Người Mỹ mắc kẹt ở nước ngoài giữa lúc dịch căng thẳng
Khách du lịch Mỹ nói rằng nước này chậm chạp trong việc thông báo cho công dân về những khó khăn khi trở về nhà khi dịch Covid-19 bùng phát.
Zing trích dịch bài viết trên New York Times, phản ánh động thái chậm chạp của chính phủ Mỹ trong việc sơ tán người dân trở về nước trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến ngày một phức tạp.
Ana Pautler – một nhà leo núi đến từ San Francisco – kể rằng cô đang trên chặng đường mòn thẳng lên Himalaya ở Nepal thì cảm thấy có gì đó kỳ lạ. Những người leo núi ở phía trước đột ngột quay trở lại.
Mối lo ngại về nguy cơ lây lan virus corona trên khắp thế giới ngày càng gia tăng. Từ ngày 17/3, nhóm người Đức trong đoàn leo núi đã nói với Pautler về cảnh báo từ Đại sứ quán nước họ.
Theo đó, Đại sứ quán Đức đã yêu cầu công dân nước họ lập tức trở lại thủ đô Kathmandu (Nepal) để được hỗ trợ bay về nước. Khách du lịch người Israel cũng nhận được tin nhắn với nội dung tương tự.
Nhưng cô Pautler (32 tuổi), một người Mỹ đang tạm thời sống ở Trung Quốc, không nhận được cảnh báo nào từ hệ thống tư vấn du lịch của Bộ Ngoại giao cho đến ngày 23/3.
Vào thời điểm đó, không phận quốc tế của Nepal đã phải đóng cửa trong một ngày theo động thái của ngành hàng không toàn thế giới. Chuyến bay về nước của Pautler vì thế mà bị hủy bỏ.
“Các Đại sứ quán khác dường như rất tích cực cung cấp thông tin cho người dân. Thế nhưng Đại sứ quán Mỹ chẳng đưa ra thông báo chính thức nào”, Pautler nói trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại từ Kathmandu, nơi cô đang phải chờ qua đợt phong tỏa toàn quốc của Nepal mới được trở về nhà.
Khách du lịch Mỹ bị mắc kẹt ở Nepal. Ảnh: TNYT.
Mỹ đang chật vật đối phó với sự bùng phát vượt tầm kiểm soát của Covid-19 và những quyết định mang tính sống còn. Hệ thống chăm sóc sức khỏe của nước này đang bị áp lực đè bẹp. Trong khi đó, nhiều người dân Mỹ bị mắc kẹt từ xa hàng nghìn dặm, lo sợ bị bỏ lại phía sau.
Phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Mỹ đã đưa ra một vài lý giải cho sự chậm trễ trong một thông cáo gần đây. Ông cho biết các nhân viên đang làm việc không ngừng nghỉ để sắp xếp phương tiện cho các công dân Mỹ đang tìm cách trở về nhà.
Ngoài ra, Bộ Ngoại giao không đưa ra câu trả lời trực tiếp cho câu hỏi tại sao người Mỹ ở Nepal nhận cảnh báo muộn hơn người dân của các quốc gia khác.
Nỗi lo bị bỏ lại phía sau
Các ca nhiễm Covid-19 trên toàn cầu đã đạt tới 1 triệu người. Trong khi đó, công dân Mỹ ở khắp 3 châu lục cho biết công tác hỗ trợ người dân hồi hương của chính phủ nước họ dường như chậm hơn và ít chắc chắn hơn so với các quốc gia khác.
Halima Mahdee, một sinh viên từ California, hiện sống tại Ghana, cho biết cô rất phẫn nộ vì không được sơ tán kịp thời. Các sinh viên Hàn Quốc và Trung Quốc cùng tham gia chương trình du học với cô ở Accra đã được gửi về nước từ nhiều tuần trước.
Ở Peru, hàng trăm người Mỹ vẫn bị mắc kẹt lại. Các nhà hoạt động xã hội cảnh báo rằng một cuộc khủng hoảng nhân đạo đang diễn ra khi khách du lịch báo cáo tình trạng bị đuổi khỏi khách sạn, không thể kiếm được thuốc điều trị khi sức khỏe có vấn đề.
Video đang HOT
Cô Diane Gallina (68 tuổi), đến từ Long Island, New York, đã vô cùng lo lắng cho con gái mình, người đang ẩn náu một mình trong khách sạn ở Lima.
“Con bé nói với tôi rằng nhiều người Canada đã được đón về nước. Làm cách nào mà Canada lại đưa được công dân nước họ trở về mà Mỹ thì không?”, Gallina nức nở.
Một số người Mỹ bị mắc kẹt khi du lịch nước ngoài cho rằng có lý do thích hợp để giải thích cho việc một số nước châu Âu kêu gọi công dân rời khỏi Nepal sớm hơn Mỹ. Đó là vì họ nhận được báo cáo về số ca nhiễm ban đầu cao hơn.
Thách thức không nhỏ của việc đón công dân Mỹ từ các quốc gia khác trở về cùng một lúc đã khiến các nhà ngoại giao nước này choáng váng.
