Người “phải lòng” ông Tiến sĩ giấy
Sắp đến rằm Trung thu, căn nhà nhỏ của cô Nguyễn Thị Tuyến thôn Hậu Ái, Vân Canh, Hoài Đức, Hà Nội lại tất bật vào mùa, đâu đâu cũng thấy sự hiện diện của những đồ chơi truyền thống. Với 52 tuổi đời nhưng có đến hơn 40 năm tuổi nghề, cô tự nhận mình là người “phải lòng” ông tiến sĩ giấy.
Đi đến thôn Hậu Ái, Vân Canh, Hoài Đức, chúng tôi hỏi thăm nhà cô Tuyến chuyên làm ông Tiến sĩ giấy cho trẻ nhỏ. Được sự chỉ dẫn của người dân, chúng tôi không khó để tìm đến nhà cô.
Với cái quán trà đá nho nhỏ, cô Tuyến vừa bán hàng vừa thoăn thoắt vót những chiếc nan tre. Những chiếc nan trẻ mỏng manh, dẻo dai được đan với nhau, chỉ vài phút đã định hình được phần xương của con giống, đèn ông sao… những đồ chơi làm trẻ con thời xưa mê mệt.
Đầy đủ bộ ông Tiến sĩ giấy trong mâm ngũ quả đêm Rằm Trung thu
Cô Tuyến năm nay 52 tuổi mà đã có đến hơn 40 năm tuổi nghề. Ngày nay, nghề sản xuất đồ chơi truyền thống không còn đem lại giá trị kinh tế nữa, nhưng đối với cô, nó lại là một niềm vui không thể thiếu. Chẳng phải để kinh doanh mà chỉ làm để cho đỡ nhớ và muốn lưu giữ lại một nét văn hóa truyền thống của dân tộc.
Cô Tuyến có thể làm đồ chơi trẻ em ở mọi lúc mọi nơi
Cô kể: “Cả làng Hậu Ái chỉ còn mỗi nhà tôi làm ra những ông Tiến sĩ giấy, đèn ông sao, con giống… để phục vụ các em nhỏ đón rằm Trung thu. Từ năm 10 tuổi, những đứa trẻ con nhà nghề như chúng tôi đã biết làm những chiếc quần ông tiến sĩ, xâu tay chân, điểm màu trang trí cho sản phẩm thật hợp lý và đẹp mắt. Làm nhiều thành quen, tôi cũng không dứt được, năm nào không làm là nhớ lắm”.
Video đang HOT
Trong nhà cô, đâu đâu cũng thấy trò chơi truyền thống
Làm nên một sản phẩm bằng giấy và tre này quả thực là không khó, người thợ chỉ cần một chút tỉ mỉ, kiên trì và óc sáng tạo là có thể làm được. Với các thể loại đồ chơi to nhỏ đủ kích cỡ, để phục vụ đủ hàng cho trẻ nhỏ quanh khu vực, gia đình cô phải bắt tay làm từ đầu tháng 8. Cô tâm sự: “Chỉ khi rảnh rỗi mới bắt tay làm được, gia đình cũng không dám nhận nhiều đơn đặt hàng, năm nay đã có 3 cơ sở nhận hàng với số lượng lớn. Gia đình 4 người chúng tôi phải làm đến sát ngày rằm mới nghỉ”.
Đèn cầy hình chú công này rất hút trẻ vì độ khéo léo, rực rỡ
Trong nhà cô Tuyến, đâu đâu cũng thấy sự hiện diện của ông Tiến sĩ giấy. Cô giải thích về ý nghĩa của món đồ chơi này: “Ông Tiến sĩ giấy đủ bộ thì phải có 3 ông, một ông chính ngồi giữa có ghế và lọng, hai ông nhỏ bên cạnh múa gậy để bảo vệ ông ngồi giữa. Ông Tiến sĩ giấy để bầy mâm ngũ quả cho trẻ vào rằm tháng 8, đúng vào dịp đầu năm học. Ông tiến sĩ tượng trưng cho việc giáo dục trẻ nhỏ chăm ngoan để cuối năm học nhận nhiều bằng khen và đỗ đạt”.
Cô Tuyến người duy nhất sót lại với nghề chia sẻ: ” Tôi như người phải lòng ông Tiến sĩ giấy vậy”
Giải thích xong, cô Tuyến thở dài, giọng buồn buồn: “Ngày xưa nhộn nhịp với tiếng lộc cộc, với muôn màu của những tấm giấy… thì nay lặng lẽ hẳn. Những món đồ chơi cứ lặng lẽ treo ở đó đến khi bụi phủ kín cũng chẳng còn ai để tâm. Đồ chơi bằng pin, bằng điện của Trung Quốc giờ càng thu hút trẻ con hơn. Rồi cũng đến khi tôi không còn đủ sức để níu giữ chút truyền thống này nữa. Chỉ tội cho những đứa trẻ sau này, không biết mùi Trung thu truyền thống”.
