Người phụ nữ sinh đôi ở tuổi 47, sau 21 năm hiếm muộn
Sự chào đời của hai bé sinh đôi như một phép màu với cặp vợ chồng 47 tuổi sau 21 năm chạy chữa vô sinh hiếm muộn.
Cuộc hành trình đầy nước mắt
Chị Tuyết mơ màng tỉnh dậy. Trước mắt chị là hình ảnh hai nữ hộ sinh với nụ cười rạng rỡ, trên tay ôm hai đứa trẻ vẫn còn đỏ hỏn: “Chúc mừng chị nhé. Con của chị đây này. Hai bé rất đáng yêu!”
Chị Tuyết vẫn không tin vào mắt mình cho tới khi nữ hộ sinh đặt đứa trẻ lên ngực chị, để da mẹ áp da con. Chị bất chợt òa khóc. 21 năm nay, chị Tuyết đã rất nhiều lần mơ thấy những giấc mơ như vậy, nhưng lần này là giấc mơ có thật!
Chị Hà Thị Tuyết và anh Nguyễn Văn Dự (cùng sinh năm 1972, Ninh Giang, Hải Dương) lấy nhau năm 26 tuổi. Sau 6 tháng xây dựng gia đình, anh chị có tin vui nhưng không may mắn giữ được con. Vài năm tiếp theo không thấy có bầu, chị Tuyết đi khám mới biết mình bị tắc vòi trứng do ảnh hưởng từ đợt sảy thai. Sau ngày ấy, dù đã đi mổ thông tắc vòi trứng theo chỉ định của bác sĩ nhưng hy vọng có con cứ thế ngày một xa vời vợi với vợ chồng chị.
Chị Hà Thị Tuyết – Ảnh: Bệnh viện cung cấp
Năm 2008, dành dụm hết của cải, anh chị lên Hà Nội để làm để đăng kí làm IVF (thụ tinh trong ống nghiệm). Nhưng một lần, hai lần, ba lần,… tất cả đều không thành công, vợ chồng chị lại trở về làm lụng, vay mướn để có tiền chạy chữa. Suốt những năm sau đó, anh chị thử đủ phương pháp, thậm chí lặn lội cả vào Nam để tìm cách chạy chữa nhưng kết quả vẫn vô vọng.
Thương chồng, chị Tuyết muốn ly hôn để anh có cuộc sống mới.
“Nguyên nhân muộn con là ở tôi, tôi không muốn để anh phải cùng chịu khổ. Hơn nữa, kinh tế khi ấy đã kiệt quệ, hai vợ chồng chỉ làm công nhân, biết đến bao giờ mới có điều kiện để tiếp tục chạy chữa?”,chị Tuyết kể.
Video đang HOT
Thế nhưng, anh Dự một mực không chấp nhận lời chia tay của vợ. Anh bảo, dù thế nào cũng sẽ tiếp tục đi cùng chị.
“Cô ấy là phụ nữ, tôi khổ tâm một thì cô ấy phải khổ tâm mười. Nếu tôi buông tay như vậy, cuộc sống sống sau này của cô ấy sẽ ra sao? Tôi bảo vợ, còn nước còn tát”, anh tâm sự.
Thế là hai vợ chồng lại cùng cố gắng. Suốt nhiều năm, anh chị làm việc mà không hề có ngày nghỉ, thậm chí làm cả ca đêm để có tiền chạy chữa. Mỗi lần đi làm IVF về là một lần trắng tay, anh Dự lại động viên vợ không bỏ cuộc.
Áp lực kinh tế đã đành, áp lực tinh thần càng nặng nề hơn đối với cặp vợ chồng đứng tuổi. Cứ mỗi dịp Tết đến, anh chị lại tủi thân đến rơi nước mắt khi nhìn những gia đình khác sum vầy bên con nhỏ.
“Bạn bè, người thân xung quanh đã có con lớn tíu tít vui đùa, nhìn lại vợ chồng mình gần 50 tuổi vẫn lủi thủi như vậy, bảo không xót xa sao được.”, chị Tuyết xúc động nhớ lại.
