Người Mỹ lo sợ ‘kịch bản đen tối’ hậu bầu cử
Bầu cử tổng thống có thể gây ra cuộc khủng hoảng chính trị khi nước Mỹ đang hứng chịu “bão tố” từ Covid-19, kinh tế suy thoái và xã hội chia rẽ.
“Bạn thấy cơn bão đang tiến vào đất liền với cường độ ngày càng mạnh”, Heather McTeer Toney, sống ở vùng nông thôn ở Oxford, bang Mississippi, nói khi ngồi xem laptop bên chiếc bàn bếp, cùng tách cà phê và ít bánh quy giòn. Đứa con 4 tuổi của cô đang ngồi xem tivi ở phòng bên cạnh.
Toney từng là thị trưởng và quản lý khu vực của Cơ quan Bảo vệ Môi trường Mỹ. Cô từng đương đầu với các tình huống khẩn cấp cả ở cấp độ bang và liên bang, cũng từng vạch chiến lược lâu dài để bảo vệ Trái đất đang bị đe dọa. Cô biết rõ thế nào là bất an.
“Tôi chưa từng thấy mình bất an như lúc này”, Toney, giám đốc của Moms Clean Air Force, tổ chức phụ huynh Mỹ chống biến đổi khí hậu, nói. “Bởi có nhiều vấn đề ập đến cùng lúc mà tôi có thể cảm thấy với tư cách là nhà hoạt động môi trường cũng như một phụ nữ da màu. Tất cả điều đó sẽ xảy đến cùng lúc vào ngày 3/11″.
Khoảng 5 tuần nữa, nước Mỹ sẽ bước vào cuộc bỏ phiếu tổng thống và nhiều người Mỹ, giống như Toney, lo lắng về kịch bản “tháng 11 đen tối” với đủ cung bậc cảm xúc, từ hoài nghi, mơ hồ, phẫn nộ, phản kháng đến thất vọng. Một cuộc bầu cử dự kiến có nhiều tranh cãi diễn ra giữa lúc Mỹ chìm trong đại dịch Covid-19, khủng hoảng kinh tế, làn sóng phân biệt chủng tộc, cháy rừng hoành hành ở Bờ Tây.
Người phụ nữ đeo khẩu trang đi bỏ phiếu bầu cử sơ bộ ở thành phố Cincinnati, bang Ohio hồi cuối tháng 4. Ảnh: Cincinnati Enquirer.
Orrin G. Hatch, 86 tuổi, người từng sống qua nhiều cuộc khủng hoảng kể từ sau Đại suy thoái 1929-1930, nói rằng ông chưa từng thấy nước Mỹ xáo trộn như năm 2020. Kể từ khi nghỉ hưu và rời Thượng viện Mỹ đầu năm ngoái, ông trở về sống tại thành phố Salt Lake, bang Utah. Ông nói rằng cứ tới tháng 11 hàng năm, tỷ lệ tội phạm và trầm cảm theo mùa gia tăng, trong khi chi tiêu tiêu dùng và doanh thu bán lẻ giảm xuống.
Will Stancil, một luật sư và nhà nghiên cứu, lại cảm thấy rất căng thẳng khi chịu đựng sự bí bách của việc tự cách ly tại nhà, cũng như chứng kiến các vấn đề nảy sinh từ chính trị. Từ ngôi nhà ở khu phố Minneapolis, Stancil chứng kiến nhiều khu vực trong thành phố ông chìm trong biểu tình bạo lực, sau cái chết của George Floyd, người đàn ông da màu bị cảnh sát ghì gáy.
“Khi bạn chỉ ở trong bong bóng này, thời gian như ngừng trôi. Và ở ngoài kia, bạn có cảm giác các chuẩn mực sụp đổ. Thật đáng sợ khi chứng kiến và nghĩ rằng một lúc nào đó, hai điều này hội tụ với nhau. Mọi thứ sẽ đến đỉnh điểm vào ngày bầu cử. Nó giống như chúng tôi đang tạo ra phần cao trào cho câu chuyện. Càng tới gần ngày đó, mọi thứ càng trở nên điên cuồng hơn”, Stancil nói.
