Người phụ nữ VN cuối cùng được giải cứu từ Syria
Hàng trăm người chết la liệt trong vụ xả súng giữa chợ, những căn nhà cao tầng đổ sập, khói bụi mù trời sau những đợt thả bom dữ dội, nỗi lo sợ hoảng loạn bao trùm cả đất nước, sự sống và cái chết gần nhau trong gang tấc… Đó là ký ức kinh hoàng về những tháng ngày lưu lạc nơi đất khách của chị Ngô Thị Mỹ Hạnh- người phụ nữ Việt Nam cuối cùng được giải cứu từ Syria về nước.
Thân gái dặm trường
Giống các trường hợp chị Lê Thị Thảo, chị Dương Thị Lan là những lao động bất hợp pháp tại Syriamà Báo GĐ&XH đã phản ánh, chị Ngô Thị Mỹ Hạnh (1984), thôn 6, xã Nga Bạch, huyện Nga Sơn, Thanh Hóa (hàng xóm với chị Lan) cũng qua Syria năm 2007 làm giúp việc gia đình, thông qua người quen tại Hà Nội.
Nhớ lại những tháng ngày cơ cực, liên tiếp bị chuyển chỗ làm và bị công ty môi giới ăn chặn tiền lương, chị Hạnh nghẹn ngào: “Do điều kiện kinh tế rất khó khăn, công ăn việc làm không có, nghe theo lời giới thiệu của hàng xóm về bà cô ngoài Hà Nội có đường dây đưa người qua Syria giúp việc gia đình, cũng muốn tìm kiếm cơ hội thoát nghèo nên tôi dứt ruột để đứa con mới hơn 1 năm tuổi lại cho bà ngoại nuôi giúp. Sang đến sân bay nước họ, người của công ty môi giới ra đón đưa tôi về giúp việc tại một gia đình có 2 ông bà già tại thành phố Allepo, với mức lương 150USD/1 tháng. Do bất đồng ngôn ngữ, chỉ cần làm trái ý họ là bị chửi, đánh đập. Nhà thì rộng, tôi dọn dẹp, lau chùi, nấu nướng suốt cả ngày, lại thường xuyên bị ông chủ “quấy rầy”… Không biết đường đi lối lại, không hiểu tiếng bản xứ nên tôi cắn răng chấp nhận làm cho gia đình ấy hết 3 năm. Họ vẫn trả lương thông qua công ty môi giới, nhưng công ty đã ăn chặn tiền của tôi, trong 3 năm, họ chỉ gửi về cho 20 triệu đồng…”.
Về với mẹ và con gái nhưng kí ức kinh hoàng từ Syria đang ám ảnh chị Mỹ Hạnh (ngoài cùng bên trái). Ảnh: N. Hưng.
Cầm trên tay vỏn vẹn 1.200USD tiền mua vé máy bay tới công ty môi giới để về nước, nhưng chị Hạnh lại bị người của công ty lột sạch số tiền trên, bắt đi làm thêm 3 tháng nữa mới cho về. Hết 3 tháng, chị quay trở lại thì họ lại bảo phải đi làm thêm 1 tháng nữa. Chị Hạnh cãi lại liền bị họ đánh đập dã man. “Họ nhốt tôi cùng hơn 30 người từ các nước Indonesia, Philippines hơn 1 tuần, mỗi ngày chỉ cho 2 chiếc bánh mì ăn cầm hơi. Do đói, sợ lại bị đánh, tôi chấp nhận đi làm thêm 1 tháng nữa. Hết thời gian, họ lại bảo không có máy bay về nước. Lần này, 1 người đàn ông to béo đưa tôi đi giúp việc cho siêu thị nhà ông ấy mà không cần hỏi gì. Làm ở đó 8 tháng, siêu thị bị đóng cửa do làm ăn thua lỗ, không được trả đồng lương nào…”, chị Hạnh ngậm ngùi.
“Đầu năm 2011, tôi quay lại công ty, cũng như những lần trước họ cứ khất lần, khất lượt. Sau đó họ đưa tôi đến giúp việc 1 gia đình khác trong thời hạn 2 năm, cũng ở thành phố Allepo. Lúc đó ở Allepo chiến sự chưa diễn ra ác liệt. Khoảng 4 tháng sau, cuộc nội chiến diễn ra trên khắp đất nước, ông bà chủ bỏ ra nước ngoài sống. Tôi ở lại với 5 người anh em họ hàng ông chủ. Họ bắt tôi làm nhưng không trả cho đồng lương nào. Nài nỉ xin họ đưa về nước, họ cũng chỉ hứa làm giấy tờ, nhưng do chiến tranh xảy ra ác liệt quá nên không làm được.”, chị Mỹ Hạnh nghẹn ngào kể lại hành trình kiếm ăn nơi xứ người của mình.
