Người nhà quê không biết kinh tế đang khó khăn
“Ở quê, ai biết được kinh tế đang khó khăn hay gì, Tết là cứ phải ăn Tết to”, mẹ bảo tôi như vậy.
Xin nói ngay từ đầu là tôi chẳng hề muốn nói đến hay có thái độ, phân biệt gì với chuyện người quê – người phố. Tôi đây là một người nhà quê đích thực, tôi sinh ra và lớn lên ở một làng quê, sau đó học đại học, rồi ở lại thành phố làm việc. Tôi yêu là lấy vợ là người Hà Nội, chúng tôi ở riêng nhưng do nhà vợ neo người nên cũng hay qua nhà vợ, mẹ vợ cũng hay qua nhà tôi trông cháu. Ông bà nội do đường xa nên thỉnh thoảng mới lên thăm con thăm cháu. Cũng vì ở xa, rồi quanh năm bận rộn nên Tết là dịp để tôi đưa vợ con về quê, thăm hỏi họ hàng cô bác.
Năm nay, do kinh tế khó khăn chung, cơ quan tôi thưởng Tết ít đi, chỉ bằng phân nửa năm ngoái, còn cơ quan vợ tôi thậm chí còn không có thưởng, cuối năm cơ quan vợ thanh toán được lương cho nhân viên đã là tốt lắm rồi. Vợ tôi nói: “Thôi năm nay khó khăn, nhà em cũng ít người, họ hàng các cô các chú thì cũng đều khá cả, nên thôi vợ chồng mình cắt giảm quà cáp, không cần biếu đằng nhà em nhiều đâu, ở nhà mẹ cũng sắm sửa đủ rồi”. Mẹ vợ tôi cũng biết chuyện, mẹ vợ nói: “Thôi, vợ chồng 2 đứa để dồn tiền mà về quê, đi cả năm mới về. Trên này có ai đâu, chẳng cần sắm sửa nhiều làm gì. Năm nay kinh tế khó khăn, nhà nào cũng cắt giảm chi tiêu, Tết vui là được rồi, đâu cần ăn uống linh đình, sắm sửa tốn kém”. Gần ngày về quê, tôi biếu quà nhà vợ đơn giản hơn, chỉ biếu mẹ vợ 1 triệu mà mẹ vợ vui vẻ, còn mừng tuổi luôn cho cháu.
Nhưng ngay trước Tết, mẹ tôi có gọi điện trao đổi, tôi có nói năm nay khó khăn, thưởng Tết ít, vợ chồng con hạn chế mua sắm. Nghe vậy, mẹ nói: “Ở quê, ai biết được kinh tế khó khăn hay gì, Tết là cứ phải ăn Tết to. Hai vợ chồng làm gì mà cả năm đến Tết cũng lại chẳng có tiền thế. Biếu bố biếu mẹ ít đi cũng được, thôi chẳng cần, nhưng rồi họ hàng làng xóm người ta nhìn vào. Nhà mình lại là nhà trưởng nữa, Tết mà không mua sắm, trang hoàng nhà cửa, có vài mâm cỗ, họ hàng người ta tới chơi người ta cười cho, bảo nhà ấy có thằng con làm ăn trên thành phố, lấy vợ thành phố mà kém. Quê mình, làm ruộng quanh năm, Tết là mổ lợn mổ gà ăn cỗ uống rượu linh đình thôi, nào có biết cái kinh tế đang khó khăn nọ kia thế nào”.
Trong khi các gia đình anh em bạn bè tôi ở thành phố đều đang cắt giảm, tiết kiệm, thì tôi về quê, Tết vẫn cứ là phải to mới vui. (ảnh minh họa)
Mẹ nói thế, tôi đâm cũng khó nghĩ. Về quê, hai vợ chồng đi lại tàu xe, đi taxi các kiểu, cũng khá là tốn kém. Rồi thì đủ thứ cần chi tiêu, riêng chuyện mua quà về biếu bố mẹ, biếu họ hàng, hai vợ chồng tôi đi sắm, cân lên nhắc xuống hạn chế rồi đã tốn ngay vài triệu đồng, số tiền thưởng Tết đã lập tức hụt đi nhiều. Năm rồi khó khăn, con nhỏ, đủ thứ phải chi tiêu, vợ chồng tôi cũng đâu tích lũy được gì nhiều.