Ben Wikler đang chơi đuổi bắt với cậu con trai hai tuổi ở Madison, bang Wisconsin thì nhận được thông báo Thẩm phán Tòa án Tối cao Ruth Bader Ginsburg qua đời. Anh há hốc miệng kinh ngạc và tin tức đã khiến buổi tụ họp gia đình nhanh chóng “rã đám”.
“Là người Mỹ, chúng tôi thường tin rằng mọi thứ sẽ diễn ra theo cách tốt nhất”, Wikler, chủ tịch đảng Dân chủ ở Wisconsin. “Và niềm tin đó đã bị tước bỏ bởi những gì đã xảy ra trong 4 năm qua và đặc biệt là 6 tháng qua. Khi đối mặt thực tế ảm đạm, bạn phải lựa chọn giữa từ bỏ hoặc lao vào cuộc chiến”.
Khoảng 83% người Mỹ, tăng 14% so với hai năm trước, nói rằng tương lai đất nước là một vấn đề gây căng thẳng lớn, theo khảo sát của Hiệp hội Tâm lý Mỹ thực hiện hồi tháng 5 và 6. Covid-19, kinh tế sụp đổ và các vấn đề liên quan tới phân biệt chủng tộc có hệ thống đã liên tiếp giáng đòn xuống “ sức khỏe tinh thần tập thể của người Mỹ”, cũng như gây ra các tác động lâu dài mà người Mỹ phải vật lộn trong vài năm tới, Arthur C. Evans Jr., giám đốc hiệp hội, cho biết.
“Chúng tôi đang ở trong thời kỳ chưa có tiền lệ, thậm chí khiến tôi không thể nói chắc chắn Mỹ sẽ có cuộc bầu cử công bằng hay tổng thống sẽ chắc chắn rời nhiệm sở mà không có sự can thiệp của cảnh sát, quân đội hay không”, Vincent J. Intondi, giáo sư sử học tại Đại học Montgomery, nói.
Video đang HOT
Theo khảo sát của Gallup, tỷ lệ tín nhiệm đối với quốc hội Mỹ đã giảm 17%, đối với cảnh sát giảm 16%, với ngân hàng giảm 15% và với tổng thống giảm 13%, kể từ năm 2004.
Úng viên Dân chủ Joe Biden (trái) và Tổng thống Donald Trump. Ảnh: AP.
Lonna Atkeson, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu bầu cử và dân chủ tại Đại học New Mexico, nói rằng phiếu bầu tổng thống không hợp lệ năm nay sẽ cao, do thay đổi vội vàng trong quy trình bỏ phiếu để thích ứng với đại dịch.
“Về cơ bản, cả hai đảng Dân chủ và Cộng hòa đều sẵn sàng tố cáo bên kia gian lận. Họ đang sẵn sàng cho một cuộc khủng hoảng hậu bầu cử”, Atkeson nói và thêm rằng cô không có dự đoán nào về tháng 11 ngoài việc Mỹ sẽ chứng kiến một thời kỳ nhiều kiện tụng.
Justin Levitt, giáo sư luật tại Đại học Loyola Marymount, cho biết từ đầu năm tới nay, đã có 250 vụ kiện bầu cử liên quan tới Covid-19 được đệ trình tại 45 bang.
Tuy nhiên, nhiều người cũng cho rằng bầu cử có thể diễn ra suôn sẻ, với hai kịch bản: một là Biden có thể giành chiến thắng áp đảo ngay lập tức, hoặc hai là Trump sẽ khiến mọi người phải bất ngờ thêm lần nữa.
“Chúng tôi thậm chí đã nghĩ tới trường hợp dự phòng cho gia đình tôi và điều chúng tôi sẽ làm nếu Trump tái đắc cử và nước Mỹ đứng trước bước ngoặt đen tối”, Zeke Hausfather, nhà khoa học khí hậu tại Oakland, bang California, nói.
Hausfather thêm rằng có thể họ sẽ chuyển tới Na Uy trong 4 năm tới, nơi anh đang cân nhắc tìm một công việc, hoặc New Zealand, nơi vợ anh có mối quan hệ kinh doanh.