“Phép màu có thật”
Tháng 9 năm 2018, tròn 20 năm dài trên hành trình tìm con, phép màu đã đến với vợ chồng chị Tuyết sau khi thực hiện IVF tại Trung tâm Hỗ trợ sinh sản, Bệnh viện Bưu điện. Ngày que thử thai báo có tin vui, chị thậm chí còn giấu người thân vì chưa dám tin đó là sự thật. Chỉ tới khi có kết quả xét nghiệm chính thức, anh chị mới vỡ òa trong hạnh phúc.
Những ngày tháng sau đó là muôn vàn khó khăn với cặp vợ chồng lớn tuổi. Trong vòng 3 tháng đầu mang thai, chị Tuyết nhập viện cấp cứu tới 4 lần vì có dấu hiệu dọa sảy.
“Có lần, bác sĩ nói thai đã bóc tách tới gần 50% rồi. Tôi và chồng chỉ biết ôm nhau khóc. Nỗi sợ hãi chưa bao giờ lớn tới như vậy. Nhưng may mắn, sóng gió rồi cũng trôi qua”, chị Tuyết kể.
Các bác sĩ Bệnh viện Bưu điện thăm chị Tuyết sau ca sinh mổ – Ảnh: Bệnh viện cung cấp
Hai bé sinh đôi, một trai, một gái chào đời khỏe mạnh ngày 20/05/2019 chính là sự bù đắp ý nghĩa nhất cho tất thảy những mệt mỏi, sợ hãi, tủi khổ anh chị đã phải trải qua. Hai con được bố mẹ đặt tên là Nguyễn Minh Đức và Nguyễn Quỳnh Anh, lần lượt nặng 2.5kg và 2.2kg.
“ Vợ tôi sinh lúc 5h42′ sáng thì khoảng 6h hơn bác sĩ bế con ra. Lúc nhìn thấy hai cháu, nước mắt tôi cứ trào ra. Vừa nghẹn ngào, vừa hạnh phúc, vợ chồng tôi đã chờ đợi khoảnh khắc này quá lâu rồi”, anh Dự xúc động nhớ lại.
Hiện hai bé Minh Đức, Quỳnh Anh đã được gần 3 tháng tuổi, rất ngoan và đáng yêu. Chị Tuyết bảo, từ ngày có con, cuộc sống của anh chị bị thay đổi hoàn toàn. Anh Dự lúc nào cũng chỉ mong tan làm thật nhanh để được về gặp con. Làm bố ở tuổi 47 nhưng anh rất khéo, từ cho con ăn tới thay bỉm hay tắm cho con, anh đều giúp vợ rất thuần thục.
Hai bé Nguyễn Minh Đức và Nguyễn Quỳnh Anh rất đáng yêu- Ảnh: Nhân vật cung cấp
Ôm con trong tay và nhìn lại quãng thời gian khó khăn ngày trước, vợ chồng chị Tuyết vẫn không tránh khỏi xúc động. Nhiều người hỏi sao anh chị phi thường đến thế, có thể cố gắng trong khoảng thời gian dài như vậy, anh Dự chỉ mỉm cười:
“Vì tôi chưa một lần từ bỏ hi vọng, chưa một lần nghĩ đến chuyện thôi cố gắng. Những cặp vợ chồng kém may mắn như chúng tôi đừng vội tuyệt vọng mà hãy kiên trì và bình tĩnh trước mọi chuyện, những điều tốt đẹp chắc chắn sẽ đến”.
Theo 2sao
Mang thai 3, sinh 2 trai 1 gái sau nhiều năm vô sinh nhờ được "bắt" từng con tinh trùng
Lấy nhau nhiều năm nhưng không có con vì chồng không có tinh trùng, cuối cùng sau nhiều nỗ lực chạy chữa, can thiệp, niềm hạnh phúc vỡ òa cũng đến với vợ chồng anh Đào Ph.K. và chị Vũ Th.P. khi chị mang thai 3 và sinh 2 trai, 1 gái khỏe mạnh...
