Người Pháp đối mặt với ác mộng di chuyển trong kỳ nghỉ lễ vì đình công
Cuộc đình công của các lái tàu vẫn tiếp diễn khiến việc di chuyển trong kỳ nghỉ lễ của người dân Pháp vô cùng khó khăn.
Kỳ nghỉ lễ quan trọng nhất trong năm của người Pháp đã bắt đầu từ chiều ngày 20/12 khi học sinh các cấp chính thức được nghỉ học và các gia đình bắt đầu lên đường đi nghỉ hoặc về quê đoàn tụ gia đình trong dịp lễ Giáng sinh và năm mới.
Tuy nhiên, cuộc đình công kéo dài của các công nhân trong ngành đường sắt nhằm phản đối cải cách hưu trí của chính phủ Pháp khiến việc di chuyển trong những ngày này trở thành cơn ác mộng với nhiều người, đặc biệt là cư dân sinh sống và làm việc tại khu vực thủ đô Paris.
Người lao động Pháp đình công. (Ảnh: AFP)
Hiện cuộc đình công đã kéo dài sang ngày thứ 18 và chỉ có chưa đến một nửa số lái tàu đi làm trong những giờ cao điểm. Vào thời điểm căng thẳng nhất, 75% số lái tàu của công ty đường sắt quốc gia Pháp (SNCF) và công ty giao thông công cộng vùng Ile-de France quanh thủ đô Paris (RATP) đình công.
Video đang HOT
Trong ngày 21/12, ngày nghỉ lễ chính thức đầu tiên, cả 14 tuyến tàu điện ngầm tại thủ đô Paris đều bị đóng và chỉ có 1/3 số xe bus hoặc tàu ngoại ô hoạt động.
Đối với nhiều người Pháp sinh sống và làm việc tại thủ đô Paris, giờ đây ngay cả việc di chuyển đến các nhà ga lớn trong thành phố để bắt tàu đi nghỉ hoặc về quê, cũng trở nên khó khăn.
Một hành khách Pháp đợi tàu ở ga Saint-Lazare ở trung tâm thủ đô Paris cho biết: “Thật không may là tôi đã để lỡ chuyến xe bus nên thú thực là tôi đã rất lo sợ là không đến được nhà ga. Giờ thì tôi cũng không biết là sẽ có xe buýt và tàu hay không do có rất nhiều chuyến bị huỷ vào phút cuối. Chúng tôi thực sự cũng không được thông báo đầy đủ và các thông tin đang rất loãng. Tình hình đúng là rất đáng lo”.
Trước việc phe công đoàn đường sắt tuyên bố sẽ tiếp tục biểu tình trong cả dịp Giáng sinh, đích thân Tổng thống Pháp Emmanuel Macron hôm 21/12 đã kêu gọi người lao động tạm ngưng đình công trong dịp lễ để người dân Pháp có thể di chuyển đi nghỉ lễ và sum họp gia đình. Hiện tại, trước sự giận dữ ngày càng lớn của người dân Pháp, công ty đường sắt quốc gia Pháp đã phải đưa ra các biện pháp đặc biệt.
Trong ngày 22/12, 14 chuyến tàu cao tốc TGV đặc biệt sẽ được vận hành để chuyên chở các hành khách là 5.000 trẻ em từ 4 đến 14 tuổi cùng người đi cùng từ thủ đô Paris về các thành phố lớn khác trên khắp nước Pháp như Lyon, Marseillle, Bordeaux, Nantes hay Strasbourg.
Tỷ lệ các chuyến tàu cao tốc liên tỉnh cũng đang được cải thiện khi theo thông báo trung bình sẽ có 3 trên 5 tàu cao tốc hoạt động trong những ngày tới, dù con số này vẫn được cho là không thể đáp ứng đủ nhu cầu đi lại cao nhất trong năm tại Pháp./.
Theo Quang Dũng/VOV-Paris
Hàng triệu người Pháp xuống đường trong ngày tổng đình công
Đụng độ nhỏ diễn ra giữa những người biểu tình quá khích với lực lượng cảnh sát khiến 87 người bị bắt và 71 người bị tạm giữ để điều tra.