Công dân đến từ các quốc gia khác đều lần lượt được chính phủ đón về nước. Ảnh: TNYT.
Tuần trước, Đại sứ quán Mỹ tại Kathmandu đã bắt đầu đăng thông tin cập nhật thường xuyên trên Facebook. Họ cũng tổ chức xe buýt cùng với các chuyến bay để đón người dân Mỹ từ các thị trấn miền núi, bao gồm cả những người ở khu trại tạm gần Everest.
Các đại sứ quán của Mỹ ở khắp nơi đang phải đối mặt với khó khăn trong công tác hậu cần khi phối hợp với quan chức địa phương. Hiện nay, chính quyền địa phương ở bất cứ đâu cũng đang tập trung chăm lo cho công dân của họ.
Ngay cả việc đón khách du lịch ở các quốc gia như Nepal cũng rất phức tạp. Một số con đường mòn phổ biến chỉ có thể được tiếp cận bằng cách thuê những chiếc máy bay nhỏ chứa khoảng hơn chục người trên một chuyến.
Phát biểu trong một cuộc họp báo vào ngày 31/3, Tổng thống Trump cho biết các cuộc di tản lần này là một trong số những chiến dịch lớn nhất, phức tạp nhất trong lịch sử Mỹ. Ông cho biết Bộ Ngoại giao Mỹ đã giải cứu hơn 25.000 công dân từ hơn 50 quốc gia.
“Hầu hết người dân Mỹ ở Peru và Brazil đã được đưa về nước”, ông Trump nói.
Chính phủ bất lực – người dân bế tắc
Nhưng hàng trăm người Mỹ vẫn bị mắc kẹt ở Nepal.
Từ ngày 17/3, các lệnh phong tỏa nghiêm ngặt bắt đầu được ban hành ở nhiều quốc gia. Đại sứ quán Đức đã cảnh báo công dân về sự gián đoạn chuyến bay trên trang Facebook chính thức, kêu gọi người dân Đức ở nước ngoài liên hệ với các hãng hàng không để được hỗ trợ.
Trong một tuần rưỡi sau đó, Đức và Pháp đã tổ chức các chuyến bay để đưa hàng trăm người về nước.
Khi người châu Âu nhận được cảnh báo sớm rời đi, John Arns (47 tuổi), sống ở khu vực vịnh San Francisco, đã cố gắng nắm bắt thông tin về những gì chính phủ Mỹ đang làm.
Nhưng tất cả những gì anh có thể tìm thấy trên trang Facebook của Đại sứ quán là thông tin về các kỹ thuật rửa tay đúng cách và Tháng Tôn vinh Phụ nữ.
“Tôi rất thất vọng về động thái của Đại sứ quán”, Arns nói.
Một số người Mỹ bị mắc kẹt ở Nepal cho biết họ đang bị kỳ thị và gọi là “corona” khi ra khỏi khách sạn. Các quốc gia Nam Á đang cho rằng khách du lịch nước ngoài là nguồn mang virus vào nước họ.
“Người Nepal ở đây rất sợ chúng tôi. Khi chúng tôi cố gắng tìm mua thức ăn, họ tỏ ra sợ hãi và cho rằng chúng tôi đang phơi nhiễm virus rồi xua đuổi chúng tôi”, Stacy Kim (58 tuổi), đến từ Santa Cruz, California, nói. Cô hiện mắc kẹt ở một thị trấn hẻo lánh gần biên giới với Ấn Độ.
Khung cảnh thủ đô Nepal vắng vẻ trong những ngày phong tỏa. Ảnh: TNYT.
Raj Gyawali là một thành viên của Ủy ban xử lý khủng hoảng – nơi phụ trách giúp đỡ khách du lịch trong thời gian phong tỏa ở Nepal. Anh cho biết các quốc gia châu Âu – ngoại trừ Anh – đã rất chủ động trong việc đưa công dân của họ về nước.
“Khách quan mà nói, họ tổ chức và hành động rất chặt chẽ. Tôi không hiểu tại sao chính phủ Mỹ lại trì trệ như vậy”, anh nhận định.
Mãi đến ngày 26/3, Bộ Ngoại giao Mỹ mới đưa ra thông báo đầu tiên về chuyến bay sơ tán đang được lên kế hoạch. Năm ngày sau, 302 người Mỹ được rời Nepal về Washington.
Trong một tin nhắn video, Đại sứ Randy Berry cho biết chuyến bay này là kết quả của hàng trăm giờ điều phối và hợp tác giữa các cơ quan.
Tại một cuộc họp báo hôm 31/3, Ngoại trưởng Mike Pompeo đã kêu gọi người Mỹ cố gắng chủ động tìm cách trở về nước. Ông tuyên bố không thể đảm bảo khả năng sắp xếp các chuyến bay sơ tán vô thời hạn của chính phủ Mỹ khi các lựa chọn thương mại không còn tồn tại.
Nhưng khi trông thấy hình ảnh các nhân viên y tế chất hàng loạt thi thể lên xe tải đông lạnh và Mỹ ghi nhận số trường hợp nhiễm Covid-19 cao nhất thế giới, một số người Mỹ không muốn trở về nước.
