Người nghèo bất ngờ rời Sài Gòn về quê đón Tết sớm
Khác với sự háo hức được về quê sum họp sau cả năm tha hương, những người rời Sài Gòn về quê đón Tết sớm mang tâm trạng buồn vui lẫn lộn.
Đáng ra phải hơn 3 tuần nữa, công nhân làm việc ở các khu công nghiệp mới về quê đón tết nhưng những ngày này, tại các bến xe khách lớn nhỏ ở TP HCM, Bình Dương, Đồng Nai hay dọc trên Quốc lộ, xa lộ…ở cửa ngõ Sài Gòn đã tấp nập bóng người với lỉnh kỉnh hành lý đứng chờ xe để về quê…ăn Tết sớm. Nhiều xe khách, xe dù thi nhau tranh giành khách gây cảnh bát nháo.
Còn gần cả tháng nữa mới đến Tết nhưng những ngày qua dọc các quốc lộ, xa lộ ở cửa ngõ TP HCM đã có rất đông người dân ra đón xe về quê.
Vác trên vai chiếc ba lô bên trong chỉ có vài bộ quần áo cũ, anh Đặng Hồng Quang, quê ở một huyện miền núi, tỉnh Quảng Ngãi đang đứng chờ xe trên QL1, đoạn gần Đại học Nông Lâm, quận Thủ Đức, TP HCM, đượm buồn chia sẻ: “Vụ mùa xong nên rảnh rỗi, tôi theo chân mấy anh chị vào Sài Gòn làm phụ hồ. Cuối năm công việc thất thường, bữa làm bữa nghỉ nên tôi và những người đồng hương xin về trước, vì gần Tết vé xe đắt đỏ lắm, không chịu nổi”.
Ở cửa ngõ Sài Gòn trên QL1 và xa lộ Hà Nội để đi về các tỉnh miền Đông, miền Trung, phía Bắc, nơi tập trung nhiều Khu công nghiệp, Khu chế xuất của TP HCM và các vùng giáp ranh như Bình Dương, Đồng Nai, những ngày này rất đông thanh niên nam nữ đứng ngồi lố nhố với đủ thứ hành lý để đón xe về quê.
Những người phải về quê nghỉ Tết sớm đa số đều có tâm trạng buồn vì công việc mưu sinh ở Sài Gòn không thuận lợi.
“Tôi làm công nhân tại một công ty gỗ trên địa bàn TX Thuận An, tỉnh Bình Dương. Mỗi năm khi xuân về Tết đến ai cũng háo hức chờ nhận khoản tiền lương, thưởng để mua sắm về quê đón Tết. Vậy mà mới đây, công ty xảy ra hoả hoạn, giờ hiện trường vẫn còn ngổn ngang và công ty thông báo năm nay…không có Tết nên hàng trăm công nhân ai cũng chới với nhưng cũng đành chịu chứ biết làm sao?”, chị Đặng Thị Huyền, quê tỉnh Nghệ An buồn bã nói.
Video đang HOT
Chị Huyền cùng rất đông đồng nghiệp đa số quê ở các tỉnh miền Trung đã chọn cách trở về quê trước Tết cả tháng cho đỡ tiền tàu, xe.
“Giờ về quê mang tiếng là đón Xuân nhưng ai cũng đầy tâm trạng u buồn. Thôi thì qua Tết trở lại miền Nam rồi tìm công việc mới nếu công ty chưa hoạt động trở lại”, chị Huyền bộc bạch.
Hẩm hiu quà tết
Dịp cuối năm, nghe tin thưởng tết của các doanh nghiệp có nơi cao nhất lên tới 2 tỷ đồng mà nhiều công nhân chạnh lòng.
“Năm nay tôi lâm cảnh thất nghiệp, còn thu nhập của vợ tôi bị cắt giảm vì công ty rất ít tăng ca do đơn hàng từ đối tác không có. Đã hứa với mẹ vợ Tết nay về quê sửa lại mái nhà bị dột nát nên tôi ra đây đón xe về sớm, còn vợ chắc nhận xong lương, thưởng cận Tết mới về”, anh Hưng, quê tỉnh Thanh Hoá chia sẻ rồi nhanh chóng xách balô cùng chiếc quạt điện cũ kỹ đứng dậy khi chiếc xe khách mang biển số 36 từ hướng BX Miền Đồng chạy đến. Sau đôi lời ngã giá, anh Hưng lên xe rồi vẫy tay chào người vợ trẻ đang đứng phía dưới đôi mắt ngấn lệ.
Trong số những người đứng dọc xa lộ Hà Nội gần KDL Suối Tiên, quận 9 để đón xe về quê, chúng tôi bắt chuyện làm quen với anh Mai Ngọc Tuấn (quê tỉnh Hà Tĩnh). Hành trang về quê của Tuấn là vài bộ quần áo cũ kỹ cùng khoản tiền lương còn được chưa đến 1 triệu đồng mà anh cho biết vừa được công ty thanh toán.
“Do công việc bấp bênh nên thay đổi chỗ làm liên tục. Tôi phải xin chủ cho về quê sớm để đỡ tiền tàu xe và được ứng trước gần 3 triệu. Tiền tàu xe đã ngốn hết phân nửa, mua cho mấy đứa em mỗi đứa 1 bộ quần áo mới và giờ trong túi còn chưa đến 1 triệu đồng”, anh Tuấn chia sẻ.
Chở vợ và 2 con trên chiếc xe máy cũ kỹ dừng lại dọc quốc lộ 1, gương mặt anh Lê Đức Tài (quê ở huyện Hải Hậu, Nam Định) buồn xo. Người cha này ôm chầm 2 đứa con nhỏ hôn hít và căn vặn vợ đủ điều.
