Người quản giáo và mối linh cảm
Ông Nguyễn Thanh Chấn đã được trả tự do đến hôm nay đã trọn 3 ngày, nhưng câu chuyện về vụ án của ông vẫn là đề tài bàn tán xôn xao ở Trại giam Vĩnh Quang (Vĩnh Phúc), nơi ông Chấn từng thụ án. Không chỉ có phạm nhân mà ngay cả những cán bộ quản giáo cũng vui mừng cho số phận của ông.
Trung tá Tạ Huy Bằng – Quản giáo đội phạm nhân số 22
nhớ lại những ngày ông Nguyễn Thanh Chấn còn cải tạo ở Trại giam Vĩnh Quang
“Tôi linh cảm ông Chấn vô tội”
Đó là lời sẻ chia đầu tiên của Trung tá Tạ Huy Bằng – Quản giáo đội phạm nhân số 22, Phân trại số 1. Thời gian ông Chấn ở trại tổng cộng là 9 năm (1 năm tạm giam ở Công an tỉnh Bắc Giang) thì 4 năm đầu ông Chấn lao động ở những phân trại khác. Trung tá Bằng là người gắn bó lâu nhất với ông Chấn, quãng 5 năm. Gần 2.000 ngày tuy không quá dài, nhưng cũng không hề ngắn để nhận định về tính cách một con người.
Video đang HOT
Nhớ lại những ngày đầu tiếp nhận ông Chấn về đội, Trung tá Bằng bảo: “Thực ra tôi không có nhiều ấn tượng với ông Chấn, chỉ thấy ông ấy khá hiền lành, chất phác và cảm giác nghề nghiệp mách bảo rằng, đây sẽ là một phạm nhân khá “thuần”. Với những phạm nhân như vậy thì theo kinh nghiệm, chúng tôi sẽ nhàn hơn”.
Đội 22 vốn là mảnh đất của những phạm nhân thuộc diện “tù lâu, án dài”. Thôi thì cướp của, giết người, buôn bán ma túy… đủ cả. Với cái án chung thân của mình thì việc ông Chấn về đây cải tạo là lẽ đương nhiên. Nhưng đọc hồ sơ và nghiên cứu tội trạng của ông Chấn, nhiều lúc Trung tá Bằng không khỏi băn khoăn. Không lẽ một con người lúc nào cũng cam chịu, khép mình và “chân chỉ hạt bột” như ông ta mà lại làm những việc tày đình như thế?
“Ban đầu ông ấy cũng “tâm trạng” lắm, như cách chúng tôi thường gọi là phạm nhân “chưa yên tâm cải tạo”. Ông Chấn thường xuyên kêu oan mặc dù chúng tôi đã gọi lên giải thích rất nhiều lần. Rồi lâu ngày, những lúc rỗi rãi tôi cũng gọi ông ấy ra nói chuyện và lắng nghe ông ấy tâm sự. Qua những câu chuyện sẻ chia với nhau, tôi nghĩ ông ấy không có tội. Người hàm oan thường hay tủi thân và bi quan. Nhưng khổ nỗi, luật pháp lại không có chỗ dành cho linh cảm. Thế nên tôi cũng chỉ biết khuyên ông ấy một mặt cứ yên tâm cải tạo, mặt khác hãy viết đơn gửi tới các cơ quan chức năng, trại sẽ chuyển giúp. Biết đâu đến một ngày công lý sẽ sáng tỏ. Đến bây giờ hóa ra cái linh cảm của tôi là đúng” – Trung tá Bằng nói với sự vui mừng.
Cũng chính nhờ cái linh cảm của mình, trong suốt 5 năm ở đội 22 ông Chấn nhận được khá nhiều ưu ái mà Trung tá Bằng ngầm dành cho ông. Mức khoán công việc hàng ngày nếu không đạt cũng chẳng bao giờ ông bị trách mắng. Giờ giấc lao động cải tạo cũng không đến mức quá căng thẳng. Thậm chí những lúc vợ con lên thăm và thông báo, đơn kêu oan gửi đi nhưng chưa thấy có kết quả gì, ông Chấn buồn ra mặt. Thế là Trung tá Bằng lại gọi ông lên rồi pha trà, mang thuốc lá ra vừa hút thuốc vừa tâm sự.