Đã qua 40 năm, không năm nào cô Tuyến không tự tay làm đủ bộ đồ chơi Trung thu, đặc biệt bộ Tiến sĩ giấy để phục vụ trẻ con làng Hậu Ái. Cô bảo: “Tôi như người phải lòng ông Tiến sĩ giấy vậy”.
Theo 24h
Mùa Trung thu: Tràn lan đồ chơi bạo lực
Loay hoay tìm kiếm trong hàng chục món đồ chơi đầy màu sắc trên phố Lương Văn Can, chị Hoàng Thu Trang, ở phường Ô Chợ Dừa, quận Đống Đa thất vọng quay ra vì chỉ thấy toàn đồ chơi bạo lực...
Đồ chơi ngoại nhập vẫn lấn sân
Mặc dù còn gần 1 tháng nữa mới đến rằm Trung thu, song thị trường đồ chơi cho trẻ em đã diễn ra khá sôi động. Khảo sát một vòng tại các cửa hàng bán đồ chơi trên các tuyến phố Hàng Mã, Hàng Lược, Lương Văn Can những ngày này dễ nhận thấy là những mặt hàng đồ chơi sản xuất trong nước vẫn "lép vế" so với đồ chơi ngoại nhập, trong số đó, phần lớn đồ chơi có xuất xứ từ Trung Quốc.
Các loại đồ chơi mang tính bạo lực như súng, dao, kiếm... vẫn được nhiều cửa hàng bày bán. Ghé vào một cửa hàng trên phố Lương Văn Can, chúng tôi được người bán hàng quảng cáo: "Em muốn mua đồ chơi cho bé trai hay bé gái. Nếu muốn mua cho bé trai, chị có rất nhiều loại được bày ở phía trong, đủ loại súng ngắn, súng trường, dao, kiếm,... đều có cả". Những loại đồ chơi "bạo lực" đó có giá khoảng 100.000 - 150.000 đồng.
Súng bắn đạn nhựa vẫn được bày bán tràn lan
Một chủ cửa hàng bán đồ chơi trên phố Lương Văn Can cho biết, nhiều phụ huynh thường chọn mua cho con em mình đồ chơi Trung Quốc như súng bắn laze vì chúng rất bắt mắt, sử dụng pin, đèn nhấp nháy, mặt nạ có hình thù kỳ dị được rất nhiều trẻ em, đặc biệt là các bé trai ưa thích.
Trong số đó có không ít loại đồ chơi nguy hiểm, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của trẻ như: súng bắn đạn nhựa cứng, kiếm răng cưa, thú vật phun lửa. Một số đồ chơi ảnh hưởng đến sức khoẻ được nhiều bé gái lựa chọn là đồ "nữ trang", có giá từ 10.000 - 15.000 đồng/chiếc, là loại đồ chơi sử dụng nguyên liệu chứa nhiều độc tố ảnh hưởng đến sức khỏe người sử dụng. Mặc dù những sản phẩm này đã được các cơ quan chức năng khuyến cáo về mức độ nguy hiểm, song chúng vẫn được bày bán công khai.
Chị Nguyễn Hồng Hạnh, ở phường Ngọc Lâm, quận Long Biên lo lắng: "Tôi rất sợ các loại đồ chơi Trung Quốc bị nhiễm độc, gây hại tới sức khỏe nên muốn lựa chọn đồ chơi trong nước cho con mình trong dịp Tết Trung thu năm nay. Tôi muốn cháu hiểu và yêu những món đồ chơi dân gian truyền thống như trống, đèn ông sao, đầu lân, mặt nạ ông địa,... Đây mới chính là những món đồ chơi mang giá trị tinh thần và giáo dục trẻ thêm yêu văn hoá dân tộc...". Tuy vậy, nhiều người bán hàng cho biết, rất ít người có chung suy nghĩ với chị Hạnh.
Đìu hiu đồ chơi truyền thống
Khác với cảnh tấp nập mua bán tại các sạp hàng đồ chơi ngoại nhập, đồ chơi dân gian truyền thống và các mặt hàng đồ chơi khác được sản xuất trong nước như trống cơm, đèn ông sao, đầu lân,... vốn đã quen thuộc với người dân Việt lại rất đìu hiu.
