Người Mỹ gốc Á đổ xô đi mua súng giữa dịch bệnh bùng phát
Làn sóng bài ngoại tại Mỹ ngày càng lớn hơn khi nước này phát hiện thêm nhiều ca nhiễm mới. Nhiều người Mỹ gốc Á phải trang bị vũ khí để không trở thành nạn nhân của làn sóng này.
Trong bối cảnh dịch Covid-19 đang lan rộng trên toàn nước Mỹ, những người dân Mỹ hoảng loạn không chỉ tích trữ giấy vệ sinh và nhu yếu phẩm, họ còn trữ cả súng.
Theo South China Morning Post, doanh số các cửa hàng bán vũ khí và đạn dược trên khắp nước Mỹ đã tăng trong tháng vừa qua. Nhà bán lẻ đạn dược ammo.com có mức tăng doanh số 276% vào ngày 10/3 khi số ca dương tính mới được xác nhận tăng lên ở Mỹ.
Ở California và Washington, hai bang có số ca nhiễm ban đầu nhiều nhất, nhiều người Mỹ gốc Á lần đầu mua súng vì lo sợ cho sự an toàn của họ. Việc virus Covid-19 lần đầu được phát hiện tại Vũ Hán, Trung Quốc đã dẫn đến sự gia tăng của thái độ bài ngoại.
Lo sợ trở thành nạn nhân tiếp theo
Nhiều cuộc tấn công nhắm vào người châu Á đã diễn ra ở Los Angeles, San Francisco, New York và các thành phố trên thế giới kể từ khi đại dịch bắt đầu. Những kẻ tấn công thường nhắc đến virus corona. Ngày 19/3, một tổ chức của người Mỹ gốc Á có trụ sở tại California gần đây đã đưa ra một trang web để mọi người báo cáo các tội ác vì thù ghét có liên quan đến virus. Trong vòng 24 giờ, đã có hơn 40 vụ việc được báo cáo.
Hạt Los Angeles là nơi cư trú của 1,5 triệu người Mỹ gốc Á, nhiều hơn bất kỳ hạt nào tại Mỹ. Tại cửa hàng súng Arcadia Firearm & Safety ở San Gabriel Valley, chủ cửa hàng David Liu vô cùng mệt mỏi. Cửa hàng của ông rất đông khách. Ông hầu như không có thời gian để ăn hoặc ngủ. Tình trạng như vậy đã diễn ra trong nhiều tuần.
“Tôi chỉ có một cửa hàng nhỏ. Vậy mà khách của tôi đợi gần 2 giờ để vào mua hàng. Tôi mở cửa lúc 11 giờ sáng nhưng họ đã xuất hiện lúc 9 giờ sáng”, ông Liu nói. “Với một số cửa hàng súng lớn, phải chờ 4 đến 6 giờ. Và có thể khi bạn vào được thì không có gì để mua”.
Người gốc Á chiếm 17% dân số California, tức 6,9 triệu người, và 8,3% dân số Washington, khoảng 607.000 người. Tuần trước, California đã ra lệnh cho cư dân ở nhà và các doanh nghiệp không thiết yếu phải đóng cửa.
Một người mua súng tại cửa hàng ở North Carolina. Ảnh: New York Times.
Ông Liu, 54 tuổi, là người sinh ra ở Đài Loan, sống ở Hong Kong và chuyển đến Mỹ khi ông 15 tuổi. Ông cho biết khách hàng của ông chủ yếu là người châu Á và doanh số của ông đạt trung bình 10.000 USD một ngày trong những tuần gần đây. Con số này cao hơn nhiều tháng trong nửa cuối năm 2019. Ông nói doanh số bắt đầu tăng khoảng 5 tuần trước, khi thông tin về dịch bệnh tăng lên.
“Trước đây, doanh số của tôi chủ yếu đến từ những người nhập cư Trung Quốc”, ông Liu nói với South China Morning Post. “Một tuần trước, ông Trump tuyên bố tình trạng khẩn cấp. Điều đó làm mọi người bị sốc”.
Ông Liu ước tính 80-90% khách hàng của ông hiện là những người mua súng lần đầu và ngày càng có nhiều người Mỹ gốc Việt, Philippines và Nhật Bản mua súng.
Khi tin về dịch ở Trung Quốc lan ra, khách hàng của ông Liu “lo mình trở thành mục tiêu bởi vì họ là người Châu Á”, ông Liu nói.
Ông Liu nói rằng khách hàng của ông đọc tin tức về các cuộc tấn công bài ngoại ở một số thành phố ở Mỹ. “Họ đến mua súng vì họ sợ sẽ trở thành nạn nhân tiếp theo”, ông Liu nói thêm.
Phải tự bảo vệ mình
Ông Liu cũng cho rằng người Mỹ gốc Á lo về các vụ cướp, đặc biệt là sau khi hạt Los Angeles thả hơn 600 tù nhân để giảm nguy cơ dịch bùng phát ở nhà tù.
