Người ở trọ không phải trả tiền điện giá cao
Giá bán lẻ điện cho người ở trọ dưới 12 tháng, không đăng ký định mức sẽ được “đóng đinh” là 1.858 đồng/kWh.
Thông tư 25/2018/TT-BCT của Bộ Công Thương sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 16/2014 quy định về thực hiện giá bán điện chính thức có hiệu lực vào ngày 26-10.
Chính sách mới có hiệu lực sẽ không cho phép các chủ nhà trọ tính tiền điện giá cao, giúp cho người ở trọ tiết kiệm được một khoản chi phí mỗi tháng.
Vui vì được tính giá điện ưu đãi
Chị Phạm Thị Ngọc Như (hiện trọ tại đường 27, phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức, TP.HCM) chia sẻ: “Tôi trọ ở đây nhiều năm rồi, chủ nhà tính giá tiền điện 4.000 đồng/kWh, một tháng tiền điện nhà tôi khoảng 600.000 đồng, trong khi nếu tính theo đơn giá nhà nước thì chỉ khoảng 270.000 đồng. Phòng trọ của tôi có bốn người, lẽ ra chủ nhà đã có thể đăng ký định mức để chúng tôi được hưởng giá ưu đãi và tiết kiệm được chi phí”.
Tương tự, chị Ngô Thị Hồng Minh (trọ tại phường 13, quận Tân Bình, TP.HCM) cũng phải trả tiền điện theo giá 4.000 đồng/kWh. “Tôi chưa rõ quy định thu tiền điện như thế nào, cũng ngại chuyển nhà nên vẫn cứ ở vậy thôi. Giờ mới biết đến quy định của Bộ Công Thương thì thấy rằng lâu nay tôi phải đóng tiền cao quá”.
Trong khi đó, chị PD (chủ nhà trọ ở quận Tân Phú, TP.HCM) băn khoăn: “Tôi có nghe quy định về giá và đăng ký định mức sử dụng điện nhưng thấy khó hiểu quá. Tôi cũng rất muốn biết cụ thể phải tính như thế nào để đúng luật mà không thiệt thòi cho chủ nhà vì điện dùng ở nhà trọ lượng hao phí khá lớn”.
Tổng Công ty Điện lực TP.HCM đã cho dán các thông báo về cách tính tiền điện và thực hiệnThông tư 25 tại các nhà trọ. Ảnh: ĐÀO TRANG
Video đang HOT
Dễ kiểm tra, giám sát hơn
Trao đổi với chúng tôi, ông Phạm Quốc Bảo (Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Điện lực TP.HCM – EVNHCMC) cho biết điểm mới của thông tư này là bổ sung quy định liên quan việc thực hiện giá bán điện cho sinh viên, người lao động thuê nhà ở trọ, nhằm tránh trường hợp chủ nhà cho thuê thu giá cao hơn quy định.
Cụ thể, đối với người thuê nhà dưới 12 tháng và chủ nhà không thực hiện kê khai được đầy đủ số người dùng điện thì ưu tiên áp dụng giá bán lẻ điện theo giá của bậc thang thứ ba, tức 1.858 đồng/kWh (chưa VAT) cho toàn bộ sản lượng điện đo đếm tại công tơ. Quy định này khắc phục được khó khăn biến động số người thuê nhà khi cấp định mức sử dụng điện.
Trường hợp bên thuê nhà có hợp đồng thuê từ 12 tháng trở lên và có đăng ký tạm trú thì đơn giá điện theo định mức được chia thành sáu bậc, cách tính cũng đơn giản, dễ quản lý hơn (xem trong box bên dưới).
“Quy định này sẽ đơn giản hóa việc tính tiền điện cho chủ nhà, tạo thuận lợi cho việc kiểm tra, giám sát của các cơ quan quản lý và người dân. Trường hợp chủ nhà trọ bán điện không đúng giá quy định, người ở trọ hãy phản ảnh, ngành điện lực sẽ phối hợp các cơ quan quản lý kiểm tra và xử lý ngay” – ông Bảo nhấn mạnh.
Để phổ biến thông tin đến khách hàng, EVNHCMC đã chỉ đạo các công ty điện lực niêm yết công khai Thông tư 25 tại tất cả điểm giao dịch, đăng trên các website, đồng thời chủ động phối hợp với địa phương rà soát tất cả phòng cho đối tượng sinh viên, người lao động thuê để áp giá bán điện theo hướng dẫn mới.
Các trường hợp phải mua điện không đúng giá quy định, người thuê có thể liên hệ tổng đài 1900545454 để được kiểm tra, xử lý kịp thời. Chủ nhà trọ nào thu tiền điện cao hơn giá quy định có thể bị phạt 7-10 triệu đồng.
Cách tính tiền điện cho người thuê nhà từ 12 tháng
Trường hợp bên thuê nhà có hợp đồng thuê từ 12 tháng trở lên và có đăng ký tạm trú thì chủ nhà hoặc đại diện bên thuê nhà trực tiếp ký hợp đồng mua bán điện. Bên bán điện có trách nhiệm cấp định mức sử dụng cho bên mua khi chủ nhà kê khai được đầy đủ số người thuê trọ. Căn cứ vào sổ tạm trú hoặc giấy xác nhận tạm trú của cơ quan công an, cứ bốn người sẽ được tính là một hộ sử dụng điện. Nếu một người thuê thì tính 1/4 định mức, hai người tính là 1/2 định mức… Khi có biến động số người, chủ nhà có trách nhiệm thông báo cho bên bán điện để điều chỉnh định mức.
