Người Mỹ sống sót sau Covid-19 phẫn nộ với Trump
Scott Sedlacek được các y bác sĩ chăm sóc tận tình sau khi mắc Covid-19 và bình phục hồi tháng 3, nhưng di chứng của căn bệnh vẫn đeo bám ông.
Vì thế, Sedlacek, người đàn ông 64 tuổi tại thành phố Seattle, bang Washington, Mỹ, vô cùng phẫn nộ khi nghe Tổng thống Donald Trump nói “đừng sợ nCoV”, cũng như chứng kiến ông chủ Nhà Trắng ngồi trong xe vẫy tay chào người ủng hộ bên ngoài Trung tâm Quân y Quốc gia Walter Reed, bang Maryland, hôm 4/10.
“Tôi rất vui vì ông ấy dường như đang hồi phục tốt, khi các bác sĩ có thể cung cấp cho ông ấy những loại thuốc thử nghiệm không có sẵn cho công chúng. Tuy nhiên, đối với chúng tôi, những người đang cố gắng bảo vệ bản thân, hành vi đó thật đáng xấu hổ”, Sedlacek, người từng phải trải qua cơn sốt cao và khó thở vì Covid-19, cho hay.
Scott Sedlacek đứng bên ngoài một viện dưỡng lão ở thành phố Kirkland, bang Washington, Mỹ, hôm 12/3. Ảnh: AP.
Mỹ hiện là vùng dịch lớn nhất thế giới, với hơn 7,6 triệu ca nhiễm nCoV và hơn 215.000 người chết, kéo theo nền kinh tế lao dốc và hàng triệu người mất việc làm, bao gồm Sedlacek. Mỹ chiếm chưa tới 5% dân số toàn cầu, nhưng chiếm tới hơn 20% tổng số trường hợp tử vong vì Covid-19 trên thế giới.
Bất chấp thực tế đó, Tổng thống Trump, người cũng nhiễm nCoV và xuất viện sau 4 ngày, vẫn kêu gọi công chúng không sợ hãi đại dịch. “Đừng sợ Covid. Đừng để nó chi phối cuộc sống của bạn. Dưới chính quyền Trump, chúng ta đã phát triển một số loại thuốc và kiến thức thật sự tuyệt vời. Tôi cảm thấy khỏe hơn cả 20 năm trước!”, ông viết trên Twitter hôm 5/10.
Lời khuyên này tương tự cách tiếp cận hạ thấp mức độ nghiêm trọng của Covid-19 mà Trump vẫn thể hiện, như việc chế nhạo ứng viên tổng thống đảng Dân chủ Joe Biden đeo khẩu trang quá nhiều, tiếp tục chủ trì các cuộc vận động tranh cử đông người, làm trái hướng dẫn y tế khi tổ chức sự kiện ở Nhà Trắng.
Marc Papaj, một cư dân New York mất mẹ, bà và dì trong đại dịch, cảm thấy thật khó làm theo lời khuyên không để virus “chi phối cuộc sống của bạn”. “Việc mất những thành viên gia đình thân yêu nhất sẽ mãi mãi ảnh hưởng đến cuộc sống của tôi theo mọi cách, trong suốt phần đời còn lại. Trump không quan tâm đến bất kỳ ai trong chúng tôi. Ông ấy đang cảm thấy khỏe”, Papaj cho hay.
Ngoài những người sống sót sau khi nhiễm nCoV và gia đình các nạn nhân, những bác sĩ phòng cấp cứu hay chuyên gia y tế cũng đánh giá phát ngôn của Trump đặc biệt nguy hiểm, tại thời điểm virus đang lây lan mạnh hơn ở nhiều địa phương.
“Tổng thống nhận được sự chăm sóc y tế tốt nhất thế giới, cùng chiếc trực thăng đưa ông ấy đến bệnh viện khi cần. Còn chúng ta, những người không được túc trực như vậy, nên tiếp tục lo lắng về Covid-19, căn bệnh đã giết một triệu người trên toàn cầu chỉ trong vài tháng”, tiến sĩ Janet Baseman, nhà dịch tễ học tại Trường Y Cộng đồng thuộc Đại học Washington, nêu ý kiến.