Ông Liu đã chứng kiến các cuộc bạo loạn ở Los Angeles năm 1992. Các cuộc bạo loạn này bùng phát vì các sĩ quan cảnh sát đánh đập tàn bạo người Mỹ gốc Phi Rodney King được tha bổng.
Trong cuộc bạo loạn, các cộng đồng người Mỹ gốc Á như cộng đồng ở khu phố Hàn Quốc phải tự bảo vệ mình. Trong 3 ngày đầu tiên của cuộc bạo loạn, cảnh sát không đến khu phố Hàn Quốc và người dân phải đánh đuổi những kẻ cướp bóc bằng súng và gậy bóng chày. Khi cuộc bạo loạn kéo dài một tuần kết thúc, các doanh nghiệp Mỹ gốc Hàn bị thiệt hại nửa tỷ USD.
Ông Liu lo sợ điều đó có thể xảy ra lần nữa.
“Tất cả họ đều không có việc làm. Những người hết lương thực và tiền sẽ làm gì? Điều này rất đáng sợ”, ông nói.
Người đàn ông 54 tuổi này đã dạy ba cô con gái từ 20 đến 28 tuổi của ông bắn súng “ngay khi chúng sẵn sàng học” và bảo họ để một khẩu súng có đạn gần nơi họ ngủ.
Doanh thu của nhiều cửa hàng súng đạn đã tăng lên trong khi dịch lan rộng tại Mỹ. Ảnh: New York Times.
Bà Ruby Kim, một nhà tư vấn doanh nghiệp người Mỹ gốc Hàn 48 tuổi, đã cân nhắc mua khẩu súng đầu tiên trong một thời gian “để bảo vệ bản thân và những thứ như động đất”. Và bây giờ có thêm virus corona.
“Khủng hoảng sẽ cho thấy mặt tốt nhất hoặc tệ nhất của con người. Và bạn không biết mặt nào sẽ xuất hiện. Vì vậy, bạn muốn sẵn sàng cho mọi tình huống”, bà Kim nói.
Ông David Chan, 41 tuổi, là một chủ doanh nghiệp nhỏ. Ông đã mua một khẩu súng ngắn hơn 10 năm trước nhưng hầu như không chạm vào nó. Tuy nhiên, khi virus Covid-19 lan rộng, ông quyết định lấy nó ra và tích trữ đạn dược. Tuy nhiên, điều này gần như không thể do cửa hàng không còn đạn và nhà nước làm mất đăng ký sử dụng súng của ông.
“Cửa hàng súng nói với tôi rất nhiều người đã đến đó”, ông Chan nói. “Nhà nước thậm chí còn không biết tôi có súng nữa, điều này khiến tôi không yên tâm lắm với tư cách là công dân California”.
Ông Chan cũng lo ngại về khả năng quản lý khủng hoảng của chính phủ.
“Họ đã gây ra nhiều hoảng loạn và nền kinh tế thực sự đi xuống rất nhanh”, ông Chan nói. “Điều này đang làm tổn thương rất nhiều người, đặc biệt là những phải dùng hết những gì họ kiếm được. Họ có thể không quay lại làm việc sớm được và điều đó có thể đẩy đất nước rơi vào khủng hoảng”.
“Và có lẽ tôi thận trọng là vì tôi đã trải qua các cuộc bạo loạn ở Los Angeles. Tuy nhiên, tôi hy vọng điều đó không xảy ra và tôi đã lãng phí tiền để mua tất cả số đạn này”, ông nói với South China Morning Post.
TT Putin đeo mặt nạ phòng độc đến thăm bệnh viện trị Covid-19
Tổng thống Nga Vladimir Putin đến một bệnh viện tại khu vực Kommunarka ở Moscow. Đây là nơi các bệnh nhân nhiễm covid-19 đang được điều trị.
Nguyên nhân sâu xa khiến người Mỹ và phương Tây không chịu đeo khẩu trang
Cheryl Man, một du học sinh 20 tuổi gốc Trung Quốc đang sống tại TP New York - Mỹ, vẫn thường nhận lấy những ánh nhìn chằm chằm trên tàu điện ngầm vì đeo khẩu trang.
Vào sáng 10-3, cô còn bị một nhóm thiếu niên chế nhạo và ho về phía mình. "Tôi cảm thấy bị xúc phạm và bị hiểu lầm" - nữ sinh viên kiêm trợ lý nghiên cứu kể. Cô Man còn nhận thấy sự kỳ thị ở văn phòng khi đeo khẩu trang. Không đồng nghiệp nào của cô làm điều này và một số người còn hỏi cô rằng cô có bị ốm không.
"Tại sao họ lại nghĩ rằng tôi đeo khẩu trang là vì bản thân mình nhỉ? Đây là nghĩa vụ với cộng đồng. Nếu lỡ tôi bị nhiễm virus thì việc đeo khẩu trang có thế cứu được rất nhiều người" - cô Man chia sẻ.
