Người phụ nữ mắc căn bệnh đau đớn nhất thế giới
Kayla Hansen mắc căn bệnh mà nỗi đau của nó mang lại hơn cả khi sinh con, gãy xương hay hóa trị ung thư.
Cuộc sống của Kayla Hansen (sinh năm 1989), đến từ Arizona, Mỹ bắt đầu bị đảo lộn kể từ năm 2015 khi cô vô tình đập tay vào cửa xe. Cô không ngờ tai nạn nhỏ lại khiến bản thân mang theo căn bệnh đau đớn, cơ thể lở loét và không thể tự làm nhiều thứ.
Kayla Hansen bị chấn thương hai tay trong một cú va đập với ôtô. Một năm sau cơ thể cô xuất hiện những vết lở loét, chảy mủ đau đơn. Ảnh: Barcroft Images.
Tai nạn bất ngờ mang theo nỗi đau cả đời
Tháng 12/2015, Kayla bất ngờ bị đập tay vào hai cánh cửa xe hơi. Chấn thương có thể xảy ra thường xuyên đó lại dẫn tới tình trạng nguy hiểm và không thể tưởng tượng được cho người phụ nữ này.
Một năm sau vụ chấn thương nói trên, cô đến bệnh viện kiểm tra vì tình trạng nóng rát “như bị thiêu đốt từ bên trong”. Theo Daily Mail, căn bệnh khiến mỗi hành động tiếp xúc của Kayla cũng trở thành một cơn đau thấu xương. Cô không thể lái xe, thậm chí rửa tay cũng làm làn da trở nên phồng rộp.
Ban đầu, các bác sĩ không tin, cho đến khi chứng kiến những tổn thương trên da của Kayla. Sau khi nghiên cứu, họ chẩn đoán cô mắc hội chứng đau khu vực phức tạp (CRPS). CRPS là tình trạng hệ thống thần kinh tấn công toàn bộ cơ thể của người bệnh.
Hầu hết người mắc đều phải trải qua cơn đau đớn toàn thân, cảm giác như bị bỏng, thiêu đốt từ bên trong hoặc bị ai đó đâm, cắt da thịt.
Tuy nhiên, các bác sĩ vẫn không thể giải thích được nguyên nhân kích hoạt căn bệnh là từ đâu. Cứ 4.000 người sẽ có 1 người bị CRPS tấn công ở một mức độ nào đó.
Các vết loét bắt đầu từ hai cánh tay sau đó lan rộng ra toàn cơ thể, thậm chí trên da đầu. Ảnh: NZ Herald.
Video đang HOT
Cuộc sống đảo lộn vì chứng bệnh lạ
Nói về thử thách tồi tệ nhất đời mình, Kayla chia sẻ với Barcroft TV trong một cuộc phỏng vấn: “Ở một số người, CRPS sẽ chỉ xuất hiện trên một cánh tay hoặc một chân nhưng tôi lại là trường hợp bị CRPS toàn thân”.
Hội chứng đau khu vực phức tạp được đánh giá là căn bệnh đau đớn nhất thế giới. Nỗi đau của nó mang lại vượt xa cả nỗi đau khi sinh con, gãy xương hay hóa trị ung thư. CRPS còn có biệt danh là “bệnh tự tử” vì số lượng người tìm đến cái chết sau khi không chịu nổi nỗi đau cơ thể rất cao.
Nữ bệnh nhân miêu tả cảm giác đau đớn không thể tồi tệ hơn: “Từ đầu đến chân giống như ai đó đổ xăng vào và châm mồi lửa đốt, sau đó lại đưa vào máy nghiền rác”. Kayla đang ở giai đoạn 4 của bệnh – tình trạng nặng nhất của hội chứng đau khu vực phức tạp.
Nếu “chấm điểm” cho nỗi đau mà Kayla phải chịu đựng từ 1 đến 10 thì hầu hết cơn đau đều ở mức cao nhất. “May mắn một số ngày nỗi đau giảm xuống mức 9 hoặc 9,5 nhờ thuốc giảm đau. Nhưng không bao giờ nó xuống thấp hơn nữa”, cô kể.
Chỉ 2 năm sau khi mắc bệnh, tình trạng lở loét của Kayla đã lan từ cánh tay phải xuống đến bàn tay và toàn cơ thể, thậm chí cả da đầu. Cô sử dụng một loại kem giảm đau dành cho những người xạ trị để bôi, nhằm giảm thiểu mức độ đau đớn, dù không nhiều.
“Tôi không thể lái xe hay làm bất kỳ điều gì, thậm chí là rửa tay. Nó khiến tôi căng thẳng và lo lắng vì mình trở nên phụ thuộc vào người khác”, NZ Herald dẫn lời bệnh nhân.
