Người nghèo New York đối mặt nCoV trên tàu điện ngầm
Nhiều người New York chấp nhận đi tàu điện ngầm hàng ngày để kiếm sống, bất chấp nguy cơ lây nhiễm cao ở “tâm bão” Covid-19.
Khi “bão Covid-19″ quét qua New York, hệ thống tàu điện ngầm từng là biểu tượng của thành phố đông đúc này bỗng nhiên khác lạ, khi số lượng hành khách giảm tới 87%. Ngay cả khi giới chức thành phố cấm người dân tụ tập, cử cảnh sát tới giải tán đám đông ở sân bóng rổ và các bữa tiệc, các ga tàu điện ngầm ở nhiều khu phố nghèo ở New York vẫn đông người qua lại, như thể không có gì thay đổi.
Hệ thống tàu điện ngầm New York từ lâu được xem là biểu tượng của bình đẳng xã hội, nơi những công nhân làm việc theo giờ chen chúc bên cạnh các giám đốc tài chính. Nhưng giờ đây, hệ thống này khắc sâu thêm về sự bất bình đẳng của thành phố, giữa những người có thể trú ẩn an toàn ở nhà giữa đại dịch với những người vẫn phải tiếp tục mạo hiểm tham gia giao thông công cộng hàng ngày để kiếm sống.
“Virus này rất nguy hiểm. Tôi không muốn bị ốm, càng không muốn gia đình mình bị ốm, nhưng tôi vẫn cần phải làm việc”, Yolanda Encanción, điều dưỡng chăm sóc sức khỏe tại nhà, nói khi đợi tàu điện ngầm ở Bronx.
Yolanda Encanción ngồi đợi tàu ở nhà ga Phố 170 ở Bronx, thành phố New York. Ảnh: NYTimes.
Nhà ga mà Encanción sử dụng là một trong hai nhà ga ở Bronx vẫn duy trì lượng hành khách giữa Covid-19, chủ yếu phục vụ các khu dân cư nghèo nhất thành phố, theo báo cáo phân tích của NYTimes.
Khu phố University Heights và Mount Eden, nơi đặt hai nhà ga Phố 170 và Burnside, là nơi sinh sống chủ yếu của cộng đồng người nhập cư châu Phi và Mỹ Latin, với thu nhập trung bình của mỗi hộ gia đình vào khoảng 22.000 USD, bằng 1/3 mức trung bình của bang, theo số liệu điều tra dân số.
Nhiều cư dân ở đây cho hay họ không còn lựa chọn nào khác ngoài chen chúc trên các chuyến tàu với người lạ và đối mặt với nguy cơ nhiễm nCoV. Thậm chí tệ hơn, việc cắt giảm số chuyến tàu do lượng hành khách giảm cũng góp phần khiến những chuyến còn lại trở nên đông đúc hơn và khó có thể đảm bảo duy trì cách biệt cộng đồng.
Bang New York đã ghi nhận gần 66.500 ca nhiễm nCoV và hơn 1.200 người tử vong, Thống đốc Andrew Cuomo nói hôm 30/3. Hầu hết ca nhiễm tập trung ở thành phố New York, với hơn 36.000 người.
Ngồi trên băng ghế tại nhà ga Phố 170, Encanción đeo khẩu trang và găng tay cao su. Nguy cơ lây nhiễm nCoV trên tàu điện ngầm chỉ là một phần nỗi lo của cô. Hai đứa con đang tuổi đến trường của Encanción chán nản khi không được gặp bạn bè, nhưng cô chỉ cho phép chúng rời căn hộ hai phòng ngủ của mình để đi dạo cùng dì một lần mỗi ngày.
Chồng của Encanción từng là bảo vệ tại một trường tư thục trước khi phải nghỉ việc vì trường học đóng cửa, làm giảm một nửa nguồn thu nhập của gia đình. Tiền tiết kiệm của họ chỉ đủ trả tiền thuê nhà tháng này.
