Người phụ nữ chẳng bao giờ được nhận quà
Ngày 8.3 con nhận được hoa, quà và bao nhiêu lời chúc. Chạnh nhớ tới người phụ nữ chẳng bao giờ được nhận quà mà để lại bao nhiêu những món quà đáng giá nhất cho cuộc đời.
ảnh minh họa
Đó là mẹ đấy, mẹ ơi.
Mẹ tôi là một người phụ nữ đặc biệt. Thời đất nước khó khăn, mọi người tối tăm trong vòng vây bao cấp thì bà đã là người phụ nữ “cưỡi cơn sóng mạnh, chém cá Kình ngoài biển khơi”. Mẹ đi đi về về trên chiếc xe đạp Phượng Hoàng như cơn gió đầy sức mạnh. Đôi gò má ửng hồng, mắt long lanh và cái nhìn sắc sảo khiến đối phương phải cúi đầu. Mẹ tôi đấy! Áo Phi nõn trắng, xanh, vàng, tím và quần Satanh tuyết nhung đen. Chúng tôi biết mẹ mình đẹp, trẻ trung và sức sống.
Video đang HOT
Tôi không muốn viết khác đi về mẹ. Từ ngày xưa, mẹ đã dạy chúng tôi bài học biết yêu bản thân và tự phát huy sức mạnh nội lực của bản thân. Bà dạy chúng tôi bài học về thương trường và cách đối nhân xử thế trong mọi tình huống. Chiến tranh bắn phá miền Bắc ác liệt nhưng những sà lan hàng hoá của bà vẫn vượt sóng dọc ngang sông Hồng. Buôn thuyền, bán bè nên bà nuôi chúng tôi sung túc. Thế nhưng chúng tôi ít được mẹ chăm sóc và phải tự lập cùng nhau. Chị dạy em, đứa lớn bảo ban đứa nhỏ. Truyền thống đùm bọc nhau từ đó hình thành.
Ngày đó, kinh tế XHCN không chấp nhận các thành phần kinh tế khác. Mẹ tôi bị tịch thu gia sản khá nhiều. Nhưng khi chúng tôi nước mắt lưng tròng vì lo sợ cho ngày mai thì mẹ tôi xoè bàn tay ra mà nói: ” Một bàn tay đầy, hai bàn tay vơi. Sông có hết nước mẹ mới hết tiền” Và tôi nhìn vào tay mẹ, thấy mình giàu có, mạnh mẽ lên nhiều. Đến bây giờ, nhìn vào tay mình, tôi thấy có sức mạnh của bàn tay mẹ.
Mẹ của tôi không được học hành nhiều nhưng bà thông minh kỳ lạ. Bà dùng roi mây và những câu tục ngữ, ca dao để dạy 9 đứa con. Bà thuộc lòng các dòng thuốc, các tên thuốc. Bà buôn thuốc Tây và chữa bệnh cho tất cả các con mình. Cả tuổi thơ tôi chưa được mẹ tôi ôm vào lòng lần nào mà ngược lại còn bị ăn khá nhiều đòn roi. Vì vậy, khi làm mẹ, tôi luôn ôm ấp các con tôi và không dùng roi đòn với chúng. Bài học này tôi rút ra từ mẹ . Nói thế không phải là tôi không yêu mẹ. Tôi yêu mẹ bởi cách dạy nghiêm khắc đã cho các con của mẹ bài học tự nhận thức, tự chọn lọc và phát huy. Tôi thương mẹ vì cả đời bà chưa được tặng quà. Hoa tặng mẹ giờ đây là hoa cúng. Chúng con giờ đây đã trưởng thành nhưng có bao giờ hết vụng dại. Muốn được có mẹ để tìm về nhưng giờ mẹ đã ngủ yên.