Amy Sellmyer (34 tuổi), đến từ Oklahoma, đã làm việc ở Nepal và đang xây dựng cuộc sống mới ở đó. Cô cảm thấy ở lại đây là lựa chọn đúng đắn hơn.
“Tôi không có kế hoạch rời đi đâu khác”, cô cho biết.
Ánh Nguyệt
Vì sao số ca nhiễm và nghi nhiễm ở Pháp tăng đột biến?
Sau khi được cập nhật thêm dữ liệu từ các viện dưỡng lão, số ca nhiễm và tử vong vì Covid-19 của quốc gia châu Âu này đã tăng mạnh.
Reuters hôm 4/4 đưa tin, Bộ Y tế Pháp cho biết, tính tới hết ngày 3/4, số người tử vong vì Covid-19 ở nước này đã lên tới 6.507 người và tổng số ca nhiễm và nghi nhiễm là 82.165.
Jerome Salomon, người đứng đầu Bộ Y tế Pháp, cho biết, hôm 3/4, số ca nhiễm Covid-19 trong bệnh viện tăng thêm 5.233, nâng tổng số ca nhiễm trong bệnh viện tại Pháp lên 64.388.
Cùng ngày, ông Salomon cũng thông báo có tổng số 17.827 ca nhiễm hoặc nghi nhiễm tại các viện dưỡng lão. Hôm 2/4, con số này là 14.638. Với việc cộng thêm dữ liệu từ viện dưỡng lão, Pháp có tổng số 82.165 ca nhiễm và nghi nhiễm.
Nhân viên y tế đứng chờ để đưa bệnh nhân nhiễm Covid-19 lên tàu cao tốc tại nhà ga ở thành phố Strasbourg, đông bắc nước Pháp, hôm 3/4. Ảnh: Reuters
Nếu không tính các dữ liệu từ viện dưỡng lão, số người tử vong mới tại Pháp cũng ghi nhận ở mức kỷ lục trong ngày với 588 ca, nâng tổng số ca tử vong lên 5.091, theo dữ liệu của Bộ Y tế Pháp.
Bộ Y tế Pháp không đưa ra số liệu cụ thể về ca tử vong trong ngày tại các viện dưỡng lão nhưng cho biết một thống kê tử vong tạm thời ghi nhận 1.416 ca tử vong tính đến 3/4. Trước đó một ngày, con số này là 884 ca.
Sau khi hứng chịu chỉ trích về số liệu thống kê liên quan tới Covid-19 của Pháp không phản ánh thực tế vì còn nhiều người tử vong tại nhà không được tính đến, Bộ Y tế Pháp quyết định đưa thêm số liệu về các ca tử vong tại viện dưỡng lão bắt đầu từ 2/4.
Người già sống trong viện dưỡng lão rất dễ bị lây nhiễm Covid-19 và chịu ảnh hưởng nặng nề.
Theo Reuters, một tín hiệu tích cực mong manh cho người Pháp đến từ các đơn vị chăm sóc đặc biệt (ICU). Số bệnh nhân tại các ICU hôm 3/4 tăng thêm 263 ca, nâng tổng số lên 6.662. Mức tăng này có tỷ lệ 4% - giảm so với những ngày trước.
Bộ Y tế khuyến cáo về việc cách ly, theo dõi sức khỏe trong phòng chống Covid-19:
- Đối với những người tiếp xúc gần với bệnh nhân dương tính với Covid-19: Phải cách ly ngay tại cơ sở y tế trong vòng 14 ngày, đồng thời lấy mẫu bệnh phẩm để xét nghiệm.
- Đối với người tiếp xúc với người tiếp xúc gần với bệnh nhân dương tính với Covid-19: Cách ly, theo dõi sức khỏe tại nhà, nơi lưu trú, cư trú trong vòng 14 ngày và thông báo với chính quyền cơ sở (phường, xã, thị trấn) và phải theo dõi chặt chẽ tình hình sức khỏe. Nếu thấy có biểu hiện sốt, ho, hắt hơi, sổ mũi, mệt mỏi, ớn lạnh hoặc khó thở thì lập tức cho cách ly ngay tại cơ sở y tế và lấy mẫu bệnh phẩm để xét nghiệm.
- Thường xuyên đeo khẩu trang, che miệng khi ho, hắt hơi.
- Rửa tay bằng xà phòng liên tục để tránh nguy cơ lây truyền bệnh cho những người khác.
- Chia sẻ lịch trình di chuyển của bản thân với nhân viên y tế.
- Gọi ngay đến đường dây nóng thông báo thông tin: 19003228 và 19009095.
Nguyễn Thái
Lập Hội đồng chuyên gia, NATO muốn cải tổ Trong một động thái thể hiện mong muốn cải tổ sau những chỉ trích gần đây, Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã thành lập một hội đồng gồm 10 chuyên gia để nghiên cứu định hướng chính trị của khối liên minh quân sự này. Trước đó, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho rằng NATO đang trong tình trạng...