Người Mỹ không bàn chuyện xe chính chủ
Làm thế nào mà một nước Mỹ có thể quản lý ngon lành tới hơn 250 triệu xe hơi và gần 8 triệu mô-tô cùng với việc có tới gần 37 triệu “vụ” sang tên đổi chủ trong vòng một năm?
Sang tên đơn giản đơn giản như đi chợ
Dũng, một anh bạn người Việt ở Mỹ gần 4 năm nay, vừa mới mua lại chiếc xe hơi bốn chỗ từ một người bản địa nhờ số tiền anh tích cóp từ đồng lương đi làm cho một tiệm giặt ủi. Một chiếc Acure đời 2005 máy 3.5 vẫn còn rất “nuột” (lời của Dũng) mà giá chỉ có 4 ngàn USD (chừng 80 triệu đồng).
Ước tính, trong năm 2010 này, ở Mỹ đã và sẽ có khoảng gần 40 triệu người mua xe hơi đã qua sử dụng giống như Dũng. Nếu so với con số khoảng 11,6 triệu (dự tính) xe hơi mới được bán ra trong năm nay 2012, tỷ lệ người mua xe cũ nhiều hơn gấp 3,45 lần. Con số này có thể làm thay đổi một điều không ít người vẫn tưởng tượng về một nước Mỹ, đó là dân Mỹ giàu có chỉ mua xe mới rồi sau vài năm họ sẽ vứt chúng ra những bãi rác rộng mênh mông mà người ta vẫn thấy trên phim ảnh.
Sự thực là ngay cả trong những năm tháng nền kinh tế Mỹ phát triển ổn định, tỷ lệ thất nghiệp chỉ vài ba phần trăm (so với hơn 9% trong năm 2011 và gần 8% cuối năm nay), vẫn có nhiều người Mỹ mua xe hơi cũ hơn là xe hơi mới. Họ cũng như anh bạn Dũng đã nói ở trên, tiết kiệm được một số tiền khá lớn để dành cho việc khác, đôi khi chỉ là để trả vài cái hóa đơn điện thoại hay lớn hơn nữa là tiền thuê nhà hàng tháng. Năm 1990, tỷ lệ người mua xe mới so với người mua xe cũ ở Mỹ cũng là 1/2,7.
Cảnh sát phạt xe vi phạm ở Mỹ
Nhưng chính quyền liên bang và các tiểu bang ở Mỹ không để cho sở thích mua xe cũ của người dân Mỹ trở thành mầm mống của một thảm họa về quản lý các phương tiện giao thông. Mấy chục triệu chiếc cũ mua bán qua lại nhưng có lẽ chẳng có chiếc xe nào mà chuyện sang tên đổi chủ của nó qua mặt được các cơ quan chức năng địa phương.
Ngay sau khi nhận số tiền 4.000USD, ông chủ cũ tháo ngay cái biển số xe để mang trả lại cho cơ quan quản lý xe cơ giới (DMW) của bang Virginia. Ông bảo, cái biển ấy không phải của xe, nó là của DMW. Dũng chỉ nhận được chiếc xe và phải đăng ký để có thể sử dụng. Một chiếc xe không biển số thì không thể lưu hành ở bất cứ đâu trên toàn nước Mỹ. Nhưng với tên của Dũng xuất hiện trên tờ giấy đăng ký ở mục người chủ sở hữu tiếp theo, thế cũng là đủ để anh đi đăng ký xe với tên của mình.
Dũng bảo, lần ấy anh mua xe vội vàng để cho kịp chuyến đi chơi biển Norkfold với bạn gái. Xe mua buổi sáng, chỉ đến trưa là anh đã hoàn tất xong thủ tục sang tên đổi chủ (vẫn còn đăng kiểm), gắn biển số và mua một hợp đồng bảo hiểm. Nhân viên của Sở DMV định giá chiếc xe của anh dựa trên đời sản xuất và đồng hồ công-tơ-mét, anh phải trả thêm chừng bảy tờ xanh (700USD) tiền thuế, phí lấy biển số. Rõ ràng là đơn giản và nhanh như thể bạn cần mua một giấy phép đi câu cá ở Mỹ.
Không đổi chủ là hại chủ
Video đang HOT
Vẫn là câu chuyện từ một người Việt sống và làm việc ở Mỹ. Nhưng những thói quen lâu ngày chưa bỏ nên Tuấn bán xe cho một người bạn mà chỉ cầm tiền, giao xe và giấy đăng ký chứ chưa gỡ biển. Và hậu quả đến ngay tức thì.
