Người phụ nữ thuê Lý Đình Vũ xử lý dầu thải là con gái Chủ tịch Gốm sứ Thanh Hà?
Bà Nguyễn Thị Huyền Trang, con gái Chủ tịch HĐQT CTCP gốm sứ Thanh Hà là người đồng ý thuê Lý Đình Vũ xử lý dầu thải cho công ty với giá 1.000 đồng/lít.
Diễn biến mới liên quan đến vụ đổ trộm dầu thải gây ô nhiễm nước vào nhà máy Sông Đà, đoàn kiểm tra liên ngành của Cục Cảnh sát môi trường (Bộ Công an) phối hợp với các lực lượng chức năng làm việc với CTCP gốm sứ Thanh Hà (CTH), nơi cung cấp dầu thải cho các nghi can.
Theo biên bản kiểm tra được ông Nguyễn Đức Truyền, Chủ tịch HĐQT CTCP gốm sứ Thanh Hà cung cấp đã thừa nhận hành vi vi phạm và cam kết sẽ thực hiện tốt pháp luật bảo vệ môi trường trong quá trình hoạt động sản xuất. Đáng chú ý, bà Nguyễn Thị Huyền Trang (SN 1988) con gái Chủ tịch HĐQT CTCP Gốm sứ Thanh Hà là người đồng ý thuê Lý Đình Vũ (SN 1982, trú ở Bắc Ninh) xử lý dầu thải cho công ty.
Cụ thể, biên bản nêu, Lý Đình Vũ giới thiệu là người thu gom, xử lý dầu thải liên lạc với bà Nguyễn Thị Huyền Trang đề xuất việc xử lý, tái chế dầu thải đang lưu giữ tại công ty và được bà Trang đồng ý. Theo thỏa thuận miệng, bà Trang sẽ phải trả cho Vũ số tiền để thu gom, vận chuyển, xử lý dầu thải là 1.000 đồng/lít.
Con gái Chủ tịch HĐQT Công ty gốm sứ Thanh Hà là người đồng ý thuê Lý Đình Vũ xử lý dầu thải cho công ty. Ảnh Internet
Đến sáng 7/10, Vũ đến CTCP Gốm sứ Thanh Hà để thu mua dầu thải nhưng bà Trang đi vắng. Sau khi Vũ gọi điện, bà Trang cho biết giao lại cho ông Trần Thành Trung (SN 1975, phụ trách kho vật tư công ty) thay mình bán dầu thải.
Khoảng 8h ngày 7/10, xe tải mang BKS 99C-087.83 do Nguyễn Chương Đại (SN 1994, người được Vũ thuê, trú tại Bắc Ninh) cầm lái vào trong công ty để thu gom dầu. Đi cùng xe của Đại còn có Hoàng Văn Thám (SN 1986, trú tại Lạng Sơn). Ông Trung gặp Đại và Thám để thực hiện việc chuyển giao dầu thải cho những người này. Nhóm người này sử dụng bơm có sẵn trên xe để hút dầu thải từ 4 téc và các thùng dầu còn lại. Sau khi thu gom xong, trọng lượng dầu thải trên xe mà Vũ đã thu mua khoảng 8.830 kg (theo phiếu cân số 8063 của công ty).
Tại buổi làm việc với cơ quan công an, đại diện công ty là ông Trần Trung Thành, Phó giám đốc CTCP Gốm sứ Thanh Hà thừa nhận hành vi vi phạm trong quản lý và chuyển giao chất thải nguy hại theo quy định. Công ty chuyển giao dầu thải cho tổ chức, cá nhân không có chức năng xử lý chất thải nguy hại theo quy định, không ký hợp đồng và không thu thập hồ sơ về tư cách pháp nhân về chức năng xử lý chất thải nguy hại của người thu gom.
Video đang HOT
Trước đó, ông Nguyễn Đức Truyền, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc CTCP Gốm sứ Thanh Hà cho biết ông Trần Thành Trung đã nhân lúc lãnh đạo không có nhà để “bán trộm” dầu thải. Số dầu thải sau đó đã gây ra sự cố ô nhiễm nước sông Đà, khiến hàng trăm nghìn hộ dân Hà Nội bị ảnh hưởng.
Lý Đình Vũ được bà Trang – con gái ông Truyền thuê xử lý dầu thải.
