Người phát ngôn Chính phủ: Phải có giải pháp chung sống lâu dài với dịch COVID-19
Trả lời báo chí sau cuộc họp về việc chuẩn bị test kit khi mở lại các đường bay quốc tế, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, Người phát ngôn Chính phủ cho biết, Thủ tướng Chính phủ đồng ý mở lại 6 đường bay thương mại quốc tế, trong đó, ngày 15/9 mở 4 đường bay tới Quảng Châu, Đài Loan (Trung Quốc), Seoul (Hàn Quốc), Tokyo (Nhật Bản), ngày 22/9 sẽ mở đường bay Lào, Campuchia.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng chủ trì cuộc họp. Ảnh: Dương Giang – TTXVN
Hai bên đã đàm phán để có sự tương đồng với nhau, trên cơ sở có đi có lại. Các nước đều đề nghị nối chuyến, do vậy, Chính phủ tính đến phương án mở lại một số đường bay với các khu vực kiểm soát dịch COVID-19 tốt, vừa phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế, vừa bảo đảm cho công tác phòng, chống dịch. Các biện pháp kiểm soát sẽ được nới lỏng hơn một bước.
Đối tượng được ưu tiên trong các chuyến bay này là chuyên gia, nhà đầu tư, lao động kỹ thuật cao nước ngoài đến Việt Nam và người Việt Nam có nhu cầu trở về nước. Theo dự kiến của Bộ Giao thông vận tải, lượng người nhập cảnh mỗi tuần khoảng 5.000 người. Số người nhập cảnh từ các nước này dần dần sẽ ít đi, vì chuyên gia và nhà đầu tư không sang đồng loạt, nhưng số người ở nước thứ ba (từ Mỹ, châu Âu) về sẽ đông hơn.
“Hiện Chính phủ chưa tính đến việc mở cửa đón khách du lịch nước ngoài vào Việt Nam mà chỉ ưu tiên các chuyên gia, nhà đầu tư và người Việt Nam muốn về nước”, theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng.
Ông cho biết, để giới hạn lượng người nhập cảnh ồ ạt khi vừa mở cửa đường bay trở lại, Bộ Giao thông vận tải tính toán, mỗi tuần chỉ mở hai chuyến, điều này góp phần kiểm soát tốt người nhập cảnh, bảo đảm cho công tác cách ly phòng, chống dịch. Đây cũng là cơ hội để đưa người Việt Nam sang lao động ở nước ngoài, các khu vực có nhu cầu và đảm bảo an toàn.
Thông tin về việc cách ly với người nhập cảnh, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho hay, Chính phủ tính toán rút ngắn thời gian cách ly với chuyên gia, nhà đầu tư và hành khách bay từ những nước được đánh giá an toàn. Nếu cách ly 14 ngày thì cả phi công, tiếp viên cũng phải cách ly 14 ngày. Với nhà đầu tư, việc cách ly kéo dài như vậy không thuận tiện. Do đó, Chính phủ dự kiến rút ngắn thời gian cách ly tập trung xuống còn 5-7 ngày. Tuy nhiên, những hành khách bay từ nước thứ 3 khi về Việt Nam phải cách ly tập trung 14 ngày như quy định.
“Văn phòng Chính phủ đề xuất cách ly tập trung 5 ngày, bởi những hành khách này phải test 2 lần sau khi nhập cảnh. Trước khi nhập cảnh cũng phải có xác nhận là âm tính. Tuy nhiên, việc rút ngắn thời gian cách ly tập trung xuống còn bao nhiêu ngày hiện vẫn đang tính toán, nhưng theo hướng là giảm thời gian cách ly tập trung, hành khách về nơi cư trú, nơi làm việc tiếp tục theo dõi”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nói.
Video đang HOT
Công dân cởi bỏ khẩu trang và đồ bảo hộ trên người ngay khi về đến điểm cách ly tập trung. Tại đây, họ sẽ được cấp phát mới nước súc miệng, khẩu trang, nước sát khuẩn và đồ dùng sinh hoạt cho những ngày thực hiện cách ly. Ảnh: Trọng Đạt – TTXVN
Người phát ngôn Chính phủ cũng cho biết, từ 1/9, tất cả những người thuộc diện cách ly phải tự chi trả chi phí, mức phí theo dịch vụ nơi cách ly. Ví dụ, cách ly ở khách sạn 5 sao thì theo giá của khách sạn, song, Chính phủ cũng khuyến khích các khách sạn có cơ chế khuyến mại. Các địa phương tự lên phương án cách ly. Hiện Hà Nội có 18 khách sạn đăng ký làm cơ sở cách ly.
