và 2 con trai lớn tử vong.
"Trước mất mát quá lớn, cha hoảng loạn ôm anh Lang mới hơn một tuổi chạy vào rừng sâu lẩn trốn biệt, còn tôi vừa chào đời. Mãi đến năm 12 tuổi tôi mới theo bác ruột tìm gặp cha và anh trai sống trong căn chòi lá làm ở trên cây cao", ông Tri kể.
Sau lần gặp ấy, mỗi năm hai lần anh Tri gùi muối, dầu hỏa và cây rựa mang vào rừng sâu dù đến giờ cha và anh trai vẫn chưa nhận ra anh là người ruột thịt. Mỗi lần vào thăm anh Tri đều ngủ ven suối, không dám ngủ trên chòi với cha và anh trai mình vì... sợ.
Chiếc quần bộ đội mà "người rừng" giữ gìn suốt 40 năm qua. Ảnh: Trí Tín
Theo anh Tri, nhiều lần dân làng vào rừng định khuyên cha và anh trở về nhà nhưng hễ thấy người lạ là họ lẩn trốn rất nhanh. Để tồn tại giữa rừng già hoang vắng, ngoài việc làm chòi lá trên cây cao tránh thú dữ, cha con ông Thanh còn biết ủ tro bếp giữ lửa hay đến những khu rẫy lân cận tìm giống lúa, bắp, mè, mía và thuốc lá mang về trồng. Vì thế, đoàn công tác đã rất bất ngờ khi đứng trước đám rẫy rộng gần một ha với đủ các loại lúa rẫy, bắp, mè, mía và cây thuốc lá... của cha con ông. Bên dưới căn chòi, những dây trầu mọc lên xanh tốt.
Ông Hồ Minh Lâm (cháu ruột ông Thanh) cho biết, nhiều lần dân làng lên núi làm rẫy đã mang quần áo, xoong nồi, rìu, rựa cho cha con ông Thanh nhưng ông lão vẫn gói lại để trong chòi, ít khi dùng đến. Hàng ngày hai cha con chỉ mặc mỗi chiếc khố bện bằng vỏ cây, tự chế ra những dụng cụ để giã gạo lúa, mì thành bột. Hay mày mò làm ra rất nhiều lê, mác, cung tên, bẫy, rìu... để săn bắt thú rừng, sống cuộc đời hoang dã.
Theo ông Lâm, để vượt qua những mùa đông giá rét, cha con ông Thanh đã ủ lửa trong chòi và hút thuốc lá để làm ấm cơ thể. Kiểm tra căn chòi, dân làng phát hiện nhiều loại thịt thú rừng, trong đó có thịt chuột phơi khô và hàng chục ống lồ ô lớn chứa đầy lương thực dự trữ như lúa, mè và ớt khô. Cha con "người rừng" còn gói ghém cẩn thận răng và mật của nhiều loài thú dùng làm trang sức và chữa bệnh.
Ngoài ra, ông Thanh còn được cho là đã nghĩ cách nấu chín củ mì (sắn), sau đó dùng chày giã nát rồi lấy lá dong gói bánh cúng tế "thần rừng". Nhiều người bất ngờ hơn khi ông lão vẫn còn gói cẩn thận chiếc áo ấm màu đỏ của anh Lang lúc nhỏ và chiếc quần xanh của ông thời còn là bộ đội chống Mỹ.
"Không ngờ sau 40 năm sống biệt lập giữa rừng, với cuộc sống hoang dã khắc nghiệt, ông Thanh vẫn nuôi con trai sống sót từ lúc một tuổi đến giờ", ông Hồ Văn Xanh, người cùng làng thảng thốt khi lên đón họ về nhà.
Sau 40 năm xa cách, anh Tri mới được trực tiếp chăm sóc cho cha mình. Ảnh: Trí Tín.
Hay tin cha con ông Thanh được đưa về làng sau 40 năm sống trong rừng sâu, suốt từ đêm qua, hàng trăm người dân ở khắp nơi đã đến chia vui cùng gia đình. Sức khỏe ông Thanh đã suy kiệt nên các y bác sĩ ở Trung tâm Y tế Tây Trà đang tích cực cấp cứu. Còn anh Lang bập bẹ vài tiếng như muốn hỏi thăm tình hình của cha.
Được đưa lên Trung tâm Y tế, vừa nhìn thấy cha nằm bẹp một chỗ, tay được gắn dây truyền nước biển, anh Lang ú ớ kêu to, đôi mắt đầy vẻ sợ hãi. Người đàn ông 41 tuổi ra hiệu cho mọi người mang cha về. Sau khi được người thân an ủi, anh đồng ý theo về nhà nhưng cứ ngồi lì một góc hút thuốc lá, ánh mắt u buồn.
Trao đổi với VnExpress.net, ông Hoàng Anh Ngọc, Chủ tịch UBND huyện miền núi Tây Trà cho biết, sau khi cha con ông Thanh trở về, huyện đã đến thăm hỏi hỗ trợ lương thực giúp gia đình vượt qua khó khăn trước mắt. Các cơ quan chức năng cũng được tăng cường, quản lý không để cha con ông Thanh quay lại rừng sâu.
Qua xác minh, huyện xác nhận ông Thanh từng là bộ đội chống Mỹ, nhà ông bị dội bom khoảng năm 1972 khiến mẹ và hai con trai của ông qua đời. Nhằm tạo điều kiện cho cha con ông sớm hòa nhập cộng đồng, huyện hỗ trợ xây nhà và xem xét giải quyết các chế độ chính sách thương, bệnh binh cho ông trong thời gian sớm nhất.
Theo VNE
'Người rừng' bỡ ngỡ trước cuộc sống hiện đại Lóng ngóng khi mặc quần áo bằng vải hay gắp thức ăn bằng đũa, "người rừng" Hồ Văn Lang còn tỏ ra lạ lẫm với tiền bạc, điện thoại di động hay sợ sệt khi ngồi xe máy. Được cha ôm vào rừng từ lúc 1 tuổi, sau 40 năm anh Hồ Văn Lang mới được chính quyền địa phương xã Trà Phong...