Người phụ nữ ngủ cạnh xác ướp vua Lê
Là người nhiều năm chăm sóc xác ướp của vua, đã có lúc chị Thơm phải nằm ngủ bên cạnh và tắm rửa cho xác ướp.
Thạc sỹ Nguyễn Thị Hương Thơm – Trưởng phòng Bảo quản, Bảo tàng Lịch sử Việt Nam
Vào một buổi chiều năm 1958, một người nông dân ở thôn Bái Trạch, xã Xuân Giang, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa đã phát hiện ra mộ phần của vua Lê Dụ Tông. Ở gần ngôi mộ có bia tạc, ghi rõ”Lê triều Dụ Tông hoàng đế lăng, Minh Mạng nhị thập thất niên, tứ nguyệt nhị thập ngũ sắc kiến”(được dịch là lăng hoàng đế Dụ Tông nhà Lê. Vua sai dựng ngày 25 tháng 4 năm thứ 21 niên hiệu Minh Mạng).
Đây là vị hoàng đế thứ 11 của nhà Lê Trung Hưng. Theo quyển Lịch triều tạp kỷ thì ông thừa hưởng cơ nghiệp thái bình, không xảy ra binh đao, trong nước vô sự, triều đình làm được nhiều việc. Pháp độ đầy đủ, kỷ cương thi hành được hết.
Thời trị vì của vua Lê Dụ Tông có thể gọi là đường cực thịnh. Nhà vua rủ tay áo, ngồi ở trên, không phải khó nhọc mà mọi việc đâu ra đấy. Khi nói đến cuộc thịnh trị ở thời bấy giờ, người ta luôn phải kể đến đời vua này. Việc tìm thấy xác ướp vua Lê Dụ Tông là một phát hiện chấn động trong ngành khảo cổ và sử học Việt Nam, khẳng định nghệ thuật ướp xác của Việt Nam đã đạt tới một đỉnh cao không thua kém thế giới.
Những người nông dân phát hiện ra mộ phần này đã làm vỡ một mảnh quách, lộ rõ quan tài được sơn son thiếp vàng bên trong. Người này cho hay, không giống với các mộ khác, bốc lên mùi hôi thối khó chịu, mộ phần của vua toát lên hương thơm thoang thoảng.
Vào ngày 2/4/1964, quan tài được mở nắp trước sự chứng kiến của các lãnh đạo Nhà nước và những nhà khoa học đầu ngành. Xác là một người đàn ông cao 1,49m. Thân hình bị đét lại nhưng hình dạng bên ngoài vẫn còn nguyên.
Khi mới mở áo quan, trông như một người gầy ốm mới chết, bụng dưới hơi phồng, lấy tay ấn vào bụng thấy có hơi và ít nước chảy ra (khác với những xác khác bụng lép). Không có một vết rạch hay châm chích gì trên cơ thể…
Quan tài của vua Lê Dụ Tông được làm bằng gỗ ngọc am, một loại gỗ quý được các vị vua chúa rất chuộng dùng. Sau tấm chăn bông vỏ gấm, thi hài được liệm cùng nhiều lớp quần áo, vải liệm, áo mặc, giấy bản, túi thơm…
Những chiếc áo hoàng bào có thêu nhiều hình rồng 5 móng, khăn gấm thêu hình rồng cùng tấm bia đá khắc chữ Lê triều Dụ Tông hoàng đế. Môi của thi hài bị teo để lộ hàm răng đen đã rụng một vài chiếc, cằm có chòm râu đen đã điểm bạc. Chiếc áo hoàng triều vẫn còn giữ được nguyên màu lấp lánh sợi kim tuyến. Đặc biệt, xác ướp vẫn sực nức mùi thơm.
Xác ướp vua Lê Dụ Tông ở thời điểm khai quật.
Quan tài của vua Lê Dụ Tông có hai đáy, giữa có một lớp gạo rang dày 10 cm, đáy trên lớp gạo rang có một tấm ván mỏng trổ 7 lỗ tròn theo hình thất tinh. Sau tấm chăn bông vỏ gấm, xác được liệm bởi nhiều lớp quần áo, vải liệm, gồm: 8 lớp đại liệm bằng gấm thêu hoa bạc kích thước 1,5mx5m, buộc bằng 5 đai lụa; tấm tiểu liệm bằng gấm may kép 2 lần vải.