Video đang HOT
Tuy nhiên, một số người ủng hộ Trump cho biết họ vẫn sẽ bỏ phiếu cho Tổng thống bất chấp sự lây lan nCoV tại Nhà Trắng. Theo Melissa Blundo, chủ tịch nhóm vận động chính trị “No Mask Nevada”, đeo khẩu trang chỉ là một lựa chọn và việc bắt buộc sử dụng nó sẽ hạn chế quyền tự do.
“Tôi không nói rằng nCoV không có thật và đây không phải đại dịch. Theo tôi, bệnh lao cũng có thể được gọi là đại dịch bởi cứ mỗi 21 giây lại một người qua đời vì nó, nhưng chúng ta vẫn không đóng cửa cả thế giới. Tôi chỉ thấy lạ lùng khi phải đóng cửa nền kinh tế vì đại dịch này”, Blundo cho hay.
Trong khi đó, Candy Boyd, chủ một nhà tang lễ phục vụ nhiều gia đình người da màu ở Los Angeles, bang California, đánh giá bình luận của Trump là “ví dụ cho việc ông ấy không sống trong thực tế”. Cô cho biết nhà tang lễ hiện tiếp nhận ít nạn nhân Covid-19 hơn so với hồi mùa xuân, nhưng vẫn nhiều người qua đời vì đại dịch.
“Mọi người đang chết dần, nhưng đây chỉ là trò đùa với ông ấy. Tôi thì không xem nhẹ chuyện này, bởi nó thật đau buồn”, Boyd nói.
Người Việt ở Mỹ: Trump mất điểm, Biden thể hiện tốt
Người Việt ở Mỹ nhận thấy Trump nóng nảy, lấn át Biden lẫn người dẫn dắt, nhưng ứng viên đảng Dân chủ cũng thể hiện tốt nhờ đang chiếm ưu thế.
" Không khí rất nóng, không phải hai mà là ba người tranh luận", Jimmy Lương, một người Việt làm trong ngành tài chính tại thành phố Boston, Massachusetts, hào hứng chia sẻ với VnExpress ngay sau khi theo dõi cuộc tranh luận đầu tiên giữa Tổng thống Donald Trump và đối thủ Joe Biden.
Sự kiện tối 29/9 (sáng 30/9 giờ Hà Nội) ở thành phố Cleveland diễn ra căng thẳng ngay từ những phút đầu với chủ đề Tòa án Tối cao và chương trình chăm sóc sức khỏe. Trump liên tục cắt ngang mọi câu trả lời của Biden, thậm chí ngắt lời của người điều hành Chris Wallace. Biden tỏ ra tức giận và 18 phút đó, ông quay ra nói với Trump: "Ông có im đi không?". Wallace đành phải lên tiếng kiểm soát tình hình và nhắc nhở Tổng thống Mỹ.
Trump và Biden trong cuộc tranh luận tối 29/9 ở thành phố Cleveland, dưới sự điều hành của nhà báo Chris Wallace. Ảnh: AP.
Jimmy, một người ủng hộ Trump, thừa nhận ông đã phản ứng "hơi quá" khi thường xuyên ngắt lời đối thủ, đẩy cuộc tranh luận vào hỗn loạn, khiến người điều hành cũng phải nổi nóng. Tuy nhiên, anh nhận định đây là phong cách riêng và cũng có thể là một chiến thuật của Trump nhằm khiến đối thủ mất bình tĩnh và quên mất nội dung muốn trình bày.
"Trong 3 người có mặt trên sân khấu thì Trump hầu như làm chủ cuộc tranh luận. Lúc đầu, Biden tỏ ra bình tĩnh nhưng đến cuối, ông bối rối, nói vấp, nói lặp nhiều lần", anh nói. "Với tôi, sự mạnh mẽ của Trump cho thấy ông ấy thậm chí có thể một chọi 10, chứ không chỉ hai người".
Cũng là người ủng hộ Trump nhưng Julia Ngô, cử tri ở bang California, bày tỏ lo ngại về cách hành xử của ông trong cuộc tranh luận này.
