Người nghệ sỹ mù phía sau Ánh Tuyết
Từng một thời sôi nổi, ham chơi, tất cả ngưng lại khi đôi mắt của anh không trông thấy ánh mặt trời. Nhưng có một niềm đam mê không bao giờ lụi tắt trong anh: Âm nhạc.
Nghệ sĩ Đinh Ngọc Minh. Ảnh: Nguyễn Đình Toàn.
Gặp ca sỹ Ánh Tuyết, chị sôi nổi kể về 2 album nhạc Trịnh sắp ra mắt, không quên nhắc tới Đinh Ngọc Minh – người nghệ sỹ mù đã giúp chị hoàn thiện album: “Tiếng kèn của cậu ấy nghe day dứt lắm”. Tôi nghe. Ám ảnh.
Trong 2 album của Ánh Tuyết, Ngọc Minh không chỉ chơi kèn, anh còn chơi ghi ta, tham gia phối khí. Chị cũng kéo Ngọc Minh ra Hà Nội trong Live show Ánh Tuyết hát Trịnh Công Sơn đầu tháng tư vừa qua.
Ngoài đời, Đinh Ngọc Minh cởi mở và thẳng thắn. Hỏi: “Tham gia live show Ánh Tuyết, cát – xê của anh cao không?”. Anh cười: “Không biết cát – xê bao nhiêu, tôi không hỏi”. Lý do đơn giản: “Bởi bả (Ánh Tuyết) là một người đam mê âm nhạc thực sự, sao tôi phải tính toán so đo với bả làm gì?”.
Ánh Tuyết không ngớt lời khen về nhiệt tình của người em học cùng Trường Âm nhạc Huế năm xưa. Tất cả những gì có thể làm được Ngọc Minh đều sẵn sàng giúp Ánh Tuyết, cả khi làm live show và thực hiện album. Giọng ca “Thiên thai” bật mí về 2 CD sắp ra lò: “Trước đó, tôi thuê người làm nhạc cho album rồi nhưng không ưng nên mới gọi cho Minh. Minh chỉnh sửa lại nhiều thứ”.
Hỏi anh về điều này, anh chỉ cười: “Tôi là “kẻ chữa cháy” thôi. Bả gọi ra nói, phần kèn chị nghe chưa được hay, Minh thổi được không, rồi mail ra, tôi thổi, mới được một bài Ánh Tuyết đã bảo thổi hết toàn bộ luôn. Tôi có nhận xét phối khí của một nhóm bài trong album chưa được hay, chưa tới. Rồi tôi lại thấy phần ghi ta thiếu quá. Ánh Tuyết cho “lệnh”, mày thấy thế nào thì cứ làm cho chị”.
Không phải lần đầu Minh hợp tác cùng Ánh Tuyết. Cách đây năm sáu năm, nữ ca sỹ có buổi biểu diễn ở Đà Nẵng, nơi Ngọc Minh đang sống. Như nhiều lần, chị đi cùng nhạc sỹ Nguyễn Ánh 9. Trước khi đi, chị gọi từ Sài Gòn ra, bảo anh chơi nhạc cho chị: “Tính Ánh Tuyết ngẫu hứng, chơi cho bả mà không được tập gì hết, đánh lụi (ứng tác) hoàn toàn, đúng 8 giờ gặp nhau tại sân khấu”.
Hôm đó, sát giờ nhạc sỹ Nguyễn Ánh 9 mới lên sân khấu, cũng sát giờ Ngọc Minh mới đến, một người dẫn anh đến chỗ ngồi, chưa kịp định thần đã thấy Ánh Tuyết bước ra và buổi diễn bắt đầu. Nhớ lại, anh vẫn thấy ngộ: “Trước khi vào ít ra phải có người nhắc mình bài đó tông gì, đằng này im phắc, cứ thế lụi vô”. Thế mà vẫn suôn sẻ. Một bên Ngọc Minh là ghi ta, một bên là kèn, chơi hết đêm, qua sự “dẫn đường” của Nguyễn Ánh 9. Và hôm sau Ngọc Minh lại theo Ánh Tuyết đi Hội An biểu diễn, vẫn thế, không cần tập, ra thẳng sân khấu.
