‘Người phán xử’ và bà mẹ chồng tai quái thắng thế ‘bình hoa di động’
Ánh mắt sắc như dao của NSND Hoàng Dũng và sự xuất thần của NSND Lan Hương trong vai bà mẹ chồng tai quái chứng tỏ rằng trong nghệ thuật, “vàng thau” không thể lẫn.
Một thời gian dài, báo chí tốn giấy mực về chất lượng của phim truyền hình Việt. Điểm gây thất vọng nhất là những kịch bản cũ kỹ, câu chuyện không mới, cảnh dựng thô vụng và đặc biệt là sự xuất hiện của không ít gương mặt diễn viên hời hợt, nhạt nhẽo, vừa yếu về diễn xuất, vừa tệ về đài từ.
Khán giả vẫn trung thành với màn ảnh nhỏ nhưng họ tìm đến game show, chương trình giải trí, phim nước ngoài và chấp nhận “ly thân” với phim truyền hình gắn mác nội địa.
Một số khác chọn cách xem lại những tác phẩm cũ mà theo họ là một phần của kỷ niệm như: Đất và người, Phía trước là bầu trời, Của để dành, Đất phương Nam,…
Nhận “quả đắng” khi mời ca sĩ, người mẫu, hoa hậu
Thời điểm năm 2006-2013, phim truyền hình thực sự đi vào đường cùng. Một số nhà sản xuất đã nghĩ ra chiêu thức mới. Đó là mời những người nổi tiếng như ca sĩ, MC, người mẫu vào các dự án của mình. Mục đích là để lôi kéo người xem, tăng lượng rating. Nhưng không ngờ họ lại nhận “quả đắng”.
Mỹ Tâm và Tuấn Hưng từng đóng chung phim Cho một tình yêu nhưng không nhận được nhiều phản hồi tích cực.
“Ngôi sao” ca nhạc như Mỹ Tâm, Lam Trường, Tuấn Hưng, Thủy Tiên đều nhận phản hồi trái chiều về diễn xuất khi đóng phim. Những khuôn mặt vô hồn với lối diễn thô cứng, thoại như trả bài khiến chính người hâm mộ của họ này cũng phải bày tỏ sự thất vọng.
Giới người mẫu cũng không khá khẩm hơn, dù dàn chân dài phủ sóng cả điện ảnh lẫn phim truyền hình nhưng không mấy gương mặt để lại ấn tượng. Hoa hậu châu Á tại Mỹ Jennifer Phạm bị ném đá tơi tả với diễn xuất trong Xin thề anh nói thật, còn vai diễn trong phim Âm tính của Mai Phương Thúy chỉ dừng ở mức “xem được” vì khả năng cũng chỉ đến vậy.
Video đang HOT
Tất nhiên, không phải tất cả đều dở. Giới ca sĩ có Minh Hằng được đánh giá cao về diễn xuất với phim Vừa đi vừa khóc. Giới người đẹp có Thanh Hằng tạo được dấu ấn với vai phụ trong phim truyền hình Những cô gái chân dài.
Từ những vai diễn này, Minh Hằng – Thanh Hằng trở thành những gương mặt quen thuộc, và nhanh chóng từ phim truyền hình bước vào “địa hạt” của điện ảnh. Nhưng “một cánh én không làm nên mùa xuân”.
Sự ồ ạt của dàn người mẫu – ca sĩ, như “nấm mọc sau mưa”, chẳng những không làm phim truyền hình khởi sắc, thậm chí còn khiến nó rẻ rúng, dễ dãi và tuột dốc không phanh suốt một thời gian dài. Khán giả xem xong như “nước đổ lá khoai”, không đọng lại bất cứ điều gì.
Đạo diễn, NSƯT Đỗ Thanh Hải cho biết việc mời những nghệ sĩ nổi tiếng được nhiều người biết đến như MC, người mẫu, nghệ sĩ múa, ca sĩ vào diễn xuất trong phim truyện cũng có thể được coi là một lựa chọn.
Tuy nhiên, theo Giám đốc VFC lựa chọn này không bền vì nhiều người đẹp, người nổi tiếng không hề có khả năng diễn xuất, lại không chịu trau dồi nên nhanh chóng bị đào thải.
“Nhu cầu thị trường cao, diễn viên mới khan hiếm nhưng công nghệ làm phim truyền hình cũng có sự thay đổi với những yêu cầu khắt khe hơn. Giờ đây, ngoài vóc dáng, ngoại hình, diễn viên còn phải có khả năng diễn xuất, đài từ, giọng nói vì phim được thu âm trực tiếp. Những yếu tố quan trọng đó không phải người đẹp nào cũng thực hiện được”, nam đạo diễn nhấn mạnh.
Ánh mắt sắc lẹm của Hoàng Dũng
Một vài năm gần đây, tình trạng “bình hoa di động” vẫn nhan nhản trong tác phẩm điện ảnh nhưng vẻ như đã giảm bớt trong các dự án phim truyền hình. Dường như các đạo diễn đã nhận ra được chân lý “vàng thau không thể lẫn lộn”.
Do vậy, ngoài những chủ đề về tình yêu, ngôn tình để kéo khán giả trẻ như Tuổi thanh xuân, Khúc hát mặt trời, Zippo, mù tạt và em; VFC – Trung tâm sản xuất phim truyền hình Việt Nam – bắt đầu tạo bước chuyển mình với những bộ phim đậm tính thời sự, nhân văn như Mưa bóng mây, Hôn nhân trong ngõ hẹp, Khi đàn ông góa vợ bật khóc…
NSND Hoàng Dũng là người thủ vai chính trong phim Người phán xử.
