Người Nga chia sẻ nỗi đau của người Pháp
Đến chiều tối 14.11, hoa và nến vẫn được mang đến rất nhiều trước tòa nhà Đại sứ quán Pháp tại Moscow, Nga, cùng những lời chia buồn ghi đậm trong sổ tang.
Hoa và nến được người dân Moscow mang đến trước tòa nhà Đại sứ quán Pháp tại Moscow, Nga – Ảnh: AFP
Theo báo Komsomolskaya Pravda ngày 14.11, nhiều gia đình gồm ông bà, cha mẹ, con cái cùng đến chia buồn với các nhà ngoại giao Pháp. Trên các tuyến tàu điện ngầm Moscow, nhiều hành khách ôm hoa tang, sụt sùi rơi nước mắt. Một khu tưởng niệm tự phát được hình thành ngay trước cổng đại sứ quán Pháp với hoa, nến và những trang giấy ghi dòng cảm xúc của người đến viếng. Trên trụ cổng có treo tấm bảng lớn với dòng chữ: “Nước Pháp bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đến chính phủ Nga và nhân dân Nga về sự cảm thông, chia sẻ và tinh thần đoàn kết với người dân Pháp sau vụ tấn công khủng bố tại Paris”.
Chiều 14.11, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền của Pháp tại Nga, Jean-Maurice Ripert đã có buổi tiếp các phóng viên báo chí Nga. “Pháp một lần nữa trở thành mục tiêu của các cuộc tấn công khủng bố tàn ác, mà kết quả là hàng trăm người thiệt mạng và nhiều người bị thương. Pháp trở thành mục tiêu của bọn khủng bố vì từ lâu chúng tôi đã hoạt động tích cực trong cuộc chiến chống khủng bố ở châu Phi, Iraq và Syria”, ông Jean-Maurice Ripert nói.
Đại sứ Jean-Maurice Ripert nhấn mạnh, những kẻ khủng bố phải biết rằng nước Pháp sẽ tiếp tục bảo vệ các giá trị của mình.
Video đang HOT
Người dân Moscow chia sẻ nỗi đau của người Pháp sau vụ tấn công khủng bố liên hoàng ở Paris tối 13.11 làm ít nhất 129 người chết – Ảnh: Reuters
Nhà số 45, phố Bolshaya Yakimanka ở Moscow chính là tòa nhà của Đại sứ quán Pháp tại Nga. Phía bên phải cổng chính, hàng trăm ngọn nến đang cháy. Do không đủ bàn, kệ để chứa nên hoa tưởng niệm chất thành núi ngay trên vỉa hè. Người dân thủ đô mang hoa, nến đến với khuôn mặt buồn rầu, lo lắng. Cảm giác đau buồn bao phủ. Mặc dù có hàng trăm người tập hợp nơi đây nhưng không gian vô cùng lặng lẽ.
Lúc chiều tối, sau nghi thức treo rủ quốc kỳ, đại sứ Pháp bước ra cổng để tiếp các phóng viên và cảm ơn những người dân Moscow đã đến chia buồn.
Hàng trăm người dân xếp hàng chờ đến lượt mình ghi sổ tang. “Nước Pháp mến yêu, chúng tôi luôn bên cạnh bạn”, “Nước Nga xin chia buồn”, “Xin tưởng nhớ các nạn nhân”, “Người Nga chúng tôi chưa kịp nguôi ngoai sau sự cố rơi máy bay do hành động khủng bố thì giờ đây người Pháp các bạn lại phải hứng chịu thảm họa này…”.
Nhiều phụ nữ đã bật khóc khi cầm bút ghi vào sổ tang.
Tổng thống Nga Putin đã gửi lời chia buồn sâu sắc, bày tỏ lòng đoàn kết với Tổng thống Hollande và nhân dân Pháp sau một loạt hành vi tàn ác của chủ nghĩa khủng bố ở Paris.
Phạm Bá Thủy
Theo Thanhnien
Tình báo Pháp, Đức biết vụ tấn công khủng bố Paris vài tuần trước?
Cuộc tấn công khủng bố bất ngờ vào nhiều mục tiêu ở ngay trung tâm Paris (Pháp) đêm 13.11 cho thấy một sự thất bại trong công tác tình báo của nước này. Liệu tình báo Pháp có biết âm mưu của khủng bố trước đó?