“Lẽ ra cần mở sớm cho người Việt Nam có nhu cầu. Khuyến khích mở để phục vụ yêu cầu của người dân, vì thị trường yêu cầu và nhu cầu là có, có điều kiện không mở là do mình”, Bộ trưởng bày tỏ khi đề cập đến tình trạng các khách sạn hiện đang rất khó khăn, hầu hết phải đóng cửa vì không có khách, trong khi những người có điều kiện về kinh tế, muốn cách ly ở nơi tốt hơn lại không được.
Đối với người Việt Nam có điều kiện khó khăn ở nước ngoài về sẽ được cách ly 14 ngày trong khu cách ly tập trung của quân đội. Dự kiến, người cách ly tại đây sẽ tự chi trả tiền ăn và các chi phí sinh hoạt cá nhân.
Đề cập đến vấn đề xét nghiệm, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho hay, khả năng xét nghiệm ở sân bay, đông người rất khó, khách phải chờ đợi lâu và sẽ dẫn đến ùn ứ. Do đó, Chính phủ tính đến phương án khi hành khách về lưu trú tại các cơ sở cách ly, cơ quan y tế địa phương sẽ đến test. Để chủ động cho công tác xét nghiệm, cơ quan y tế sẽ được thông báo trước.
Việc xét nghiệm PCR cũng sẽ thu phí. Bộ Y tế và Bộ Tài chính đang tính toán cho mua tập trung test kit để giảm chi phí. Cơ quan y tế địa phương sẽ đến nơi lưu trú để xét nghiệm, chi phí xét nghiệm có thể tính toán trong gói lưu trú.
Theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, đại dịch khiến cho các lĩnh vực trong nền kinh tế bị ảnh hưởng sâu, nhiều lao động mất việc làm, việc mở cửa, nối lại các đường bay phải làm thí điểm, dần dần rút kinh nghiệm, tính toán cẩn thận để đảm bảo thực hiện mục tiêu kép, vừa phòng chống dịch, vừa phát triển kinh tế. “Làm thận trọng nhưng không nên khắt khe quá, đánh giá quá mức là không cần thiết. Nếu chỉ nghĩ đến phòng chống dịch mà không tính toán đến bài toán kinh tế sẽ rất khó khăn. Phải có giải pháp chung sống lâu dài với dịch”.
Mở lại đường bay với 6 nước, thực hiện cách ly thế nào với 5.000 khách nhập cảnh?
Với việc mở lại đường bay quốc tế với 6 quốc gia và dự kiến có khoảng 5.000 khách sẽ nhập cảnh trong tháng 9.
Việc cách ly sau khi nhập cảnh thực hiện như thế nào để không bùng phát dịch lần thứ 3 là câu hỏi dư luận quan tâm.
Dự kiến có khoảng 5.000 khách sẽ nhập cảnh trong tháng 9
Tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 8/2020 mới diễn ra, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho biết: Bộ GTVT đã có văn bản báo cáo lên Chính phủ từ ngày 3/9 về việc mở lại các đường bay quốc tế được đánh giá là có tính an toàn cao cũng như theo đề xuất của nước bạn. Chúng tôi có đề xuất 2 mốc là 15/9 mở lại đường bay quốc tế với Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc và ngày 22/9 dự kiến mở lại đường bay tới Đài Loan (Trung Quốc), Lào, Campuchia.
Các đối tượng được Bộ GTVT kiến nghị gồm: Các nhà ngoại giao, các nhà hoạt động công vụ, công dân Việt Nam đang sinh sống và làm việc tại nước ngoài có nhu cầu về nước, công dân Việt Nam đi lao động ở nước ngoài, các chuyên gia nước ngoài đang thực hiện các dự án tại Việt Nam.
Về quy định kiểm dịch, Bộ GTVT đã đánh giá trên cơ sở năng lực cách ly của các địa phương, đưa ra tần suất bay 1 tuần/chuyến/quốc gia và chuyến bay chiều ngược lại. Dự kiến có khoảng 5.000 khách sẽ nhập cảnh trong tháng 9.
Quy trình kiểm dịch hiện đã có nhiều văn bản của Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 đối với công dân Việt Nam, đối với các chuyên gia sẽ được áp dụng để đảm bảo chống dịch... Bộ GTVT đã thảo luận các nhà chức trách hàng không, các hãng bay... để có thể đưa ra giải pháp tốt nhất như đã trình.
Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường trả lời báo chí tại buổi họp báo
Đại diện ngành Y tế, Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường cho biết: Dưới sự chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Bộ đã báo cáo với Thủ tướng Chính phủ và thống nhất mở lại đường bay quốc tế từ 15/9. Các phương án đã được bàn bạc rất kỹ lưỡng để bảo đảm an toàn cho người dân. Lực lượng quân đội có vai trò quan trọng trong việc cách ly. Bộ Y tế đã ban hành một loạt quy trình hướng dẫn cách ly từ gia đình, công xưởng, nhà máy, trường học, nơi công cộng...
"Chúng tôi tin tưởng sau khi mở lại đường bay quốc tế sẽ vừa bảo đảm an toàn cho người dân vừa bảo đảm phát triển kinh tế", Thứ trưởng Bộ Y tế bày tỏ.
Phải có hướng dẫn cụ thể của các cơ quan chức năng
Liên quan vấn đề này, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng thông tin thêm, Thủ tướng đã giao Bộ GTVT chủ trì cùng Bộ Ngoại giao, Bộ Công an, Bộ Y tế, Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 tham mưu Thủ tướng quyết định vấn đề mở lại đường bay quốc tế. Việc mở đường bay thương mại quốc tế tới 6 quốc gia trên nguyên tắc là mở đường bay tới các nước đã kiểm soát bệnh tốt và tương đồng với chúng ta, xuất phát từ yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội của nước đó. Trên tinh thần thực hiện mục tiêu kép như Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo, chúng ta mở lại các đường bay một cách cẩn trọng, mở dần từng bước và đúc kết kinh nghiệm.
Bộ GTVT đã có văn bản báo cáo Chính phủ từ 3/9 nhưng hiện nay các bộ, ngành chưa có ý kiến về việc này và chưa đưa ra các giải pháp.
Theo Bộ trưởng, đây là giải pháp về ứng xử, mang tính chất có đi có lại với nước bạn theo nguyên tắc đối ngoại.
Ngoài chuyên gia, lao động, các cơ quan ngoại giao, người dân du lịch... chúng ta cũng sẽ phải tính toán đối tượng và tần suất bay, vừa làm vừa thí điểm sau đó mới nâng tần suất.
Về kiểm dịch, khách lên máy bay phải được xét nghiệm âm tính, sau khi nhập cảnh phải kiểm soát, cách ly. Câu chuyện đặt ra là phải tổ chức cách ly như thế nào? Nếu khách chỉ sang công tác 5 ngày mà chúng ta lại cách ly tới 14 ngày thì không ai sang nữa.
Bộ trưởng nói và cho biết: Vừa rồi, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh đã quyết định cho 1 trường hợp được nhập cảnh ngắn ngày. Cụ thể là, một vị Phó Chủ tịch của Tập đoàn Samsung sang Việt Nam công tác 5 ngày. Chúng ta không cách ly, nhưng bố trí khách ở tại khách sạn. Ngày thứ nhất chúng ta tiến xét nghiệm, sau khi cho kết quả âm tính đến ngày thứ hai mới để họ thực hiện các hoạt động công vụ theo lịch trình. Trong quá trình này vẫn bảo đảm các giải pháp về phòng, chống dịch (đeo khẩu trang, không tiếp xúc gần...).
Dự kiến ngày 17-18/9 tới, Bộ trưởng Ngoại giao Hàn Quốc cũng sẽ sang thăm chính thức Việt Nam, nếu ta đặt vấn đề cách ly 14 ngày thì khách sẽ không sang nữa.
Qua đó, có thể thấy đây là vấn đề ứng xử có đi có lại giữa các quốc gia.
"Tới đây, Bộ GTVT cùng các bộ, ngành sẽ báo cáo Thủ tướng để có hướng dẫn cụ thể của các cơ quan chức năng về việc cách ly hành khách sau khi mở lại đường bay quốc tế", Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết.
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng: Dân chủ quan, đổ ra đường tụ tập rất nguy hiểm Ông Mai Tiến Dũng cho biết, Chỉ thị 16 của Thủ tướng là yêu cầu người dân ở nhà vì vậy nếu lơ là, coi thường cách ly xã hội là rất nguy hiểm. Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ (VPCP) Mai Tiến Dũng trả lời báo chí để làm rõ hơn về cách ly toàn xã hội theo Chỉ thị...