“Hai vợ chồng tôi từ quê Nam Định vào quận Thủ Đức, TP HCM để mưu sinh. Hàng ngày gởi các con ở điểm giữ trẻ rồi cả 2 đi lấy trái cây chợ đầu mối đẩy đi bán dạo. Năm nay việc buôn bán ế ẩm nên tôi quyết định cho vợ con về sớm, còn tôi sẽ cố cày đủ mọi việc kể cả những ngày Tết rồi ra giêng về quê đón vợ con vào”, anh Tài buồn bã tâm sự.
Bên cạnh niềm vui, hạnh phúc mỗi khi Tết đến xuân về khi hàng triệu người được sum vầy cùng người thân thì vẫn còn có những người lao động nghèo khổ, công nhân tha hương, rời Sài Gòn về quê đón Tết trong tâm trạng…u buồn!
Đình Quốc
Theo_Kiến Thức
Mừng tuổi hết 20 triệu: Không vay lấy đâu tiền tiêu Tết
Riêng tiền về quê mừng tuổi bố mẹ đẻ, bố mẹ chồng tôi đã hết 20 triệu, năm nào vợ chồng tôi cũng phải vay mượn khoảng 15 triệu đồng cho đủ. Bởi nếu không vay thì lấy đâu ra tiền.
Sau khi đọc những bài chia sẻ của các bạn về chuyện vay tiền để tiêu Tết cho đủ, tôi thấy có rất nhiều người phản đối cách làm này nhưng các bạn phải ở trong hoàn cảnh đó các bạn mới hiểu được.
Hai vợ chồng tôi quê ở Hòa Bình nhưng đã làm việc ở Hà Nội được 7 năm nay, lương chồng được 8 triệu đồng/tháng, lương tôi được 6 triệu đồng/tháng. Hai vợ chồng còn nợ gần 400 triệu đồng tiền mua nhà chung cư nên mỗi tháng tiền chi tiêu sinh hoạt chỉ được gói gọn trọng khoản tiền lương của chồng, tiền lương của tôi phải để dành trả nợ.
Chỉ còn chưa đầy một tháng nữa là đến Tết Nguyên đán, dự kiến tiền thưởng của cả hai vợ chồng đều không tăng, chỉ được tầm 10 triệu đồng như năm ngoái nên hai vợ chồng lại lên kế hoạch đi vay mượn bạn bè thêm 15 triệu nữa để cho đủ. Bởi riêng tiền mừng tuổi cho bố mẹ đẻ và bố mẹ chồng tôi đã mất 20 triệu đồng (mỗi người 5 triệu), đó là chưa tính tiền đi lại, tiền mua quà Tết, tiền mừng tuổi cho các cháu nhỏ...
Nhiều gia đình đau đầu vì tiềng mừng tuổi Tết
Còn nhớ năm đầu tiên tôi đang chuẩn bị đồ đạc để về quê ăn Tết thì thấy chồng tôi bảo chuẩn bị 4 phong bao lì xì, mỗi phong bao để 5 triệu đồng để mừng tuổi cho bố mẹ hai bên làm tôi giật mình, quay phắt lại hỏi sao mừng tuổi gì mà nhiều thế. Mừng tuổi vậy thì lấy đâu ra tiền bởi thưởng Tết của cả hai vợ chồng cũng chỉ được chục triệu đồng.
Chồng tôi liền nói, hai bác (tức nói vợ chồng anh trai chồng) ở nhà làm ruộng mà đến ngày Tết còn mừng tuổi được cho bố mẹ mỗi người 5 triệu, hai vợ chồng mình đều công tác ở Hà Nội chẳng lẽ lại mừng tuổi bố mẹ mỗi người 500.000 đồng. Làm thế để hai bác và họ hàng người ta cười chê vợ chồng mình keo kiệt cho à.
Chồng tôi bảo trước đó mấy ngày anh ấy đã liệu tính sự việc và đi vay 15 triệu để lấy tiền mừng tuổi và tiêu Tết cho đủ rồi. Ra Tết sẽ tiết kiệm dần lấy tiền trả nợ.
Theo đó, tôi về nhà chồng đã được 7 năm nay, và năm nào cũng như năm nào, riêng tiền mừng tuổi cho bố mẹ hai bên đã mất đứt 20 triệu đồng nên đến Tết là hai vợ chồng lại chạy đôn chạy đáo để đi vay mượn cho đủ tiền tiêu Tết.
Năm nay tiền thưởng của vợ chồng tôi cũng chỉ có vậy, thu nhập thì không tăng, nợ nần vẫn còn ngập đầu, trong khi đó, tôi lại đang mang bầu đứa thứ hai. Tôi đang phân vân có nên vay tiền tiêu Tết như những năm trước không, hay là phá lệ, chỉ mừng tuổi bố mẹ hai bên mỗi người 1 triệu đồng, số tiền còn lại để hai vợ chồng chi tiêu đi lại cũng như mua quà biếu Tết.
Nhưng, nếu chỉ mừng tuổi bố mẹ 1 triệu đồng thì tôi phải nói làm sao để cho bố mẹ và hai bác hiểu chuyện, tránh bị nói là keo kiệt, bủn xỉn.
Tôi lại cảm thấy sợ tết quá...
Theo_VietNamNet
Tủ bánh mì miễn phí giữa Sài Gòn Mỗi ngày ở Sài Gòn luôn có những câu chuyện tử tế diễn ra. Ngày hôm qua lại có thêm một tủ bánh mì miễn phí ra đời... Khoảng tuần lễ nay, trước số nhà 369 Xô Viết Nghệ Tĩnh, quận Bình Thạnh (TP.HCM) đặt một tủ bánh mì đề dòng chữ "Từ thiện - Miễn phí", bên trong đầy ắp bánh mì...