“Tháng sau tôi lấy đâu ra tiền để trả đây? Tôi thậm chí không thể nghĩ ra được”, cô nói.
Encanción là một trong số ít hành khách đi tàu trong những ngày gần đây, sau khi lượng hành khách giảm tới gần 90% so với cùng kỳ năm ngoái, theo Sở Giao thông Vận tải Metropolitan (MTA).
Video đang HOT
Hành khách trên một chuyến tàu điện ngầm ở Bronx, thành phố New York. Ảnh: NYTimes.
Hơn hai tuần qua, Manhattan, nơi người dân có thu nhập trung bình 80.000 USD, mức cao nhất trong số 5 quận của thành phố, là nơi chứng kiến mức sụt giảm sâu nhất lượng hành khách đi tàu điện ngầm, tới 75%. Trong khi đó, Bronx, quận có tỷ lệ người nghèo cao nhất và có thu nhập trung bình thấp nhất, khoảng 38.000 USD, giảm 55% lượng hành khách đi tàu.
Nhà ga Burnside và Phố 170 phục vụ những người dễ bị tổn thương nhất trong cuộc khủng hoảng y tế và kinh tế đang tàn phá New York. Khoảng một nửa số trẻ em ở các khu vực gần nhà ga sống trong cảnh nghèo đói, 40% cư dân không phải người sinh ra tại Mỹ và 1/4 số người dân chưa tốt nghiệp cấp ba.
Mỗi buổi sáng tại nhà ga Phố 170, từng nhóm người lao động lần lượt lên tàu điện ngầm. Đầu tiên, những người đàn ông mặc chiếc quần jean loang lổ màu sơn và đội mũ bảo hộ vội vã bắt tàu tới công trường xây dựng trước khi trời sáng. Tiếp đến là những người phụ nữ, chủ yếu là y tá và điều dưỡng chăm sóc sức khỏe tại nhà, được xem là lao động thiết yếu. Cuối cùng là nhóm người giúp việc hoặc trông trẻ cho những gia đình giàu có, hy vọng có thể giữ được công việc lâu nhất có thể trong giai đoạn kinh tế khó khăn này.
Sulay Liriano, 40 tuổi, điều dưỡng chăm sóc tại nhà, ngồi chờ tàu ở ga Phố 170 để tới Queens. Cô nhận được email của sếp để hướng dẫn về những công việc cần phải làm từ một ngày trước. Liriano cảm thấy may mắn khi vẫn có việc làm, bởi chồng cô, một phụ bếp và nhân viên giao đồ tại một nhà hàng, vừa bị cho thôi việc. Nhưng cô lại lo lắng khi mỗi ngày phải dành 2 tiếng rưỡi để chen chúc cùng những người lạ trên một toa tàu điện chật chội. Thay vì thoải mái đi tàu điện như trước, giờ ánh mắt cô quét qua từng ghế ngồi, từng người lạ xuất hiện, như thể tìm kiếm những dấu hiệu về một kẻ thù vô hình.
“Tôi thực sự lo sợ. Ở đây có quá nhiều người mà tôi không biết. Tôi không biết họ có biện pháp phòng ngừa nào không nếu nhiễm bệnh. Đi tàu điện ngầm là khoảng thời gian nguy hiểm nhất trong ngày đối với tôi”, Liriano nói.
MTA cũng đã cố gắng để bảo vệ những hành khách ít ỏi của mình. Họ cho nhân viên khử trùng các chuyến tàu điện và xe buýt ba ngày một lần, bằng loại dung dịch sát khuẩn được sử dụng trong bệnh viện và các nhà dưỡng lão. Nhưng khi số nhân viên bị ốm ngày càng tăng và số lượng hành khách giảm, cơ quan này cũng buộc phải cắt giảm 25% dịch vụ tàu điện ngầm. Tính đến ngày 30/3, ít nhất 7 nhân viên của MTA đã tử vong vì Covid-19, trong khi 333 người nhiễm và 2.700 phải cách ly. Chủ tịch của MTA Patrick J. Foye cũng dương tính với nCoV.
