Người phụ nữ mở xưởng đóng tàu vươn Hoàng Sa
Mới học đến lớp 7, nhưng bà Hoàng Thị Sửu (TP Đồng Hới, Quảng Bình) mạnh dạn mở xưởng đóng tàu công suất đến nghìn mã lực, vươn khơi vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa.
Bà Sửu quyết tâm mở xưởng đóng tàu vì thấy bà con không có nơi sửa chữa ở xã nhà. Ảnh: Hoàng Táo
Những ngày cuối năm Bính Thân, xưởng đóng tàu của bà Hoàng Thị Sửu nườm nượp người ra vào. Xưởng rộng đến 2.500 m2, nằm bên mép sông Nhật Lệ, ở xã Bảo Ninh, TP Đồng Hới (Quảng Bình). Khoảng 20 nhân công đang miệt mài làm việc trong tiếng đục tiếng bào. Trong đó 10 người lắp khung gỗ cho tàu 400CV, một nhóm khác kéo tàu gỗ lên đà sửa chữa.
Bà Sửu cho hay, công nhân phải làm việc đến tối muộn để sửa tàu cho ngư dân kịp vươn khơi ngay sau Tết. “Phải đến ngày 30 mới được gọi là nghỉ Tết. Tôi chỉ dám cho thợ nghỉ vài ngày, rồi phải làm ngay cho bà con”, bà Sửu nói.
Nhớ về quyết định mở xưởng đóng tàu cách đây 6 năm, bà Sửu bảo cha mẹ, ông bà đều đi biển. Thấy bà con phải đi xa mới sửa được tàu, có khi sửa được nhưng không ưng ý, bà quyết định gom hết vốn liếng bao năm buôn bán hải sản để mở. Thấy xưởng mới mở, một số ngư dân vui mừng ra mặt vì có nơi gần nhà để sửa tàu, nhưng cũng không ít người băn khoăn.
Thiết kế chiếc máy tời để kéo tàu cá lên xưởng được xem là nhân tố quyết định của xưởng. Ảnh: Hoàng Táo
Chưa từng đi biển, không một lần cầm cái đục, cái cưa, bà Sửu bảo lúc mới hành nghề gặp khó khăn vô cùng. “Khốn khó về mọi mặt, cả vật chất lẫn tinh thần. Bản thân chưa có kinh nghiệm, mình lại là phụ nữ nên nhiều ngư dân không tin tưởng”, người phụ nữ 44 tuổi kể.
Ban đầu xưởng đóng tàu của bà Sửu chỉ sửa được tàu công suất nhỏ, máy tời kéo được những tàu tải trọng khoảng 50 tấn, chiều dài tàu chưa đến 15 m. Trong khi đó, tàu cá của ngư dân Bảo Ninh phần lớn là tàu lớn, vươn đến tận vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa.
Năm 2013, 2 năm sau khi khởi nghiệp, bà Sửu một mình khăn gói vào Bình Định học lỏm các xưởng đóng tàu lớn. Bà vờ hỏi mua tàu, nhưng vừa tranh thủ nhìn ngắm vừa ghi nhớ cách đóng và thiết kế mô hình xưởng của họ. Về quê, bà quyết tâm tháo dỡ toàn bộ xưởng đóng tàu cũ để dựng lại xưởng mới, có khả năng kéo tàu tải trọng đến 200 tấn lên đà, đưa vào khu sửa chữa.
“Tôi phải quyết tâm lắm mới dám làm. Bỏ bao vốn liếng chưa kịp thu hồi, nay phá đi làm lại. Thiếu vốn, tôi phải cầm cố nhà cửa”, vừa kể, bà Sửu vừa nói mô hình xưởng được cải tiến, chứ không rập khuôn như ở Bình Định.
Ngoài kéo được tàu lớn, dài đến 25 m, xưởng mới của bà Sửu được đánh giá là an toàn. Việc cải tiến này cũng giúp bà tiết kiệm điện năng, tiện lợi hơn trong sắp xếp, kéo và đưa tàu lên xuống sông.