Một năm trước, người Mỹ chỉ quan tâm tới nỗ lực xem xét bãi nhiệm tổng thống. Nhưng giờ điều mà họ ưu tiên hàng đầu chỉ là cuộc sống của chính mình. Họ muốn biết khi nào có thể quay lại trường học, trở lại chỗ làm hay cuộc sống trở về bình thường. Một số khác tự hỏi họ làm sao để “sống chung” với đại dịch cho tới khi có vaccine.
Michael Osterholm, nhà dịch tễ học tại Đại học Minnesota, cảnh báo Mỹ sẽ đối mặt đợt bùng phát lớn vào mùa thu và quốc gia này không được chuẩn bị để ứng phó. “Có những ngày bạn cảm giác như chạy marathon với một viên đá trong giày, hay với cơn bão cùng sấm sét vây quanh. Mọi thứ thật khó khăn. Mọi người đã hoàn thành đường đua, nhưng chúng tôi vẫn chưa tới gần vạch đích”, Osterholm nói.
Trở lại Oxford, Heather McTeer Toney đang trao đổi qua điện thoại thì tiếng khóc của cậu con trai 4 tuổi vang lên. Sau khi dỗ dành con, Toney quay lại giải thích: “Thằng bé không thích quần áo còn mác, nên tôi cố gắng giải quyết điều đó bằng cách cắt mác đi. Nếu chuyện gì cũng đơn giản như cắt mác quần áo để khiến thằng bé dễ chịu hơn, mọi thứ trên thế giới này đều sẽ tốt đẹp”, cô nói.
Kịch bản Trump từ chối rời Nhà Trắng gây lo ngại
Trump mới đây cho biết ông không hứa rời Nhà Trắng trong hòa bình nếu thất cử, làm dấy lên lo ngại Mỹ rơi vào khủng hoảng hậu bầu cử.
Khi ngày bầu cử tổng thống năm 2016 càng tới gần, các phát biểu của ứng viên Donald Trump khi đó ngày càng gây tranh cãi. Ông tuyên bố chỉ có cuộc bỏ phiếu gian lận mới có thể khiến ông thất cử. Trong vòng tranh luận trực tiếp thứ ba, Trump được hỏi liệu ông có chấp nhận kết quả của cuộc bỏ phiếu này nếu thua Hillary Clinton hay không.
"Tôi sẽ xem xét vào lúc đó. Tôi không thể nói bất cứ điều gì lúc này. Tôi sẽ xem xét nó vào thời điểm đó. Điều tôi đã thấy thật sự rất tệ", Trump nói.
Câu trả lời của Trump lúc đó khiến nhiều người lo ngại kịch bản ông có thể từ chối chấp nhận kết quả bầu cử nếu thua ứng viên Clinton, khi trước đó thường xuyên cáo buộc quá trình bầu cử Mỹ có nhiều gian lận.
Tuy nhiên, Trump đã thắng cử và điều mà nhiều người lo ngại không xảy ra. Ngay sau khi có kết quả kiểm phiếu ở những bang chủ chốt, bà Clinton đã thừa nhận thua cuộc và gọi điện chúc mừng Trump.
Tổng thống Mỹ Donald Trump (giữa) tại cuộc họp báo ở Nhà Trắng hôm 23/9. Ảnh: NYTimes.
Khi bầu cử tổng thống Mỹ 2020 chưa đầy 2 tháng nữa sẽ diễn ra, nhiều người lại một lần nữa nghĩ tới khả năng Trump từ chối chuyển giao quyền lực nếu thất cử. Trong cuộc họp báo ngày 23/9, Tổng thống Mỹ đã được yêu cầu giải đáp lo ngại này.
"Ngài Tổng thống, nếu ông thắng, hòa hoặc thua trong cuộc bầu cử này, ông có cam kết chuyển giao quyền lực một cách hòa bình sau khi có kết quả không?", một phóng viên đặt câu hỏi.
Trump không đưa ra lời cam kết, thay vào đó, ông nói rằng "chúng ta phải xem điều gì sẽ xảy ra". "Các bạn biết rằng tôi đã phàn nàn rất nhiều về các lá phiếu. Và các lá phiếu đó là một thảm họa", Tổng thống Mỹ nói, dường như đề cập tới hình thức bỏ phiếu qua thư, phương pháp mà ông luôn cáo buộc tiềm ẩn nhiều gian lận.
