Người Nhật nổi giận vì công ty Trung Quốc “mượn” tên công chúa hoàng gia
Nhiều người Nhật Bản đã nổi giận vì một công ty Trung Quốc lấy tên công chúa hoàng gia nước này đặt cho một sản phẩm giấy ăn, lợi dụng sự nổi tiếng của công chúa Nhật Bản để thu lợi.
Công chúa Kako (Ảnh: Kyodo)
Theo trang tin New Seven, một công ty ở Tuyền Châu, Phúc Kiến, Trung Quốc đã lợi dụng sự nổi tiếng của hoàng gia Nhật Bản khi lấy tên công chúa Kako, 23 tuổi, cháu gái Nhật Hoàng Akihito, đặt cho thương hiệu giấy ăn do công ty này sản xuất.
Khi SCMP liên hệ, Cơ quan nội chính Hoàng gia Nhật Bản đã từ chối đưa ra bình luận về sự việc trên. Tuy nhiên, dư luận Nhật Bản tỏ ra bất bình khi vị công chúa mà họ yêu mến bị lợi dụng tên tuổi để thu lợi. Trên trang News Seven, một người dùng bình luận rằng: “Điều này thật tồi tệ”, còn một người khác cho rằng đây là một hành động xúc phạm với hoàng gia và đất nước Nhật Bản.
Một ý kiến khác gợi ý chính phủ Nhật Bản nên kiện công ty Trung Quốc vì đã sử dụng tên công chúa Kako.
Theo News Seven, thương hiệu giấy ăn “Công chúa Kako” được đăng ký với văn phòng thương mại và công nghiệp Trung Quốc năm 2015, thời điểm dư luận đổ dồn sự quan tâm về công chúa hoàng gia Nhật Bản khi cô bắt đầu theo học trường đại học Thiên chúa giáo quốc tế ở thủ đô Tokyo. Năm ngoái, công chúa Kako đã nhập học trường đại học Leeds (Anh) với chuyên ngành tâm lý và biểu diễn nghệ thuật.
Phản hồi News Seven, công ty Trung Quốc cho biết họ đã đăng ký một cách hợp lệ thương hiệu trên và tiết lộ rằng họ có kế hoạch sẽ sản xuất thêm sản phẩm tã trẻ em dùng một lần thương hiệu “công chúa Kako” trong tương lai.
Video đang HOT
“Đối với các bậc cha mẹ, con cái là công chúa và hoàng tử, vì vậy ban đầu chúng tôi đăng ký tên thương hiệu “công chúa” và sau đó là “công chúa Kako”. Nhật Bản là quốc gia nổi tiếng với những sản phẩm chất lượng và có độ an toàn cao. Vì vậy, chúng tôi cho rằng thương hiệu “công chúa Kako” là hoàn hảo cho những sản phẩm do chúng tôi sản xuất. Chúng tôi không có ý đinh xúc phạm gia đình hoàng gia Nhật Bản”, thông báo viết.
Các công ty Trung Quốc từ lâu đã có tiền sử “mượn” các từ ngữ, tên riêng và hình ảnh của liên quan tới Nhật Bản để đặt cho sản phẩm của họ Họ thậm chí từng đặt tên cho gạo và mì do Trung Quốc sản xuất bằng một cái tên Nhật Bản, đóng gói bao bì có hình ảnh người Nhật để tạo cho người tiêu dùng cảm giác rằng đây là sản phẩm có chất lượng cao.
Theo SCMP, có hàng loạt những vụ việc liên quan tới việc các công ty Trung Quốc vi phạm quyền sở hữu trí tuệ bị phanh phui từ năm 2010 tới nay, trong đó có việc các thương hiệu điện tử hàng đầu Nhật Bản như Toshiba, Sony, Casio, Panasonic bị Trung Quốc “mượn” tên, gây thiệt hại hàng triệu USD cho các công ty Nhật Bản.
Ngoài ra, Trung Quốc còn sao chép những công trình nổi tiếng Nhật Bản. Năm 2016, những người vận hành công viên Oedo-Onsen Monogatari ở Nhật Bản đã lên tiếng phản đối sau khi một công viên gần như giống hệt mọc lên ở thành phố Thượng Hải, Trung Quốc.
Đức Hoàng
Theo Dantri
Công chúa Nhật Bản cưới thường dân, từ bỏ tước vị hoàng gia
Công chúa Ayako sẽ trở thành công chúa thứ hai của Nhật Bản trong hai năm thông báo kết hôn với một thường dân, đồng nghĩa với việc sẽ phải từ bỏ tước vị hoàng gia.
Công chúa Ayako (Ảnh: Kyodo)
Hoàng gia Nhật Bản hôm nay 26/6 thông báo Công chúa Ayako, con út của Hoàng tử quá cố Takamado - em họ Nhật hoàng Akihito, sẽ kết hôn với Kei Moriya, nhân viên của hãng vận tải NYK Line tại Tokyo. Công chúa Ayako năm nay 27 tuổi còn bạn trai 32 tuổi.
