Người phụ nữ từng tố Hàn Đức Long sàm sỡ lên tiếng
Bà Trương Thị Năm (gần 60 tuổi, trú Phúc Sơn, Tân Yên, Bắc Giang) là người cách đây 11 năm đã cùng mẹ đẻ của mình có đơn tố cáo ông Hàn Đức Long, khởi đầu cho chuỗi ngày oan sai đằng đẵng.
Liên quan tới việc ông Hàn Đức Long (ngụ tại Tân Yên, Bắc Giang) được trả tự do sau 11 năm ngồi tù, trưa nay (21/12), PV Báo Gia đình và Xã hội đã có cuộc trao đổi với bà Trương Thị Năm, người cách đây 11 năm đã cùng mẹ đẻ của mình gửi đơn tố cáo ông Long có hành vi sàm sỡ.
Theo lời bà Năm, do 2 bên gia đình từng xảy ra mâu thuẫn, nên dù sống ngay gần nhà nhưng hơn 10 năm qua họ không qua lại, trò chuyện với nhau. Ngay cả khi ông Long được trả tự do về nhà tối ngày 20/12, bà Năm cho biết mình không để ý và cũng không quan tâm.
Nói về lá đơn tố cáo ông Long cách đây 11 năm, bà Năm cho biết, bản thân bà và mẹ ruột là cụ Ngô Thị Khuyến (thời điểm đó đã ngoài 70 tuổi, hiện đã mất được 3 năm) vốn không biết chữ. Lá đơn là do bà Năm đọc cho người em dâu cạnh nhà là chị Nguyễn Thị Chung viết, gửi tới CQCA tỉnh Bắc Giang. Khi được hỏi về nội dung lá đơn đó thế nào, bà Năm cho biết hiện tại mình không nhớ.
Bà Trương Thị Năm, người từng cùng mẹ đẻ tố cáo ông Long có hành vi sàm sỡ. Ảnh: Đ.Lực
Khi PV hỏi “bà có suy nghĩ gì khi ông Long được trả tự do về nhà sau 4 lần bị tuyên án tử hình?”, bà Năm tiếp lời: “Tôi không quan tâm và cũng không muốn tìm hiểu”. Bà Năm cũng khẳng định, bản thân sẽ không thay đổi nội dung tố cáo ông Long như cách đây 11 năm.
Theo tìm hiểu của PV, mối xích mích giữa gia đình cụ Khuyến với gia đình ông Long xuất phát từ tranh chấp phần diện tích mấy mét vuông đất nằm giữa ranh giới hai nhà. Ở Phúc Sơn, hai mảnh đất thường chỉ ngăn cách bằng bờ dậu dâm bụt nên chuyện cãi vã để phân định ranh giới xảy ra hầu như cơm bữa.
Trong quá trình mâu thuẫn, do quá nóng tính ông Long đã đánh vào đầu bà Chung gây thương tích. Sau đó, chính quyền địa phương tiến hành hòa giải, buộc ông Long phải bồi thường tiền chữa trị, thuốc men cho bà Chung.
Chuyện tưởng chỉ dừng lại ở đó, song sự bất hòa vẫn cháy âm ỉ giữa hai gia đình hàng xóm, một phần là do ông Long còn thiếu bà Chung 300 nghìn đồng tiền đền bù viện phí. Rồi xảy ra chuyện cháu Nguyễn Thị Y. bị hại. Thời điểm đó, công an đặc biệt chú ý đến những người đàn ông mang tiếng trăng hoa hoặc là từng dính bê bối tình ái. Thực tế, cơ quan cảnh sát điều tra đã triệu tập gần 30 người tình nghi – trong đó không có ông Long.
Video đang HOT
Khoảng 4 tháng sau cái chết của cháu Yến, bà Chung tìm gặp bà Năm, đưa ra một tờ đơn tố cáo. Nội dung rất rõ ràng là tố cáo đích danh Hàn Đức Long.
Theo tìm hiểu của PV, bà Năm đã có gia đình và 4 người con (2 trai, 2 gái). Quá trình chung sống, do mâu thuẫn chuyện tình cảm chồng bà đã bỏ gia đình để đi tìm hạnh phúc mới. Một mình bà Năm ở vậy nuôi 4 đứa con và sống cùng người mẹ đẻ.
