Người phụ nữ có quả thận nằm lạc chỗ!
Phần lớn bệnh nhân có thận lạc chỗ thường không có triệu chứng và được phát hiện đa số là tình cờ trong quá trình siêu âm thai nhi và khám sức khỏe tổng quát.
Sau can thiệp, bệnh nhân đã khỏe và chuẩn bị xuất viện – Ảnh: Phong Phạm
Sáng 19.2.2020, BS.CK2 Phạm Thanh Phong – Phó giám đốc chuyên môn Bệnh viện đa khoa Trung ương Cần Thơ, cho biết các bác sĩ vừa phẫu thuật thành công một trường hợp sỏi thận hiếm gặp ở vị trí thận lạc chỗ ở hố chậu.
Bệnh nhân là Bạch Thị Đ. (66 tuổi, ngụ Q.Cái Răng, TP.Cần Thơ), nhập viện ngày 6.2.2020 do đau hông trái. Trước khi nhập viện 2 ngày, bệnh nhân đau hông lưng trái, cơn đau ngày càng tăng, uống thuốc không giảm. Tiền sử bệnh nhân đau vùng hố chậu đã lâu nhưng không đi khám và điều trị.
Qua kết quả siêu âm và chụp CT- scan với chẩn đoán sỏi thận, cho thấy quả thận lạc chỗ nằm trên vùng hố chậu, có dịch trong thận. Bệnh nhân có chẩn đoán sỏi thận trái/thận lạc chỗ vùng hố chậu có biến chứng nhiễm trùng – đái tháo đường, bị tăng huyết áp – thiếu máu cục bộ cơ tim.
Bệnh nhân được chỉ định phẫu thuật lấy sỏi thận. Và ngày 14.2, các y bác sĩ đã phẫu thuật mổ lấy thận trái lấy sỏi to kích thước 33×27mm và bơm rửa ra nhiều nhiều sỏi bùn. Hiện tại tình trạng bệnh nhân ổn định, đi tiểu tốt, hết đau bụng, không sốt và chuẩn bị xuất viện.
Hình ảnh quả thận nằm lạc chỗ - Ảnh: Phong Phạm
Video đang HOT
Theo BS.CK2 Nguyễn Phước Lộc, Trưởng khoa Ngoại tiết niệu: “Thận lạc chỗ là một dạng dị tật bẩm sinh đường tiết niệu, do hậu quả từ quá trình di chuyển của thận thời kỳ bào thai bị rối loạn, dẫn đến thận không ở đúng vị trí là vùng hạ sườn 2 bên sau khi sinh ra”.
Theo ước tính, thận lạc chỗ có thể gặp với tỉ lệ 1/1.000 người. Thận có thể ở quá cao như trong lồng ngực, hay quá thấp như ở hố chậu, trong khung chậu. Đôi khi, cả 2 thận nằm ở cùng một bên. Nhưng thận lạc chỗ trong hố chậu hiếm gặp hơn. Theo 1 công trình nghiên cứu tại Đài Loan, xác suất gặp thận lạc chỗ trong hố chậu là 1/26.500 người.
Việc phát hiện đôi khi tình cờ khi đi chụp X-quang UIV vì đau bụng, hay nhiễm trùng tiểu, hoặc có rối loạn đi tiểu. Khám bụng có thể thấy một khối ở hạ vị. Thận lạc chỗ biểu hiện triệu chứng trên lâm sàng khi đã gây ra biến chứng như nhiễm trùng đường tiết niệu, tắc nghẽn đường tiết niệu, hay sỏi thận, trào ngược bàng quang niệu quản.
Các triệu chứng hay gặp nhất là đau bụng, sốt, tiểu máu, tiểu gắt buốt, khối u vùng bụng, tăng huyết áp và bí tiểu. Cần chú ý biến chứng sỏi thận trong thận lạc chỗ. Khi nước tiểu bị ứ quá lâu ở trong đường tiết niệu do thận lạc chỗ sẽ làm tăng nguy cơ lắng đọng các chất trong nước tiểu và tạo thành sỏi thận.
Khi nghi ngờ thận lạc chỗ, các bác sĩ sẽ tiến hành siêu âm ổ bụng để xác định vị trí của thận lạc chỗ. Một số trường hợp khó chẩn đoán, việc chụp mạch máu thận hay chụp cộng hưởng từ hệ niệu cũng giúp đưa ra chẩn đoán chính xác. Nên tầm soát từ khi còn nhỏ, bởi một chấn thương vào vùng bụng là nguy cơ đối với thận lạc chỗ vì nó không được bảo vệ bởi khung xương sườn. Hơn nữa, nếu thận lạc chỗ ở bé gái thì việc có thai về sau có thể bị ảnh hưởng và các nhà sản khoa phải được biết trước về sự tồn tại của thận lạc chỗ này.
Nhìn chung, thận lạc chỗ nếu chưa xảy ra biến chứng thì có tiên lượng tốt và không cần điều trị. Tuy nhiên, nếu xảy ra biến chứng thì cần phải được điều trị theo từng loại biến chứng cụ thể, như kháng sinh, tán sỏi, mổ lấy sỏi, phẫu thuật chỉnh sửa đường niệu, hoặc có trường hợp nặng phải cắt bỏ thận lạc chỗ.