Trump cũng nói rằng Mỹ sẽ không chứng kiến một cuộc chuyển giao quyền lực mà chỉ có "sự tiếp nối quyền lực", như ngầm khẳng định ông sẽ không thua trong cuộc đua vào Nhà Trắng với ứng viên Joe Biden.
Câu trả lời của Trump khiến nhiều người không khỏi lo lắng tự hỏi điều gì sẽ xảy ra nếu ông từ chối rời Nhà Trắng. Thượng nghị sĩ Bernie Sanders trong bài phỏng vấn qua điện thoại trước đó cảnh báo Mỹ có thể đối mặt "kịch bản ác mộng" nếu Trump vẫn tuyên bố thắng cử và từ chối rời nhiệm sở ngay cả khi thua Joe Biden.
"Chúng ta đang sống trong thời khắc nguy hiểm chưa từng có, hay có thể nói là cực kỳ nguy hiểm, trong lịch sử Mỹ", Sanders nói. "Điều đó sẽ quyết định liệu nước Mỹ có thể tiếp tục là một nền dân chủ và một đất nước hoạt động theo Hiến pháp và pháp luật hay không".
Thượng nghị sĩ Sanders cho biết ông sẽ dành thời gian còn lại trước ngày bầu cử để kêu gọi đất nước, cả phe Dân chủ và Cộng hòa, "làm mọi thứ có thể để ngăn chặn điều này xảy ra".
Giới phân tích cho rằng nếu giành chiến thắng "không thể tranh cãi" trong cuộc bầu cử, Biden hoàn toàn có thể yêu cầu Sở Mật vụ đưa Trump rời Phòng Bầu dục nếu cần thiết. Nhưng do hệ thống bầu cử Mỹ rất phức tạp, một chính trị gia có rất nhiều con đường để từ chối rời nhiệm sở.
"Mối lo thực tế là Tổng thống Mỹ sẽ kết hợp nhiều chiến lược hùng biện và kiện tụng để ngăn cản kiểm phiếu hoặc công nhận kết quả bầu cử", Aziz Huq, giáo sư luật hiến pháp tại Đại học Chicago, nói. "Bởi Mỹ có hệ thống bầu cử phi tập trung, trong đó việc quản lý bầu cử do các bang phụ trách, nên tồn tại rất nhiều điểm yếu".
Quá trình tổng hợp phiếu bầu được thực hiện thông qua các nhánh chính trị của chính quyền bang. Tại nhiều bang, nhiệm vụ điều hành bầu cử do chính trị gia dân cử phụ trách.
"Kiện tụng, tranh chấp và nỗ lực trì hoãn quá trình kiểm phiếu công bằng và đầy đủ là những điều tôi nghĩ sẽ xảy ra", Huq nói. "Tổng thống không có quyền ra sắc lệnh. Nó phức tạp hơn nhiều".
Tuy nhiên, giáo sư Huq cho rằng để tuyên bố mình thắng cử dù kết quả kiểm phiếu trái ngược, Trump cần có sự hợp tác của giới chức các bang và cả các thành viên đảng Cộng hòa. Nhưng nhiều thành viên chủ chốt của đảng Cộng hòa đã thẳng thừng bác bỏ kịch bản này.
"Chuyển giao quyền lực trong hòa bình là điều cơ bản của nền dân chủ", thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Mitt Romney nói sau bình luận của Trump. "Bất kỳ ý tưởng nào cho rằng một tổng thống có thể không cần tôn trọng việc duy trì Hiến pháp đều là điều không tưởng và không thể chấp nhận".
Lãnh đạo phe Cộng hòa tại Thượng viện Mitch McConnell cũng khẳng định quá trình chuyển giao quyền lực sẽ được thực hiện một cách trật tự như những gì đã diễn ra 4 năm một lần kể từ năm 1792 và "người chiến thắng trong cuộc bầu cử ngày 3/11 sẽ nhậm chức vào ngày 20/1".