" Ngắt lời người khác khi tranh luận rất dễ mất điểm. Hy vọng lần sau Trump rút kinh nghiệm, thay đổi cách tranh luận, nếu không sẽ bất lợi", Julia, một nhân viên tư vấn về tài chính, sống ở Mỹ hơn 10 năm, nêu ý kiến.
Từ vài ngày nay, cô đã háo hức đón đợi cuộc so găng đầu tiên giữa Trump và đối thủ. Tuy nhiên, cuộc tranh luận đã khiến cô không hài lòng, thậm chí gây ức chế bởi Trump phải đối mặt với nhiều cáo buộc khiến ông nổi nóng, buộc phải tập trung phản kháng và không trình bày được nhiều về chính sách. Biden đã công kích Trump không kém cạnh và cố tình né tránh nhiều câu hỏi khó như việc con trai bị tố nhận hối lộ 3,5 triệu USD hay việc ông được cảnh sát ủng hộ.
"Dựa trên việc tranh luận, phê phán lẫn nhau, người xem có thể nhận thấy được quan điểm, tư duy, cách xử lý vấn đề của hai ứng viên. Tuy nhiên, Trump đã quá tập trung bảo vệ bản thân, còn Biden là ứng viên mới nhưng chưa thể hiện được ông sẽ làm gì cho nước Mỹ, chỉ tập trung chỉ trích đối thủ", Julia nhận xét.
Góc xem tranh luận Trump - Biden tại nhà của Julia Ngô. Ảnh: Nhân vật cung cấp.
Với những người ủng hộ Biden như Linh Nguyễn, ở thành phố Seattle, bang Washington, đó lại là những gì họ mong đợi từ ứng viên cao tuổi này khi đối đầu với Trump, người nổi tiếng với phong cách mạnh mẽ và phá vỡ mọi quy tắc.
Theo anh Linh, lần thể hiện này của Biden có thể được xem là thành công vì đã dồn được Trump vào thế khó với những vấn đề nóng như Covid-19, chủ nghĩa da trắng thượng đẳng, nền kinh tế suy thoái. Thậm chí ông còn khiến Trump nóng mặt bằng những ngôn từ gay gắt như "gã hề", "tổng thống tệ nhất" hay "cún cưng của Putin" và bảo đối thủ im lặng.
"Biden có tật nói lắp nhưng hôm nay ông ăn nói trôi chảy. Có nhiều đoạn ông nhìn thẳng vào camera nói rất hùng hồn và hiệu quả", Linh nhận xét. "Trump có thể nói nhiều hơn nhưng quan trọng là những gì Biden trình bày thực tế, chi tiết hơn và giúp những người đang ở thế trung lập hiểu hơn về ông".
Theo khảo sát của CNN, cứ 10 người theo dõi cuộc tranh luận tổng thống đầu tiên thì có 6 người nói Biden đã làm tốt hơn Trump. Khoảng 2/3 người tham gia cho rằng các câu trả lời của Biden trung thực hơn Trump, 69% cho rằng "đòn công kích" của Biden nhằm vào Trump là công bằng, trong khi tỷ lệ này dành cho Tổng thống Mỹ chỉ chiếm khảng 32%.
" Gần 20 năm ở Mỹ tôi chưa chứng kiến cuộc tranh luận tổng thống nào như cuộc tranh luận này, thậm chí nhiều người con cho rằng hai ứng cử viên không khác gì hai đứa trẻ đang tranh cãi để đòi kẹo", anh Derek Phạm, một nhà báo gốc Việt có quan điểm trung lập ở bang California, có chung nhận định. "Trump như thường lệ dùng chiến thuật đánh phủ đầu đối thủ ở ngay câu hỏi đầu tiên, Biden thì dùng chiến thuật trái ngược hẳn hoàn toàn. Trump mất điểm khi có vẻ mất bình tĩnh trong phần lớn thời gian của cuộc tranh luận. Biden điềm tĩnh hơn để không rơi vào bẫy tranh luận của Trump và cũng tấn công được nhiều hơn".
