Người Nepal giận dữ và tuyệt vọng chờ cứu trợ
Thiếu lương thực, nước uống, đường xá bị phá hủy, hệ thống thông tin tê liệt và công tác cứu hộ chậm trễ khiến người dân Nepal giận dữ và tuyệt vọng.
200 người Nepal hôm nay hô khẩu hiệu phản đối chính quyền trong cuộc biểu tình tại thủ đô Kathmandu. Họ cho rằng giới chức đã cứu trợ chậm trễ và không đầy đủ, khi vụ động đất 7,8 độ Richter hôm 25/4 đã cướp đi hơn 5.000 mạng người.
Đụng độ giữa cảnh sát và người biểu tình xảy ra khi người dân chặn một con đường gần tòa nhà quốc hội. Họ yêu cầu chính phủ tăng cường viện trợ và tăng lượng xe tới các vùng hẻo lánh bị ảnh hưởng nặng nề bởi động đất. Nhiều người Nepal đã mất liên lạc với người thân do hệ thống thông tin bị tê liệt.
Một người biểu tình la hét vào mặt một quan chức chính phủ trên đường phố Kathmandu hôm nay.
Thủ tướng Sushil Koirala cho rằng số người thiệt mạng trong thảm họa này có thể lên tới hơn 10.000, vượt qua con số 8.500 người trong trận động đất kinh hoàng năm 1934 tại Nepal.
Khu lều tạm được dựng ở phần đất trống tại thủ đô Kathmandu.
Một số người thậm chí không có lều để trú và phải ngủ ngoài trời trong thời tiết giá lạnh.
Video đang HOT
Trẻ em ngồi trong nơi trú ẩn tạm bợ, làm bằng nilon và chăn màn nhặt nhạnh được tại khu đất trống ở thủ đô Kathmandu.
Quân đội Nepal chuẩn bị chuyển hàng lên trực thăng để cứu hộ cho vùng gần tâm chấn ở Gorkha.
Một bé gái đứng xếp hàng chờ lấy nước tại khu lều tạm ở Kathmandu.
Trong khi đó, tại nhiều khu vực hẻo lánh, đường xá bị phá hủy hoàn toàn khiến cứu hộ không thể tiếp cận. Trong ảnh, một người dân làng Paslang ở Gorkha, huyện miền tây Nepal, đang dùng ánh sáng le lói từ chiếc bật lửa để tìm kiếm những thứ còn dùng được tại ngôi nhà đổ nát của mình.
Một phụ nữ đang cố gắng trèo xuống đống đổ nát từng là nhà mình tại Sindhupalchowk, huyện miền trung Nepal.
Sarita, 35 tuổi, khóc vì đau đớn do bị thương trong trận động đất. Cô được đưa về chữa trị ở bệnh viện Gorkha. Bệnh viện ở Kathmandu và những thành phố khác bị quá tải, nhiều người phải điều trị ở ngoài trời hoặc không được chữa trị.
Một cậu bé bị thương ngủ trên nền đất ngoài bệnh viện huyện Dhading. Cơ sở y tế này cũng đã chật cứng người.
Hồng Hạnh
Ảnh: Reuters
Theo VNE
Người Nepal tháo chạy khỏi thủ đô trong tuyệt vọng
Hàng trăm người Nepal đang tháo chạy khỏi thủ đô Kathmandu đến vùng đồng bằng, sau hai ngày sống trong cảnh màn trời chiếu đất, đói khát và bị bệnh tật đe dọa.
Người dân dựng lều trú tạm ở Kathmandu sau động đất. Ảnh: AFP
Theo Reuters, các con đường dẫn ra khỏi thành phố nằm trong thung lũng đang bị tắc nghẽn. Nhiều người bồng con trên tay, cố gắng chen lên các xe buýt hay xin đi nhờ các ôtô và xe tải.
Họ cho hay đã ngủ ngoài trời từ hôm xảy ra động đất 25/4 vì không còn nhà cửa hoặc lo sợ các dư chấn lại tiếp diễn.
"Chúng tôi đang chạy trốn", Krishna Muktari, chủ một cửa tiệm tạp hóa nhỏ, nói. "Làm sao có thể sống ở đây? Tôi có con nhỏ, chúng không thể ở ngoài trời cả đêm được".
Với chỉ vài tấm bạt để che mưa che gió, nhiều người nói rằng họ đang lâm vào tuyệt vọng vì chờ đợi cứu trợ và không biết phải làm gì tiếp theo.
"Vô cùng sợ hãi và hoảng loạn", một người dân tên Bijay Sreshth nói khi cố gắng lắng nghe thông báo của chính phủ qua đài. Ông đang sống tạm ngoài công viên cùng mẹ, vợ và ba con. "Chúng tôi không biết phải làm gì tiếp theo hay phải ở đây bao lâu nữa".
Chính quyền Nepal đang vật lộn để đối phó với tình trạng thiếu nước uống và thực phẩm, cũng như mối đe dọa về bệnh tật. Nhiều người bị bệnh và bị thương phải nằm ngoài trời vì bệnh viện quá tải. Các bác sĩ phẫu thuật cũng phải lập phòng mổ bên trong một căn lều.
Tại bệnh viện Tribhuvan, các thi thể, trong đó có một bé trai khoảng 7 tuổi, bị chất đống trong căn phòng tối tăm. Mùi hôi thối bốc lên nồng nặc. Nepal chỉ có 2,1 bác sĩ và 50 giường bệnh trên 10.000 người, theo một báo cáo năm 2011 của Tổ chức Y tế Thế giới.
"Không điện, không nước. Thách thức chính và ưu tiên của chúng tôi hiện nay là tái cung cấp điện nước", một quan chức Bộ Nội vụ Nepal nói. "Thách thức lớn tiếp theo là tiếp tế thực phẩm".
Một quan chức chính phủ cho hay Nepal cần hàng tấn nước sạch và các nhu yếu phẩm khác cho những người sống sót cũng như tăng cường các nỗ lực tìm kiếm, cứu hộ ở ngoại ô thủ đô.
Lực lượng cứu hộ Hà Lan và chó nghiệp vụ rời sân bay Eindhoven đến Nepal. Ảnh:AFP
Lực lượng cứu hộ Nepal đang phối hợp cùng hàng trăm nhân viên cứu trợ quốc tế từ các nước như Trung Quốc, Ấn Độ và Mỹ. Khoảng 70 nhân viên cứu trợ Mỹ, cùng chó nghiệp vụ, đã lên đường đến Nepal.
Ủy ban châu Âu hỗ trợ 3 triệu euro (hơn 3 triệu USD) để cung cấp nước sạch, thuốc men, lều trại và viễn thông ở những khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất.
Ấn Độ điều 13 máy bay vận tải quân sự chở hàng tấn thực phẩm, chăn màn và hàng cứu trợ khác sang Nepal.
Tuy nhiên, hiện có rất ít dấu hiệu hỗ trợ quốc tế ở Kathmandu, khi một số chuyến bay cứu trợ không thể hạ cánh vì sân bay chính trong thành phố phải đóng cửa nhiều lần do các dư chấn.
Anh Ngọc
Theo VNE
Động đất khiến Nepal thiệt hại hàng tỉ USD Nếu số người chết do thảm họa động đất là 1.000 người, thiệt hại kinh tế đối với Nepal sẽ là 1 tỉ USD, tương đương 9% GDP; nếu con số này tăng lên 10.000 người, kinh tế Nepal sẽ mất 10 tỉ USD, một nửa GDP của quốc gia Nam Á này. Nepal có thể thiệt hại hàng tỉ USD vì động...