Trung tá Bằng kể trong sự bồi hồi: “Tôi thấy ông ấy cứ tồi tội nên không nỡ làm căng về kỷ luật. Ông Chấn cũng có tuổi rồi, ai đời án dài như vậy mà chẳng mấy khi có người nhà thăm nom. Hay có thăm thì quà cáp, lưu ký cũng chẳng nhiều nhặn gì. Hậu hĩnh lắm thì cũng chỉ được dăm gói mỳ tôm hay xoong thịt kho ăn vài bữa là hết. So với các phạm nhân khác thì điều kiện sinh hoạt như vậy là khá hoàn cảnh. Thế nên khi đi lao động chúng tôi bố trí cho ông ấy những công việc nhẹ nhàng ngoài xưởng may, chủ yếu là ngồi cắt chỉ thừa. Ngày Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao lên thông báo ông Chấn sẽ được thả, cán bộ cả trại giam này vui mừng. Riêng ông Chấn lúc nào cũng chỉ chực khóc, gặp tôi, ông ấy còn bảo: thế là tôi sắp được về rồi, chẳng biết lúc nào gặp lại các cán bộ nữa. Lúc ấy tôi còn trêu, ở với nhau mấy năm trời, ông về tôi cũng nhớ. Hay thỉnh thoảng ông lên đây chơi với chúng tôi”.
Vỡ òa niềm vui
Những ngày còn ở Trại giam Vĩnh Quang, ông Chấn khá thân thiết với phạm nhân Thân Nhân Sang. Ngoài lý do đồng hương thì Sang là người hay lắng nghe những tâm sự của ông nhất. Sang bảo: “Lúc anh Chấn có thông báo được tha, cả đội em đều mừng. Anh ấy thì khỏi nói, có bao nhiêu đồ dùng, dù chưa đến ngày về nhưng cũng mang chia cho bọn em tất. Có những đêm 2 anh em nằm tâm sự, anh Chấn cũng kể rằng anh ấy không giết người, rằng anh ấy bị kết tội rồi vào đây là oan ức. Dù anh em tin nhau hoàn toàn, nhưng chúng em cũng bất lực bởi án đã tuyên vậy rồi, chỉ biết động viên anh ấy yên tâm cải tạo mà thôi”.
Theo Sang thì ở trong đội, ông Chấn khá hiền lành và chẳng va chạm với ai bao giờ. Có lẽ cái sự chân chất, yên phận ấy là lý do mà như các cụ vẫn nói là ở hiền gặp lành. Cán bộ thì ưu ái, thương cảm còn những phạm nhân khác cũng không nỡ o ép. Cuối cùng thì được minh oan, dù 10 năm là quãng thời gian đằng đẵng, nhưng sự thật vẫn là sự thật. Anh ấy lúc nào cũng nghĩ về gia đình, về mẹ già và vợ yếu. Như em dính án ma túy, án phạt chung thân, thế mà lúc nhận được tin minh oan, anh ấy còn quay lại động viên em.
Đại tá Trần Mạnh Hùng – Giám thị Trại giam Vĩnh Quang bảo: “Trong suốt chừng ấy thời gian ở trại có một điều mà chúng tôi nhận thấy là ông Chấn luôn tâm niệm sẽ có một ngày được minh oan. Có lẽ chưa có phạm nhân nào sau 10 năm thụ án mà vẫn khát khao đến như vậy. Chính điều đó khiến chúng tôi cũng phải suy nghĩ. Vì vậy chúng tôi cũng đã nhiều lần chuyển đơn kêu oan của ông Chấn đến các cơ quan chức năng. Ngay cả bản thân tôi cũng đã từng ngồi cả giờ đồng hồ để gặp người nhà ông Chấn và tư vấn nếu gia đình muốn kêu oan thì cần phải gửi đơn đến những cơ quan nào”.