Người bạn của Tuấn phóng xe quá tốc độc và vượt đèn đỏ bị chiếc camera gắn ở ngã tư ngay gần Nhà Trắng chộp được. Một vé phạt từ cảnh sát với tấm hình lưu lại rõ mồn một. Bằng chứng ấy là không thể cãi.
Nhờ quản lý chính chủ, cảnh sát ở Mỹ tác nghiệp rất dễ dàng
Dĩ nhiên, Tuấn đưa vé phạt ấy cho bạn anh nộp (có thế qua Internet, hoặc đọc số thẻ tín dụng). Nhưng tai hại là trong hồ sơ lái xe vốn rất “sạch” của Tuấn từ đó có vết. Chưa hết, tháng sau, khi đi mua xe mới, tiền phí bảo hiểm cho xe của Tuấn tăng thêm hai chục USD kèm với lời giải thích là “mày vi phạm luật giao thông nghiêm trọng nên rủi ro sẽ cao”.
Tuấn kết luận ngắn gọn là Mỹ chứ không phải Việt Nam, bán xe thì phải sang tên đổi chủ ngay, dù cho đó là ai.
Số tiền hơn hai trăm USD bạn của Tuấn nộp sau vụ bị camera chụp hình lái xe vi phạm luật ấy là một phần rất nhỏ trong số gần 180 triệu USD mà chính quyền Thủ đô Washington thu được từ các vụ vi phạm luật giao thông trong năm tài khóa 2012, nhiều hơn tới 32% so với năm 2012. Điều đáng kể là chính quyền Thủ đô Whashington thu về nhiều hơn 56 triệu USD trong năm 2012 chỉ đơn giản là nhờ họ gắn 47 chiếc camera chuyên bắn tốc độ và 46 chiếc khác chỉ để bắt lỗi vượt đèn đỏ.
Kỷ lục ở nội đô được công bố là 2 chiếc camera trên đại lộ New York (nằm ở trung tâm thủ đô) chỉ trong vòng 12 tháng đã chộp được tới hơn 60 ngàn vụ vi phạm và buộc các lái xe phải nộp một khoản tiền lên tới 6,2 triệu USD. Nhưng nó vẫn còn kém xa một kỷ lục mà 2 chiếc camera gắn ở ngoại ô thủ đô lập nên trong 11 tháng gần đây là 161.399 vụ với gần 16 triệu USD tiền phạt.
Không có một con số thống kê cụ thể, nhưng có thể tin rằng các cơ quan chức năng của Thủ đô Whashington hay ở bất cứ thành phố nào của nước Mỹ đều thu đủ 100% số vụ vu phạm luật giao thông bị bắt quả tang và có hình ảnh của camera ghi lại, dù vé phạt chỉ được gửi qua đường bưu điện.
Khi các phương tiện giao thông sau mua bán đều được sang tên thì việc tìm chủ nhân của những chiếc xe vi phạm không còn là vấn đề lớn, và việc truy đòi số tiền phạt ấy cũng chỉ là chuyện rất nhỏ.
Nếu ai đó không chịu nộp phạt, mà lại không kháng cáo thành công trước tòa, vé phạt ấy sẽ gắn liền với họ suốt cuộc đời, và số tiền cứ thế tăng lên theo cấp số cộng, thậm chí số nhân. Và nó sẽ ảnh hưởng mãi mãi tới tất cả những công việc về sau của họ, từ việc mở một tài khoản ngân hàng cho tới nộp đơn xin việc làm chứ chưa nói tới chuyện đăng ký xe mới hay đổi bằng lái.
Theo 24h
Chính chủ là ai, chính chủ là ta...
Thật là phiền toái, khi bạn phải đi xe không chính chủ và vì thế, bạn cảm thấy hơi bực bội hoặc ghen tị với cái gã đứng tên chính chủ trên giấy tờ xe mình. Vì cái tên gã đó mà bạn sẽ phải bỏ ra cỡ vài trăm ngàn đến dăm bảy chục triệu, kèm theo một chuỗi các thủ tục hành chính rắc rối khác để được thay thế hắn trong ngôi "chính chủ".
Thế nhưng, bạn có bao giờ tự hỏi, có thể ở đâu đó, một người đi xe không chính chủ khác cũng đang bực mình vì cái tên của bạn cũng chình ình trên giấy tờ xe của người đó. Bạn đã đứng tên bao nhiêu cái xe, và giờ nó đang ở đâu, liệu có một mối liên hệ gì giữ nó với bạn không?
Người xưa có câu "Khuyển mã tri tình". Con chó mình nuôi, con ngựa mình cưỡi, qua bao nhiêu lần đổi chủ, những nếu vô tình gặp lại, rất có thể chúng vẫn nhận ra chủ cũ, và rỏ nước mắt trước cố nhân.