Video đang HOT
Một tàu cá đang đóng mới tại xưởng của bà Sửu. Ảnh: Hoàng Táo
Dần dà thấy bà Sửu nói được làm được, nhiều ngư dân tin tưởng, chọn xưởng bà làm nơi đóng tàu. Đến nay, xưởng thường xuyên có 4-5 tàu đóng mới và sửa chữa với 40 nhân công có mức thu nhập 7-10 triệu đồng mỗi tháng. Năm 2016, bà Sửu đóng thành công 8 tàu, năm trước đó là 13 chiếc. “Chiếc lớn nhất tôi đóng có công suất 1.000 CV, đánh bắt ở ngư trường Hoàng Sa”, bà Sửu tự hào khoe.
Ngày trước gia đình khó khăn, bà Sửu học đến lớp 7 rồi nghỉ, chạy chợ buôn bán phụ giúp cha mẹ. “Thực ra không có trường nào dạy nghề đóng tàu cả. Mỗi vùng biển có những kiểu thiết kế tàu riêng, mình vừa làm vừa học mà thành”, bà bộc bạch. Ở tỉnh Quảng Bình, bà Sửu là phụ nữ duy nhất mở xưởng đóng tàu biển.
Cận Tết, ngư dân Nguyễn Văn Lương vui vẻ khi tàu 700CV của ông sắp hoàn thành, chuẩn bị vươn khơi. Sau gần nửa năm, gia sản lớn và cũng là “đứa con cưng” đã thành hình. “Tôi thấy bà Sửu đóng tàu chắc tay nên lựa chọn”, ông Lương nói.
Chủ tịch UBND xã Bảo Ninh, ông Nguyễn Ngọc Hiếu cho biết xưởng đóng tàu của bà Sửu góp phần rất lớn hỗ trợ ngư dân của xã vươn khơi, bám biển. “Đây là xưởng lớn nhất toàn xã, giúp 400 tàu cá của xã có nơi sửa chữa và đóng mới khi cần”, ông Hiếu nói.
Hoàng Táo
Theo VNE
Tìm tết từ những con tàu về từ Hoàng Sa
Những đôi mắt ngóng nhìn về phía biển chờ những con tàu từ Hoàng Sa trở về cảng Sa Kỳ (Quảng Ngãi) những ngày cuối năm.
Bà Phụ dù 65 tuổi cũng ra cảng Sa Kỳ kiếm tết từ những con tàu trở về từ Hoàng Sa - Ảnh: Trần Mai
Chiều 28 Tết. Trời trở lạnh và mưa lâm thâm, những người phụ nữ co ro ngồi túm lại trò chuyện và ngóng đợi những chuyến tàu trở về từ biển cả.
Chờ tàu về cho đủ tết
Hôm nay đã là 28 Tết rồi nhưng những người phụ nữ vốn là nông dân vẫn chưa về nhà. Cái nghèo khó trở thành sức mạnh để họ vượt cái lạnh và sự nôn nao để mưu sinh nơi cảng cá Sa Kỳ.
15g, bốn chiếc tàu từ phía cửa biển tiến vào. Những người phụ nữ nhanh chóng ngừng câu chuyện tiến về phía cầu cảng. Như có sự phân công từ trước, họ nhanh chóng chia công việc.
Những sọt cá bằng nhựa được mang ra xếp thành một hàng dài. Không đủ sức đập tan những tảng nước đá dưới hầm cá nên họ nhường lại cho đàn ông. Công việc chính của họ là phân loại, chia cá và chuyển lên xe đông lạnh.
Chị Nguyễn Thị Xí (thôn Châu Thuận Nông, xã Bình Châu, huyện Bình Sơn) cũng hòa vào dòng người ấy để phụ bốc dỡ cá.
Chuẩn bị sẵn đôi ủng dài, găng tay cao su và cả bộ quần áo mưa rộng tuềnh toàng, chị Xí nói đây là những vật dụng quen thuộc của chị em phụ nữ làm công tại bến cá.
Thời tiết ẩm thấp ngày cuối năm càng làm mùi tanh xộc vào mũi nặng hơn, nhưng công việc vẫn phải tiếp tục.
"Phải mang ủng, găng tay cao su và cả bộ áo mưa. Dù cồng kềnh nhưng khi tiếp xúc với cá mới đỡ tanh và tay chân không bị buốt lạnh vì cá được dỡ từ thùng lạnh của tàu ra. Sau khi cân, kiểm, chúng tôi phải ướp đá cho lên xe lạnh chở đi liền", chị Xí nói.