Theo X.Thắng – Đ.Lực (Gia đình & Xã hội)
Tử tù Hàn Đức Long được trả tự do: Luật sư bào chữa nói gì?
Luật sư cho biết quá trình tham gia bào chữa cho Hàn Đức Long thấy nhiều điểm mâu thuẫn vô lý trong hồ sơ...
Cơ quan tố tụng tỉnh Bắc Giang đã đình chỉ vụ án, cho ông Hàn Đức Long (57 tuổi, ở Bắc Giang) được tại ngoại sau hơn 10 năm ngồi tù và chờ thi hành án tử hình.
Luật sư Ngô Ngọc Trai - Đoàn Luật sư Hà Nội, một trong các luật sư đã theo đuổi vụ án từ năm 2011 và luôn tin rằng "tử tù" Hàn Đức Long bị oan.
Luật sư tham gia vụ án với tư cách người bào chữa cho Hàn Đức Long từ thời điểm nào? Nguyên nhân nào mà luật sư theo đuổi vụ án Hàn Đức Long?
- Năm 2011, tôi làm cộng tác ở một công ty luật, được phân công tham gia cùng hai luật sư khác bào chữa cho ông Hàn Đức Long. Đó là giai đoạn xét xử sơ thẩm lần thứ hai.
Vụ án xảy ra từ năm 2005 và đã xét xử sơ thẩm phúc thẩm lần 1 năm 2007, sau đó bản án bị hủy bỏ để điều tra lại.
Quá trình trước đó thì cũng có mấy luật sư khác tham gia bào chữa cho ông Long, tôi tham gia từ năm 2011 và theo đuổi từ đó đến nay.
Luật sư Ngô Ngọc Trai (trái) cùng luật sư đồng nghiệp và vợ của Hàn Đức Long trong lần lên trại giam Kế - Công an tỉnh Bắc Giang.
Với một vụ án xảy ra cách đây hơn 10 năm, luật sư có những khó khăn gì khi tiếp cận vụ án?
- Đúng là cũng có những chướng ngại khó khăn, như kiểm sát viên không cho luật sư sao chụp hồ sơ, trại giam không cho luật sư gặp ông Long.
Ngoài ra cái khó là các cơ quan và cán bộ tư pháp không chịu nghe mình, không chịu chấp nhận những ý kiến hợp lý mình nêu ra.
Cơ sở nào để luật sư có niềm tin Hàn Đức Long không phải là can phạm giết người, hiếp dâm trẻ em trong vụ án xảy ra năm 2005?
- Niềm tin không phải có ngay mà được trau dồi dần theo thời gian và nghiên cứu kỹ hồ sơ.
Khi mới đọc hồ sơ ai cũng sẽ nản khi thấy tài liệu nào cũng thể hiện là ông Long nhận tội, bao nhiêu lời khai nhận tội, đơn xin tự thú, kết luận điều tra, cáo trạng đều thể hiện thế.
Nhưng lúc đó tôi với tư duy mới mẻ đã tự hỏi, bảo Long là thủ phạm nhưng có nhân chứng vật chứng nào cho thấy ông Long là thủ phạm không?
Suy nghĩ như thế thì tôi thấy là không có. Mặc dù vụ án cũng có hàng chục người nhân chứng có lời khai trong hồ sơ, nhưng đó là các nhân chứng về việc xay xát thóc và các việc khác, mà không có nhân chức nào nhìn thấy ông Long phạm tội.
Về vật chứng thì cũng không có, một số lông, tóc, tinh trùng, máu thu thập được ở hiện trường thì giám định không cho ra kết quả. Như vậy là cũng không có vật chứng.
Dần dần từ đó tôi chỉ ra được nhiều điểm mâu thuẫn vô lý trong hồ sơ, dần củng cố quan điểm nhận định kêu oan.
Quá trình theo đuổi vụ án, luật sư đưa ra một số chứng cứ có vẻ trùng khớp giữa vụ án Hàn Đức Long và vụ án Nguyễn Thanh Chấn (người được minh oan sau 10 năm ngồi tù). Phải chăng vụ án Nguyễn Thanh Chấn là cơ sở để luật sư đặt niềm tin Hàn Đức Long bị oan?