Đặc biệt, đáng chú ý hơn cả là hai bộ phim gây bão mạng xã hội ngay từ khi chưa lên sóng trong thời gian gần đây là: Người phán xử – một bộ phim về tâm lý tội phạm của bộ 3 đạo diễn Mai Hiền – Danh Dũng – Khải Anh, và Sống chung với mẹ chồng – một tác phẩm tâm lý gia đình tiếp theo của đạo diễn Vũ Trường Khoa.
Tên phim liên tục xuất hiện trong danh sách những từ khóa được tìm kiếm phổ biến nhất trên Google trong ngày. Nội dung, tình tiết phim được chia sẻ, bàn tán và dự đoán sôi nổi trên mạng xã hội. Một khán giả truyền hình bình luận trên trang cá nhân: “Lâu lắm rồi mới lại có nhiều phim truyền hình Việt hay và được quan tâm đến vậy”.
Điểm chung của hai bộ phim truyền hình đang gây bão này là cùng thu tiếng đồng bộ và cùng có sự góp mặt của dàn diễn viên chuyên nghiệp, được đào tạo về diễn xuất qua trường lớp.
Và cũng rất lâu, khán giả mới tìm lại được nhân vật “linh hồn” của phim truyền hình. Đó là NSND Lan Hương với vai bà mẹ chồng tai quái trong Sống chung với mẹ chồng và NSND Hoàng Dũng với vai ông trùm xã hội đen trong Người phán xử.
Cả hai cùng là nghệ sĩ nhân dân, cùng vừa nhận quyết định nghỉ hưu cách đây vài tháng và cùng là gương mặt được xếp vào hàng gạo cội của màn ảnh. Quan trọng hơn cả là họ cùng chinh phục khán giả bằng sự xuất thần trong lối diễn xuất vừa điêu luyện, vừa rất đời.
Ánh mắt của NSND Hoàng Dũng khi đóng nhân vật “Người phán xử” là ánh mắt của con dao sắc lẹm, vừa thể hiện được sự tinh tường, mưu mô, thủ đoạn vừa chứng tỏ được bản lĩnh nhìn người, nhìn đời.
Nếu không có sự từng trải và khả năng quan sát bậc thầy, khó ai có thể thay thế Hoàng Dũng trong vai Phan Quân, một con cáo già tàn độc đằng sau vẻ ngoài lịch thiệp, một người sẵn sàng loại đi tính mạng của kẻ khác nhưng lại rất yêu vợ con và tôn thờ giá trị gia đình.
Đạo diễn Khải Anh bảo anh không tìm đâu một người chuyên nghiệp như thế, còn Hồng Đăng, Việt Anh thì quả quyết rằng NSND Hoàng Dũng là một người thầy.
Khi chạm ngõ diễn xuất, Hồng Đăng – Việt Anh được nam nghệ sĩ gạo cội chỉ bảo, hướng dẫn. Và hơn 10 năm sau, tại phim trường, họ – những ngôi sao trẻ của phim truyền hình hiện nay – vẫn là cậu học trò ngày nào trước “Người phán xử”.
NSND Lan Hương “lột xác” khi vào vai bà mẹ chồng tai quái trong phim Sống chung với mẹ chồng.
Cái nhíu mày tai quái của Lan Hương
Sánh ngang với ánh mắt của NSND Hoàng Dũng là cái nhíu mày “đời, không thể đời hơn” của NSND Lan Hương trong vai bà mẹ chồng tai quái.
Không ít người bày tỏ sự ngỡ ngàng vì trước đây họ vẫn quen với Lan Hương trong những vai tảo tần, hiền lành. Thế nhưng, khi vào một vai khác chất, nữ nghệ sĩ gạo cội đã “lột xác” và chứng tỏ được rằng đã là một diễn viên chuyên nghiệp thì không dạng vai nào là không làm được.
“Tôi gọi NSND Lan Hương là mẹ, trong nghề tôi chỉ là bậc hậu bối, con cháu. Do vậy, tôi phải học hỏi rất nhiều điều từ mẹ để hoàn thành vai diễn của mình”, diễn viên Bảo Thanh, người đóng vai cô con dâu trong Sống chung với mẹ chồng, chia sẻ.
Tất nhiên, độ “hot” của Người phán xử và Sống chung với mẹ chồng còn nằm ở kịch bản, tài năng của đạo diễn và những nỗ lực của toàn bộ ê-kíp làm phim. Nhưng cũng không thể phủ nhận góp phần làm nên thành công bước đầu đó là sức lực không nhỏ của thế hệ những người “sống chết với nghề” và trải qua dạn dày sóng gió của nghiệp diễn.
Hoàng Dũng, Lan Hương, cũng như Thanh Quý, Minh Châu, Như Quỳnh, họ là thế hệ “vàng mười” của sân khấu và màn ảnh, luôn dành được sự tin tưởng tuyệt đối của các đạo diễn mỗi khi nhận vai. Và họ luôn được lớp đi sau nể trọng vì khả năng diễn xuất điêu luyện, cùng sự chỉn chu, chuyên nghiệp trong cách làm nghề.
Những “bình hoa di động” vẫn tồn tại trong các dự án điện ảnh, truyền hình, như một điều không thể thiếu trong những chiêu trò, mánh khóe của giới giải trí.
Nhưng tất nhiên, phù hoa, bóng bẩy, hời hợt, nhạt nhẽo, giải trí tầm thường chẳng bao giờ thắng thế được sự chân thật của gió sương, của năm tháng kinh nghiệm, của tình yêu và sự hy sinh với nghề.
Theo Zing