Phong Phạm
Theo Một thế giới
Về thăm quê vợ, thanh niên bị taxi tông gãy chân
Trong lúc điều khiển xe máy về quê vợ ăn Tết, một nam thanh niên bất ngờ bị taxi tông gây gãy xương ở nhiều vị trí. Theo các bác sĩ, đây là một trong những ca, mà bệnh nhân bị đa tổn thương hiếm gặp.
Sáng 17/02, Bác sĩ CK2 Phạm Thanh Phong - Phó Giám đốc phụ trách chyên môn Bệnh viện Đa khoa Trung Ương Cần Thơ cho biết, lần đầu tiên tại bệnh viện nói riêng và tại ĐBSCL nói chung, các bác sĩ Khoa Ngoại chấn thương đã phẫu thuật thành công cho bệnh nhân đa tổn thương hiếm gặp gãy nhiều xương ở 6 vị trí.
Bệnh nhân nói trên là anh Nguyễn Văn Hậu (26 tuổi, ngụ quận Cái Răng, TP Cần Thơ). Theo lời kể của người nhà, vào ngày mùng 9 Tết nguyên đán, anh Hậu chở theo vợ về quê ở Kiên Giang ăn Tết, trên đường đi thì bất ngờ bị ô tô taxi tông gây tai nạn. Cú va chạm mạnh khiến anh Hậu bị gãy nhiều xương hết sức phức tạp.
Nhân viên y tế đang tiến hành băng bó vết thương ở chân cho anh Hậu - Ảnh: Kim Hà.
Ngay sau đó, anh này được đưa vào cấp cứu tại một bệnh viện ở Kiên Giang. Tại đây, các bác sĩ đã xử trí mổ, cắt lọc vết thương, cố định tạm xương gãy bằng kéo liên tục. Nhưng do đây là ca bệnh phức tạp, vượt ngoài khả năng chuyên môn nên anh Hậu được chuyển đến Bệnh viện Đa khoa Trung Ương Cần Thơ để tiếp tục điều trị.
Tiếp nhận bệnh nhân, các bác sĩ đã nhanh chóng hội chẩn chẩn đoán nam thanh niên bị đa tổn thương gãy hở mỏm khuỷu trái, hở xương đùi trái, bàn chân trái, gãy kín 2 xương cẳng chân trái, gãy kín xương đùi phải, gãy kín 2 xương cẳng chân phải. Đồng thời, có chỉ định phẫu thuật.
Nhiều vị trí xương bị gãy.
Ekip bệnh viện đã tiến hành 2 lần phẫu thuật để xử trí cắt lọc vết thương đùi trái do gãy hở và kết hợp xương cho bệnh nhân. Do mất quá nhiều máu nên tính đến thời điểm này, các bác sĩ đã truyền cho anh Hậu 8 đơn vị máu.
Sau 2 ca mổ liên tiếp, hiện tại tình trạng sức khỏe của anh Hậu đã ổn định, tỉnh táo, ăn uống tốt, giảm đau nhiều, mạch chân 2 bên rõ và được tiếp tục điều trị vết thương phức tạp ở bàn chân trái bị gãy nát. Đồng thời, hướng dẫn tập vật lý trị liệu phục hồi chức năng vận động, theo dõi tình trạng vết thương và lành xương.
Tình trạng anh Hậu dần ổn định sau 2 ca phẫu thuật - Ảnh: Kim Hà.
Bác sĩ CK2 Huỳnh Thống Em - Trưởng Khoa Ngoại chấn thương cho biết, theo y văn, gãy xương đùi và gãy xương chày cùng bên còn gọi là gãy bập bềnh gối. Đây là 1 tổn thương nặng do tính chất phức tạp của nó nên kết quả điều trị dễ ảnh hưởng tới phục hồi chức năng.
Trường hợp đặc biệt là gãy bập bềnh cả 2 gối là tổn thương rất hiếm gặp, theo y văn, chỉ có 3 ca được báo cáo. Đây là dạng gãy xương do chấn thương năng lượng cao. Bệnh kèm theo các tổn thương khác như đầu ngực bụng, đe dọa mạng sống của bệnh nhân, việc điều trị khó khăn và phải phục hồi trong thời gian rất dài.
Để giảm thiểu thời gian mổ kéo dài, tăng nguy cơ mất máu nhiều dễ gây rối loạn đông máu, thuyên tắc mỡ. Các bác sĩ đã tiến hành phẫu thuật sớm cắt lọc và xử trí tổn thương gãy hở trước, để kiểm soát nguy cơ nhiễm trùng vết thương do gãy hở. Sau 4 ngày thực hiện lần mổ đầu tiên, tổng trạng bệnh nhân ổn định, đủ điều kiện đáp ứng cho cuộc phẫu thuật tiếp theo. Ekip một lần nữa tiến hành kết hợp xương bên trong cho chân còn lại bao gồm xương đùi, cẳng chân phải và mỏm khuỷu trái cho bệnh nhân.
KIM HÀ
Theo Tiền phong
Sản phụ suýt trả giá đắt khi lúc mang thai thường hồi hộp nhưng không đi khám Sáng 14-2, thông tin từ Bệnh viện Đa khoa trung ương Cần Thơ (BV ĐKTW), cho biết BV vừa phẫu thuật thành công cho một sản phụ mắc bệnh tim bẩm sinh nặng kèm bệnh lý hen phế quản. Sản phụ tên N.T.B.N (29 tuổi; ngụ tỉnh Sóc Trăng) được tuyến trước chuyển đến trong tình trạng hồi hộp, mệt, nhịp tim 140...