Kể từ khi Syria rơi vào nội chiến năm 2011, đất nước này trở thành một tấn thảm kịch, dòng người chạy trốn khỏi quê hương ngày một tăng. Số phận của những người nước ngoài sang đây kiếm việc làm vì thế trở nên mong manh hơn bao giờ hết.
Sống sót, trở về an toàn từ đất nước đang diễn ra cuộc nội chiến ác liệt là điều kỳ diệu đối với bất kỳ một lao động bất hợp pháp nào như chị Hạnh. Những ký ức khủng khiếp, nhiều lúc tưởng mình sẽ chết trong bom rơi, đạn lạc… như những thước phim quay chậm ám ảnh tâm trí chị từng đêm.
Video đang HOT
Hành trình trở về may mắn
Điều may mắn đầu tiên là chị Hạnh đã được Đại sứ quán Việt Nam tại Thổ Nhĩ Kỳ tìm thấy và gấp rút hoàn tất giấy thông hành để hỗ trợ chị trở về an toàn và hợp pháp. Tuy nhiên, việc đưa chị Mỹ Hạnh ra khỏi Allepo không hề đơn giản, bởi cảnh tên rơi đạn lạc ở thành phố này, trong khi biên giới của Syria đã đóng cửa.
Ôm cô con gái bé bỏng vào lòng, ngồi giữa nhà mình nhưng chị Hạnh cứ tưởng như mình đang mơ. Nhớ lại những lần nhận được tín hiệu từ Đại sứ quán ta, chị kể lại: “Từ tháng 9/2013, chiến sự giảm đi, không còn bị thả bom, chỉ có tiếng súng, pháo nổ. Thời gian này, Allepo “nội bất xuất ngoại bất nhập”, mỗi ngày họ chỉ mở cửa mấy tiếng để vận chuyển đồ ăn, thức uống vào thành phố. Điện, nước bị cắt, các cửa hàng đóng cửa. Người dân di tản gần hết, đường phố vắng tanh chỉ có xe quân đội, lính gác đi lại. Cũng trong tháng 9/2013, mẹ tôi từ quê nhà gọi điện qua số điện thoại của IOM (Tổ chức di trú quốc tế). Tôi gọi điện cho họ, họ hướng dẫn photo hộ chiếu, cho tôi địa chỉ email nhưng do Internet bị cắt, nhờ mãi mới chuyển tới được bằng máy fax. Trong thời gian đó tôi cũng gửi hình ảnh giấy tờ về Thổ Nhĩ Kỳ để làm lại giấy thông hành.
Căn nhà nghèo nàn của ba mẹ con bà cháu. Ảnh: T.G
Hơn 1 tháng chờ đợi giấy tờ cả 2 nơi, tôi như ngồi trên đống lửa, nhiều lúc tưởng đã hết hi vọng. Bỗng một hôm người của IOM điện báo tôi phải nộp phạt 1.000USD vì là lao động bất hợp pháp. Do không có tiền, tôi điện về Đại sứ quán Việt Nam ở Thổ Nhĩ Kỳ, họ đồng ý nộp cho tôi. Cuối cùng giấy tờ cũng đã xong nhưng không thể lên Thủ đô Damacus theo hướng dẫn của IOM vì đường sá hư hỏng rất nặng, lại không có xe. Mãi đến tháng 10/2013, tình hình tạm lắng, đường thông, tôi bắt đầu hành trình trở về quê nhà. Từ thành phố Allepo lên Thủ đô Damacus dọc đường đi là cảnh hoang tàn đổ nát, thi thoảng quân lính lại dừng xe kiểm tra.
Khi đến Damacus xe của IOM đưa về Đại sứ quán của Philippines, ở đó mấy hôm họ mua vé máy bay đưa tôi lên biên giới với Lebanon và từ đó đã được nhân viên ngoại giao của Đại sứ quán Việt Nam tại Beirut đưa lên máy bay qua Thái Lan. Ngày 31/10/2013 tôi về tới sân bay Nội Bài…”.
Chia tay mẹ con chị Hạnh, chúng tôi không khỏi bùi ngùi. Rồi đây cuộc sống của họ sẽ ra sao, khi mang trên vai khoản nợ lớn không có khả năng chi trả. Tương lai của họ như thế nào, khi công ăn việc làm không có? Niềm vui ngày đoàn tụ xen lẫn những mối lo cơm, áo, gạo, tiền đang đè nặng lên gia đình ấy.