Những con phố bên ngoài nhà ga Phố 170 gần như trống trơn. Hầu hết cửa hàng cũng đóng cửa. Những nơi duy nhất còn duy trì hoạt động là hai hiệu thuốc, nơi dòng người xếp hàng dài chờ đợi tới tận cửa.
Trên chuyến tàu số 4 ở nhà ga Burnside, dòng người vẫn đổ về mỗi sáng.
Cindy Garcia, nhân viên xã hội tại một nhà tạm trú cho người vô gia cư ở Manhattan, đút tay sâu vào túi quần. Tại nơi làm việc, cô luôn tỉ mỉ khử trùng mọi thứ bằng dung dịch Lysol, từ bút khách hàng từng dùng, tới tay nắm cửa và ghế ngồi. Khi cô gặp khách hàng, họ ngồi đối diện ở hai đầu của căn phòng. Nhưng trên tàu điện ngầm, mọi thứ nằm ngoài tầm kiểm soát của cô. Garcia có thể đeo khẩu trang và bảo vệ đôi tay của mình, nhưng không thể giữ khoảng cách 2 m với hành khách khác theo khuyến nghị.
“Hãy nhìn những toa tàu này đi, chúng vẫn rất đông người”, cô nói.
Một người giao hàng bên ngoài lối vào nhà ga Phố 170 ở Bronx, thành phố New York. Ảnh: NYTimes.
Tuy nhiên, nhiều hành khách khác dường như rất ít quan tâm đến nguy cơ lây nhiễm virus.
Daouda Ba, người nhập cư Senegal 43 tuổi, ngồi chắp tay giữa hai đầu gối ở ga Burnside. Ba sống ở một khu tạm trú gần đó, nơi anh phải dùng chung nhà vệ sinh với hơn 50 người khác. Việc khử trùng tay nắm cửa hay rửa tay thường xuyên là chuyện nực cười, bởi có đủ thời gian đứng ở bồn rửa tay đã là chuyện khó.
“Tôi ở trong một khu tạm trú quá đông đúc nên không thể làm gì để bảo vệ sức khỏe cho mình. Điều duy nhất tôi lo lắng là vấn đề kinh tế”, Ba nói.
Ba đã nghỉ việc tại một công ty du lịch bằng xe buýt cuối tháng 12. Sếp của anh nói rằng sẽ tuyển lại anh vào cuối tháng 3, nhưng giờ điều này không còn chắc chắn.
Một sáng gần đây, Ba nhận được cuộc gọi từ người bạn để báo có việc cho anh: một người đang dọn nhà và cần thuê người giúp. “Nếu phải chết thì chết thôi”, Ba nói khi ngồi đợi chuyến tàu tới Brooklyn.
Thanh Tâm
Bác sĩ Mỹ: Cửa địa ngục đang mở ra
Quá tải và thiếu trang thiết bị đang là tình trạng chung tại các bệnh viện Mỹ, khi lượng người nghi nhiễm nCoV đổ về ngày một tăng.
"Chúng tôi rốt cuộc cũng ghi nhận những ca dương tính đầu tiên, đó chính là lúc cánh cửa địa ngục mở ra", một bác sĩ giấu tên ở New York, Mỹ, nói về Covid-19.
Bác sĩ tại bệnh viện St. Barnabas ở Bronx, New York, xét nghiệm cho các đồng nghiệp có triệu chứng nhiễm nCoV ngày 24/3. Ảnh: AFP.
Theo lời kể của bác sĩ này, bệnh viện nơi ông làm việc hoàn toàn không được chuẩn bị khi bệnh nhân ồ ạt đổ tới từ cách đây gần hai tuần. Tình trạng quá tải khiến bệnh viện bị vắt kiệt mọi nguồn lực. Nhiều bệnh nhân nghiêm trọng thậm chí còn không có máy thở để sử dụng.