Thời mắt còn sáng, anh cũng ham chơi, mải vui, cũng tham gia ban nhạc rồi thi thố. Căn bệnh thoái hoá võng mạc, làm mắt anh cứ mờ dần, rồi không thấy gì nữa. Một ngày bình thường của anh bây giờ tuy bớt ồn ào nhưng vẫn gắn liền với nhạc: buổi tối chơi nhạc ở các quán bar trong thành phố Đà Nẵng, ban ngày lúi húi ở phòng thu nho nhỏ tại gia.
Nếu không ở trong phòng thu lại có “đám đệ tử” bày cái nọ, thổi cái kia. Anh tự hào bởi mình giàu bạn bè, “đệ tử”. “Đệ tử” chính là những học trò yêu thích âm nhạc, tìm đến anh, anh dạy không lấy tiền công bao giờ. Họ thường đưa anh đi diễn mỗi đêm. Ngay cả chuyến ra Hà Nội làm live show Ánh Tuyết cũng là nhờ có “đệ tử” tháp tùng.
Hỏi anh: “Hỏng mắt ảnh hưởng thế nào đến hoạt động âm nhạc?”. Anh tâm sự: “Tất nhiên việc mờ mắt cũng khó khăn nhưng trong nghề nhạc chủ yếu là nghe, cần cái tai hơn, có nhìn đi nữa cuối cùng vẫn là nghe”.
Thắc mắc giữa Sài Gòn thiếu gì người làm nhạc mà Ánh Tuyết phải gọi đến Ngọc Minh. Anh cười: “Nhạc Trịnh hay nhạc nào cũng thế thôi, quan trọng là cảm nhận được nó. Học nhạc cũng giống như học kỹ thuật nấu nướng nhưng sành ăn hay không lại là chuyện khác”. Tuy nhiên trong số những nhạc phẩm Trịnh do anh phối khí ở 2 album của Ánh Tuyết, anh cũng chỉ tạm hài lòng với “Phúc âm buồn”.
Video đang HOT
Không sở hữu “thương hiệu” như Quyền Văn Minh hay Trần Mạnh Tuấn, nhưng trong giới nhiều người biết, gọi anh bình dị là “Minh kèn”. Đi đâu anh cũng mang theo kèn. Ngay cả những năm mưu sinh lao động xuất khẩu ở Đức cũng thế. Anh giải thích: “Đi đâu cũng chẳng qua là đi làm. Mình làm là mình chơi. Lúc nào cũng nghĩ phải làm thì rất khổ”.
Từ năm 2003 trở về trước, giải Sao Mai ở khu vực miền Trung, Tây Nguyên, Đinh Ngọc Minh đều vừa chơi nhạc vừa ghi chép bài vở cho ban nhạc. Có buổi tối chơi tới 40 bài. Năm 2004 anh không nhìn thấy nữa, đành xa dần hoạt động nghệ thuật sôi nổi.
Theo 2Sao
Ca sĩ Ánh Tuyết: 'Nếu có chia tay là do tôi'
"Nếu có chuyện ly hôn xảy ra thì là do tôi có chán, có bực bội bỏ đi hay không thôi chứ nhất định không phải do ông xã" - Ca sĩ Ánh Tuyết.
Gặp Ánh Tuyết trong những ngày hối hả chuẩn bị cho show diễn kỷ niệm 10 năm ngày mất của Trịnh Công Sơn tại Hà Nội tối 2/4, chị tuyệt nhiên không trò chuyện về Trịnh hay Văn Cao, Phạm Duy - những nhạc sĩ đã làm nên một Ánh Tuyết như nhiều người biết và cũng tạo cho ca sĩ này một thương hiệu cùng với phòng trà ATB. Bởi lẽ, chị sợ người ta nói mình lợi dụng những tên tuổi và thực ra cũng nói về những điều này rất lâu rồi.
Ca sĩ Ánh Tuyết
Trong suốt cuộc trò chuyện, Ánh Tuyết nhiều lần nói tính khí mình ngẫu hứng, thất thường, quyết đoán và độc đoán. Điều này nhiều lần khiến công việc của Ánh Tuyết không suôn sẻ, ngay cả với show diễn Trịnh Công Sơn diễn ra vào tối nay 2/4 sau hàng loạt các chương trình kỷ niệm ngày mất của ông diễn ra trước đó cũng vậy. Trong đời mình, Ánh Tuyết từng có lần phải hát vào ngày mùng 4 Tết như năm 2009, nhìn xuống bên dưới khán phòng chỉ có mấy chục khán giả. Thế nhưng, không ai cản chị được và bản thân Ánh Tuyết cũng càng không muốn cản mình ngẫu hứng với cơm áo gạo tiền.