Người hiện đại không cưỡi ngựa nữa, mà cưỡi xe. Sau vài lần đổi xe, theo chiều hướng đi lên (tức lên đời xe), tôi nghiệm ra rằng, khi mình cưỡi xe thì ân cần với nó, nhưng khi đổi xe rồi thì quên phắt nó đi ngay. Có mới nới cũ mà. Nếu bạn có nhu cầu mua xe cũ, thì hời nhất là tìm được anh nào có xe cũ muốn bán để lên đời xe mới, và anh ta đã tìm được cái xe mới ưng ý rồi. Lúc đó, tâm lý của anh ta là chỉ muốn bán tống bán táng cái xe cũ đi cho khuất mắt.
Tôi nhớ hồi anh trai tôi, đi cái xe Cub 79 suốt 4 năm liền, từ năm 1995 (thời kỳ rộ lên xe bãi của Nhật nhập về) đến năm 1999. Quãng thời gian đó, anh giữ cái xe như vàng, đến tôi mượn đi đón bạn gái một tí cũng khó. Nhưng đến khi anh gom đủ tiền, sang nhà bạn chơi, trông thấy con DD đỏ đẹp long lanh của anh bạn đang cần bán, anh thậm chí vứt ngay con Cub 79 về, mà vứt trong ví ra cái Giấy đăng ký xe, sai tôi đi lấy, rồi bảo "gán" nợ luôn cho mày (anh vay tôi số tiền chỉ bằng 2/3 giá trị của chiếc xe). Tất nhiên, vì là anh em ruột, nên giấy tờ chẳng phải sang tên đổi chủ, mà nếu có phải thì lúc đó làm gì đã có Nghị định 71 đâu mà... sợ.
Cũng như anh trai tôi sau con Cub 79, chúng tôi đã thay rất nhiều đời xe. Nếu tình cờ gợi lại con Cub 79, có lẽ rất lâu anh tôi mới có thể nhớ ra, giống như nhớ ra một chuyện từ... kiếp trước (thì mỗi lần lên đời xe, khác gì đổi đời đâu). Giữa chúng tôi với con Cub 79, chẳng còn bất cứ mối liên hệ gì với nhau. Cho đến lúc này, nhân cơn sốt xe chính chủ, có lẽ ở đâu đó, chẳng biết ở nông thôn, thành thị hay miền núi cao, một người buôn gà hay buôn chó nào đó, mới tình cờ giở cái đăng ký xe và lẩm nhẩm đọc tên của anh trai tôi trên giấy đăng ký. Người đó chắc sẽ phải thở dài đánh sượt mấy cái.
Nhân nói đến xe chính chủ, tôi lại nhớ đến chiếc xe đầu tiên mang tên mình, đó là một con Viva liên doanh, mua ở cửa hàng xe Toàn Thắng trên phố Nguyễn Lương Bằng cách đây đã... thập kỷ rưỡi rồi. Tôi có một ông anh họ bị thương tật ở quê nhà, rất chăm chỉ ghi "lịch sử" của dòng họ. Lần đó, anh hớn hở thông báo: Tao đã ghi vào lịch sử dòng họ rằng mày là người đầu tiên của dòng họ mua xe máy mới, đăng ký tên mình.
Ôi chao, anh ghi thật. Ghi vào cuốn sổ của mình với biết bao nhiêu "sự kiện" khác của dòng họ, từ ngày người bọn người kia lấy vợ, gả chồng, sinh con, xây nhà mới... đến chuyện người đầu tiên trong họ được đi... máy bay. Với dòng họ tôi trong quãng thời gian đó, sắm được một chiếc xe Nhật "xịn" đập hộp mang tên mình đúng là một "sự kiện" chưa từng có.
Sau 15 năm, chiếc xe Viva ấy vẫn giữ được "gia phả" khi nhượng lại cho ông bạn bố tôi ở đầu làng. Tôi nghĩ giữa mình với cái xe Viva còn nhiều duyên nợ, chứng cớ là hãn hữu mới về làng, nhưng tôi vẫn thường xuyên bắt gặp chiếc xe Viva đó để ở sân nhà ông, nước sơn vẫn long lanh như hồi tôi đi đăng ký... Rất có thể, tối nay, hay tối mai, tôi sẽ nhận được một cú điện thoại của ông để nhờ... ký giấy sang tên đổi chủ. Tôi luôn sẵn sàng.