“Đây là dầu thải trong quá trình vận hành xe nâng và các máy móc, tương tự dầu thải của xe máy. Trước đây chúng tôi tận dụng dầu này để đốt lò nhưng khoảng 3-4 tháng nay, từ khi áp dụng công nghệ 4.0 dầu được dồn lại để chuyển cho đơn vị xử lý chất thải”, ông Truyền cho biết.
Ông Truyền khẳng định, trước đó đã ký hợp đồng với đơn vị xử lý chất thải nguy hại là CTCP Môi trường xanh Minh Phúc (địa chỉ ở Hải Dương). Tuy nhiên số dầu thải chưa kịp gom đủ cho đợt xử lý đầu tiên thì đã bị tuồn ra ngoài.
Về phần mình, ông Truyền nhận trách nhiệm của người đứng đầu đã buông lỏng quản lý, để cấp dưới gây ra vụ việc. Thời điểm diễn ra sự việc, ông này cho biết đang công tác tại Đà Nẵng. Trưa 21/10, ông mới có mặt tại công ty để trực tiếp nắm bắt tình hình.
Ngày 9/10, người dân các xã Phúc Tiến và Phú Minh (huyện Kỳ Sơn, Hòa Bình) phát hiện việc đổ trộm dầu thải trên đường liên xã Hợp Thịnh. Qua điều tra, cơ quan chức năng tỉnh Hòa Bình xác định có dầu thải bị đổ trộm vào đầu nguồn nước của Nhà máy nước sông Đà.
Ngày 10/10, người dân tại khu vực Tây Nam Hà Nội phát hiện nước sinh hoạt có mùi lạ khó chịu. Sau sự cố, thành phố Hà Nội khuyến cáo người dân không ăn, không uống nước nhiễm dầu và cung cấp miễn phí nước sạch trong khi Công ty cổ phần đầu tư nước sạch sông Đà (Viwasupco) tạm ngừng cấp nước để xúc xả tuyến ống truyền tải.
Ngày 16/10, Cơ quan cảnh sát điều tra, Công an Huyện Kỳ Sơn, tỉnh Hòa Bình đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự để làm rõ hành vi gây ô nhiễm môi trường.
Thảo Nguyên
Theo VietQ.vn
Những bất thường trong vụ xả dầu thải gây ô nhiễm nguồn nước sông Đà
Như PLVN đã phản ánh, ngày 20/10, Lý Đình Vũ (37 tuổi, ngụ xã Xuân Lâm, huyện Thuận Thành) đã đến công an đầu thú mình là một trong những đối tượng đã đổ dầu thải xuống đầu nguồn gây ô nhiễm nước dẫn vào Nhà máy nước sạch sông Đà.
Công ty Cổ phần gốm sứ Thanh Hà, điểm xuất phát của 10m3 dầu thải
Vũ khai quen biết với người phụ nữ tên Trang. Trong một lần trò chuyện, Trang nói công ty gạch của cô tại thị xã Phú Thọ, tỉnh Phú Thọ có chất thải là dầu cặn nên muốn thuê Vũ đi đổ giúp với giá 7 triệu đồng. Lời khai này được cho là bộc lộ mâu thuẫn, khi với số "tiền công" chỉ 7 triệu như vậy, chưa chắc đã đủ tiền xăng dầu cho các phương tiện chở dầu thải đi một quãng đường khá lòng vòng trước khi tới Hòa Bình.
Lộ trình bất thường đó như sau: Ngày 6/10 Nguyễn Chương Đại (SN 1994, quê Bắc Ninh) và Hoàng Văn Thám (SN 1986, quê Lạng Sơn) được Vũ thuê lái ô tô tải BKS 99C - 087.83 đi từ Bắc Ninh đến Công ty gạch, gốm sứ Thanh Hà (thị xã Phú Thọ, tỉnh Phú Thọ) lấy dầu thải, bơm vào 10 thùng chứa (khoảng 10m3). Xe sau đó di chuyển về Công ty TNHH Cơ khí cao su K90 (xã Chí Đạo, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên) gửi xe.
Hai ngày sau (8/10), Đại, Thám và Vũ đi xe tải trên và một xe ô tô khác BKS 89A - 137.66 (chủ phương tiện là Nguyễn Văn Quyền, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên), chở dầu thải lên địa bàn xóm Quyết Tiến, xã Phúc Tiến, huyện Kỳ Sơn (Hòa Bình) xả trộm, sau đó bỏ trốn.