Áo Hoàng bào kim tuyến thêu một con rồng lớn phía trước, phía sau và tay áo thêu nhiều rồng nhỏ; 2 áo long bào thêu rồng kim tuyến; 3 bộ vóc vàng may kép đính vào nhau thành một bộ; 3 lớp lụa kép; 3 chiếc quần bằng lụa mỏng, khố bằng vải mỏng.
Từ năm 1964 đến trước thời gian con cháu dòng họ Lê đưa xác vua về hoàn táng tại quê hương thì xác ướp của vua Lê Dụ Tông được lưu giữ và bảo quản ở bảo tàng Lịch sử Việt Nam.
Là người nhiều năm chăm sóc xác ướp của vua, đã có lúc thạc sĩ Nguyễn Thị Hương Thơm (Trưởng phòng Bảo quản, Bảo tàng Lịch sử Việt Nam) phải nằm ngủ bên cạnh xác, tắm rửa cho xác ướp. Thạc sĩ Thơm cho hay, xác ướp vị vua nhà Lê đã nằm ở nơi này từ khi chị chưa vào làm việc ở Bảo tàng. Những câu chuyện về xác ướp được nhiều thế hệ đi trước kể lại cho chị nghe khá tỉ mỉ và chị thấy hào hứng với nó.
Hiện đã trải qua hơn 200 năm nhưng xác ướp vị vua Lê Dụ Tông vẫn giữ nguyên được hình dáng. Điều này, một lần nữa chứng tỏ nghệ thuật ướp xác của người xưa đã phát triển đến trình độ cao.
Video đang HOT
Thế nhưng, công tác khám phá nghệ thuật ướp xác của cha ông ta xưa kia, hiện nay bị hạn chế phần nào, bởi khi người dân phát hiện ra lăng tẩm đã làm vỡ một mảng quách khiến cho không khí và nước ngấm dần vào quan tài dẫn đến những tạp chất không đáng có xâm nhập vào. Từ khi phát hiện ra lăng mộ, phải vài năm sau chúng ta mới tiến hành khai quật.
Xác của vị vua dưới lăng mộ đã bị ảnh hưởng từ điều kiện tự nhiên bên ngoài nên biến đổi khá nhiều. Chị Thơm cho hay, xác ướp đang ở trong môi trường yếm khí nên khi được đưa ra ngoài môi trường tự nhiên, các chất liệu như tơ vải, xác cơ thể người… dễ bị biến đổi, phân hủy. Vì thế, sau một thời gian trưng bày ở bảo tàng, xác của vua Lê Dụ Tông được gửi sang viện Vệ sinh dịch tễ để có điều kiện bảo quản tốt hơn.
Viện Vệ sinh dịch tễ đã xử lý kỹ thuật, ngâm phoóc môn… Một thời gian sau, xác vua Lê Dụ Tông lại được chuyển về Bảo tàng để bảo quản. Do điều kiện thời đó còn khó khăn, thời gian đầu, chưa có phòng bảo quản riêng mà cụ phải “nằm” chung trong kho bảo quản.
Đến những năm 90 của thế kỷ trước, cơ sở vật chất của Bảo tàng đã tốt hơn, cụ được đưa vào phòng có điều hòa nhiệt độ để luôn được chăm sóc bằng những điều kiện môi trường ổn định, có tủ kính và được định kỳ vệ sinh, chống nấm mốc.
Thạc sĩ Thơm cho biết: “Cán bộ của phòng không nhiều nên mọi việc chăm sóc, vệ sinh cho cụ tôi đều được tham gia làm. Mỗi năm, chúng tôi vệ sinh cho cụ hai lần. Chúng tôi dùng cồn vệ sinh rồi dùng hóa chất để khử trùng, diệt khuẩn trong tủ kính chứa thi hài cụ”.
Việc bảo quản xác ướp trong phòng điều hòa 24/24h, kiểm soát nhiệt độ và độ ẩm ổn định (20 độ C – 22 độ C và ở độ ẩm phù hợp là 55% đến 60%) giúp cho xác ướp có tuổi thọ lâu hơn. Việc thay đổi nhiệt độ, độ ẩm đột ngột sẽ càng làm cho các cổ vật nói chung và xác ướp nhanh bị phân hủy.