"Chúng tôi thiếu máy móc, thiếu cả giường bệnh", ông nói. "Chúng ta đang ở giữa thành phố New York và chuyện như vậy lại xảy ra. Nó giống như kịch bản cho một đất nước ở thế giới thứ ba. Thật đáng kinh ngạc".
Ban đầu, bệnh nhân chủ yếu là những người trên 70 tuổi, nhưng tuần qua, số người nhập viện dưới 50 tuổi đang tăng dần lên.
"Tôi không nghĩ họ hiểu được mức độ nghiêm trọng của căn bệnh", ông cho hay, đề cập tới những bệnh nhân trẻ. "Hai tuần trước, cuộc sống vẫn hoàn toàn khác".
Các chuyên gia y tế công cộng đã cảnh báo Mỹ có thể "trở thành Italy thứ hai", nơi hàng loạt bác sĩ tại những bệnh viện điều trị bệnh nhân Covid-19 đang phải đưa ra quyết định nghiệt ngã là chọn chữa cho ai và ai sẽ được dùng máy thở.
"Những gì chúng ta đang chứng kiến bên trong các phòng cấp cứu thực sự thảm khốc", bác sĩ Craig Spencer, giám đốc y tế toàn cầu về y học khẩn cấp tại Trung tâm Y tế Đại học NewYork-Presbyterian/Columbia, cho biết. "Tuần trước, khi tôi đi làm, chúng tôi chỉ nói về một hoặc hai bệnh nhân trong vài chục người có thể nhiễm nCoV", Spencer ngày 24/3 nói với CNN. "Trong ca trực của tôi hôm qua, gần như tất cả bệnh nhân tôi chăm sóc đều nhiễm nCoV, nhiều người trong tình trạng nguy kịch. Nhiều người phải dùng máy thở. Tình hình tuần này rất khác tuần trước".
Giới chức New York đang thúc giục các bệnh viện trên toàn bang nỗ lực hơn trong công tác cứu chữa. New York chiếm khoảng 6% số ca nhiễm nCoV toàn cầu và gần một nửa số ca nhiễm tại Mỹ.
Thống đốc bang Andrew Cuomo cho biết chính quyền thành phố New York đang triển khai kế hoạch xây dựng các bệnh viện khẩn cấp và thiết lập một bệnh viện dã chiến ở trung tâm hội nghị Javits với 1.000 giường bệnh. Thêm vào đó, hàng nghìn bác sĩ, y tá đã nghỉ hưu đang đăng ký trở lại tiền tuyến chống dịch.
Chính quyền đồng thời cũng tìm mọi phương án để cung cấp máy thở cho những bệnh nhân nặng nhất. Cuomo cho biết New York đã huy động được thêm 7.000 máy thở bổ sung vào 4.000 máy có sẵn. Nhà Trắng thông báo bang New York sẽ nhận được lô hàng 2.000 máy nữa trong tuần này từ kho dự trữ quốc gia. Tuy nhiên, toàn bang vẫn cần tới 30.000 máy thở.
Kho dự trữ Chiến lược Quốc gia ngày 25/3 cho hay họ có khoảng 16.600 máy thở và đang được triển khai dần tới những nơi cần trong vài ngày qua.
"Một đại dịch như Covid-19 có thể gây quá tải bất kỳ hệ thống y tế nào trên thế giới", bác sĩ Anthony Fauci, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm hàng đầu nước Mỹ, cảnh báo. "Đấy là khi bạn phải đưa ra những lựa chọn vô cùng khó khăn".
Hai nhân viên y tế chuẩn bị lấy mẫu xét nghiệm cho tài xế ở Billings, bang Montana hôm 20/3. Ảnh: AP.
Các bệnh viện New York còn thử nghiệm các phương pháp mới nhằm nâng cao năng lực tiếp nhận và điều trị bệnh nhân. "Chúng tôi đang thử nghiệm phương pháp dùng chung máy thở", Thống đốc Cuomo nói. "Chúng tôi dùng một máy thở cho hai bệnh nhân. Tương đối khó thực hiện, đây là thử nghiệm, nhưng hiện tại, chúng tôi không có lựa chọn nào khác".