Trước khi mắc bệnh, Kayla là quản lý một nhà hàng Italy. Từ khi phát hiện mắc CRPS, hình ảnh một người phụ nữ trẻ độc lập, hòa đồng không còn, thay vào đó, cô phải gắn chặt với chiếc giường và sống phụ thuộc vào mẹ, nhờ bà giúp đỡ những việc nhỏ nhất như tắm hay đi vệ sinh.
Kayla Hansen tìm nhiều cách để giảm bớt đau đớn do CRPS gây ra. Cô phải tự thích nghi và sống cùng nó cả đời. Ảnh: Daily Mail.
Tìm cách sống chung với căn bệnh đau đớn nhất thế giới
Mắc chứng bệnh lạ lùng và đau đớn nhưng Kayla vẫn tìm nhiều cách để thích nghi với nó. Nhiệt độ trung bình của Arizona khoảng 30 độ C.
Điều kiện thời tiết càng làm cho tình trạng bệnh của Kayla tồi tệ hơn. Trong những tháng hè, nhiệt độ vượt mốc 38 độc C, người phụ nữ này phải ở trong phòng ngủ và theo dõi cẩn thận. Điều hòa luôn mở ở 18 độ C để giữ cho các vết lở loét không bị kích thích.
CRPS không có cách chữa trị nhưng có thể thuyên giảm nhờ vào một số biện pháp. Chính vì vậy, trong suốt 5 năm mắc bệnh, cô luôn thử nhiều cách để kiểm soát mức độ đau đớn.
Nữ bệnh nhân chia sẻ: “Tôi đã trải qua một vài lần điều trị kể từ khi mắc CRPS như tiêm truyền ketamine – loại dược phẩm cho những người đau mạn tính nghiêm trọng hay gây mê 10-15 dây thần kinh cảm giác”. Tuy nhiên, tất cả cách đó đều không hiệu quả.
“Lúc đầu, tôi rất thất vọng vì thử biện pháp nào cũng thất bại. Nhưng qua khỏi cảm giác buồn bã, tôi đã chấp nhận nó và sống chung như một phần của đời mình”, Kayla nói thêm.
Theo Versus Arthritis, hội chứng đau khu vực phức tạp (CRPS) là một tình trạng khó chịu, đau đớn sau chấn thương nào đó (chẳng hạn như gãy xương, bong gân…). CRPS thường chỉ ảnh hưởng đến một cánh tay hoặc chân. Một nghiên cứu cho biết ở Anh có khoảng 3.800 người mắc hội chứng này mỗi năm. Tại Mỹ, cứ 100.000 người thì có 5,5 – 26,2 người mắc/năm.
Nguyên nhân gây CRPS vẫn chưa có kết luận cụ thể nhưng được cho là các dây thần kinh ở khu vực bị ảnh hưởng trở nên nhạy cảm hơn.
Phân biệt hóa trị và xạ trị
Hóa trị được đưa vào qua đường truyền tĩnh mạch hoặc có thể uống còn xạ trị là hình thức sử dụng các chùm bức xạ tập trung vào khu vực cụ thể trong cơ thể.
Hóa trị và xạ trị là hai trong số các phương pháp điều trị ung thư phổ biến nhất. Việc bệnh nhân được điều trị bằng phương pháp hóa trị hay xạ trị sẽ tùy thuộc vào loại và vị trí ung thư mắc phải, cũng như tình trạng sức khỏe tổng thể.
Sự khác biệt chính giữa hóa trị và xạ trị là cách chúng được đưa vào cơ thể. Với phương pháp hóa trị, bác sĩ sẽ dùng một loại thuốc để tiêu diệt tế bào ung thư, đưa vào cơ thể qua đường uống bằng miệng hoặc truyền qua tĩnh mạch... Xạ trị tức là đưa các chùm tia phóng xạ liều cao trực tiếp vào khối u. Các chùm bức xạ làm thay đổi cấu trúc DNA của khối u, khiến nó co lại hoặc chết. Loại điều trị ung thư này có ít tác dụng phụ hơn hóa trị vì nó chỉ nhắm vào một khu vực của cơ thể.
Hóa trị
Thuốc hóa trị được thiết kế để tiêu diệt các tế bào trong cơ thể phân chia nhanh chóng - cụ thể là tế bào ung thư. Tuy nhiên, có những tế bào trong các bộ phận khác của cơ thể bạn cũng phân chia nhanh chóng nhưng lại phát sinh tế bào ung thư như ở nang lông, móng tay, đường tiêu hóa, mồm, tủy xương... Hóa trị cũng có thể vô tình nhắm mục tiêu và phá hủy các tế bào bình thường, từ đó gây ra một số tác dụng phụ.