Đây là lời khuyên của các chuyên gia sức khỏe ở Hồng Kông, nơi cô Man sinh ra và lớn lên, và cô tin điều này. Gần như tất cả cư dân ở Hồng Kông đều đeo khẩu trang từ khi có thông tin về loại virus bí hiểm đang lây lan ở TP Vũ Hán - Trung Quốc. Chính quyền Hồng Kông và các chuyên gia sức khỏe hàng đầu ở đây còn khuyến khích đeo khẩu trang để hạn chế virus SARS-CoV-2 lan rộng.
Tại Mỹ, đeo khẩu trang là hành động có thể bị kỳ thị. Ảnh: Malay Mail
Khi nỗi lo sợ về dịch Covid-19 tăng cao, người dân Hồng Kông đã xếp hàng qua đêm để mua khẩu trang. Trong khi đó, Hàn Quốc, Singapore và Nhật Bản còn phát khẩu trang cho người dân. Thậm chí Đài Loan và Thái Lan phải cấm xuất khẩu khẩu trang để đáp ứng nhu cầu tăng vọt trong nước.
Thế nhưng, việc đeo khẩu trang khi hoàn toàn khỏe mạnh lại không được khuyến khích, thậm chí trở thành hành động không được xã hội chấp nhận ở Mỹ. Chính phủ Mỹ còn thông báo chỉ những người đang bệnh, hoặc nhân viên y tế, mới nên đeo khẩu trang theo khuyến nghị của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).
Ông Jerome Adams, Tổng y sĩ Mỹ, từng khuyến cáo trên Twitter: "Mọi người, ngừng mua khẩu trang đi! Nó không hiệu quả trong việc phòng ngừa cộng đồng nhiễm virus nhưng nếu các nhân viên y tế không có khẩu trang để chăm sóc người bệnh, họ và chúng ta sẽ gặp nguy hiểm".
Tuy nhiên, ông David Hui, một chuyên gia về hô hấp tại trường ĐH Hồng Kông, người đã nghiên cứu về Hội chứng hô hấp cấp tính nặng (SARS) năm 2003, nói việc đeo khẩu trang sẽ giúp chống lại các bệnh truyền nhiễm như Covid-19. "Khẩu trang giống như một rào cản ngăn các giọt bắn vốn là cách lây lan chủ yếu của virus" - trích lời ông Hui.
Ảnh: Stephanie Keith
Ngoài ra, vai trò của khẩu trang có thể đặc biệt quan trọng trong dịch bệnh lần này vì tính chất của virus SAS-CoV-2. Các bệnh nhân nhiễm Covid-19 thường có triệu chứng nhẹ hoặc không có triệu chứng. Một số nhà nghiên cứu tin rằng virus có thể lây lan khi bệnh nhân còn đang ủ bệnh.
Ông Hui bổ sung rằng việc thiếu các bằng chứng vững chắc về sự hiệu quả của khẩu trang trong việc chống virus không phải là lý do để không sử dụng chúng vì có thể sẽ không bao giờ có bằng chứng khoa học cụ thể.
Việc tiến hành nghiên cứu là điều bất khả thi về mặt đạo đức. "Chúng ta không thể chia ngẫu nhiên 2 nhóm người đeo khẩu trang và không đeo rồi cho họ tiếp xúc với virus được" - ông giải thích. Ngoài ra, việc đeo khẩu trang không chỉ bảo vệ người đeo khỏi bị lây nhiễm mà còn giảm thiểu khả năng lây bệnh cho người khác.
Nhưng ngay cả trước khi dịch Covid-19 bùng phát, đeo khẩu trang đã là một hành động phổ biến ở Đông Á. Người bệnh thường hay che mặt khi ra đường để bảo vệ những người xung quanh họ. Những người khác thì đeo khẩu trang trong các mùa lạnh hoặc mùa cúm để tự bảo vệ bản thân.
Trả lời phỏng vấn tạp chí TIME, ông Ria Sinha, một nhà nghiên cứu cấp cao tại Trung tâm Nhân văn và Y học thuộc trường ĐH Hồng Kông, cho biết: "Sự khác biệt về nhận thức trong việc đeo khẩu trang bắt nguồn một phần từ các chuẩn mực văn hóa trong việc che mặt. Trong các tương tác xã hội ở phương Tây, bạn cần phải thể hiện danh tính và giao tiếp bằng mắt. Các biểu cảm trên khuôn mặt là rất quan trọng".
Bảo Hạnh
Chú chó thứ hai nhiễm Covid-19 Chú chó thứ hai được xét nghiệm dương tính với virus Covid-19 ở Hong Kong, vài ngày sau khi chú chó nhiễm bệnh đầu tiên tử vong. Một chú chó chăn cừu Đức sống tại khu Pok Fu Lam ở Hong Kong, Trung Quốc đã được đưa đi cách ly cùng với một chú chó khác ở cùng nhà, sau khi chú bị...