- Đúng rồi. Quá trình tôi kêu oan đã gửi nhiều đơn thư đến các cơ quan tư pháp Trung ương và báo chí.
Đến khoảng tháng 11.2013 thì xảy ra vụ án oan của ông Nguyễn Thanh Chấn được báo chí đưa tin rộng rãi minh oan.
Tôi đọc kỹ các bài báo viết về vụ này và những lời trình bày của ông Chấn, thì thấy được rất nhiều điểm trùng khớp giống nhau giữa hai vụ án: Cùng điều tra viên, cùng kiểm sát viên, cùng thẩm phán và cùng giống nhau ở nhiều hoạt động nghiệp vụ điều tra.
Tiến trình tiếp theo của luật sư trong vụ án Hàn Đức Long như thế nào?
- Trước mắt tôi tính nên hỗ trợ ông ấy trong việc ổn định cuộc sống đời thường, sau đó sẽ làm các hoạt động pháp lý đòi hỏi minh oan, bồi thường.
Còn nhiều suy nghĩ khác tôi sẽ chia sẻ dần khi thích hợp.
Vụ án Hàn Đức Long xảy ra cách đây hơn 11 năm. Theo nội dung vụ việc, khoảng 19h ngày 16.5.2005, vợ chồng anh Sơn, chị Liễu (ở xã Phúc Sơn, huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang) đi làm về thì phát hiện con gái là cháu Nguyễn Thị Yến (sinh năm 2000) bị mất tích. Sáng hôm sau, thi thể bé Yến được tìm thấy ở ngoài đồng với nhiều dấu hiệu nghi bị hiếp dâm. Sau 4 tháng điều tra, Cơ quan cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bắc Giang vẫn không xác định được nghi phạm nên đã ra quyết định đình chỉ vụ án, đồng thời phát động quần chúng tố giác tội phạm. Thời gian này, gia đình hàng xóm bà Ngô Thị Khuyến viết đơn tố cáo Hàn Đức Long từng hiếp dâm hai mẹ con mình, đồng thời tố giác người đàn ông này chính là hung thủ hiếp dâm Yến. Từ tố giác này, cơ quan cảnh sát điều tra, Công an tỉnh Bắc Giang bắt giam Hàn Đức Long để điều tra. Trong quá trình hỏi cung, Hàn Đức Long khai nhận hiếp dâm rồi giết cháu Yến. TAND tỉnh Bắc Giang đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm tuyên Hàn Đức Long án tử hình. TAND Tối cao xử phúc thẩm tuyên y án. Sau đó, Hội đồng Thẩm phán TAND xử Giám đốc thẩm đã quyết định hủy 2 bản án sơ thẩm, phúc thẩm để điều tra lại từ đầu. Đến năm 2011, TAND tỉnh Bắc Giang xử sơ thẩm lần hai và TAND Tối cao xử phúc thẩm lần hai vẫn giữ nguyên phán quyết tử hình đối với Hàn Đức Long. Cuối năm 2014, Hội đồng Thẩm phán TAND xử Giám đốc thẩm lại quyết định tuyên hủy bản án sơ thẩm và phúc thẩm tuyên tử hình Hàn Đức Long. Sau đó vụ án được giao cho cơ quan tố tụng tỉnh Bắc Giang điều tra lại. Tuy nhiên, sau nhiều lần kết thúc điều tra, trả hồ sơ vụ án thì đến nay cơ quan tố tụng tỉnh Bắc Giang đã ra quyết định đình chỉ vụ án đối với ông Hàn Đức Long.
Theo Việt Đức (VOV)
Bộ trưởng Bộ Công an nói về vụ tử tù Hàn Đức Long Đánh giá, nhận định quanh vụ việc tử tù Hàn Đức Long được trả tự do, Thượng tướng Tô Lâm - Bộ trưởng Bộ Công an - khẳng định, Bộ Công an không chấp nhận để oan sai cho một cá nhân nào. Tuy nhiên, vẫn còn một số vụ oan sai xảy ra, theo Tướng Lâm do nhiều nguyên nhân. Vụ án...