- Chị giống như con ngựa bất kham, chạy riết trong đời sống showbiz mà không ngưng lại hay suy nghĩ về khoảng chững lại cần thiết. Cái gì làm nên điều ấy vậy?
- Đối với âm nhạc, chẳng biết nói thế nào về thời điểm dừng lại. Niềm đam mê cũng chẳng biết nói thế nào là đủ. Tại vì, những gì tôi muốn làm nó nằm sâu trong con người, trừ khi tôi muốn cắt đứt đi, hoặc có những nguyên nhân cắt đứt đi, không thể làm được mới dừng lại. Còn nếu mà còn có điều kiện thì tôi vẫn làm thôi. Hơn nữa, cách làm của tôi ngẫu hứng, đột biến và bất thình lình. Khi đã muốn thì không ai cản được dù biết ngày mai chỉ có một người đến xem thôi vẫn phải làm bằng được.
Phòng trà ATB đối với tôi chỉ là ngôi nhà anh chị em gặp gỡ nhau, tự ngồi nhìn ra bên ngoài, đến với nhau như một gia đình lớn để học hỏi, chia sẻ. Nhưng nếu chỉ ở phòng trà không thì rất khó phát triển, muốn có bề dày hơn trong kinh nghiệm, học hỏi chiêm nghiệm thì phải vươn ra ngoài. Mà vươn ra ngoài sẽ phải đối đầu với nhiều chuyện, có thể mình biết, có thể không, có thể trong tầm kiểm soát của mình mà cũng có khi không. Nhưng tôi lúc nào cũng thách đố chính bản thân mình. Người ta nghĩ tôi sẽ làm dở việc gì, tôi sẽ làm thật việc đó. Tôi không bao giờ trả lời bằng lời nói mà bằng hành động. Tôi không giỏi tính toán về kinh tế, làm ăn nên không cần biết, không quan tâm đến mấy chuyện ấy, chỉ thích là đi, thích là làm thôi.
- Sự bảo thủ có thể cần thiết khi làm nghệ thuật nhưng những thất bại và thăng trầm trong thời gian qua, nó cũng đáng để suy nghĩ chứ?
- Phòng trà là thường xuyên, với quá trình lâu dài như thế nó có những bước thăng trầm là điều không thể tránh khỏi. Bởi vì nhu cầu khán giả mỗi ngày một khác. Nhưng để nói là thất bại thì chẳng có gì thất bại cả. Nghiệm lại con đường mình đi gian nan thì có, bầm dập thì có, chứ thất bại thì không, chỉ có sai sót do sự cao hứng, không tính toán của mình mà thôi. Tôi tự tin về khả năng chuyên môn cũng như sự yêu mến của khán giả với con đường mình đi và những việc mình làm.
- Chị từng có show diễn chỉ có vài chục khán giả. Cảm giác nhìn khán phòng rộng thênh mà ít khán giả nghe hát thế nào?
- Tôi từng có những đêm hát với chỉ một người khách phòng trà nhưng tôi vẫn hát say sưa, không vì thế dao động. Các em ở phòng trà bảo, sao chị hay thế? Tôi nghĩ đó là bản lĩnh nghệ sỹ và cần phải tập. Đã ra sân khấu là phải hát bằng niềm đam mê, đừng có suy nghĩ gì cả. Phải biết yêu, biết thương và biết chau chuốt giọng hát của mình thì mới len vào được trái tim người nghe.