Theo thông báo của Hoàng gia Nhật Bản, cặp đôi gặp nhau lần đầu tiên vào tháng 12 năm ngoái. Công chúa Ayako và bạn trai dự kiến sẽ công bố thông tin chi tiết về mối quan hệ của họ trong cuộc họp báo vào ngày 2/7 tới.
Công chúa Ayako và bạn trai Moriya sẽ chính thức đính hôn trong một buổi lễ được gọi là "Nosai no Gi", dự kiến diễn ra vào ngày 12/8. Một loạt nghi lễ hoàng gia khác cũng sẽ được tổ chức trước khi đám cưới của họ diễn ra tại ngôi đền Meiji nổi tiếng tại Tokyo.
Các nguồn tin cho biết Công chúa Takamodo - mẹ của Công chúa Ayako đã đồng ý với cuộc hôn nhân của con gái và chúc phúc cho đám cưới của họ. Nhật hoàng Akihito và Hoàng hậu Michiko cũng đã được thông báo về đám cưới của Công chúa Ayako và bạn trai.
Thông thường đám cưới của một thành viên nam trong Hoàng gia Nhật Bản cần phải có sự chấp thuận của Hội đồng Nội chính Hoàng gia do Thủ tướng dẫn đầu. Tuy nhiên, nếu các thành viên trong Hoàng gia Nhật Bản là nữ kết hôn, họ không cần phải thông qua qua bước này.
Công chúa Ayako sinh ngày 15/9/1990 và là con gái thứ ba của Hoàng tử Takamado - người qua đời năm 2002. Công chúa Ayako là người có niềm đam mê rất lớn với các môn thể thao như bóng đá và trượt tuyết.
Công chúa Ayako tốt nghiệp Đại học Quốc tế Josai ở tỉnh Chiba và nhận bằng thạc sĩ vào năm 2016. Hiện Công chúa Ayako đang làm việc với vai trò nghiên cứu tại Khoa Nghiên cứu Công tác Xã hội tại Đại học Quốc tế Josai.
Chuyện tình của Công chúa Ayako
Kei Moriya - chồng sắp cưới của Công chúa Ayako (Ảnh: Kyodo)
Người giới thiệu Công chúa Ayako với bạn trai Moriya là Công chúa Takamodo. Công chúa Takamodo quen cha mẹ của Kei Moriya thông qua công việc của bà tại một tổ chức phi chính phủ địa phương. Bà Kimie, mẹ của Moriya, là tổng thư ký của một tổ chức phi chính phủ chuyên hỗ trợ trẻ em tại các nước đang phát triển. Công chúa Takamodo thường tham dự sự kiện của tổ chức này hàng năm và từ đó quen Moriya.
Năm 2017, tại bữa tiệc kỷ niệm 20 năm thành lập tổ chức, Công chúa Takamado đã gặp lại Moriya và biết rằng Moriya đã tham gia vào ban điều hành. Công chúa Takamado nghĩ rằng con gái bà, người nghiên cứu về phúc lợi xã hội trong trường đại học, sẽ có hứng thú với các hoạt động phúc lợi xã hội nếu quen biết Moriya và đã tìm cách chắp nối cho cặp đôi này. Sau đó, Công chúa Ayako và bạn trai đã tìm thấy thêm nhiều điểm chung ở nhau ngoài niềm đam mê về các hoạt động xã hội. Cả hai đều yêu thích trượt tuyết, đọc sách và du lịch.
Theo quy định của Hoàng gia Nhật Bản, phụ nữ không thể kế thừa ngai vàng và sau khi kết hôn với thường dân, các thành viên nữ trong hoàng gia cũng sẽ bị tước bỏ vị trí hoàng gia của mình. Điều này đồng nghĩa với việc, Ayako sẽ không còn là công chúa Nhật Bản và trở thành thường dân sau khi kết hôn với bạn trai Moriya. Năm ngoái, Công chúa Mako, cháu gái đầu lòng của Nhật hoàng Akihito, cũng thông báo kết hôn với bạn trai thường dân.
Sau đám cưới của Công chúa Ayako và bạn trai Moriya, số lượng thành viên Hoàng gia Nhật Bản giảm xuống còn 17 người và số lượng thành viên nữ chỉ còn 12 người. Trước đó, chị gái của Công chúa Ayako là Công chúa Noriko cũng đã từ bỏ tước vị hoàng gia khi kết hôn với một giáo sĩ vào năm 2014.
Thành Đạt
Theo Dantri
Chiêm ngưỡng dung nhan công chúa Nhật Bản chuẩn bị du học Anh Trái với những quy tắc nghiêm ngặt trong Hoàng gia Nhật Bản, công chúa Aiko lần đầu tiên sẽ được trải nghiệm cuộc sống tự do và nhẹ nhàng tại Anh. Công chúa Aiko, con gái duy nhất của Thái tử Nhật Bản Naruhito, sẽ theo chân cha mẹ và các thành viên khác trong hoàng tộc du học tại Vương quốc Anh....