Ví dụ, một chủ nhà trọ có phòng cho thuê, số người thuê là sáu thì sẽ được cấp định mức cho 1,5 hộ. Đơn giá điện theo định mức được chia thành sáu bậc, bậc 1 cho 50 kWh đầu tiên, bậc 2 cho 50 kWh tiếp theo, bậc 3 cho 100 kWh kế tiếp…, cứ vậy đến bậc 6.
Giả sử điện năng tiêu thụ trong tháng của phòng trọ này là 300 kWh, tiền điện sẽ được tính như sau:
50 kWh (bậc 1) x 1,5 hộ x 1.549 đồng/kWh = 116.175 đồng;
50 kWh (bậc 2) x 1,5 hộ x 1.600 đồng/kWh = 120.000 đồng;
100 kWh (bậc 3) x 1,5 hộ x 1.858 đồng/kWh = 278.700 đồng;
Tổng cộng = 514.875 đồng (chưa VAT).
Nếu hộ trên thuê dưới 12 tháng và không đăng ký định mức thì sẽ tính theo đơn giá bậc 3 cho toàn bộ sản lượng tiêu thụ. Tổng số tiền phải trả sẽ là 300 kWh x 1.858 đồng = 557.400 đồng (chưa VAT).
Các trường hợp phải mua điện không đúng giá quy định, người thuê có thể liên hệ tổng đài 1900545454 để được kiểm tra, xử lý kịp thời.
ĐÀO TRANG
Theo PLO
Công ty quản lý hầm Hải Vân nợ hơn 2,6 tỷ đồng tiền điện
Công ty TNHH MTV Điện lực Đà Nẵng (PC Đà Nẵng) cho biết, tính đến thời điểm hiện tại, Công ty CP quản lý và khai thác hầm đường bộ Hải Vân (HAMADECO) chưa thanh toán tiền điện số tiền hơn 2,6 tỷ đồng cho Điện lực Liên Chiểu (trực thuộc PC Đà Nẵng) dù đã nhận được văn bản yêu cầu đóng tiền điện nhiều lần.
Trong văn bản do ông Ngô Tấn Cư, Giám đốc PC Đà Nẵng ký nêu rõ, số tiền HAMADECO đang nợ là hơn 2,6 tỷ đồng. Trong đó, kỳ 3 tháng 9/2018 thiếu hơn 694 triệu đồng, kỳ 1 tháng 10/2018 thiếu hơn 741 triệu đồng, kỳ 2 tháng 10/2018 thiếu hơn 536 triệu đồng, kỳ 3 tháng 10/2018 thiếu hơn 677 tỷ đồng. Ngoài ra, tiền điện dự kiến phát sinh từ nay đến 25/12/2018 khoảng hơn 3,9 tỷ đồng.
Nguyên nhân việc HAMADECO thiếu nợ tiền điện PC Đà Nẵng là do viêc chậm thanh toán chi phí quản lý vận hành và bảo dưỡng hầm Hải Vân 1 của Công ty CP Đầu tư Đèo Cả. HAMADECO cho biết, theo nội dung hợp đồng giữa HAMADECO và Công ty CP Đầu tư Đèo Cả, HAMADECO đã thực hiện công tác quản lý, vận hành và bảo dưỡng hầm Hải Vân thường xuyên, đáp ứng đủ yêu cầu theo nội dung hợp đồng đã ký kết...
Đang nợ 2,6 tỷ tiền điện nhưng theo PC Đà Nẵng khó có chuyện đóng cửa hầm Hải Vân.
Tuy nhiên, đến nay, Công ty CP Đầu tư Đèo Cả mới thanh toán cho HAMADECO chi phí quản lý vận hành hầm đến quý I/2018. Việc này dẫn đến việc HAMADECO không có tiền chi trả tiền điện cho PC Đà Nẵng. HAMADECO đề nghị Công ty CP Đầu tư Đèo Cả thanh thoán chi phí vận hành hầm còn lại quý II và 2 tháng của quý III cho công ty. Nếu chậm trễ, khả năng gây gián đoạn công tác quản lý, vận hành hầm Hải Vân 1 và HAMADECO hoàn toàn không chịu trách nhiệm.
Việc chậm thanh toán tiền điện không những vi phạm Luật Điện lực và hợp đồng hai bên đã ký kết mà còn ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của PC Đà Nẵng và thu nhập người lao động tại PC Đà Nẵng.
Nhưng trên thực tế, đây là công trình đặc biệt quan trọng, ảnh hưởng đến huyết mạch giao thông của cả nước nên PC Đà Nẵng không thể thực hiện ngừng cấp điện theo quy định của Luật Điện lực. PC Đà Nẵng đề nghị Bộ Giao thông Vận tải quan tâm chỉ đạo các đơn vị liên quan giải quyết nhanh chóng tiền điện của HAMADECO đang nợ PC Đà Nẵng và dự phòng nguồn kinh phí thanh toán tiền điện phát sinh từ nay đến hết năm 2018.
Thanh Hiếu
Theo petrotimes
Ở trọ sẽ hết cảnh bị ép mua điện giá cao Từ ngày 26/10, Thông tư 25 của Bộ Công Thương sửa đổi một số chi tiết về phương án tính giá điện mới chính thức có hiệu lực. Trong đó đáng chú ý là hơn 90% chủ nhà trọ đã ký cam kết bán điện cho người thuê đúng giá quy định, chấm dứt tình cảnh ép mua điện giá cao trên cả...