Ứng viên Dân chủ Joe Biden (phải) tới vận động tranh cử ở Green Bay, bang Wisconsin hôm 21/9. Ảnh: Reuters.
Tuy vậy, lo ngại về các rủi ro có thể xảy ra hậu bầu cử, nhóm chuyển giao quyền lực của ứng viên Dân chủ Joe Biden đang gấp rút chuẩn bị mọi kịch bản.
"Chúng tôi đang chuẩn bị cho quá trình chuyển giao quyền lực trong bối cảnh khủng hoảng y tế toàn cầu và nền kinh tế suy thoái", Ted Kaufman, cựu thượng nghị sĩ Delaware và là đồng chủ tịch nhóm chuyển giao của Biden, nói. "Đây là một quá trình khác hẳn mọi lần và đội ngũ được thành lập sẽ giúp ông Biden ứng phó với các thách thức khẩn cấp mà đất nước chúng tôi phải đối mặt trong ngày đầu tiên".
Một trong những nguy cơ được nhóm chuyển giao quyền lực của Biden quan tâm nhất là sự thiếu chắc chắn về kết quả bầu cử và nếu trong trường hợp Trump thua, liệu ông có chấp nhận bàn giao lại Nhà Trắng, hay sẽ để đất nước rơi vào khủng hoảng vì từ chối rời đi.
Lịch sử Mỹ từng chứng kiến những lần chuyển giao quyền lực trong căng thẳng, trong đó có lần George W. Bush tiếp quản Nhà Trắng sau tổng thống Bill Clinton. Nhân viên của tổng thống Bush khi đó phát hiện tất cả chữ W trên bàn phím máy tính ở Nhà Trắng đều biến mất.
Tuyên bố của Trump về việc không cam kết rời Nhà Trắng trong hòa bình càng khiến nhóm chuyển giao quyền lực của Biden thêm lo lắng. "Tôi nghĩ tất cả mọi người đều hy vọng rằng tinh thần của những lần chuyển giao quyền lực trước đây sẽ được duy trì", Mike Leavitt, cựu thống đốc Utah và từng là người đứng đầu nhóm chuyển giao quyền lực của Mitt Romney, ứng viên đảng Cộng hòa năm 2012, nói.
Để chuẩn bị tốt nhất cho các kịch bản, nhóm chuyển giao của Biden đã đặt mục tiêu gây quỹ khoảng 7-10 triệu USD, ngân sách nhiều hơn hẳn các nhóm chuyển giao quyền lực trong quá khứ, theo Politico. Nhóm cũng dự kiến xây dựng đội ngũ nhân viên lên tới 350 người cho tới thời điểm diễn ra lễ tuyên thệ nhậm chức nếu Biden thắng cử.
Nhóm đã tập hợp nhiều chính trị gia, của cả Dân chủ và Cộng hòa, cũng như những người từng góp mặt trong các nhóm chuyển giao trước đây, nhằm tăng cường sự đa dạng về tư tưởng và khả năng lãnh đạo.
Trong cuộc phỏng vấn hồi tháng 6, Biden cũng từng bày tỏ lo ngại về khả năng Trump "đánh cắp" cuộc bầu cử bằng cách gian lận. Để ngăn nguy cơ này, ông cho biết đảng Dân chủ sẽ bố trí người giám sát tại địa điểm bỏ phiếu của các bang. Ngoài ra, Biden cũng lạc quan cho rằng quân đội Mỹ sẽ can thiệp nếu Trump từ chối kết quả bầu cử.
"Tôi hoàn toàn tin tưởng rằng họ sẽ áp giải ông ấy khỏi Nhà Trắng với sự nhanh gọn tuyệt vời", Biden nói.
Mỹ kêu gọi quan chức cảnh giác Trung Quốc Ngoại trưởng Mỹ Pompeo kêu gọi quan chức địa phương cảnh giác với các nhà ngoại giao Trung Quốc vì lo ngại "gián điệp và gây ảnh hưởng". "Hãy biết rằng khi một nhà ngoại giao Trung Quốc tiếp cận bạn, điều đó có thể không phải vì tinh thần hợp tác hay hữu nghị", Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo nói trong sự...