Một cặp vợ chồng có con nhờ can thiệp tại BV Nam học và Hiếm muộn Hà Nội
Tại hội thảo tổng kết "Tuần lễ vàng ươm mầm hạnh phúc 2019" do Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội tổ chức sáng nay, 4-8, bác sĩ Đinh Hữu Việt, Trưởng khoa Ngoại - Tiết niệu và Nam học của Bệnh viện cho biết, vô sinh nam chiếm khoảng 40% các trường hợp vô sinh hiếm muộn.
Đáng chú ý, trong số các trường hợp vô sinh nam thì nhóm vô sinh do vô tinh (vẫn xuất tinh bình thường nhưng không có tinh trùng trong tinh dịch) chiếm từ 10-15% và đang có xu hướng gia tăng. Có 2 nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, gồm: đường dẫn bị tắc hoặc không có đường dẫn; tinh hoàn sản xuất kém hoặc không sản xuất tinh trùng.
Theo bác sĩ Việt, với những trường hợp vô tinh do đường dẫn tinh bị tắc thì chỉ cần mổ vi phẫu cắt bỏ đoạn tắc và nối lại ống dẫn tinh, mào tinh. Còn với trường hợp vô tinh do tinh hoàn sản xuất kém thì phức tạp hơn nhiều, phương pháp mổ vi phẫu tóm từng con tinh trùng (Micro TESE) là cứu cánh cuối cùng.
Sau 23 năm lấy nhau, cặp vợ chồng ở Yên Bái lần đầu có con nhờ được can thiệp bằng kỹ thuật Micro TESE
Bác sĩ Việt nhấn mạnh, trước đây, nếu người đàn ông bị vô tinh, thường do tinh hoàn tổn thương hoặc bị teo nhỏ, thì cơ hội có con bằng chính tinh trùng của mình gần bằng 0. Thế nhưng gần đây, kỹ thuật mổ vi phẫu Micro TESE - tức vi phẫu tìm từng tinh trùng từ mô tinh hoàn được Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội áp dụng thành công đã đem lại nhiều cơ hội cho người bệnh.
Vừa qua, khá nhiều cặp vợ chồng hiếm muộn do nguyên nhân từ phía người chồng đã được can thiệp thành công nhờ kỹ thuật này. Điển hình như trường hợp của anh Đào Ph.K. - Vũ T.Ph. mang thai 3, sinh 2 trai 1 gái khỏe mạnh nhờ kỹ thuật Micro TESE sau nhiều năm chữa vô sinh, hay trường hợp của gia đình anh Hoàng Văn Duy - chị Nguyễn Thị Hằng, gia đình anh Thanh chị Phượng (ở Bắc Giang)...
"Nhiều bệnh nhân trước đó từng đi xét nghiệm nhiều nơi và không thấy con tinh trùng nào cả. Họ gần như đã tuyệt vọng. Nhưng khi dùng phương pháp Micro TESE, chúng tôi lại tìm thấy tinh trùng và chính bệnh nhân cũng được nhìn thấy tinh trùng của mình. Khoảng 200 bệnh nhân mổ Micro TESE tìm tinh trùng tại bệnh viện thì có khoảng trên 50% tìm thấy tinh trùng" - bác sĩ Việt cho biết.
Cũng tại hội thảo, BSCKII Nguyễn Khắc Lợi, Giám đốc Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội cho biết, hiện nay tỷ lệ thành công khi thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm tại nước ta khá cao, từ 50-60%. Tuy vậy, điều này cũng đồng nghĩa với việc có nhiều trường hợp mà y học không thể can thiệp.
Theo anninhthudo
Làm thụ tinh ống nghiệm, cần chuẩn bị những gì? Thông tin cụ thể về những điều cần lưu ý khi thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) vừa được chia sẻ tại "Ngày hội Tư vấn vô sinh, hiếm muộn" do Bệnh viện Bưu điện tổ chức sáng 2/8 ở Hà Nội. Theo các bác sĩ, làm thụ tinh ống nghiệm, cần chuẩn bị sức khỏe, thời gian và khoảng 100...