Người Quảng Bình ở Sài Gòn khóc thương tướng Giáp
Bà con người Quảng Bình ngụ cư và mưa sinh ở Sài Gòn khi nghe tinĐại tướng Võ Nguyên Giáp qua đời không nén được cảm xúc. Nhiều người đang thu xếp hành lý về quê đúng ngày 12/10 để được tiễn đưa ông.
Ông Nguyễn Hữu Cương (85 tuổi, Chủ tịch Hội đồng hương tỉnh Quảng Bình tại TP.HCM, đã trải qua 2 cuộc khánh chiến vệ quốc), khi nghe tin Đại tướng Võ Nguyên Giáp qua đời thì bàng hoàng, nhỏ lệ.
Ông Cương xem lại những bức ảnh về những lần ra Hà Nội chúc thọ Đại tướng.
Ông buồn buồn kể: “Chúng tôi vừa ra cứu trợ cho người gặp nạn trong trận bão số 10 ở quê hương hôm 2/10, sau đó lên Tây Nguyên. Đến 4/10, được tin từ người giúp việc của Đại tướng báo bác mất. Tôi rất bất ngờ, bởi mới ra Hà Nội mừng sinh nhật Đại tướng hôm 25/8. Năm nào hội đồng hương cũng ra Bắc chúc mừng sinh nhật bác. Suốt đêm ở TP.Buôn Mê Thuột tôi không ngủ được, nên lập tức về Sài Gòn thông báo cho anh em biết tin. Sinh lão bệnh tử là điều tất yếu của một con người, nhưng trong thâm tâm tôi luôn nghĩ bác chưa đi, bác vẫn còn đó để dìu dắt con cháu, bà con”.
“Không chỉ ở Sài Gòn mà người dân quê hương chúng tôi các tỉnh ở miền Nam rất mong muốn về quê để tiễn đưa bác an nghỉ nơi chín suối. Bà con ở Sài Gòn, miền Nam nhận được tin bác mất ai cũng dậy lên một cảm xúc thương tiếc, mọi người nhắc mãi về những lần gặp Đại tướng”, ông Cương ngậm ngùi. Ngồi trao đổi với chúng tôi nhưng điện thoại ông Cương reo lên liên tục bởi bà con đồng hương gọi đến hỏi thông tin và kế hoạch về quê viếng Đại tướng.
Chủ tịch hội đồng hương Quảng Bình tại TP.HCM liên tục nhận cuộc gọi của bà con đồng hương hỏi kế hoạch viếng Đại tướng sắp tới.
Về kế hoạch của hội trong 2 ngày Quốc tang sắp tới, ông Cương cho biết: “Lễ viếng Đại tướng trong Sài Gòn vào ngày 12 – 13/10 dự kiến bà con Quảng Bình sẽ đi rất đông. Hội đã đăng ký với ban lễ tang của TP để có vị trí riêng và đúng ngày giờ. Nếu không viếng được ở hội trường Thống Nhất vì lý do nào đó thì sẽ có bàn thờ tại trụ sở hội để bà con đến viếng. Ngoài ra, trong sáng 12/10, một hội thành lập đoàn bà con đồng hương ở Sài Gòn về tham dự lễ viếng tại trụ sở UBND tỉnh Quảng Bình, sau đó theo đoàn đưa Đại tướng về nơi an nghỉ”.
Chị Trần Thu Hà (27 tuổi, quê ở H.Lệ Thủy, Quảng Bình, cách nhà Đại tướng chỉ 1km, đang tạm trú Q.3), ngậm ngùi chia sẻ: “Đại tướng từ trước đến nay luôn là thần tượng, động lực và niềm tự hào lớn lao của tất cả mọi người dân Lệ Thủy nói riếng và người Quảng Bình nói chung. Mỗi lần về quê tôi đều ghé thăm nhà ông, ngắm mảnh vườn, cây khế, lối vào”.
Khi biết tin Đại tướng ra đi chị đã rất bất ngờ và không cầm được nước mắt. “Dẫu biết rằng đó là qui luật của tạo hóa, sinh lão bệnh tử, nhưng tôi thực sự không thể cầm được nước mắt”, chị tâm sự.
Video đang HOT
Bức trướng mừng thọ Đại tướng 100 tuổi của Hội đồng hương Quảng Bình tại TP.HCM.