Để đảm bảo môi trường bảo quản ổn định thì cần thiết phải vận hành máy điều hòa, hút ẩm 24/24h. Tuy nhiên, những năm trước đây, hệ thống điện của Bảo tàng chưa hiện đại và an toàn như ngày nay. Chính vì vậy, để đảm bảo an toàn, phòng và phát hiện cháy nổ kịp thời, Bảo tàng phải phân công cán bộ thay phiên nhau ngủ đêm tại Bảo tàng.
Chị Thơm kể: “Tôi ngủ ở phòng làm việc ngay cạnh phòng cụ. Cứ đến 10h đêm, tôi lại đi vòng các kho, trong đó có phòng chứa xác cụ để kiểm tra thông số kỹ thuật, phát hiện xem có những hiện tượng bất thường không, để kịp thời xử lý.
Không ít người đã hỏi tôi, giữa đêm khuya, vào những khu vực toàn xương và hài cốt người như vậy, có sợ không. Tôi chỉ cười, bởi mình làm việc cẩn thận, thành tâm chăm sóc các cụ, chắc hẳn, các cụ sẽ phù hộ, không nỡ lòng nào làm hại con cháu.
Trước khi làm vệ sinh cho cụ tôi thường thắp hương xin vua Lê Dụ Tông và các cụ cho phép. Từ khi được làm việc tại Bảo tàng và chăm sóc cụ tôi chưa gặp điều gì bất trắc, nhờ các cụ phù hộ, tôi luôn sống mạnh khỏe và an lành. Sau này, thiết bị của Bảo tàng hiện đại hơn, cán bộ không phải ngủ lại nữa nhưng tôi vẫn thường xuyên chăm sóc xác các cụ”.
Ngày cụ về quê để hoàn táng theo nguyện vọng của dòng họ Lê, các cán bộ trong Bảo tàng bùi ngùi như sắp phải xa một người thân. Không ai bảo ai, từng người một xếp hàng vào thắp hương viếng cụ như đưa tiễn một người thân trong gia đình.
Chị kể, nhiều người truyền tai nhau rằng, mỗi lần di chuyển cụ từ nơi này sang nơi khác thì hôm sau những người vận chuyển đó thường bị trượt chân, ngã, hoặc gặp điều không may.
Cũng có người lại nói, sau ngày xác ướp vua Lê Dụ Tông được con cháu đưa về quê hương để hoàn táng thì họ vẫn mơ thấy xa giá vua hiện về bảo rằng, vẫn thích ở Bảo tàng hơn và thường xuyên về Bảo tàng chơi. Mọi người còn truyền nhau về nhiều chuyện vua hiện về. Tuy nhiên, gần hai chục năm chăm sóc cụ, chưa một lần nào chị Thơm cảm thấy những chuyện như lời đồn thổi.
Theo Xahoi
Những ngôi mộ độc nhất vô nhị ở Việt Nam
Độc đáo không chỉ bởi kiến trúc. Những ngôi mộ này đã thu hút sự hiếu kỳ của nhiều người vì sự rùng rợn bao quanh nó.
Ngôi mộ đặc biệt của "bà bán bún nghìn tỷ".
Ngôi mộ được đặt ngay trong phòng khách hay mộ thờ "mẫu khuyển",... những câu chuyện mang màu sắc bí hiểm hay giá trị to lớn của nó khiến những ngôi mộ này trở nên rất đặc biệt.
Ngôi mộ đồ sộ thờ "mẫu khuyển"
Người dân xóm Gằn, xã Tân Minh, Thanh Sơn, Phú Thọ ai ai cũng biết đến ngôi mộ đồ sộ như một gian nhà nằm giữa núi rừng xanh thẳm của gia tộc họ Đinh Công.
Ngôi mộ oai nghiêm nằm sát sườn đồi, tuy không màu mè nhưng với diện tích khá lớn cùng với cách xây bậc bệ đàng hoàng khiến ai nhìn thấy cũng phải trầm trồ.
Ngôi mộ thờ Mẫu Khuyển của dòng họ Đinh Công ở Thanh Sơn.
Bên trên ngôi Mẫu Khuyển của dòng tộc Đinh Công còn có những dòng chữ nho đầy bí ẩn mà theo giải thích của gia chủ chỉ có một số người cao niên và có uy tín trong gia tộc Đinh Công biết.