Ngày ông Chấn được trả tự do đích thân Đại tá Trần Mạnh Hùng đứng ra trích quỹ Tấm lòng vàng của trại hỗ trợ 2 triệu đồng, lại cử cán bộ cho xe đưa ông Chấn về tận nhà đồng thời cấp tiền ăn dọc đường: “Đó là tất cả những gì chúng tôi có thể làm để giúp đỡ một người vô tội. Và chúng tôi tin, tuy muộn, nhưng cuối cùng công lý sẽ được trả về đúng vị trí vốn có của nó”.
Theo ANTD
Thái Bình: Sập tường rào, 3 HS thương vong
Vào lúc 12 giờ 50 phút ngày 5/11, đoạn tường rào chùa Phúc Cung (xã Phúc Thành, huyện Vũ Thư) đổ sập làm chết tại chỗ 1 em học sinh và 2 học sinh khác bị thương nặng đang cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh.
Theo thông tin ban đầu, chùa Phúc Cung được động thổ hôm 4/11 (2/10 âm lịch) với diện tích xây dựng khoảng 300m2. Khi máy xúc đào móng đã đổ đất thải chèn lên tường (cao gần 3m, dày 10cm), do xây lâu ngày nên đoạn tường gạch dài khoảng 14m ập đổ. Đúng lúc đó 3 em học sinh Trường Tiểu học Phúc Thành là Nguyễn Phú Quý (sinh 2004), Nguyễn Văn Phúc (sinh 2005) và Nguyễn Văn Hiệu (sinh 2004) đi qua khiến em Nguyễn Văn Phúc chết ngay tại chỗ; 2 em Quý và Hiệu bị thương rất nặng. Sau khi sự việc đau lòng xảy ra, ai đó đã dùng cột tre chống vào đoạn tường còn lại. Phía trong bức tường là nền móng công trình rộng khoảng 500m2 đã được đóng cọc tre. Đống đất thải từ móng đào lên cao gần chạm đỉnh bờ tường...
Học sinh vẫn hồn nhiên đi qua khu vực tường sập chết người
Trao đổi với NTNN chiều 6.11, ông Nguyễn Đình Kiện - Chủ tịch UBND xã Phúc Thành cho biết: Chùa Phúc Cung nằm trong khuôn viên đất đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Các thủ tục xây dựng đã được các cơ quan có thẩm quyền phê duyệt với tổng dự toán là 4,128 tỷ đồng, chủ đầu tư là sư thầy Thích Đàm Vân. Khi PV NTNN đề nghị Công an xã cung cấp biên bản hiện trường ban đầu, ông Quản Gia Nghĩa - Trưởng Công an xã đã từ chối vì cho rằng: "Điều này vượt thẩm quyền của Công an xã". Để tìm hiểu nguyên nhân sự việc, chúng tôi đã liên hệ trực tiếp với Công an huyện Vũ Thư, tuy nhiên chỉ nhận được câu trả lời: Lãnh đạo đi vắng!Được biết, sau khi sự việc xảy ra, phía nhà chùa đã hỗ trợ gia đình em Nguyễn Văn Phúc 20 triệu đồng tiền mai táng, 2 em Nguyễn Phú Quý và Nguyễn Văn Hiệu cũng được nhà chùa hỗ trợ mỗi em 10 triệu đồng.
Theo Trần Thụ
Hủy các bản án kết tội ông Nguyễn Thanh Chấn Chiều tối qua 6.11, Hội đồng thẩm phán TAND tối cao đã quyết định hủy các bản án hình sự phúc thẩm và sơ thẩm đối với ông Nguyễn Thanh Chấn, trả hồ sơ điều tra lại từ đầu. Rất đông các nhà báo đã có mặt tại trụ sở của TAND tối cao nhưng theo quy định, không được theo dõi phiên...