Người nghèo cũng hạnh phúc chứ sao?
Tôi chỉ là một cô gái nghèo, bố mẹ ở quê làm ruộng, bản thân vừa mới ra trường đang long đong chạy mọi nơi tìm cho mình một công việc ổn định.
Những công việc làm thêm chẳng đủ cho tôi trang trải cuộc sống nơi đô thị. Có người hỏi tôi sao không về quê, nhưng về quê thì sao? Về quê cũng phải có một khoản tiền lớn để chạy việc, vậy thà cố bám trụ ở lại thành phố này chịu khổ một mình còn hơn về quê tăng gánh nặng cho gia đình. Cuối cùng, sau gần nửa năm ban ngày chạy bàn tại quán ăn, tối về nghiên cứu tìm việc làm trên mạng internet, tôi đã tìm được cho mình một công việc phù hợp với chuyên ngành kinh tế của mình. Vốn khá xinh xắn, tính tình lại vui vẻ dễ gần nên tôi nhanh chóng được đồng nghiệp quý mến, có nhiều chàng trai chưa vợ cũng thầm mến mộ tôi. Và anh cũng là một trong số đó.
Vì thời sinh viên phải lo từng bữa ăn, từng đồng học phí nên tôi chẳng dám mơ tưởng đến chuyện yêu đương hẹn hò. Tôi chỉ biết đến đi học và làm thêm. Từ khi gặp anh, trái tim tôi lần đầu biết bối rối, biết lỡ nhịp. Tôi hiểu mình đã yêu anh mất rồi, anh chính là đối tượng mà tôi mơ ước chờ đợi bấy lâu nay. Và hơn thế nữa, anh rất giàu, anh sẽ là người xóa tan cái nghèo ám ảnh tôi bao năm qua. Thế nên tôi nhận lời yêu anh như một điều hiển nhiên. Thực sự, tôi yêu anh một phần vì tiếng gọi của trái tim, một phần vì anh có điều kiện mà tôi mong ước. Tôi không phủ nhận mình là con người thực dụng, và trong mối tình này bản thân tôi có chút toan tính vật chất. Nhưng thời nay, con gái ai chẳng ham có được tấm chồng tài giỏi giàu có, điều đó đâu phải là xấu.
Người ta thường nói “tiền không phải là tất cả, nhưng không có tiền sẽ không có tất cả”. Câu nói này tôi đã thấm nhuần lắm rồi, vì cả cuộc đời tôi chưa từng có được thứ gì mình mong muốn. Ngày nhỏ, tôi muốn một con búp bê nhưng bố mẹ tôi khi đó lo ăn cho chúng tôi còn không nổi lấy đâu ra tiền mua đồ chơi. Vậy là tôi chỉ dám len lén nhìn chúng bạn có đồ chơi này đồ chơi nọ mà khát khao thèm muốn. Lớn hơn một chút, bạn bè có xe đạp để đi học hoặc sẽ được bố mẹ đưa đón, còn tôi thì đi bộ hơn 3km để đến trường. Mãi đến khi lên cấp 3, vì học xa nhà đến hơn chục cây số nên tôi lần đầu tiên có chiếc xe đạp của riêng mình, dù chỉ là chiếc xe đạp cà tàng, 10 ngày đi thì có đến 7 ngày hỏng và phải dắt bộ. Những kí ức về cái đói, cái nghèo đó đã ám ảnh cả cuộc đời tôi. Cho dù đến khi đi làm, đã có lương và có thể nói là ổn định ở nơi thành phố đắt đỏ thì tôi vẫn sợ đời mình sẽ lặp lại những ngày nghèo khó như thế. Vì thế tôi rất sợ lấy chồng nghèo.
Người ta thường nói “tiền không phải là tất cả, nhưng không có tiền sẽ không có tất cả”.(Ảnh minh họa)
Tôi và anh đến với nhau như một cặp ghép hoàn chỉnh của cuộc đời mình. Chúng tôi giống như bao cặp tình nhân khác, có những ước mơ, những dự tính tương lai và khi đã xác định đến với nhau thì cũng có những giây phút mặn nồng. Khi đó anh luôn nói, cuộc đời này anh sẽ không bao giờ bỏ tôi, tôi tin điều anh nói. Và chẳng biết từ bao giờ, khi nghĩ đến chuyện mất anh, tim tôi nghẹn lại như nghẹt thở.