Gần 1 triệu người Pháp xuống đường biểu tình tại nhiều thành phố lớn trên toàn nước Pháp trong ngày 5/12, nhằm phản đối chương trình cải cách về hưu trí của chính phủ, khiến giao thông nhiều nơi tê liệt.
Theo con số do Bộ Nội vụ Pháp đưa ra, đã có ít nhất 806.000 người lao động Pháp xuống đường biểu tình trong ngày tổng đình công 5/12 trên toàn nước Pháp. Tuy nhiên, các công đoàn đưa ra con số cao hơn nhiều, ở mức khoảng 1,5 triệu người.
Nhân viên cứu hỏa tại Marseille, Pháp biểu tình phản đối chương trình cải cách hưu bổng, ngày 5/12. (Ảnh: Reuters)
Các cuộc tuần hành đông nhất tập trung quanh các đại lộ và quảng trường ở khu phía Đông Thủ đô Paris, thu hút ít nhất khoảng 65.000 người, theo thông báo của Cảnh sát thành phố Paris. Một số đụng độ nhỏ đã diễn ra giữa những người biểu tình quá khích với lực lượng cảnh sát khiến 87 người bị bắt và 71 người bị tạm giữ để điều tra.
Ngoài Thủ đô Paris, các cuộc biểu tình lớn khác cũng đã được tổ chức ở các thành phố như Toulouse, Marseille hay Bordeaux, thu hút vài chục nghìn người mỗi nơi. Điểm đáng chú ý là tại cả những thành phố nhỏ dưới 300.000 dân, các cuộc biểu tình cũng đã diễn ra rầm rộ. Ngoài ra, không chỉ để phản đối cải cách hưu trí, cuộc biểu tình còn thu hút các lực lượng Áo vàng và các nhóm hoạt động vì môi trường.
Trong ngày 5/12, giao thông công cộng tại nhiều thành phố lớn, đặc biệt là tại Thủ đô Paris đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng, nhiều nơi bị tê liệt. Khoảng 1/2 số trường học ở Thủ đô Paris cũng đã phải đóng cửa do giáo viên đình công. Nhiều cơ quan công quyền chỉ duy trì hoạt động ở mức tối thiểu.
Với thành công trong ngày đình công đầu tiên, Tổng thư ký CGT - công đoàn lớn nhất tại Pháp, ông Philippe Martinez cho biết, lời kêu gọi biểu tình sẽ được tiếp tục đưa ra cho những ngày tiếp theo, nhằm cho chính phủ Pháp thấy được sự giận dữ của dân chúng Pháp
" Điều đầu tiên, đó là các cuộc thăm dò dư luận đều cho thấy là người dân Pháp không muốn có cải cách này. Thứ hai, đây là một ý định của chính phủ Pháp nhằm chia rẽ dân chúng, khi cố gắng chỉ trích những người mà họ cho là được ưu tiên. Vì thế, câu trả lời là ở trên đường phố. Tất cả mọi người, cả trong lĩnh vực công lẫn lĩnh vực tư, đều xuống đường, người về hưu cũng như người trẻ. Tất cả đều bị ảnh hưởng và vì thế chúng tôi muốn cho chính phủ Pháp thấy là chúng tôi không muốn có cải cách này", ông Philippe Martinez tuyên bố.
Trước làn sóng phản đối mạnh mẽ của dân chúng Pháp, trong chiều 5/12, Thủ tướng Pháp Édouard Philippe đã ra thông báo cho biết, chính phủ Pháp sẽ công bố chi tiết kế hoạch cải cách trong tuần sau, đồng thời sẽ lắng nghe dân chúng Pháp. Tuy nhiên, chính phủ Pháp vẫn khẳng định quyết tâm sẽ thực hiện cải cách này đến cùng.
Theo QUANG DŨNG/VOV-PARIS
Tháp Eiffe đóng cửa do nhân viên đình công Tháp Eiffel đóng cửa ngưng phục vụ khách thăm quan do nhân viên tòa tháp đình công nhằm phản đối dự luật về cải cách hưu trí của Chính phủ Pháp. Tháp Eiffel đóng cửa do đình công. (Ảnh:connexionfrance.com) Các tấm biển thông báo "đóng cửa" được treo bên ngoài tháp Eiffel, do đó khách du lịch chỉ có thể tiếp cận khu...