Ông Đinh Công Dự, trưởng tộc họ Đinh kể lại câu chuyện truyền thuyết xa xưa, li kỳ với niềm tự hào: "Thời Sơn Tinh, Thủy Tinh gây chiến với nhau, Thủy Thần (Thủy Tinh) dâng nước ngập hết làng trên, xóm dưới ở vùng đất Thanh Sơn này.
Tất cả dân chúng đều bị nước của Thủy Tinh cuốn trôi, chết trong biển nước, chỉ còn một đứa bé của gia đình nọ còn sống sót vì đứng trên mô đất. Rồi mô đất ấy được Sơn Thần bốc lên cao dần, cao dần nên Thủy Thần dâng nước đến đâu cũng không cuốn được đứa bé này. Đứa bé thoát chết. Và rồi chẳng biết từ đâu xuất hiện một con chó đã cứu và nuôi đứa bé khôn lớn. Sau này người ta đồn rằng con chó ấy là "Mẫu Khuyển" trời phái xuống để cứu giúp dân làng. Còn đứa bé kia chính là ông tổ của người Mường ở vùng đất Thanh Sơn này".
Ông cho biết, trước đây, ngôi cẩu mộ này chỉ là một mô đất nhô lên, sau này được dòng tộc Đinh Công tìm thấy nhờ một thầy mo am thông phong thủy, địa lý trong vùng giúp.
Xung quanh ngôi cẩu mộ, người ta đồn rằng có người đến gần mộ Mẫu Khuyển làm nghề gỗ, sau đó nhà ông ta suýt cháy nên phải vội ra cúng tạ. Hay như một ông trồng chuối ở khu mộ về bị ốm liền 3 ngày, 3 đêm. Người nhà phải ra nhổ bỏ chuối, rồi làm lễ gồm một lợn, một gà cầu xin Mẫu Khuyển tha cho thì mới hết bệnh...
Ngôi mộ cổ với xác ướp kỳ bí
Ngôi mộ cổ độc đáo này đã gây rất nhiều sự ngỡ ngàng cho các nhà khoa học.
Những người cuối tháng giêng năm 1994, khi giải tỏa mặt bằng xóm Cải nằm trong khu vực các đường Hùng Vương, Ngô Quyền, Phước Hưng và Nguyễn Trãi, TP.HCM, người ta đã phát hiện ra ngôi mộ khác thường này.
Xác ướp đang trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử Việt Nam
Ngôi mộ có cổng, có vòng thành bao quanh, có sân thờ và gò mộ kiểu một căn nhà. Toàn bộ mộ được xây bằng hỗn hợp vật liệu như vôi sống, mật, đường mía, nước nhớt dây tơ hồng, một ít than hoạt tính, cát... tạo thành hợp chất khá rắn chắc.
Bên trong ngôi mộ có một quan tài bằng phách gỗ còn nguyên vẹn xác một người phụ nữ khoảng 60 tuổi, cao 1,52m được bó nhiều lớp vải nằm trong dung dịch màu nâu đỏ, dung tích khoảng 0,87m3.
Nhiều người kể lại rằng, công nhân đã phải đào rất lâu mới chạm đến quan tài. Khi đào lên thấy hai huyệt mộ, huyệt mộ nam dài 2,3m, bên trong còn lại ít xương và một số hiện vật như nhẫn vàng có mặt đá, quạt giấy, lược ốc, hộp bạc, nút áo mạ vàng, bút lông... Còn huyệt mộ nữ có kích thước nhỏ hơn, phần chính yếu là một bọc dài lớn cuốn bằng lụa và gấm, có 9 dây vải thắt 9 nút. Kiểm tra gói bọc xác người đàn bà thấy bàn chân đi hài bằng vải bố thêu kim tuyế và một đôi hài khác để bên. Mở bọc ra, các nhà khảo cổ thấy trọn vẹn cái xác với mái tóc còn đen nhánh.
Tuy nhiên, nhãn cầu và sụn mũi đã bị tiêu tan hết. Da còn lại trên cơ thể mềm và có màu tái xám. Người đàn bà này mặc hàng chục lớp vừa áo vừa quần may theo kiểu thụng bằng lụa và gấm, áo rộng cài khuy chéo, khuy bằng mã não và kim loại mạ vàng.