Video đang HOT
Ngày anh đưa tôi về ra mắt gia đình, chào đón tôi là cái nhìn không mấy thiện cảm của mẹ anh. Tôi biết nhà anh giàu, nhưng không nghĩ lại giàu đến mức đó. Nó quá sang trọng và lộng lẫy đến choáng ngợp, khác hẳn cái vẻ “quê mùa, nhếch nhác” của tôi. Chẳng phải tôi lôi thôi nhếch nhác, mà những đồ tôi mặc chỉ là đồ bình thường, không phải hàng hiệu để tương xứng với sự sang trọng của ngôi nhà. Chắc do nhìn tôi bình thường mà mẹ anh mới có ánh mắt coi thường như vậy. Theo kế hoạch là tôi sẽ ở lại ăn cơm với gia đình nhà anh, nhưng sau khi hỏi thăm qua loa mấy câu bố mẹ anh nói mệt và trở về phòng. Chỉ còn tôi và anh ở lại trong căn phòng khách ngột ngạt ấy, chắc hẳn anh thấy rõ vẻ lúng túng của tôi nên đã nắm tay tôi thật chặt. Anh đưa tôi đi thăm quan ngôi nhà và phòng của anh. Thú thực đến lúc đó tôi chẳng còn tâm trạng nào để nhìn ngắm nữa. Tôi thấy nhục nhã vì cái nghèo, chỉ muốn bước chân ra khỏi ngôi nhà đó ngay tức khắc. Khi đó là lần đầu tiên tôi nghĩ đến chuyện từ bỏ anh.
Sau chuyện đến nhà anh, anh càng tỏ ra ân cần quan tâm tôi. Anh nói sẽ thuyết phục gia đình chấp nhận chuyện của chúng tôi, chỉ cần tôi có niềm tin ở anh. Tình cảm của anh quá chân thành, nó làm tôi động lòng mà quên đi sự nhục nhã kia. Chúng tôi lại càng gắn bó khăng khít với nhau, cho dù cái tương lai kia thật mờ mịt, tôi chẳng thể nắm bắt được nó.
Anh cãi nhau với bố mẹ gay gắt. Bố mẹ anh tuyên bố sẽ không cho anh một chút tài sản nào nếu anh cố lấy tôi. (Ảnh minh họa)
Một buổi chiều mẹ anh đến gặp tôi. Bà lạnh lùng đưa tôi một xấp tiền lớn, số tiền đó có thể đủ cho tôi trang trải một cuộc sống đầy đủ ở thành phố hàng chục năm, đổi lại là yêu cầu tôi phải rời xa anh. Bà nói sẽ không bao giờ chấp nhận tôi, con trai bà phải lấy một người vợ tương xứng. Bà bỏ đi ngay sau đó, mặc kệ tôi với số tiền đó. Tôi chua chát nhìn số tiền lớn, trong đời chưa bao giờ tôi nhìn thấy chứ đừng nói nó sẽ thuộc về tôi. Có số tiền này, tôi có thể sống sung sướng, bố mẹ tôi ở quê xây lại được căn nhà tử tế, cũng sẽ cuộc sống an nhàn hơn rất nhiều. Các em tôi sẽ không vất vả như tôi khi đi học nữa. Nhưng đổi lại đây là tiền tôi bán rẻ tự trọng và tình yêu của mình. Tiền bạc chẳng phải là một trong những lí do tôi đến với anh sao? Nhưng giờ đã có trong tay số tiền lớn vậy sao tôi vẫn không thấy vui, vẫn đau lòng đến vậy? Đó là lần đầu tiên tôi nhận ra tình yêu quan trọng hơn số tiền lớn kia rất nhiều. Tôi không muốn từ bỏ anh.
Tôi nhờ anh mang số tiền đó trả về cho mẹ anh. Mẹ anh gọi điện chửi tôi là đồ vô ơn, ghê gớm. Đúng, tôi thấy mình thật ghê gớm khi làm vậy, nhưng tôi chỉ muốn giữ tình yêu của mình. Tôi nhận số tiền của mẹ anh, sẽ là đánh mất đi hạnh phúc cả đời mình, thậm chí sẽ không bao giờ tìm lại được hạnh phúc nữa. Điều đó có đáng không?
