Người phụ nữ bị nhiễm trùng roi đầu tiên ở Việt Nam
Sau khi điều trị nhiều cách không có kết quả, cuối cùng, chị C tìm đến bệnh viện Nhiệt Đới và xác định được nguyên nhân bệnh của mình.
Hiện tại, bệnh nhân B.T.C (38 tuổi, tỉnh Đắk Lắk) sức khỏe đã ổn định trở lại sau khoảng thời gian dài bị sốt nặng. Chị C làm công nhân ở huyện Vĩnh Của, tỉnh Đồng Nai. Giữa tháng 2/2015, chị về quê thăm gia đình. Đầu tháng 3/2015, bỗng dưng chị bị sốt cao, nhức đầu… Chị cho rằng mình bị sốt bình thường nên ra quầy thuốc tây mua thuốc về uống.
Chị C hiện đang được điều trị tại bệnh viện Nhiệt Đới
Hơn 3 ngày trôi qua nhưng các triệu chứng không có dấu hiệu thuyên giảm. Ngược lại, trên người nổi nhiều ban đỏ. Đúng một tuần, chị cảm thấy quá mệt nên đến bệnh viện tỉnh Đắk Lắk khám. Tại đây, bác sĩ chẩn đoán chị bị nhiễm siêu vi nên cho điều trị ngoại trú.
Chị uống thuốc và hạ sốt trong ba ngày. Tuy nhiên, sau đó, cơn sốt trở lại và nặng hơn trước. Chị tìm đến phòng khám đa khoa tư nhân điều trị nhưng vẫn không có kết quả.
Gần 20 ngày trôi qua, chị đến bệnh viện tỉnh Đồng Nai khám và được bác sĩ chẩn đoán bị nhiễm giun chỉ cấp. Ngày 18/3, chị quyết định nhập viện bệnh viện Nhiệt Đới TP.HCM.
Qua thăm khám, bác sĩ tại bệnh viện Nhiệt Đới xác định, chị C bị giảm tế bào máu ngoại biên, nhiễm trùng nặng, gan, thận bị tổn thương… Phết máu ngoại biên và phết tủy xương soi, bác sĩ phát hiện có loài trùng roi di động.
Bác sĩ Nguyễn Văn Vĩnh Châu (Giám đốc bệnh viện Nhiệt Đới) cho hay, từ trước đến nay, ở Việt Nam chưa ghi nhận bất kì trường hợp nào bị nhiễm trùng roi. Trên thế giới, việc người bị nhiễm trùng roi thường được phát hiện ở châu Phi, Nam Mỹ. Tuy nhiên, chị C khẳng định mình không hề xuất ngoại. Điều này khiến đội ngũ y bác sĩ vô cùng bất ngờ.
Video đang HOT
Đây là ca bệnh nhiễm trùng roi được phát hiện ở Việt Nam
Nhận thấy sự nguy cấp, bệnh viện Nhiệt Đới gửi mẫu bệnh phẩm sang Phòng Ký sinh trùng (Khoa Thú y, đại học Kasetsart, Thái Lan) xét nghiệm. Ngoài ra, bệnh nhân được cho uống các loại thuốc kháng nấm.
Ngày 31/3/2015, kết quả từ xét nghiệm từ Thái Lan gửi về cho biết, đúng là chị C bị nhiễm trùng roi dạng Trypanosoma evasi. Ngay sau đó, chị được truyền thuốc vào tĩnh mạch liên tục tám ngày và tình trạng sốt được thuyên giảm.
Vì đây là căn bệnh hiếm gặp nên thuốc điều trị đặc hiệu thường khó tìm. Trường hợp của chị C may mắn đáp ứng tốt với điều trị và hiện tại vẫn được theo dõi sức khỏe định kỳ.
Được biết, tại Việt Nam, từ hàng chục năm nay, các chuyên gia thú y ở các tỉnh phía Bắc đã ghi nhận Trypanosoma evansi gây bệnh cho trâu bò. Bệnh chủ yếu nhiễm qua đường máu do các loại ruồi muỗi hút máu từ trâu, bò bệnh rồi hút máu trâu bò khỏe và truyền bệnh cho chúng…
Theo Khám Phá
Mắt lác không còn lòng đen vì nhiễm giun đũa chó
Bé trai 12 tuổi, mắt bỗng dưng bị lác hoàn toàn không còn nhìn thấy lòng đen. Ca bệnh hiếm gặp khiến cả Viện Mắt Trung ương và bệnh viện Nhiệt đới Trung ương "bó tay".
Mắt lác không còn lòng đen vì nhiễm giun đũa chó
Giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Văn Đề, nguyên Chủ nhiệm bộ môn Ký sinh trùng trường Đại học Y Hà Nội cho biết, bệnh nhân bị nhiễm giun đũa chó.
"Tôi đã thăm khám và điều trị nhiều bệnh nhân bị nhiễm giun đũa chó nhưng đây là trường hợp đặc biệt đáng ngại. Mắt bệnh nhân bị lác hoàn toàn, lòng đen gần như không nhìn thấy", giáo sư Đề nói.
Cụ thể, theo vị bác sĩ này, bệnh nhân nhập viện mới đây là một bé trai (12 tuổi, quê huyện Quảng Trạch, Quảng Bình). Bệnh nhân trước đó hoàn toàn khỏe mạnh, không bị bệnh liên quan đến mắt, không bị trúng gió.