Bệnh nhân ung thư điều trị bằng phương pháp hóa trị. Ảnh: Healthline.
Liệu trình hóa trị có thể thực hiện bằng các hình thức khác nhau như bằng miệng (uống); truyền qua đường tĩnh mạch. Hóa trị thường thực hiện vài tuần một lần, nhắm đến các tế bào ung thư tại một thời điểm nhất định trong vòng đời của chúng.
Bệnh nhân thực hiện hóa trị có thể gặp một số tác dụng phụ như buồn nôn và ói mửa; rụng tóc; mệt mỏi; nhiễm trùng; loét miệng hoặc cổ họng; thiếu máu; bệnh tiêu chảy; đau và tê ở chân tay (bệnh thần kinh ngoại biên)... Các loại thuốc hóa trị khác nhau sẽ gây ra các tác dụng phụ khác nhau và mọi bệnh nhân đều phản ứng với hóa trị khác nhau.
Xạ trị
Với xạ trị, các chùm bức xạ được tập trung vào một khu vực cụ thể trong cơ thể. Bức xạ làm thay đổi cấu trúc DNA của khối u, khiến các tế bào chết thay vì nhân lên và có thể lan rộng. Bức xạ có thể được sử dụng như phương pháp chính để điều trị và tiêu diệt khối u, nhưng nó cũng có thể được sử dụng để thu nhỏ khối u trước khi phẫu thuật; dùng để tiêu diệt tế bào ung thư còn lại sau khi phẫu thuật. Xạ trị cũng là một phần của phương pháp điều trị kết hợp với hóa trị liệu.
Bệnh nhân ung thư chuẩn bị xạ trị. Ảnh: Healthline.
Có ba loại xạ trị được sử dụng để điều trị ung thư. Một là bức xạ chùm ngoài: phương pháp này sử dụng chùm tia phóng xạ từ một máy tập trung trực tiếp vào vị trí khối u của bệnh nhân. Hai là bức xạ bên trong còn gọi là phương pháp trị liệu bằng phương pháp brachytherther. Phương pháp này sử dụng bức xạ (có thể là chất lỏng hoặc chất rắn) đặt bên trong cơ thể gần nơi có khối u. Ba là bức xạ hệ thống: liên quan đến bức xạ ở dạng viên thuốc hoặc dạng lỏng mà lấy bằng miệng hoặc tiêm vào tĩnh mạch.
Vì xạ trị tập trung vào một vùng trên cơ thể nên bệnh nhân có thể gặp ít tác dụng phụ hơn so với hóa trị. Tuy nhiên, phương pháp này vẫn có thể ảnh hưởng đến các tế bào khỏe mạnh trong cơ thể, gây vấn đề về tiêu hóa như buồn nôn, nôn, co thắt dạ dày, tiêu chảy; thay đổi da; rụng tóc; mệt mỏi; rối loạn chức năng tình dục...
Hóa trị và xạ trị có thể sử dụng cùng nhau?
Hóa trị và xạ trị đôi khi được sử dụng cùng nhau để điều trị một số loại ung thư. Phương pháp này được gọi là điều trị đồng thời, được khuyến nghị nếu ung thư không thể được loại bỏ bằng phẫu thuật; có khả năng lây lan sang các khu vực khác trên cơ thể...
Cách đối phó với tác dụng phụ của hóa trị và xạ trị
Bệnh nhân thực hiện hóa trị và xạ trị đều có khả năng cao gặp phải một số tác dụng phụ, đặc biệt là buồn nôn. Để đối phó với tình trạng này, bệnh nhân nên hỏi bác sĩ về các loại thuốc có thể dùng để điều trị buồn nôn; đặt một miếng cồn lên sống mũi nếu bị buồn nôn; hoặc sử dụng trà gừng để giảm buồn nôn.
Ngoài ra, bệnh nhân nên chia nhỏ bữa ăn, ăn thực phẩm có nhiều chất dinh dưỡng và protein.
Cô gái ung thư máu: 'Chỉ có một con đường là chiến đấu' Ung thư ập đến quá nhanh. Chỉ trong vòng ba ngày Trinh ra máu chân răng không thể cầm, đi khám, nhập viện cấp cứu, nguy cơ tử vong do xuất huyết não. Ba ngày mà xoay vòng cả một số phận. Khi ấy là tháng 9/2019, chị Đinh Thị Tuyết Trinh, 28 tuổi, biết mình bị bệnh bạch cầu cấp dòng lympho...