Video đang HOT
Gần ngày về quê, mẹ lại gọi điện nói con ông bác ruột đang học trên thành phố bị ốm, rồi tiền học tăng nhiều quá, lại tiền về quê ăn Tết, hai vợ chồng hỗ trợ em nó chút ít. Con nhà bác, lên thành phố chẳng người quen người biết, không giúp cũng chẳng được, tôi lại phải bảo vợ rút tiền đưa cho em nó tạm 2 triệu. Tiền này là tiền không phải là vay, mà là cho, bố tôi cũng chỉ có một ông anh trai, tôi cũng chỉ có một ông bác.
Rồi đến hôm nay, mẹ lại gọi điện nói bà cô ốm nặng quá, nhờ mua ít thuốc, nhà bà cô lại quá khó khăn. Họ hàng thân thuộc, ngày bé cô cũng bế, chăm tôi suốt, tôi lại đành chạy ra hiệu thuốc mua những thứ đó. Nhìn hóa đơn, 2 triệu đồng, tôi thiếu tiền lại phải rút thêm từ tài khoản ra.
Chi tiêu đủ thứ, tiền thì thiếu, may vợ tôi thông cảm cho tôi, vợ nói thôi thì cả năm anh mới về quê ăn Tết một lần, cũng phải đàng hoàng, toàn cô chú ruột thịt mình chứ ai. Vợ cũng nhẩm tính luôn, ngoài quà biếu, tiền chi tiêu để sắm sửa cỗ bàn cho nhà mấy ngày Tết, còn tiền biếu các cụ cao tuổi, mừng tuổi các cháu, mà đâu có ít được, cũng phải bằng anh bằng em, ở quê tôi, “cái tiếng” là quan trọng lắm, cả năm có ngày Tết, phải có mâm cỗ chén rượu.
Trong khi các gia đình anh em bạn bè tôi ở thành phố đều đang cắt giảm, tiết kiệm, thì tôi về quê, Tết vẫn cứ là phải to mới vui. Tôi vẫn biết là ngày Tết ở quê vui thật, ý nghĩa thật, họ hàng cô bác thì mình phải tình cảm, có ngày Tết đến thăm hỏi, biếu quà cũng là chuyện bình thường, nhưng mà nghĩ đến Tết, cũng thấy đến mệt.
Theo VNE
Ngán... Tết đến tận cổ!
Những ngày Tết là niềm vui đối với người này nhưng lại là nỗi ám ảnh của người khác.
Người lớn mong đến Tết để được ăn ngon, mặc đẹp, có thời gian nghỉ ngơi, du lịch. Trẻ con mong Tết để được đi chúc ông bà, cô chú... rồi nhận lì xì. Tuy nhiên, với nhiều người, Tết là nỗi ám ảnh, chẳng có gì lý thú.
Người nghèo chạnh lòng
Mỗi khi nghe các anh chị ở UBND phường Linh Chiểu, quận Thủ Đức, TP HCM bàn luận Tết nay đi đâu, chuẩn bị mua sắm gì thì Thúy, nhân viên hợp đồng của phường, thường lấy cớ bận việc rồi tránh đi nơi khác.
Với Thúy, Tết chẳng có gì vui. Lương nhân viên hợp đồng vỏn vẹn 3 triệu đồng nên Tết chỉ được thưởng bằng số tiền đó. Chồng Thúy làm giáo viên của một trường tiểu học của quận, thưởng Tết chẳng bao nhiêu. "Năm nào về quê dịp Tết, vợ chồng tôi cũng phải vay mượn lo tiền tàu xe, quà cáp, quà biếu các cụ, lì xì các cháu... Trước Tết một tháng, vợ chồng tôi cắt hết các khoản chi tiêu, ăn uống kham khổ để dành dụm tiền về quê".