Chưa bao giờ đi bầu tổng thống Mỹ để luôn giữ quan điểm trung lập, anh Derek chấm cho phần thể hiện của Trump là 8, trong khi Biden nhỉnh hơn với 8,5 điểm.
"Nhưng nếu để nói liệu kết quả hôm nay có đủ thuyết phục để ông Biden thắng vào ngày 3/11 tới hay chưa thì tôi nghĩ là chưa. Biden phải làm nhiều hơn nữa trong các cuộc tranh luận tiếp theo", anh nói.
Trump bị đánh giá là nóng nảy, trong khi Biden điềm tĩnh hơn tại cuộc tranh luận đầu tiên. Ảnh: AP.
Ông Lương Tạ, một người gốc Việt đã định cư ở Mỹ gần 40 năm nay, cho rằng trong bối cảnh Biden dẫn trước các cuộc thăm dò ở hầu hết các bang, gồm cả những bang chiến trường, và Trump bị mất điểm vì cách ứng phó với Covid-19, gánh nặng của ứng viên đảng Dân chủ tại cuộc đua này dường như nhẹ hơn so với đối thủ.
Biden chỉ cần tỉnh táo tranh luận, gạt bỏ định kiến "già cỗi, lú lẫn, chậm chạp" mà Tổng thống Mỹ thường đề cập tới như một điểm yếu của ông, là đã thành công. Trong khi đó, Trump phải xoay chuyển được thế yếu của một lãnh đạo nước Mỹ đang trong đại dịch và bị chia rẽ bởi vấn đề sắc tộc.
" Bằng lối tấn công hiếp đáp đối thủ, Trump không thuyết phục được những người đã chán ngấy tình trạng hiện tại của đất nước mà còn làm sâu thêm ấn tượng đã có sẵn về ông", ông Lương Tạ nói. "Biden, dù không tỏ ra sáng giá hơn, nhưng đã không đẩy đi những người có quan điểm trung lập. Vì thế, Trump đã không thay đổi được chiều hướng bất lợi của mình sau tranh luận".
Anh Đinh Công Bằng, một cử tri trung lập tại bang chiến trường Florida, đồng tình với quan điểm này.
"Biden nhỉnh hơn trong cuộc tranh luận, bởi ông ấy chỉ cần không phạm lỗi là đã thắng thế. Trump đang ở thế yếu vì nhiều vấn đề và nếu kết quả thăm dò chính xác, Trump có thể thua vì không đưa ra được cách giải quyết những vấn đề đang vướng mắc của nước Mỹ", anh Bằng, một chuyên gia về tin học đã sống 20 năm ở Mỹ, nhận định.
Dù đang trong chuyến đi chơi ở thủ đô Washington, anh Bằng vẫn dành thời gian tổ chức buổi xem tranh luận chung với bạn bè. Tuy nhiên, để nói về cảm xúc chung với cuộc đối đấu này thì với anh, đó cũng là "thất vọng" vì nội dung không gì mới và phần công kích vào những tiểu tiết cá nhân, như bê bối của con trai Biden hay vấn đề thuế của Trump, chiếm quá nhiều thời gian.
Sau cùng, những gì Trump và Biden thể hiện đều không thay đổi được tư tưởng của những cử tri chưa quyết định như anh Bằng. Anh rất chờ đợi hai cuộc tranh luận sắp tới của hai ứng viên tổng thống để thấy rõ sự khác biệt về chính sách, điều mà các cử tri trung lập cần nghe.
"Tôi hy vọng họ sẽ vẽ ra được bức tranh nước Mỹ trong những năm tới, trong đó quan hệ đối ngoại với Trung Quốc là một vấn đề được người gốc Việt như tôi rất quan tâm", anh nói.
Cảnh sát dắt xe đạp qua đầu người biểu tình Một cảnh sát Seattle bị đình chỉ công tác sau khi dắt xe đạp đè qua đầu người biểu tình nằm trên đường. Sở Cảnh sát thành phố Seattle hôm 24/9 ra thông cáo cho biết hành động của sĩ quan không được công bố danh tính này đang được văn phòng cảnh sát trưởng hạt King, bang Washington, Mỹ, điều tra độc...