Theo lời kể của gia đình, bé bắt đầu có dấu hiệu lác mắt khoảng 3-4 ngày trước khi gia đình cho đi thăm khám tại bệnh viện tỉnh. Tuy nhiên, bác sĩ không phát hiện ra bệnh. Sau đó, bệnh nhân tiếp tục khám tại Viện Mắt Trung ương và Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương nhưng cũng bị "trả về" vì không tìm ra nguyên nhân.
"Cháu bé chỉ cố nhìn để định hướng đường khi cần rồi mắt lại bị lác như cũ. Nhìn bình thường mắt cháu hoàn toàn không còn lòng đen, rất thương. Chúng tôi đã cho tiến hành cho xét nghiệm máu. Và kết quả, cháu dương tính với ký sinh trùng giun đũa chó", bác sĩ Đề nói.
Vẫn theo bác sĩ Đề, sau khi phát hiện đúng bệnh. Bệnh nhân được điều trị bằng uống thuốc và sau 10 ngày, mắt trở lại bình thường, sức khỏe hoàn toàn ổn định.
Với kinh nghiệm hơn 30 năm trong ngành ký sinh trùng, bác sĩ Đề cho biết năm 2012 ông đã từng tham gia điều trị một ca bệnh là người lớn bị nhiễm giun đũa chó nặng tương tự.
"Bệnh nhân năm 2012 này may mắn đã được viện Mắt Trung ương soi đáy mắt. Họ nhìn thấy ấu trùng giun còn vướng ở mắt và mổ kịp thời, lấy được ra. Tuy nhiên, trường hợp bé trai 12 tuổi này, không soi thấy ấu trùng. Nếu không phát hiện được, bệnh nhân sẽ bị di chứng suốt đời không khỏi, dẫn tới mù mắt", bác sĩ Đề chia sẻ.
Bác sĩ Đề tư vấn, các gia đình cần vệ sinh môi trường đặc biệt là khu vực có phân chó, khu vực trong nhà và khu vui chơi của trẻ em. Mọi người nên rửa tay trước khi ăn hoặc chuẩn bị thức ăn, không ăn rau sống khi chưa rửa thật sạch hoặc thịt chó chưa nấu chín.
Nếu nuôi chó, các gia đình nên tẩy giun cho chó. Với chó con, cần tẩy giun ngay từ 3 tuần tuổi, tẩy giun nhắc lại 3 lần cách nhau 2 tuần và sau đó cứ 6 tháng tẩy một lần. Đặc biệt, không cho trẻ con chơi với chó, nhất là chó con, tránh để trẻ nuốt đất.
Theo các chuyên gia về ký sinh trùng, giun đũa chó (tên khoa học là Toxocara canis) ký sinh trong ruột non của chó, gặp ở 80% chó ở vùng nhiệt đới và 17-20% chó ở vùng ôn đới. Giun trưởng thành sống trong ruột non chó con dưới 3-6 tháng tuổi; mỗi ngày giun đẻ khoảng 200.000 trứng, trứng giun theo phân chó ra ngoài và có thể sống ở ngoại cảnh nhiều tháng.
Người nuốt phải trứng thường là trẻ em chơi đất, chơi với chó hoặc người lớn làm những nghề gần gũi với chó. Ngoài ra, ấu trùng trứng giun còn có thể vào cơ thể người do việc dính vào rau, thức ăn, gián, kiến tha...
Khi vào ruột non, ấu trùng sẽ chui ra khỏi trứng vào vách ruột, theo máu lên gan, phổi, não, tim, da, cơ, mắt... Tại đây, ấu trùng có thể sống được nhiều tháng, thậm chí nhiều năm. Và vì lạc vật chủ sang người nên chúng không bao giờ phát triển thành giun trưởng thành.
Các triệu chứng thường gặp ở người bị bệnh giun đũa chó là u hạt do ấu trùng, ấu trùng di chuyển nội tạng (gặp ở trẻ nhỏ 1-4 tuổi nhiều hơn ở người lớn) và ấu trùng di chuyển ở mắt.
Trẻ em khi mắc thường có biểu hiện sốt nhẹ, ăn ít, gầy yếu, tiêu chảy, buồn nôn, ói mửa; đau cơ và khớp; ho khạc ra đờm có bạch cầu ái toan, khó thở dạng suyễn, thâm nhiễm phổi; da nổi dát đỏ hoặc mề đay, hồng ban đa dạng, gan to, cứng, bề mặt nhẵn, không đau; đôi khi lách hơi to.
Người lớn cũng sốt nhẹ, mệt, nổi mẫn đỏ, ngứa, khó thở dạng suyễn, có thể giảm thị lực một bên do viêm hạt ở võng mạc hoặc viêm nội nhãn mạn tính. Ngoài ra bệnh còn có thể biểu hiện ở khớp, cơ, da, tim hoặc tổn thương thần kinh trung ương do ấu trùng xâm nhiễm vào não, lên cơn động kinh, liệt, co giật, chui vào tủy sống gây rối loạn...
Theo Xahoi
TP.HCM: Yêu cầu 3 bệnh viện lớn sẵn sàng điều trị bệnh Ebola TP.HCM đã yêu cầu 3 bệnh viện lớn chuẩn bị sẵn sàng nếu phát hiện ra trường hợp nghi ngờ mắc bệnh. Người lớn bị nhiễm Ebola sẽ được đưa đến điều trị tại BV Bệnh nhiệt đới TP.HCM. Trẻ em được điều trị tại BV Nhi đồng 1 và BV Nhi đồng 2. Sáng 12.8, đoàn công tác Sở Y tế TP.HCM...