Những tàu đi cá nhỏ như cá chuồn, cá phèn, cá đỏ, cá mù, cá ngừ... về từ Hoàng Sa đều phải nhờ chị em phụ nữ làm dịch vụ hậu cần, chuyển cá lên bờ bằng những rổ nhựa chứa 40-50kg/lần.
Mỗi tàu về bến thường có 8-10 tấn cá với khoảng 30 chị em tham gia bốc dỡ, cân đếm và ướp đá, chuyển lên xe. Mỗi tấn cá được chuyển đi, những người phụ nữ làng biển được trả 250.000 đồng.
Chị Xí chia sẻ: "Mỗi tàu cá bốc hết thì 30 chị em chia nhau tiền khoảng 40-50 nghìn đồng. Ngày làm 5 chuyến vậy là có hơn 200.000 đồng, có thêm chi phí sắm tết. Chị em ở đây đều chờ tàu về cho đủ tiền lo tết".
Kiếm tiền sắm áo mới cho con
Cũng tham gia vào đội làm dịch vụ hậu cần bốc dỡ cá nơi cảng biển từ nhiều năm nay, chị Lê Thị Hòa (thôn Minh Quang, xã Tịnh Hòa, TP Quảng Ngãi) vừa hốt hết tàu cá chuồn hơn 10 tấn đã lập tức cùng với những người phụ nữ bám cảng cá ngày cuối năm di chuyển đến những tàu khác vừa mới vào.
"Gần tết rồi, tranh thủ làm. Kiếm thêm vài đồng sắm đồ tết cho ba đứa nhỏ ở nhà. Mấy nay tối nào tôi về nó cũng hỏi hết mà mình chưa đủ tiền. Tôi tính chiều 30 Tết dẫn tụi nhỏ đi mua. Chứ giờ đi mua thì tiền đâu mua bánh kẹo, thịt thà đây", chị Hòa nói.
Những ngày cận tết, cảng cá luôn tấp nập những tàu thuyền cập bến với đầy ắp hải sản. Tàu vào giờ nào thì các chị lại ra cảng cá giờ đó. Mệt, nhưng ai cũng mong càng nhiều tàu cá về càng tốt. Mấy giờ cũng được miễn là có tiền lo tết.
"Mỗi ngày kiếm hơn 200.000 đồng đâu có nhỏ. Tui làm hơn 10 ngày rồi được hơn 2 triệu đồng, làm lúa dễ chi được", chị Thu tâm sự.
Những người phụ nữ với đôi găng tay, ủng và áo mưa cần mẫn kiếm tết - Ảnh: Trần Mai
Tuy mệt nhưng họ vẫn nở nụ cười vì sẽ có thêm tiền sắm tết - Ảnh: Trần Mai
Những con cá mó to bự phải nhờ đến sự trợ sức của nhiều phụ nữ mới chuyển được lên xe - Ảnh: Trần Mai
Trong cái lạnh căm và rét mướt, đâu đó vẫn thấy những nụ cười của những người phụ nữ nghèo nơi cảng cá - Ảnh: Trần Mai
Những nụ cười của người phụ nữ nghèo trong những ngày giáp tết thật ấm áp - Ảnh: Trần Mai
Trong ngày 28 Tết, cảng Sa Kỳ đón nhận hơn 20 tàu cá từ Hoàng Sa trở về. Trong niềm vui đoàn tụ, các con tàu dọc ngang Hoàng Sa còn mang đến niềm vui cho những người phụ nữ bám cảng cá tìm tết những ngày cuối năm.
Có người còn ra làm kiếm tiền và chờ chồng mình đi biển trở về. Mỗi chiếc tàu trở vào cảng, họ lại chăm chăm nhìn xem đó có phải là tàu của chồng mình, rồi lại tiếp tục đưa những sọt cá nặng trĩu lên xe đông lạnh để tìm một cái tết đủ đầy hơn cho gia đình.
(Theo Tuổi Trẻ)
Sinh Tồn đủ đầy ngày Tết Sau một năm lao động, xây dựng biển đảo, những ngày cuối năm này quân và dân trên xã đảo Sinh Tồn (huyện đảo Trường Sa, Khánh Hòa) đang háo hức chờ đón một cái tết ấm áp. Và chắc chắn họ sẽ có một cái tết đủ đầy cả vật chất lẫn tinh thần, làm cho ai cũng thấy tự hào và...