Người Myanmar tiếp tục biểu tình phản đối đảo chính
Người dân Myanmar tiếp tục biểu tình ở cố đô Yangon, cho thấy sự phẫn nộ về cuộc đảo chính của quân đội ở nước này ngày càng dâng cao.
Hàng nghìn người đã đổ ra đường phố Yangon sáng nay, đánh dấu ngày biểu tình thứ hai liên tiếp ở thành phố lớn nhất Myanmar để phản đối cuộc đảo chính quân sự hôm 1/2.
Đám đông mang theo ảnh của Cố vấn Nhà nước Aung San Suu Kyi và đa số mặc đồ đỏ, màu đặc trưng của đảng cầm quyền Liên minh Quốc gia vì Dân chủ Myanmar (NLD).
“Chúng tôi sẽ tiến về phía trước và tiếp tục lên tiếng cho đến khi chúng tôi giành được sự dân chủ. Phản đối chế độ quân đội hà khắc”, Myo Win, 37 tuổi, tham gia biểu tình, cho biết.
Người dân Myanmar biểu tình ở thành phố Yangon hôm nay. Ảnh: AFP.
Nhiều người khác cũng đem theo các biểu ngữ mang nội dung phản đối quân đội Myanmar. Khi cùng nhau tuần hành khắp đường phố, người biểu tình thực hiện động tác giơ cao ba ngón tay, tương tự như phong trào ủng hộ dân chủ ở Thái Lan.
Loạt xe tải cảnh sát, lực lượng chống bạo động và vòi rồng đã được triển khai tại các khu vực xảy ra biểu tình, trong đó có địa điểm gần Đại học Yangon. Hiện chưa có vụ đụng độ nghiêm trọng nào do biểu tình được ghi nhận.
Gần một tuần sau cuộc đảo chính quân sự, khiến hàng loạt quan chức chính phủ bị bắt, Myanmar gần như rơi vào cảnh hỗn loạn. Hàng nghìn người Myanmar những ngày gần đây đã đổ xuống đường phản đối lực lượng quân đội, sau khi kết nối Internet tại nước này bị gián đoạn trên quy mô quốc gia, khiến họ không thể bày tỏ quan điểm.
Cuộc biểu tình đường phố đầu tiên ở Myanmar diễn ra tại Mandalay, thành phố lớn thứ hai đất nước, hôm 4/2. Trước đó, do lo ngại sức mạnh từ quân đội, người dân Myanmar chọn các cách phản đối cuộc đảo chính như đăng ảnh lên mạng xã hội, đình công, hát vang các bài ca dân chủ và liên tục gõ xoong chảo, bấm còi xe.
Quân đội Myanmar tuyên bố họ phải triển khai lực lượng bắt các lãnh đạo chính phủ nhằm giải quyết cáo buộc gian lận trong cuộc tổng tuyển cử tháng 11 năm ngoái, khi đảng NLD của Suu Kyi giành chiến thắng áp đảo. Cố vấn Nhà nước Suu Kyi được xác nhận sức khoẻ vẫn tốt trong thời gian bị quản thúc tại nhà.
Hiệp hội Hỗ trợ Tù nhân Chính trị của Myanmar (AAPP) hôm 4/2 cho biết khoảng 147 người đã bị bắt kể từ sau cuộc đảo chính, trong đó bao gồm các nhà hoạt động, nhà lập pháp và quan chức trong chính phủ của bà Suu Kyi.
Dân Myanmar xuống đường biểu tình phản đối đảo chính
Một nhóm cư dân ở Mandalay, thành phố lớn thứ hai Myanmar, xuống đường hô khẩu hiệu và giơ biểu ngữ phản đối đảo chính quân sự.
Theo video và hình ảnh trên mạng xã hội, hàng chục người Myanmar hôm nay tập trung bên ngoài Đại học Y Mandalay, giơ cao biểu ngữ "nhân dân biểu tình chống đảo chính quân sự". Đám đông biểu tình cũng hô vang: "Các lãnh đạo của chúng tôi đã bị bắt, hãy trả tự do cho họ, ngay lập tức".
Quân đội Myanmar hôm 1/2 đã đột kích bắt giữ các lãnh đạo của đảng cầm quyền Liên minh Quốc gia vì Dân chủ (NLD), gồm Cố vấn Nhà nước Aung San Suu Kyi và Tổng thống Win Myint. Loạt xe bọc thép và binh lính Myanmar sau đó nhanh chóng được triển khai tới các thành thành phố lớn và lực lượng quân đội không gặp phải cuộc biểu tình đường phố nào.
Một nhóm cư dân ở Mandalay, Myanmar, xuống đường hô khẩu hiệu và giơ biểu ngữ phản đối đảo chính quân sự hôm nay. Video: YouTube/ Myanmar Now News.
Trước sức mạnh của quân đội, người dân Myanmar chọn các cách phản đối cuộc đảo chính như đăng ảnh lên mạng xã hội, đình công, hát vang các bài ca dân chủ và liên tục gõ xoong chảo, bấm còi xe.
Hành động của người dân ở thành phố Mandalay hôm nay đã đánh dấu cuộc biểu tình đường phố đầu tiên của Myanmar kể từ sau cuộc đảo chính quân sự. Các chính quyền Myanmar trước đây từng dẹp mạnh tay các cuộc biểu tình tương tự.
Một nhóm cư dân ở Mandalay, thành phố lớn thứ hai Myanmar, xuống đường hô khẩu hiệu và giơ biểu ngữ phản đối đảo chính quân sự hôm nay. Video: Facebook/ Democracy Vision.
Một cuộc nổi dậy quần chúng chống lại chế độ của tướng Ne Win năm 1988 đã bị quân đội đẩy lui. Một cuộc đảo chính khác vào tháng 9/1988 đã dẫn tới việc thành lập Hội đồng Khôi phục Trật tự và Luật Nhà nước (SLORC). Trong thời gian SLORC cầm quyền, hàng nghìn lãnh đạo dân sự, nhà hoạt động, nhà báo đã bị bỏ tù suốt nhiều thập kỷ.
Cuộc đảo chính hôm 1/2 diễn ra vài giờ trước cuộc họp đầu tiên của quốc hội mới Myanmar kể từ sau cuộc bầu cử tháng 11/2020, trong đó đảng NLD của bà Suu Kyi giành chiến thắng áp đảo. Tuy nhiên, quân đội Myanmar cáo buộc đã xảy ra gian lận bầu cử, buộc họ phải quyết định "hành động theo luật pháp".
Mỹ, Anh, Liên Hợp Quốc và EU đã lên án cuộc đảo chính, kêu gọi quân đội Myanmar sớm trao trả quyền lực cho chính phủ dân sự. Trung Quốc trong khi đó kêu gọi cộng đồng quốc tế không "làm trầm trọng thêm căng thẳng và phức tạp thêm tình hình Myanmar". Hãng thông tấn Xinhua của nước này lại gọi cuộc binh biến ở Myanmar là "cuộc cải tổ nội các lớn".
Biểu tình kêu gọi Nhật cứng rắn với đảo chính Myanmar Hàng nghìn người Myanmar biểu tình ở Tokyo, yêu cầu Nhật và đồng minh thể hiện lập trường cứng rắn hơn với cuộc đảo chính của quân đội Myanmar. Người biểu tình cầm theo ảnh Cố vấn Nhà nước Aung San Suu Kyi hôm nay tụ tập trước trụ sở Bộ Ngoại giao Nhật Bản ở thủ đô Tokyo, nơi hiếm khi xảy...