Có những lúc, tôi hát bằng tiếng nghẹn xót xa. Nhưng không phải đến lúc ấy mới có những tiếng nấc nghẹn xót xa. Mà hình như tiếng nấc nghẹn ấy đã xuất hiện từ lâu rồi do hoàn cảnh, điều kiện và con đường đi của tôi, gặp quá nhiều những điều như thế. Bằng chứng là lúc trẻ ở đoàn Hải Đăng, Nha Trang, tôi mới vào đoàn, lúc ấy đã bị coi là phế thải khi đã 25 tuổi. Những lúc đó, tâm trạng của tôi chịu đau gấp bội lần lúc này. Bởi vì bây giờ tôi còn có chỗ dựa về kinh tế dù không giàu có gì. Cho nên dù 5, 10 khách cũng không hề hấn gì bởi tôi đang hát là được tâm sự, biểu lộ bằng những ca khúc, ca từ của các tác giả mà đôi khi ngồi trò chuyện thôi không thể nói lên lời được.
- Như vậy chị không thể tìm được người có thể sẻ chia ở ngoài cuộc sống?
- Đúng nhưng tôi vẫn kiên trì đi tìm, kiên định đi tìm dù có thể ít ỏi, rồi dần dần cũng sẽ có thôi. Được cái, tôi rất thoải mái, hồn nhiên và cũng dễ bỏ qua.
Nếu không có âm nhạc, tôi cũng không biết ngày hôm nay của mình sẽ thế nào. Không định hình được, chắc lủi thủi ở chợ tôm chợ cá đi bán hoặc phụ bán hàng cơm, rửa chén bởi sinh ra, gia đình tôi cũng đã bán cơm. Sau năm 75, tôi cũng gánh cơm ra chợ bán. Chỉ có điều tôi không biết chửi lộn thôi, cứ bị bắt nạt là ngồi khóc. Trong quá trình bán cơm vẫn lẻn ra đằng sau nhà để tập ca, tập uốn dẻo rồi hay ngồi sững sờ nhìn xa xăm, mơ mộng xa xăm. Bạn bè hay kêu tôi lãng mạn thái quá. Từ lúc không địa vị, không đồng xu dính túi đến giờ vẫn vậy. Nhưng tôi không thiếu niềm tin mặc dù bước chân vào Sài Gòn cũng đói lên đói xuống, có khi nhịn cả tuần trời. Nhưng tôi vẫn nghĩ có ngày đứng trong xã hội này, đứng vững vàng, được coi trọng.
- Chị quyết liệt và độc đoán, có khi nào chị nghĩ điều đó chính là kẻ thù?
- Đúng vậy đấy. Biết nhưng không thể cưỡng lại được. Đó là tính cách con người, trời sinh. Khó chịu lắm! Tôi từng khốn đốn và trày trụa trên đường đi. Giá như mình uyển chuyển chút xíu, biết luồn lách chút xíu sẽ tốt đẹp sớm hơn. Nhưng chưa chắc sự tốt đẹp ấy đã trường tồn. Sự bản năng khiến tôi khóc quá nhiều nhưng cũng nhanh chóng để tôi gạt nước mắt đứng dậy. Tôi từng có giai đoạn lé lên là chết, lé lên là chết.
- Chị là kẻ mạo hiểm khi cứ thích thì làm. Vậy với việc kinh doanh, chị quay vòng vốn thế nào?
- Lỗ thì không lỗ, kinh phí tôi làm thì không cao nhưng chất lượng show thì luôn đảm bảo. Cùng một cách làm nhưng vào tay người khác sẽ tốn tiền hơn rất nhiều. Hơn nữa, đối với tôi, chỉ huề là thắng rồi. Còn với anh chị em nghệ sỹ, tôi trả cát-xê rất đàng hoàng.
Lần này ra diễn Trịnh Công Sơn, tôi nhắm trong tay 100 triệu là tôi đi. Trước khi làm show, mấy đứa em nói, đại ca lại muốn đi chơi rồi phải không? Bán đất trả nợ dư được hơn 100 là đi. Nhưng đó là vốn dự trù chứ không mất chỗ đó.
- Chị đi nhiều thì chăm con thế nào?
- Con tôi khá độc lập, biết việc mình làm nên tôi cũng không phải lo lắng nhiều. Cháu ảnh hưởng phong cách Pháp của bố. Chúng tôi trao đổi suy nghĩ về những việc mình làm thay vì những áp đặt. Nếu muốn làm gì với con cũng phải hỏi ý kiến, nếu không nó không chịu. Ngược lại, mỗi khi cậu làm chuyện gì cũng hỏi ý kiến tôi.
- Còn ông xã chị có lúc nào cáu lên vì vợ đi suốt và gặp nhiều sai sót?