Tình báo Pháp, Đức biết vụ tấn công khủng bố ở Paris vài tuần trước đó? - Ảnh: AFP
Cựu ủy viên cảnh sát thành phố New York, Bernard Kerik gọi cuộc tấn công khủng bố ở Paris là sự thất bại trong công tác tình báo của Pháp. Theo ông, điều này cực kỳ đáng lo ngại vì qui mô của cuộc tấn công quá lớn đòi hỏi một kế hoạch chi tiết, cụ thể nhưng lại không được cơ quan chức năng của Pháp phát hiện.
"Nhóm này cần thông tin tình báo cho cuộc tấn công", ông Kerik, người từng giám sát lực lượng cảnh sát thành phố New York trong đợt tấn công khủng bố 11.9, nói với Newsmax. "Bọn chúng phải thăm dò tình hình trước và cần vũ khí để thực hiện vụ tấn công. Bọn chúng cũng cần được huấn luyện và phải làm đủ thứ cần thiết trước khi thực hiện vụ khủng bố". Theo ông, những động thái này dễ dàng để các cơ quan tình báo phát hiện.
Scott Stewart, Phó Chủ tịch công ty Phân tích thông tin tình báo, có trụ sở ở Mỹ, nói vụ khủng bố ở Paris khiến nhiều thành phố trên thế giới lo ngại không biết đến khi nào nó sẽ xảy ra đối với thành phố của họ.
Người Pháp bàng hoàng về loạt tấn công khủng bố tối 13.11 - Ảnh: AFP
Stewart nói rằng cơ quan an ninh ở Pháp cũng nhận thức được rằng tình hình kinh tế và xã hội của Pháp làm cho nước Pháp dễ trở thành mục tiêu tấn công. "Về cơ bản, nước Pháp có nhiều trường hợp bị tước quyền bầu cử, thất nghiệp, những người trẻ bất mãn dễ trở thành mục tiêu chiêu dụ của những nhóm thánh chiến", ông Stewart giải thích.
Trang mạng của lực lượng đặc biệt chuyên thông tin quân sự tình báo SOFREP dẫn nguồn tin riêng nói rằng vài tuần trước đó cảnh sát quốc gia Pháp đã gặp gỡ cảnh sát liên bang Đức và cơ quan tình báo BND (Đức) để chia sẻ thông tin bí mật rằng có một cuộc tấn công khủng bố qui mô lớn đang được lên kế hoạch nhắm vào các địa điểm ở Paris.
SOFREP cho biết, nhiều mục tiêu ở Pháp trong thời gian qua được bọn bị tình nghi là khủng bố thăm dò và một quả bom không nổ đã được tìm thấy tại một khu vực ở Paris. Chất nổ được báo cáo bị lấy cắp ở kho vũ khí của quân đội Pháp trước đó một tháng.
Cảnh sát và tình báo của Đức và Pháp tin chắc rằng vào thời gian đó những kẻ khủng bố đang lên kế hoạch tấn công nhắm vào mục tiêu "mềm", tức là dân thường bên trong Paris. Dù xác định khủng bố, tuy nhiên theo SOFREP, tình báo Pháp vẫn còn nghi vấn mục tiêu mềm hay "cứng", tức quân đội, chính phủ hoặc doanh nghiệp.
Tuy nhiên, nếu cảnh sát và tình báo Pháp biết được âm mưu tấn công khủng bố qui mô lớn trước đó vài tuần, tại sao họ không ngăn chặn hoặc có phương án đối phó ngay từ đầu? Nếu thế bi kịch đã không đến mức thảm khốc. Cho đến lúc này, đó vẫn là câu hỏi lớn.
Minh Quang
Theo Thanhnien
Bìa báo Pháp: 'Chiến tranh trên toàn Paris' Sau loạt tấn công khủng bố kinh hoàng đêm 13.11, trang bìa số ra ngày 14.11 của hàng loạt tờ báo Pháp là những dòng "tít" như Chiến tranh trên toàn Paris hoặc Khủng bố thảm sát toàn Paris. Hàng loạt tờ báo tại Pháp ngày 14.11 đưa tin về chuỗi vụ tấn công khủng bố tại Paris đêm 13.11 - Ảnh chụp...