Nhớ lại lúc còn bé, chị Hà xúc động kể: “Tôi nhớ khi còn đi học, lúc đó Đại tướng về thăm quê hương. Toàn thể học sinh dậy từ rất sớm để đón ông. Đến nơi, Đại tướng bước xuống xe, ôm nhiều học sinh. Lúc đó cảm xúc của tôi ngẹn ngào và ghen tị với những bạn được ông ôm hôn. Khi Đại tướng qua đời có hàng loạt bài báo viết về ông, tôi đã đọc hết và rất tự hào khi Lệ Thủy đã sinh ra một người tài đức vẹn toàn như thế”.
Còn chị Phan Thị Quyên (30 tuổi, quê TP.Đồng Hới, Quảng Bình, đang ở Q.9) tâm sự: “Tôi bật khóc khi nghe tin Người mất ngay trong văn phòng làm việc. Hàng ngày tôi vẫn cập nhật thông tin về Đại tướng ở Hà Nội và quê nhà. Mỗi lần đọc bài, xem ảnh trên các báo sống mũi tôi lại cay và vô cùng xúc động. Trên các diễn đàn mạng, những người con xa quê ở Sài Gòn luôn chia sẻ thông tin, chia sẻ buồn thương đối với Người”.
Anh Nguyễn Hải Long (35 tuổi, quê H.Quảng Trạch, Quảng Bình, đang trú Q.Thủ Đức) cho biết: “Cũng như những người con Quảng Bình xa quê, chúng tôi rất thương tiếc về sự ra đi của vị Đại tướng lỗi lạc. Người là niềm tự hào của người dân Quảng Bình chúng tôi. Ở Sài Gòn xa xôi không thể về quê hương tiễn biệt nhưng trong lòng chúng tôi luôn hướng về Người. Ngày 12/10 chúng tôi hẹn nhau sẽ đến viếng Người ở hội trường Thống Nhất”.
Theo Tri thức
GS Phan Huy Lê lý giải về hiện tượng Võ Nguyên Giáp
"Thế kỷ 20 khép lại, tại Việt Nam đã diễn ra biết bao nhiêu sự kiện lớn, ghi nhận biết bao nhiêu con người nhưng lắng đọng lại chỉ là Hồ Chí Minh vàVõ Nguyên Giáp - hai biểu tượng của dân tộc Việt Nam trong thế kỷ 20" - GS Phan Huy Lê.
PV: GS đã từng nêu quan điểm, để lý giải vì sao Đại tướng Võ Nguyên Giáp có thể tạo nên nhiều kỳ tích như vậy, và được nhân dân Việt Nam và cả nhân dân thế giới yêu quý đến vậy, phải nhìn ông dưới góc độ con người. Liệu GS có thể nói rõ hơn về quan điểm này được không?
GS Phan Huy Lê: Những người từng tiếp xúc với Đại tướng Võ Nguyên Giáp đềucó cảm nhận sâu sắc, dù chỉ một lần. Một vị tướng lừng danh, công lao lẫy lừng nhưng lại là một con người sống cực kỳ bình dị. Sự bình dị toát ra từ con người, không có gì che đậy, ông hết sức khiêm tốn, giản dị, đôn hậu từ cái nhìn tới khi nói chuyện, nói chuyện về mình hay nói chuyện về người khác.
Cứ khi nào người ta khen ông, ông đều nói: "Trước hết là nhờ Bác Hồ, không có Bác Hồ thì không có tôi. Tiếp theo là nhờ quân dân ta. Mình tôi thì làm được gì".
Bác Hồ và Đại tướng Võ Nguyên Giáp bàn kế hoạch tác chiến tại Chiến dịch Điện Biên Phủ. Ảnh TTXVN
Hay ông từng tâm sự rất chân thành: "Nhiều khi tôi cũng lạ, người ta khen tôi nhiều quá. Nhưng thực ra tôi nghĩ cũng đơn giản, tôi xem lại lịch sử từng làm như thế nào, bàn trong Bộ Chính trị, sau đó trở thành tư tưởng chỉ đạo.
Việc của tôi chỉ là cụ thể hóa ra thành kế hoạch. Nhưng cái nâng tôi lên là sự thực hiện của quân dân, ví dụ việc dùng súng trường bắn máy bay, bố trí trận địa pháo ở Điện Phiên Phủ trên không... Họ sáng tạo, sáng tạo liên tục, vượt qua sự bình thường của lịch sử, có nhiều điều tôi không hề nghĩ tới. Chính nhờ thế mà tôi trưởng thành hơn và sáng tỏ hơn nhiều vấn đề".