Anh cãi nhau với bố mẹ gay gắt. Bố mẹ anh tuyên bố sẽ không cho anh một chút tài sản nào nếu anh cố lấy tôi. Nhìn anh chán nản mệt mỏi mà tôi thấy đau xót, tôi hận mình không giàu có để đến với anh đường hoàng. Tôi hận cái nghèo của tôi đã đẩy anh vào sự lựa chọn khó khăn. Tôi để anh tự quyết định, nếu anh từ bỏ tôi thì tôi sẽ không oán trách anh. Nhưng anh chọn tôi. Anh ra khỏi nhà với hai bàn tay trắng. Anh hốc hác đau khổ khi nghĩ đến bố mẹ, nhưng anh vẫn cố gắng vững vàng để làm chỗ dựa cho tôi. Khi đó là lần đầu tiên tôi nhận ra có một người yêu mình chân thành thật hạnh phúc biết bao. Tôi tham luyến hạnh phúc đó và tự nhủ mình sẽ cùng anh cố gắng vượt qua khó khăn. Lần đầu tiên tôi không còn sợ cái nghèo nữa, vì tôi hiểu bên cạnh tôi lúc này luôn có một bàn tay ấm áp nắm chặt tay tôi. Anh chính là người đã xóa bỏ ám ảnh cái nghèo trong tôi, không phải vì anh giàu có tiền bạc mà anh giàu có tình yêu. Với tôi như vậy là quá đủ, hóa ra nghèo cũng sẽ có hạnh phúc của người nghèo.
Theo VNE
Từ ngày lấy chồng, chưa cho mẹ được 1 xu
Thân làm con gái, tôi thấy có lỗi với mẹ lắm. Tôi thật lòng không muốn như thế này, mới lấy chồng đã không thể gần bố mẹ.
Ngày biết tin mình lấy chồng, tôi vừa buồn vừa vui. Vui vì được sống bên người đàn ông mình yêu thương, nhưng tôi rất buồn vì phải xa bố mẹ. Con gái lấy chồng mà sao lại buồn đến thế. Những ngày gần cưới, tôi cứ nằm, ăn là lại muốn khóc, bố mẹ cứ nói tới chuyện đó là tôi rơm rớm nước mắt. Vì tôi nghĩ, sau này, khi sống cùng nhà chồng, những người ở mâm cơm phải là nhà chồng chứ không phải là bố mẹ tôi nữa.
Ngày cưới cuối cùng cũng đã đến. Tôi cứ buồn bã suốt, mẹ bảo tôi phải vui lên vì con gái đi lấy chồng ai lại như thế người ta lại hiểu lầm là ép hôn. Thôi thì cũng đành vui chứ biết làm sao, xa bố mẹ chỉ là chuyện ngày một, ngày hai. Biết thế mà tôi vẫn khó lòng chấp nhận.
Tôi về nhà chồng, sống chung với bố mẹ anh. Đêm tân hôn, nói thì buồn cười chứ đúng là tôi đã khóc hết nước mắt vì nhớ mẹ. Nghĩ tới cảnh xa mẹ, không được về nhà mẹ thường xuyên nữa mà tôi xót hết ruột. Sống với gia đình chồng tôi phải chịu đựng đủ thứ vì mẹ chồng rất khắt khe. Ăn uống cũng phải nhẹ nhàng, không dám húp to, ngồi thì không được duỗi chân thoải mái. Khi ăn cũng chẳng nói chuyện nhiều được vì bố chồng tôi hay bảo, bữa ăn thì nói ít, nói nhiều không tốt cho dạ dày. Tôi nghĩ mà chán quá. Ở nhà thì cứ đến bữa là cả nhà cười nói hớn hở. Có hôm không rửa bát được thì nhờ mẹ, nhưng bây giờ, không thể có chuyện vứt bát ở đấy mà lên giường dù có mệt.