Do tâm lý ưa thích những món đồ mới lạ, hấp dẫn, nên nhiều trẻ nằng nặc đòi bố mẹ mua cho mình những món đồ chơi súng, đao, kiếm,... Trên phố Hàng Mã, tìm mỏi mắt mới thấy một vài cửa hàng bán đèn kéo quân...Thậm chí, có người còn vừa nặn tò he, vừa bày bán một số mặt hàng đồ chơi của Trung Quốc. Ngày nào cũng lặn lội từ Xuân La lên Hàng Mã và dọc ngang các con phố của Hà Nội bán hàng, ông Nguyễn Xuân Phiên, sau hàng chục năm theo đuổi nghề nặn tò he giãi bày: "Mặc dù thu nhập chẳng đáng là bao, nhưng vì gắn bó với nghề tôi vẫn ngày ngày mang nghề truyền thống giới thiệu cho các cháu nhỏ...".
Ngay như làng Khương Hạ, quận Thanh Xuân nổi tiếng với nghề sản xuất tàu thủy - loại đồ chơi trước đây vào mỗi dịp Tết Trung thu, các em nhỏ rất ưa thích, song vài năm trở lại đây cũng chỉ còn một vài hộ gia đình duy trì sản xuất. Chiếc tàu thủy chạy bằng dầu hỏa với bánh lái chân vịt chạy trong chậu nước, hồ, ao làng đang bị lãng quên. Hiện tại, chúng không được bày bán ở phố Hàng Mã như các đồ chơi Trung thu khác mà được bán ở phố Hàng Thiếc, hay những cửa hàng lưu niệm ở những con phố cổ của Hà Nội.
Mới đây, ngày 22/8 Chi cục QLTT Hà Nội đã bắt giữ chiếc xe tải chở khối lượng lớn đồ chơi bạo lực như dao, kiếm nhựa,... được giấu trong hàng chục thùng carton, cùng bánh kẹo không rõ nguồn gốc xuất xứ. Theo thông tin ban đầu, Tổ kiểm tra tuyến do Phòng Bảo vệ chính trị 4 chủ trì, phối hợp với Phòng 6 - Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường - Bộ Công an, Đội Quản lý thị trường số 4 - Chi cục QLTT Hà Nội và Đội CSGT số 8 Hà Nội làm nhiệm vụ trên Quốc lộ 1A, khu vực Đỗ Xá, Thường Tín, phát hiện một chiếc xe tải chở nhiều bánh kẹo không rõ nguồn gốc xuất xứ. Lái xe khai nhận đã thu gom hàng trôi nổi trên thị trường, đưa vào Bình Định tiêu thụ. Điều đáng nói, ngoài bao bì các sản phẩm này đều có ghi tiếng Trung Quốc.
Có thể thấy, trong tình hình thị trường đồ chơi khó kiểm soát như hiện nay, các bậc phụ huynh nên thận trọng trước khi quyết định chọn mua cho con em mình những loại đồ chơi phù hợp, lành mạnh, mang tính giáo dục để giúp cho Tết Trung của các em thêm ý nghĩa.
Căn cứ vào quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn đồ chơi trẻ em do Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành, đồ chơi trẻ em sản xuất trong nước, nhập khẩu chỉ được lưu hành trên thị trường khi đã có chứng nhận phù hợp với các tiêu chuẩn về an toàn: Có độ pH hay hàm lượng độc tố formaldehyde không vượt quá tiêu chuẩn cho phép. Đối với các đồ chơi liên quan đến các thiết bị điện không được dùng nguồn điện có điện áp lớn có thể gây giật nguy hiểm. Tất cả các đồ chơi đạt chuẩn đều phải dán tem CR (chứng nhận hợp quy). Đồ chơi dành cho trẻ em dưới 16 tuổi phải có chứng nhận và gắn dấu hợp quy trước khi lưu hành trên thị trường. Các loại đồ chơi nhập khẩu khi vào thị trường nội địa phải được kiểm tra chất lượng, có chứng nhận hợp quy và tem chứng nhận chất lượng...Theo VNN
Tiêu hủy đồ chơi nguy hiểm Công an Q.6 (TP.HCM) vừa ra quyết định xử phạt ông Lương Vĩ Trung (46 tuổi, ngụ 146 Ngô Nhân Tịnh, P.13, Q.5) số tiền 11 triệu đồng về những hành vi vi phạm kinh doanh đồ chơi trẻ em. Đồng thời áp dụng hình thức phạt bổ sung là tiêu hủy toàn bộ lô hàng đồ chơi trẻ em mang tính bạo...