Chính ông đã nghiệm ra, người Việt Nam có sức mạnh sáng tạo tiềm tàng nếu phát huy được sẽ đưa tới thành công. Về sau này, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã trả lời về câu hỏi của nhiều nhà báo phương Tây: "Vì sao Việt Nam thắng được Mỹ?", rằng:"Sở dĩ ông không hiểu vì sao Việt Nam có thể chiến thắng Mỹ là vì chính người Mỹ không hiểu được người Việt Nam".
Điểm quan trọng nhất tạo nên ý chí, nghị lực và niềm tin phi thường của con người Đại tướng Võ Nguyên Giáp là sự toàn tâm, toàn ý vì dân vì nước, vì độc lập dân tộc. Đó là nền tảng cơ bản tạo nên động lực, động cơ của vị đại tướng nhân dân, mà chỉ ở thế hệ ấy mới gặp được những con người tiêu biểu như vậy.
Trở lại trường hợp Đại tướng Võ Nguyên Giáp, ông xây dựng Quân đội Nhân dân Việt Nam với lực lượng ban đầu gần như từ con số 0, vũ trang cho quân đội vô cùng thô sơ, vậy mà quân đội đã trưởng thành và đã chiến thắng được hai kẻ thù hùng mạnh bậc nhất thế giới. Thử hỏi nếu không có một động cơ cực kỳ trong sáng, một niềm tin sắt đá nâng, một trí tuệ sáng tạo, một tài năng mưu lược kiệt xuất nâng tầm con người lên, vượt qua được mọi trở ngại tưởng chừng không vượt qua thì liệu có ai thậm chí dám nghĩ tới hoài bão đó?
Suốt cả cuộc đời Đại tướng đã sống như thế, mọi người đều biết. Ông đã vươn tới đỉnh cao của sự nghiệp, nhưng cũng trải qua không ít gian truân. Vào những lúc đó, ông vẫn giữ trọn niềm tin để vượt qua mình và vượt qua khó khăn một cách kiên nhẫn, bình tĩnh. Người ta sẽ phải nhớ tới thế hệ vàng thời Hồ Chí Minh bởi những con người như thế.
PV: Thưa GS, trong những ngày này, không có gì lạ khi các bậc lão thành và lớp người trung niên tiếc thương Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Nhưng nhiều người rất ngạc nhiên trước nỗi đau xót mà lớp trẻ thể hiện. Phải hiểu tâm lý này của lớp trẻ như thế nào, thưa GS?
GS Phan Huy Lê: Lúc đầu tôi cũng thấy lạ, tại sao lớp trẻ lại xúc động và thương tiếc Đại tướng đến như vậy, phải hiểu tâm lý của lớp trẻ như thế nào? Sau khi suy nghĩ, nhất là có dịp tiếp xúc với sinh viên, tôi thấy có thể tạm hiểu như thế này.
Dường như đối với lớp trẻ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp là một hình tượng trong quá khứ huy hoàng, một biểu tượng cao đẹp mà ở đó lớp trẻ thấy được ước vọng của mình là đúng, là chính đáng và có thể thực hiện.
Ở Đại tướng Võ Nguyên Giáp, lớp trẻ nhận ra không chỉ một vị anh hùng lẫy lừng với những chiến công mà là một biểu tượng của những gì tốt đẹp, đáng trân quý nhất của dân tộc Việt Nam. Đó là Biểu tượng của ý chí Độc lập Tự do, của Nghị lực và Trí tuệ sáng tạo của dân tộc, Biểu tượng của một con người suốt đời sống và chiến đấu vì Dân, vì Nước. Qua Đại tướng Võ Nguyên Giáp với những biểu tượng như vậy, lớp trẻ như tìm lại được niềm tin và lẽ sống của mình.
Quả thật, thế kỷ 20 khép lại, tại Việt Nam đã diễn ra biết bao nhiêu sự kiện lớn, ghi nhận biết bao nhiêu con người nhưng lắng đọng lại chỉ là Hồ Chí Minh và Võ Nguyên Giáp - hai biểu tượng của dân tộc Việt Nam trong thế kỷ 20. Đó là ý của GS Trần Văn Giàu phát biểu nhân sinh nhật lần thứ 90 của Đại tướng Võ Nguyên Giáp năm 2001.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp thăm hội Khoa học Lịch sử ngày 8/3/1996. Ảnh GS Phan Huy Lê cung cấp
PV: Trên một số phương tiện truyền thông phương Tây, khi đề cập đến những chiến thắng của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, có nhà báo đã gọi đó là "chiến thắng bằng mọi giá". GS nghĩ thế nào về lý giải này, phải hiểu vấn đề này như thế nào cho đúng, thưa GS?