Còn một điều mâu thuẫn thứ ba, đó là trả lời báo chí về việc nghi phạm Vũ khai "được người phụ nữ tên Trang của Công ty gốm sứ Thanh Hà thuê chở dầu thải đi đổ với giá 7 triệu đồng", ông Nguyễn Đức Truyền, Chủ tịch HĐQT Công ty gốm sứ Thanh Hà xác nhận 10 m3 dầu thải đó có nguồn gốc từ công ty và "người phụ nữ tên Trang" được nhắc tới là con gái ông, làm ở phòng kinh doanh công ty. "Trang và anh Trần Thành Chung, thủ kho vật tư đang làm việc với cơ quan công an. Tôi có gọi điện hỏi thì Chung thừa nhận mình là người xuất số dầu đó", ông Truyền nói.
Bất thường ở chỗ, theo ông Truyền, công ty có hợp đồng với một đơn vị xử lý môi trường chuyên nghiệp. Thông thường, dầu thải từ quá trình vận hành máy móc được tích trữ tại hai téc và khi nào đạt mức khoảng 20m3 thì công ty môi trường sẽ đến lấy.
"Dầu thải số lượng ít như ở các tiệm xe máy thì có thể bán được, còn số lượng lớn như của công ty tôi thì cơ quan chức năng quản lý rất chặt", ông Truyền nói và chỉ ra điều bất thường ở chỗ: "Tôi cũng không biết anh Chung bán dầu thải này ra ngoài với mục đích gì".
Hiện tượng nước sạch sông Đà có mùi hắc như dầu cháy xuất hiện từ ngày 10/10 ở nhiều quận như Thanh Xuân, Hoàng Mai, Nam Từ Liêm... Đoàn kiểm tra liên ngành đã lấy mẫu, xét nghiệm vào ngày 11/10.
Sau khi nhận được tin báo sự việc, lãnh đạo Công an tỉnh Hòa Bình đã chỉ đạo Phòng PC05, PA04 và Công an huyện Kỳ Sơn vào cuộc. Ngày 11/10, Giám đốc Công an tỉnh Hòa Bình đã quyết định xác lập chuyên án, tập trung điều tra truy xét. Đồng thời, chỉ đạo Công an huyện Kỳ Sơn, Phòng PC09 và các đơn vị có liên quan tiến hành các hoạt động điều tra.
Căn cứ các tài liệu, chứng cứ thu thập được, Công an huyện Kỳ Sơn ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự số 11/QĐ-CSĐT, ngày 16/10/2019 về tội "Gây ô nhiễm môi trường" theo quy định tại Khoản 2 Điều 235 BLHS.
Ngày 17/10, Công an huyện Kỳ Sơn chuyển hồ sơ vụ án đến Cơ quan CSĐT Công an tỉnh (PC02) thụ lý, điều tra.
Ngày 18/10, qua điều tra, truy xét, Công an tỉnh Hòa Bình xác định được hai xe ô tô nghi vấn liên quan việc xả chất thải gồm: Ô tô tải BKS 99C - 087.83 thuộc Công ty TNHH thương mại và vận tải du lịch Minh Phương (địa chỉ tại huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh, trong lĩnh vực kinh doanh của Công ty được thu gom chất thải không nguy hại) và xe ô tô 4 chỗ ngồi biển kiểm soát 89A - 137.66 và đã bắt các đối tượng như nêu trên.
Số dầu thải sau khi bị các đối tượng đổ đã chảy xuống suối Trâm, một trong ba nguồn nước chính của nhà máy sản xuất nước sạch Sông Đà. Nước sạch bị ô nhiễm gây ảnh hưởng cuộc sống của hơn 250.000 hộ dân Hà Nội.
Văn Sơn
Theo baophapluat
Cty Thanh Hà nói gì về thông tin 'thuê người đầu độc nước sông Đà'? Cty Cổ phần gốm sứ Thanh Hà (CTH) vừa có phản hồi chính thức về thông tin được cho là đơn vị này thuê người đổ dầu thải làm ô nhiễm nước sông Đà. Ngày 20/10, Công an tỉnh Hòa Bình cho biết Lý Đình Vũ (SN 1982, ở Thuận Thành, Bắc Ninh) - người thuê hai người gồm Nguyễn Chương Đại (SN...