Thực ra tôi sẵn sàng còn có một ý khác. Cách đây khoảng nửa năm, về quê, tôi tình cờ biết đứa con trai lêu lổng của ông thường lấy con xe Viva ấy đi tụ tập. Tôi gặp nó một vài lần, đầu cắt cua, xăm trổ đầy người, phóng xe bốc đầu đi như ăn cướp. Máy con xe Viva tôi mua khỏe thật!
Một ngày nào đó, rất có thể sẽ có một cuộc gọi đến số máy của tôi, vào giữa đêm, không phải là bố nó muốn nhờ tôi sang tên đổi chủ cho chiếc xe, mà có thể là... các chú công an. Tôi thoáng lo. Chiếc xe Viva do nó điều khiển có thể gây ra một chuyện gì đó dính dáng đến pháp luật, và người ta có thể không biết nó là ai, nhưng người ta đọc được biển kiểm soát xe đó. Và từ biển kiểm soát, đương nhiên họ sẽ liên hệ với tôi.. Biết đâu đấy. Cầu trời cho chuyện rắc rối đó đừng xảy ra...
Thế nhưng, nếu có một chuyện gì đó, rất có thể là tôi sẽ phải đến để chứng minh là tôi đã bán nó đi rồi, và giữa tôi và - người mang tên chính chủ chiếc xe - với người sử dụng nó hoàn toàn không có mối liên hệ nào nữa, từ nhiều năm rồi.
Viết đến đây tôi lại nhớ chuyện "Tôi bị mất tay" của một nhà văn Ấn Độ. Chứng minh rằng mình vốn có một cái tay và cái tay đó bỗng dưng bị biến mất cũng khó khăn vô cùng, không thể đùa được. Huống chi là chứng minh "chứng cớ ngoại phạm" của mình liên quan đến chiếc xe máy, không hề thân thiết như cái tay, nhỡ người ta không tin thì sao?
Thưa các bạn, chính chủ là ai? Chính chủ cũng là các bạn thôi, kể cả những người đang đi xe chính chủ hay không chính chủ. Ta không chính chủ ở chiếc xe này thì lại là chính chủ ở chiếc khác...
Nhiều người lo lắng khi chiếc xe mình đang đi không phải là xe chính chủ (Ảnh minh họa)
Có thể quy định phạt xe không chính chủ sẽ bị tạm hoãn lại, hoặc được áp dụng một cách chính xác hơn, hay thậm chí có thể bị đưa ra khỏi Nghị định 71 như một số ý kiến đề xuất. Nhưng nếu bạn vẫn là chính chủ của một chiếc xe mà bạn đã bán/tặng rồi, thì rất có thể một ngày nào đó phiền toái sẽ xảy ra với bạn vì chiếc xe đó.
Vì thế trách nhiệm sang tên đổi chủ không chỉ là của người mua, mà cả người bán nữa. Hãy thông báo với cơ quan chức năng ngay khi bạn đã bán xe và hãy giúp đỡ người mua xe của bạn được sang tên đổi chủ, làm như thế không chỉ đẻ giúp các cơ quan chức năng dễ bề kiểm soát phương tiện giao thông, mà còn vì chính bạn: Bạn trao được cái gánh nặng "chính chủ" của mình cho họ, kể từ giờ phút đó.
Thiết nghĩ, cho dù việc sang tên đổi chủ hoàn toàn là trách nhiệm dân sự, tức là CSGT không có quyền kiểm tra xem xe có chính chủ hay không, thì các cơ quan chức năng cũng cần ràng buộc nhiều hơn nữa trách nhiệm của người bán xe. Nếu người bán xe không thông báo với cơ quan chức năng, không thực hiện "nghĩa vụ" sang tên đổi chủ, thì khi xảy ra bấ kỳ chuyện gì liên quan đến chiếc xe, thì chính chủ của chiếc xe cũng phải có nghĩa vụ đến để giải quyết. Cho dù chỉ là đến để chứng minh, mình đã... bán xe rồi. Khi buộc được trách nhiệm đó, thì có lẽ, bất kỳ người bán nào cũng sẽ muốn rũ bỏ trách nhiệm bằng cách bắt người mua phải sang tên đổi chủ ngay.
Theo 24h
Chính chủ bên ta, chính chủ bên tây Đã là xe thì phải có chủ, có đăng ký đàng hoàng Phàm đã là người thì ai cũng phải làm chủ cái gì đó, một giấc mơ của bất kỳ ai sống trên hành tinh này, từ già đến trẻ, người giàu, người nghèo. Thế nhưng chuyện mua bán xe máy ở ta thủ tục quá rườm rà. Dân ngại thủ tục,...