Nước mắt ngày sum họp Nước mắt rơm rớm, bà Dương Thị Tin (mẹ chị Hạnh) bùi ngùi: “Khi Hạnh mang bầu thì tôi đang ở trong Vũng Tàu với thằng thứ 2. Hạnh sinh con xong, tôi ở nhà nuôi cháu, để Hạnh đi làm kiếm ít vốn. Ai ngờ số nó lại khổ thế, hết bi kịch này đến sóng gió khác. Lo cho cháu đi, gia đình vay mượn 50 triệu đồng, số tiền trên giờ không biết lấy đâu mà trả. Chưa kể quãng thời gian chờ đợi con trong vô vọng hơn 1 năm trời. Cuối tháng 10, đại diện Bộ Ngoại giao gọi điện thông báo ngày 31/10 ra sân bay đón cháu. Tôi mừng ôm cháu vào lòng khóc nức nở, con tôi đã được cứu sống. Tôi cảm ơn tất cả những người đã giúp đưa cháu về nước. Tưởng lo cho con đi để nó đỡ khổ ai ngờ chính tôi suýt nữa đưa nó vào chỗ chết”.
Theo Ngọc Hưng
Lời kể của người Việt được giải cứu từ Syria
Chị Lan kể, đến bây giờ, khi đang ở trên quê hương, chị cũng không thể tin nổi mình đã được giải cứu. Hàng đêm, chị bừng tỉnh, người vã mồ hôi, vì cứ nghĩ, mình vẫn đang còn ở nơi cửa tử.
Khi nội chiến ở Syria bùng nổ, chủ nhà bỏ trốn, để lại người phụ nữ Việt Nam giúp việc trong ngôi nhà bị khóa trái cửa ở một vùng tan hoang vì chiến tranh và không còn mấy bóng người. Không thức ăn, súng đạn ầm ầm, chị đã gần như tuyệt vọng...
Lần theo địa chỉ mà Đại sứ quán Việt Nam tại Thổ Nhĩ Kỳ cung cấp, phóng viên NTNN đã gặp được chị Dương Thị Lan, ở thôn 6, xã Nga Bạch (Nga Sơn, Thanh Hóa). Chị là 1 trong 3 phụ nữ đã được Đại sứ quán Việt Nam tại Thổ Nhĩ Kỳ đưa ra khỏi Syria và trở về Việt Nam an toàn.
Máu và xác chết
"Đêm nào tôi cũng mơ thấy những cảnh tượng hãi hùng, bom đạn và xác chết ở Syria" - chị Lan bắt đầu kể cho chúng tôi nghe. Nơi chị làm việc là thành phố Allepo, điểm nóng trong cuộc nội chiến ở Syria. Chị kể, khi cuộc nội chiến bùng nổ, cả thành phố luôn sống trong tiếng bom đạn, chết chóc và luôn lo sợ tính mạng sẽ bị cướp đi bất cứ lúc nào.
Chị đi làm với danh nghĩa là người giúp việc trong gia đình, nhưng thực tế, gia đình nhà chủ này có một nhà máy sản xuất đồ nhựa và chị bị đưa đến đó làm việc. Nhà máy cách nơi ở khá xa, vì vậy, phải đi qua con đường từ nhà đến nơi làm là nỗi kinh hoàng đối với chị. Chị Lan miêu tả, đường phố ở Allepo tan hoang, đi đâu cũng thấy những ngôi nhà nham nhở vì bị bắn phá.
Hãi hùng nhất là khi đang đi thì thấy tiếng súng nổ ầm ầm, như kề sát bên mình, dân chúng chạy tán loạn, người ngã xuống, máu đổ... Nhưng chị vẫn phải kiếm sống, không còn cách nào khác là phó thác cho sự may rủi.
Nhiều người nước ngoài ở Syria đang chờ được di chuyển khỏi "điểm nóng" này
Rồi một ngày, khi chị tỉnh dậy và đi đến chỗ làm, nhà máy sản xuất nhựa đã biến thành đống đổ nát sau một cuộc giao tranh dữ dội từ đêm hôm trước. Không có nơi làm việc, chị Lan phải ở trong gia đình chủ và làm giúp việc trong nhà.
Không lâu sau đó, vào khoảng đầu tháng 6, sau một đêm tỉnh dậy, chị thấy ngôi nhà trống trơn không một bóng người. Chị phát hiện ra cửa nhà đã bị khóa từ bên ngoài, những người trong gia đình đã lặng lẽ bỏ đi di tản mà không hề cho chị biết. Họ bỏ lại chị trong ngôi nhà mà không có nhiều đồ ăn dự trữ. Đến ngày thứ 3, thứ 4, không có đồ ăn nữa, trong khi hàng đêm súng đạn vẫn nã rền ở khu vực ngay sát ngôi nhà. Không có cách gì để thoát ra ngoài, cũng không có một bóng người nào đi ngang qua để có thể nghe được tiếng kêu cứu, chị Lan gần như tuyệt vọng.