GS Phan Huy Lê: Đấy là điểm mà tôi không đồng tình với Cecil B. Currey, một tác giả người Mỹ của cuốn sách "Võ Nguyên Giáp - chiến thằng bằng mọi giá". Cuốn sách có nhiều phân tích sâu sắc, đánh giá trân trọng, nhưng kết luận như thế là không hiểu đúng về Võ Nguyên Giáp. Mục tiêu của ông là giành bằng được độc lập tự do cho đất nước, nhưng ông ý thức sâu sắc phải dành thắng lợi bằng cách ít tổn thất nhất cho quân đội và nhân dân. Khi quyết định một chiến dịch, một trận đánh, ông tính toán rất kỹ thắng lợi và tổn thất, tính đến tùng sinh mạng, từng giọt máu của quân sĩ và nhân dân. Hồi ký của Thượng tướng Hoàng Minh Thảo đã nêu lên nhiều chứng minh về tinh thần này. Đó chính là truyền thống quân sự Việt Nam, là tính nhân văn và trách nhiệm cao cả của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Tính nhân văn đó xét cho cùng là xuất phát từ ý thức về sự tồn vong của dân tộc, một nước không lớn chống lại sự xâm lược của những thế lực hùng mạnh bậc nhất của thời đại.
Một ví dụ điển hình là khi Đại tướng Võ Nguyên Giáp thay đổi cách đánh ở trận Điện Biện Phủ. Nếu theo cách "đánh nhanh thắng nhanh" của cố vấn Trung Quốc thì hy sinh khủng khiếp mà chưa chắc đã giành thắng lợi. Đại tướng đã kiên quyết thay đổi phương chấm tác chiến, chuyển sang "tiến chắc, đánh chắc", phải mất thêm 2 tháng để chuẩn bị, nhưng nhờ đó mới giành được thắng lợi oanh liệt và ít tổn thất như thế. Xoay chuyển cục diện và nhận thức, dám chịu trách nhiệm, là tài năng và bản lĩnh của một vị Tổng tư lệnh mưu lược.
PV: Xin được hỏi một câu hỏi có tính cá nhân, có điều gì mà GS sẽ luôn nhớ khi nghĩ về Đại tướng Võ Nguyên Giáp?
GS Phan Huy Lê: Chỉ để chọn một thì hơi khó. Nhưng riêng với cá nhân tôi, dù Đại tướng Võ Nguyên Giáp luôn bảo ông làm sử không chuyên nghiệp như chúng tôi, nhưng làm việc với ông mới thấy, ông là một nhà sử học lớn, nhà sử học bậc thày, làm việc hết sức cụ thể, chi tiết, đúng tư duy và phong cách nhà sử học.
Cái ông quan tâm đầu tiên là phải tìm bằng được tư liệu, biết giám định tư liệu; thứ hai là ông rất tôn trọng những khái niệm đã từng được khái quát và sử dụng trong các thời kỳ lịch sử, luôn lật đi lật lại để tìm hiểu cách giải thích cho đúng. Mọi khái quát đều phải chứng minh bằng tư liệu.
Ông từng bảo tôi rằng, "Cái rất gần giữa quân sự với sử học là phải coi trọng sự thật. Sử mà không coi trọng sự thật không còn là sử, quân sự mà không coi trọng sự thật thì thất bại ngay lập tức".
"Phải tôn trọng sự thật", ông nhắc đi nhắc lại "dù là sự thật cay đắng nhất cũng phải chấp nhận, từ sự thật đó mới tạo được thành công".
Theo Đất Việt
Xe kéo pháo hộ tống linh cữu Đại tướng tới Mũi Rồng Khoảng 300 người Quân khu VII cùng các lực lượng khác sẽ phối hợp điều khiển xe kéo pháo hộ tống linh cữuĐại tướng Võ Nguyên Giáp từ sân bay Đồng Hới tới nơi an táng tại Mũi Rồng. Trao đổi với PV về việc đảm bảo công tác an ninh trật tự, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình Nguyễn Hữu Hoài nhấn...