New York không phải nơi duy nhất ở Mỹ đối mặt nguy cơ quá tải hệ thống y tế vì Covid-19. Các bệnh viện trên cả nước đều đang chứng kiến số lượng bệnh nhân tăng đột biến, bên cạnh tình trạng thiếu trang thiết bị bảo hộ. Không ít bác sĩ, y tá lo sợ gia đình và cả bệnh nhân của họ đang bị đặt trước rủi ro.
Một y tá khoa cấp cứu ở Virginia mô tả bệnh viện của cô rơi vào cảnh "hỗn loạn chưa từng thấy" khi bệnh nhân nghi nhiễm nCoV phải ngồi bên cạnh người mắc những bệnh khác do quá đông.
"Một cặp vợ chồng già bị tức ngực ngồi ngay kế bên một người bị ho và cúm", cô kể. "Tôi nghĩ cách sắp xếp như vậy là vô cùng liều lĩnh".
Nữ y tá này không dám ôm con gái kể từ khi dịch bùng phát đến nay vì sợ mình có thể lây virus sang cho con.
Một y tá khác ở Georgia cho hay cô liên tục bị từ chối xét nghiệm nCoV dù các triệu chứng bệnh của cô ngày càng xấu đi. Cô đã chăm sóc vài bệnh nhân qua đời vì viêm phổi tuần trước. Mãi đến hôm 24/3 cô mới được nhập viện, xét nghiệm và cách ly.
"Thật điên rồ. Thật đáng giận. Như thể bạn phải hét lên thì mới được người ta nghe thấy", cô chia sẻ trong hơi thở nặng nhọc và những cơn ho dài.
Judy Sheridan-Gonzalez, y tá khoa cấp cứu tại Trung tâm Y tế Montefiore, chủ tịch Hiệp hội Y tá bang New York, cho hay tất cả các y tá đều sợ bị lây nhiễm bởi họ không có trang bị bảo hộ phù hợp. Một số người còn được yêu cầu tái sử dụng khẩu trang sau khi kiểm tra cho các bệnh nhân khác nhau.
Sheridan-Gonzalez quan ngại cả hệ thống sẽ không có đủ máy thở và nhân lực để chăm sóc tất cả những bệnh nhân nhiễm nCoV. Tuy nhiên, bệnh viện của bà "chưa chạm đến ngưỡng đó".
"Chúng tôi cảm thấy phải có trách nhiệm chăm sóc bệnh nhân. Ai cũng thấy như thế. Nhưng chúng tôi không muốn bị nhiễm virus và trở thành người phát tán mầm bệnh", bà nhấn mạnh. "Tại bệnh viện của tôi, đã có một y tá phải thở máy vì nhiễm virus. Tôi nghĩ chuyện này không phải hiếm".
Nếu virus đánh gục cả các nhân viên y tế thì coi như "mọi chuyện kết thúc", bác sĩ Peter Hotez, trưởng khoa Y học Nhiệt đới Quốc gia tại Đại học Y Baylor, đánh giá. "Nếu nhiều nhân viên y tế trên tuyến đầu, các bác sĩ cấp cứu, y tá bị nhiễm bệnh, khi đó, chúng ta sẽ chứng kiến cảnh những người đồng nghiệp phải trông nom lẫn nhau bên trong các phòng chăm sóc đặc biệt. Không có gì gây bất ổn cho nước Mỹ hơn điều này".
Báo cáo vi phạm liên tục, nhà tù lớn nhất thế giới tại New York đóng cửa Để thay thế nhà tù lớn nhất thế giới tại New York vừa bị đóng cửa, chính quyền thành phố dự tính xây 4 nhà tù nhỏ hơn với kinh phí ước tính hơn 8 tỷ USD. Hội đồng thành phố New York (Mỹ) đồng ý phê duyệt kế hoạch đóng cửa tổ hợp nhà tù lớn nhất thế giới Rikers Island vào...