Mẹ của tôi, người phụ nữ không bao giờ được nhận quà nhưng mẹ có biết đâu mẹ đã để lại cho cuộc đời này bao nhiêu quà tặng vô giá. Và chúng con mang quà tặng của mẹ như hành trang đi suốt cuộc đời này đấy, Mẹ ơi!
Theo VNE
Vợ - chiếc phao an toàn
Anh luôn hãnh diện với bạn bè có vợ đảm đang, chu toàn từ việc cơ quan đến việc nhà cửa. Em chăm chỉ, cần mẫn, quần quật cả ngày, chẳng mấy lúc ngơi tay, hay dành thời gian chăm chút cho mình.
Em bảo, em không quen hưởng thụ, nên kiếm được bao nhiêu em tằn tiện giữ kỹ. Chi tiêu trong gia đình chưa một lần em vung tay quá trán.
Hôm rồi nhà mình định sửa sang lại căn phòng cho bé Bông, chắc cũng chỉ thay chiếc bàn học đã cũ, tấm rèm mỏng và chiếc bóng đèn đã kém sáng, vậy mà anh thấy em đã phải cân nhắc mãi chỉ để chi cho hợp lý nhất. Nhà mình đâu nghèo đến nỗi phải cân đo đong đếm chút tiền bé mọn đó em.
Nhờ sự chăm chỉ và năng lực vốn có, em được thăng chức, làm sếp một văn phòng của công ty. Lương tăng nhưng em vẫn giữ thói quen tằn tiện, chắt bóp từng đồng. Làm sếp, trong mắt cấp dưới, em vẫn là người phụ nữ giản dị, thậm chí là... lạc hậu. Trước khi đi làm chẳng bao giờ thấy em ngồi vào bàn trang điểm dăm bảy phút. Em không có "gu" thời trang, đơn giản là thi thoảng đổi mới mình bằng một màu áo khác, em cũng không.
Bé Bông được giấy khen, anh muốn thưởng cho con bằng chuyến đi nghỉ mát cho cả nhà. Em chiều con cũng gật gù: "Thì nghỉ mát, nhưng hai bố con đi thôi nhé." Một chuyến đi nghỉ có tốn là bao so với công sức làm việc một năm mà em đắn đo đến vậy? Không có em đi cùng, chuyến đi còn gì là ý nghĩa.
Anh thì quen nết chẳng nề hà chi tiêu cho những gì mình thích. Những cuộc nhậu nhẹt với bạn bè hiếm khi anh vắng mặt. Anh thích chơi công nghệ từ điện thoại đến laptop, nên sản phẩm độc đáo nào vừa được tung ra là anh tìm mọi cách để sở hữu. Chán cái cũ, anh sẵn sàng bán đi để thay mới, chẳng tính toán.
Công ty đột ngột làm ăn thất bại, anh thành kẻ thất nghiệp ở nhà sống bám vào đồng lương của vợ. Xưa nay lương ai người ấy giữ, không có em quản thúc, nên đến giờ nhìn lại anh thấy túi tiền của mình sao trống rỗng. Lúc đấy, em đã chìa tay vực anh dậy khỏi chán chường và bế tắc. Em đưa hết tiền tiết kiệm của mình để anh có vốn làm ăn. Ngẫm lại anh mới thấy, em tằn tiện thế chỉ là tằn tiện với bản thân. Em bao giờ cũng lo chu toàn và chiều lòng bố con anh. May mà có em, là chiếc phao an toàn và chắc chắn, để gia đình mình chẳng bao giờ phải lao đao khi gặp biến cố.
Theo VNE
Nói với con về bố Bố của con hay bố của mẹ cũng như bao ông bố khác mang trong mình đầy trách nhiệm. Họ chẳng bao giờ kể lể, chỉ âm thầm làm lụng để mang đến cho vợ con một cuộc sống đủ đầy. Giờ đây mẹ không còn dám so sánh giữa công cha và nghĩa mẹ, bởi đã làm bố, làm mẹ thì đều...