Tết là thời gian để nghỉ ngơi, vui chơi nhưng nhiều người thì thấy mệt mỏi vô cùng (ảnh minh họa)
Với vợ chồng anh Bách - công nhân một công ty may mặc ở quận Tân Phú, TP HCM - thì Tết là nỗi ám ảnh. Vợ chồng anh từ Thanh Hóa vào TP HCM làm công nhân được gần 10 năm, 2 con gửi ở quê cho bà nội chăm sóc. Mỗi năm, vợ chồng anh chỉ dám về quê một lần vào mùa hè. Không phải vợ chồng Bách ngại cảnh tàu xe đông đúc, đắt đỏ ngày Tết mà là "trốn" khoản quà cáp, lì xì cho họ hàng, làng xóm.
"Nhìn cảnh người ta mua sắm Tết nhộn nhịp mà lòng tôi đau thắt. Ngày Tết, cả dãy nhà trọ vắng tanh. Hai vợ chồng cũng chẳng buồn nấu nướng, ăn uống gì. Đêm giao thừa, nghe tiếng các con nói nhớ bố mẹ trong điện thoại, vợ tôi khóc nấc. Vì thế, nghe đến Tết, vợ chồng tôi đều chạnh lòng!" - anh Bách tâm sự.
Người khá giả cũng sợ
Ngày Tết, người nghèo tủi thân vì không có tiền, không được đoàn tụ cùng gia đình, người thân. Song, với không ít người khá giả, Tết cũng chẳng có gì hấp dẫn, thậm chí mệt nhoài vì phải lo biếu xén, chúc tụng từ nơi này đến nơi khác.
Chị Hằng, nhân viên hành chính tập đoàn K.Đ (quận 1, TP HCM), quê ở Bến Tre, lấy chồng ở Đắk Lắk. Vợ chồng chị lập nghiệp tại TP HCM. Ngày Tết, chị phải "chạy show" vì phải về đủ quê nội, quê ngoại.
"Công ty cho nghỉ Tết, tôi chẳng kịp dọn dẹp, mua sắm gì. 27 tháng chạp, cả nhà phải về Bến Tre ăn Tết với bên ngoại. Ngày 29 phải trở lại TP HCM để 30 kịp đón xe về Đắk Lắk ăn Tết cùng nhà nội. Mùng 3, cả nhà phải đùm túm nhau trở về Sài Gòn để nghỉ ngơi, chuẩn bị trở lại với công việc. Ai ăn Tết lên cân đâu không biết chứ nhà tôi, sau những ngày Xuân, 2 mẹ con vốn đã ốm yếu, sức khỏe kém lại bị sụt thêm vài ký vì hành trình đi tới đi lui, mệt mỏi, chẳng ăn uống được gì" - chị Hằng ngao ngán.
Tết cũng chẳng lấy gì làm sung sướng khi nhiều người phải mệt mỏi ngoài đường vì biếu xén quà cáp cho khách hàng, người thân, rồi dự tiệc tất niên hết chỗ này đến chỗ khác của đối tác. Anh Dũng - giám đốc một công ty TNHH chuyên về công nghệ thông tin tại quận Tân Phú - lắc đầu: "Mỗi chỗ một tiệc thì cũng đủ mệt nhoài vì ăn uống, cạn ly".
Mấy ngày Tết, anh Dũng phải về quê vợ ở miền Tây. Khi đi chúc Tết họ hàng bên vợ, ai cũng muốn cụng ly với tay cháu rể làm giám đốc ở TP HCM nên anh không được từ chối người nào. "Tết xong là tôi bèo nhèo vì rượu bia, thịt cá. Bởi vậy, nghe Tết là ngán ngẩm vô cùng" - anh Dũng than.
Theo VNE
Nghĩ đến Tết thấy mệt mỏi Tết vẫn chưa đến nhưng hôm nay đã bắt đầu tốn tiền quần áo. Hai tuần nữa là tốn tiền quà cáp. Ba tuần nữa là tốn tiền bánh trái... Mới nghĩ đến thôi mà đã thấy mệt mỏi rồi... Phải nhịn khoản làm tóc vì tiền Tết hẻo Dự tính chi tiêu những khoản cơ bản cho cái Tết Nguyên Đán sắp...