Vào thời điểm ấy, chị bước đến cửa sổ được chắn song sắt và đau khổ nghĩ rằng phải bỏ mạng ở xứ tha hương này, thì chị Lan bỗng nhìn thấy một người lính đi ngang qua tòa nhà. Vì ở trên tầng cao, nên người lính này không nghe được tiếng chị gọi. Chị Lan đã phải dùng một chiếc cốc thủy tinh ném xuống đường để đánh động người lính già, sau đó kể lại sự việc. Người lính này sau khi nghe chị Lan nói thì bỏ đi 30 phút và khi ông quay lại, có thêm 1 cảnh sát Syria đi cùng.
Họ giải cứu chị ra khỏi ngôi nhà và cảnh sát đã đưa chị lên xe thùng, cùng những người lao động nhập cư khác từ Indonesia, Philippines đi về hướng thủ đô Damascus.
Những ngày tị nạn
Khi đến Damascus, chị Lan bị đưa vào trại tị nạn cùng những người Philippines khác. Sau khi cảnh sát xác nhận Việt Nam không có Đại sứ quán tại Syria, họ hỏi chị có quen biết ai là người Philippines không. Rất may mắn, nơi làm việc cũ của chị cũng có vài người Philippines, nên cuối cùng họ quyết định chuyển chị đến trú trong tòa nhà Đại sứ quán Philippines ở Damascus.
Tại đây, chị được họ cho ăn ở, và làm công việc nấu ăn, trước khi liên lạc được với Đại sứ quán Việt Nam ở Thổ Nhĩ Kỳ. Phải mất hai tháng rưỡi sau đó, người của Tổ chức Di trú quốc tế (IOM) mới tìm đến chị và hỗ trợ tiền vé máy bay để đưa chị ra khỏi Syria, trở về Việt Nam.
Cùng với chị Dương Thị Lan, 2 người phụ nữ khác cũng đã được giải cứu, trong đó có một người đã trở về Việt Nam, và là hàng xóm của chị Lan. Còn người phụ nữ thứ 3 đã ra khỏi Syria và đang chờ chuyến bay trở về Việt Nam. Chị Lan cũng cho biết, những người Việt Nam khác ở Syria cùng cảnh ngộ với chị đang được trú trong Đại sứ quán Philippines.
Chị Lan kể, đến bây giờ, khi đang ở trên quê hương, chị cũng không thể tin nổi mình đã được giải cứu. Hàng đêm, chị bừng tỉnh, người vã mồ hôi, vì cứ nghĩ, mình vẫn đang còn ở nơi cửa tử.
Chị Lan đến Syria để mong tìm được một tương lai sáng hơn cho gia đình, khi con gái chưa được 2 tuổi. 6 năm nơi xứ người, hành trang của chị là một túi quần áo và 500 USD do Đại sứ quán Philippines ở Syria hỗ trợ.
Chị nói, trước khi đi, chị phải đóng 32 triệu đồng (ở thời điểm năm 2007) và trong vòng 6 năm đó, chị chỉ nhận được 1 năm tiền lương với mức lương 150 USD/tháng. Sau năm đầu tiên đó, nhà chủ nói rằng, họ trả lương qua người môi giới, và cho đến khi kết thúc hợp đồng, chị mới được nhận số lương đó. Kể từ đó, 5 năm qua, chồng và con gái chị Lan không hề được nhận đồng tiền nào gửi về từ Syria, trong khi khoản nợ ngày ra đi cứ tăng dần vì tiền lãi. Khi chị đặt chân về đến sân bay Nội Bài, lúc đó đã 1 giờ đêm, chồng chị đang bệnh nặng nằm cấp cứu ở Bệnh viện tỉnh Thanh Hóa, mẹ chồng thì già yếu, nên chị lặng lẽ bắt xe khách trở về nhà.
Đón chị là cô con gái nay đã lên 8 tuổi, lạ mẹ. Trở về từ tay trắng, nhưng vợ chồng chị giờ đây quyết tâm sẽ bám trụ trên quê hương mình bằng chính nghề nông của gia đình. Khi được hỏi, chị có mong sẽ tìm một cơ hội nào nữa đi ra nước ngoài để đổi đời, chị Lan nói gấp gáp: "Tôi sợ lắm rồi, đến nơi, môi giới đã thu hộ chiếu, coi như mình đã là tù nhân...".
Theo Đăng Thúy (Dân Việt)
Mẹ già ngày đêm ngóng tin con từ "vùng chiến sự" Lúc nào trong lòng người mẹ cũng thấp thỏm lo âu, mong chờ tin từ đứa con đang ở "chảo lửa" Syria. Khi nào được ôm đứa con gái bằng xương bằng thịt vào lòng, khi đó bà mới dám tin con mình vân còn sống trở về... Mẹ già ngày đêm ngóng tin con Chị Ngô Thị Mỹ Hạnh, ở xã Nga...