- Không, chưa từng có chuyện đó. Ngay trước khi cưới, tôi hỏi, tại sao ông không cưới vợ Pháp, Nhật mà lại cưới người Việt Nam? Ông nói, tôi cưới người này chứ không phải Pháp, Nhật, Việt Nam gì hết. Tôi hỏi tiếp: Tôi là một ca sĩ, không biết nấu nướng, nội trợ. Ông nói, tôi cưới một người vợ chứ không cưới một bà nội trợ. Tôi lại đặt câu hỏi: Nhưng tôi không phải doanh nhân, chỉ biết xài tiền chứ không biết kiếm tiền? Điều đó không quan trọng - Ông trả lời. Nhưng điều nữa quan trọng hơn, tôi là ca sĩ, không thể bỏ nghề hát, ông có chịu được không? Ông nói, tôi đã quan sát em hát và khán giả thì biết em là người của mọi người nên anh tưởng tượng nếu một ngày em không đứng trên sân khấu sẽ rất là buồn.
- Dù được chồng con hiểu và thông cảm nhưng thực ra, bản năng phụ nữ vẫn hướng đến việc chăm chút gia đình?
- Việc chăm sóc tỉ mỉ không thể làm được nhưng tôi là người chu toàn. Kể cả khi đi xa thì tôi vẫn điều khiển việc công ty và chăm lo chồng con. Hàng ngày, tôi vẫn gọi điện về dặn người giúp việc đi chợ hàng ngày nấu cái gì, cho chồng con ăn gì. Một tuần tôi vẫn đưa chồng con 1, 2 lần đi ăn nhà hàng để thay đổi không khí. Hai cha con giống như hai ông vua, không biết làm gì và không cần làm gì. Thằng con trai năm nay 16 tuổi đi về nhà mở cửa phòng, đi mấy bước tháo đôi giầy, đi mấy bước tháo cái vớ. Nó là như thế, có người dọn, người lo hết trơn rồi. Tôi nghĩ không nên gò con quá, chỉ hướng nó theo ý thức của mình. Tôi chỉ hỏi và nó trả lời, hoặc tôi muốn con làm điều này nếu nó không muốn thì phải giải thích và phải có lý.
- Vẫn như ngày xưa, chị luôn nói những lời có cánh về gia đình mình?
- Không bao giờ hoàn hảo và không có gì hoàn hảo. Chén bát còn có khi xô. Gia đình, bạn bè sống chung đương nhiên có chuyện, có sự bất đồng. Nhưng tôi biết cam chịu và bức quá phản ứng bằng hành động và lời nói. Nhưng mà tôi nói với ông xã cũng nhanh gọn thôi.
- Chị có lúc nào mơ hồ lo gia đình mất đi sự bền vững?
- Tôi không nghĩ đến ngày đó. Nếu có chuyện đó xảy ra thì là do tôi có chán, có bực bội bỏ đi hay không thôi chứ nhất định không phải do ông xã. Còn thực ra, trong gia đình tôi, mọi thứ thành nếp bình thường. Hồi đầu có nhiều lúc tôi bức bối, sau này có nhiều việc tôi phải làm nên thấy đó là chuyện nhỏ, không quan trọng nữa. Thực ra, ai biết được ngày mai thế nào. Đối với chuyện tình cảm, tôi không thể tự khen mình nhưng tôi kín đáo, đàng hoàng về mọi mặt.
- Có vẻ chị là một người lạc quan tếu?
- Đúng thế. Tôi dễ cười, dễ khóc, dễ quên, dễ nhớ. Với tôi, mọi thứ trong đời sống chỉ để vui thôi.
- Xin cảm ơn chị!
Theo Bưu Điện Việt Nam
Diễn viên Ánh Tuyết: 'Biết lúc nào mình diễn dở' Nàng Vy của &'Đếm ngược cho 30' thường đảm nhận các vai nam tính, mạnh mẽ. Chưa phải là gương mặt quen trên truyền hình nên Ánh Tuyết luôn quan tâm đến phản hồi của khán giả để đúc rút kinh nghiệm sau mỗi vai diễn. Ánh Tuyết sinh năm 1984 ở Phú Thọ. Cô bắt đầu đóng phim năm 2003 nhưng đến...