Nghĩ tới cảnh xa mẹ, không được về nhà mẹ thường xuyên nữa mà tôi xót hết ruột. Sống với gia đình chồng tôi phải chịu đựng đủ thứ vì mẹ chồng rất khắt khe. (ảnh minh họa)
Thời gian đầu khó khăn lắm, nhưng sau đó dần dần tôi cũng quen. May mà còn có chồng là người tôi yêu thương bên cạnh. Khi tôi sinh con, nhà chồng cũng quan tâm, không đến nỗi nào. Nói chung là cháu nội của họ thì họ phải chăm sóc thôi. Nhưng thời gian cứ thế trôi đi, cho tới khi con tôi được 1 tuổi thì chồng tôi bắt đầu đèo xìu về chuyện tôi cho tiền bố mẹ đẻ.
Không biết vì sao chuyện lại đến tai anh. Anh có nói là tôi cho bố mẹ bao nhiêu, cả số tiền mừng là bao nhiêu nữa. Chắc là có ai đó nói với anh hoặc là anh đã để ý tôi. Anh nói tôi là không có phép tắc, muốn mang tiền cho bố mẹ thì phải hỏi anh, sao lại lén lút cho như vậy. Nhưng mà, làm sao tôi dám công khai chuyện này. Thi thoảng có thì cho bố mẹ vài đồng tiêu vặt, chứ như anh nói thì bảo tôi cho mẹ quá nhiều. Tôi cũng chỉ cho mẹ được 1 lần tiền mừng cưới thì không tính, vì bố mẹ cũng lo cho tôi. Còn tiền mấy hôm rồi tôi cho mẹ là để tiêu vặt. Ai ngờ anh cũng biết.
Giờ tôi chỉ biết thương bố mẹ, sống trong gia đình này, tôi thấy cô đơn và lạc lõng vô cùng. Nghĩ lại thời độc thân thật hạnh phúc biết bao! (ảnh minh họa)
Từ ngày lấy chồng, đây mới là lần thứ nhất tôi cho tiền mẹ sau khi đã có bầu sinh con. Chứ tôi chưa từng giấu giếm chồng mang tiền về nhà mình. Thế mà anh vu cho tôi là lấy của nhà chồng mang về nhà mình, tôi cảm thấy tự ái, khó chịu vô cùng. Tại sao lại có người đàn ông như thế. Mới làm vợ chồng được một thời gian mà anh đã ki ke chuyện này. Đó cũng là tiền do tôi kiếm được, có sao đâu, sao anh phải tính toán như thế. Đã bao giờ anh chủ động biếu tiền bố mẹ để bố mẹ tiêu pha hay biếu quà cáp đâu. Phận làm con rể như anh lại còn này nọ vài đồng bạc.
Nghe anh nói, tôi bực lắm, bực bao nhiêu thì thương bố mẹ bấy nhiêu. Con gái lớn bằng này, đi học, có công ăn việc làm cũng là do mẹ nuôi nấng thành người. Bao năm đi học dựa vào tiền của bố mẹ, đến khi mới đi làm thì lấy chồng. Rồi thì phục vụ nhà chồng, không biết bố mẹ khỏe không, ốm đau thế nào, ai chăm sóc. Người ta bảo &'con gái là con người ta' không sai chút nào. Làm thân con gái, đẻ con gái sau này cũng mất con. Điều bố mẹ mong mỏi nhất là con mình được sống vui vẻ, hạnh phúc bên chồng con, thế mà tôi lại thế này. Thật tình tôi thất vọng vô cùng, không biết nói thế nào với chồng. Giờ tôi chỉ biết thương bố mẹ, sống trong gia đình này, tôi thấy cô đơn và lạc lõng vô cùng. Nghĩ lại thời độc thân thật hạnh phúc biết bao!
Theo VNE
Vì sao mẹ đẻ không đưa con gái qua nhà chồng? Đây là một trong những yếu tố kiêng kị trong phong tục cưới hỏi ở miền Bắc. Với người Việt, hôn lễ luôn được coi là một trong những ngày trọng đại nhất trong cuộc đời. Bởi vậy, có rất nhiều điều kiêng kị được đặt ra buộc cô dâu, chú rể cần phải ghi nhớ và thực hiện nếu muốn sau này...