Khi các nhà khảo cổ đem xác đi thẩm định, khớp cổ và các chi của xác bà còn mềm nhưng chẳng bao lâu sau xác cứng lại và màu da đen dần. Hiện tại, các xác teo khô và chuyển màu đen.
Ngôi mộ độc đáo chôn nổi giữa biệt thự
Ngôi mộ nằm chính giữa ở phòng khách trong căn biệt thự
Ở xã An Khánh, huyện Châu Thành, Bến Tre, từ lâu nhiều người đã bàn tán biệt thự có ngôi mộ chôn nổi nằm chính giữa gian phòng khách gây tò mò cho cả người trong vùng lẫn người dân hiếu kỳ từ nơi khác đến xem.
Theo lời gia chủ, người nằm trong mộ là chị Trần Thị Kim Liên, con gái bà mắc bệnh và chết ở Mỹ cuối năm 2008, lúc ngoài 50 tuổi. Trước khi chết, với ý nguyện được chôn ngay trong ngôi biệt thự mà mình đã bỏ tiền ra xây ở Việt Nam vì "cả đời chưa bao giờ được sống trong biệt thự" nên gia đình đã quyết định làm theo mong muốn cuối đời của chị.
Bà nói thêm quan tài được đặt xuống nền nhà rồi xây xi măng, ốp gạch hoa cường xung quanh.
Quả thật, đối với những người lần đầu tiên bước chân vào ngôi nhà sẽ rất sợ hãi và nổi da gà khi đập ngay vào mắt họ là quan tài được chôn nổi ngay chính giữa phòng khách. Vị trí của người chết gần như là ngang bằng với người sống.
Hiện trong ngôi biệt thự vẫn có mấy đứa cháu cùng một bà lão hàng ngày sống chung với ngôi mộ đặc biệt này.
Ngỡ ngàng ngôi mộ tiền tỉ ở Tây Ninh
Để hoàn thành được nhà mồ của bà T.K.P, phải mất chi phí hơn 3 tỷ đồng
Toàn bộ ngôi mộ được lát bằng đá hoa cương, chạm khắc tinh xảo và số vốn gia chủ bỏ ra cũng lên đến gần 3 tỷ đồng.
"Sơn Trang Tiên Cảnh" là tên của ngôi mộ đặc biệt này. Nằm ở vị trí đắc đạo, cạnh mặt tiền ngay lối dẫn vào khu nghĩa trang trên địa bàn xã Trường Thọ, huyện Hòa Thành, tỉnh Tây Ninh, ngôi mộ của bà T.K.P. (SN 1946, ngụ quận Tân Phú, TP.HCM) gây ngỡ ngàng trước cảnh bài trí vô cùng tỉ mỉ.
Trước nhà mồ là một vườn hoa, cây cảnh được cắt tỉa gọn gàng, cạnh bên là 2 con kỳ lân đứng gác cửa trong vóc dáng uy nghiêm. Mái vòm được thiết kế theo kiểu đình nghỉ mát mái gối thủy tinh nhã lệ, kiểu nhà khí thế sang trọng.
Phần nội thất bên trong nhà mồ đều được làm bằng loại đá hoa cương có giá trị.
Điểm nổi bật nhất của nhà mồ chính là bức tranh phong cảnh, được chạm khắc tinh xảo, nhiều họa tiết, cảnh vật trên bức tranh bằng đá hoa cương dài 2m. Xung quanh các bức tường bên trong cũng được chạm khắc tranh phong cảnh tỉ mỉ.
Được biết, khi còn sống, bà P. là một đại gia ở TP.HCM từng gây xôn xao dư luận với cái chết đột ngột với số tiền để lại khổng lồ 1000 tỷ đồng.
Theo xahoi
Những cái chết bất thường và chuyện long mạch "ăn thịt người" Trên cung đường Bắc - Nam được đồn có một con dốc "ma quỷ", từ đây hình thành nên những câu chuyện về "mạch đất ăn thịt người" ám ảnh người dân địa phương. Từ những sự việc bất thường đến cả những án mạng đau lòng, khiến người dân tin rằng long mạch đã bị động... Những vụ án mạng bất ngờ...