Người Mỹ đổ xô tới Triều Tiên trước thời hạn cấm vận
Trước khi lệnh cấm tới Triều Tiên có hiệu lực từ ngày 1/9, nhiều người Mỹ đã bất chấp cảnh báo của giới chức nước này để thực hiện các chuyến du lịch tới một trong những bí ẩn nhất thế giới.
Công dân Mỹ bị cấm tới Triều Tiên kể từ ngày 1/9. (Ảnh minh họa: AFP)
Chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump hồi tháng trước đã ra quyết định cấm công dân tới Triều Tiên kể từ ngày 1/9 sau hàng loạt vụ thử tên lửa của Triều Tiên cũng như việc một nam sinh Mỹ tử vong sau khi bị bắt giữ tại đây.
Chỉ một số trường hợp được xét ngoại lệ như phóng viên tới Triều Tiên làm phóng sự hay một số trường hợp đặc biệt khác.
Tuy nhiên, lệnh cấm này càng thôi thúc nhiều công dân Mỹ tới Triều Tiên trước thời hạn cấm vận.
Nicholas Burkhead, một công dân tại bang Virginia, chia sẻ: “Lệnh cấm sắp có hiệu lực khiến tôi có ý nghĩ (đến Triều Tiên) bây giờ hoặc không bao giờ”. Anh cũng chỉ trích lệnh cấm vận này bởi vì quyết định chóng vánh khiến anh không có nhiều thời gian để tìm hiểu thêm về Triều Tiên.
Đối với Burkhead và những người như anh, nguy cơ bị bắt giữ và lĩnh án tù ở Triều Tiên không quá đáng lo ngại và Triều Tiên sẽ không phát động một cuộc chiến tranh hạt nhân.
Bất chấp căng thẳng gần đây giữa Mỹ và Triều Tiên, du khách Mỹ tiếp tục tới Triều Tiên. Chuyến bay gần đây nhất cũng chỉ ít khách hơn một chút so với thông thường.
Theo CNN, có 8 người Mỹ trên chuyến bay được cho là một trong những chuyến bay cuối cùng giúp người Mỹ mang thị thực du lịch tới Triều Tiên.
“Thật đáng tiếc cho bất cứ ai tò mò muốn tới Triều Tiên, nhưng cũng thật đáng tiếc cho người Triều Tiên, những người có thể muốn biết khách du lịch Mỹ thực sự thế nào”, ông Simon Cockerell, Tổng giám đốc hãng Koryo Tours có trụ sở ở Bắc Kinh, chuyên cung cấp tour cho khách du lịch đến thăm Triều Tiê, nói. Ông Cockerell cho biết, đây là chuyến bay thứ 165 của ông tới Triều Tiên.
Video đang HOT
Ali Karim, một công dân ở Washington D.C cho biết, anh đã phải đẩy kế hoạch du lịch Triều Tiên sớm hơn để tránh lệnh cấm.
Ước tính mỗi năm có khoảng vài trăm du khách Mỹ tới Triều Tiên. Triều Tiên dường như vẫn có sức lôi cuốn với những người Mỹ tò mò muốn khám phá quốc gia bí ẩn nhất thế giới này bất chấp sự việc nam sinh Mỹ Otto Warmbier, 22 tuổi, tử vong sau chuyến du lịch định mệnh tới đây.
Otto bị giới chức Triều Tiên bắt giữ đầu năm ngoái với cáo buộc chống phá nhà nước Triều Tiên. Sau hơn 1 năm bị bắt giữ, nam sinh này bất ngờ được Triều Tiên phóng thích về nước trong tình trạng hôn mê. Tuy nhiên, Otto đã tử vong chỉ vài ngày sau khi được phóng thích.
Minh Phương
Tổng hợp
Theo Dantri
Đối thoại bí mật Mỹ - Triều Tiên
Những cuộc đối thoại hành lang được kỳ vọng có thể hóa giải căng thẳng giữa Mỹ và Triều Tiên song cơ hội không thực sự nhiều.
Tổng thống Mỹ Donald Trump từng cảnh báo sẽ trút "hỏa lực và thịnh nộ chưa từng thấy" lên Triều Tiên. Ảnh: AP.
Mỹ trong quá khứ từng sử dụng những kênh ngoại giao hành lang để đạt được các thỏa thuận với Triều Tiên, ví dụ như thuyết phục Bình Nhưỡng trao trả công dân Mỹ. Tuy nhiên, hầu hết các chuyên gia hiện đều hoài nghi về khả năng Triều Tiên sẵn sàng ngồi vào bàn thảo luận nghiêm túc về phi hạt nhân hóa, theo CNBC.
"Mỹ và Triều Tiên đã có những kênh trao đổi ngoài hành lang và tôi nghĩ chúng vẫn tiếp tục", Andrew Scobell, nhà khoa học chính trị tại viện nghiên cứu Rand ở Washington, cho hay. "Chắc chắn, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson từng ngụ ý rằng các hoạt động ngoại giao hậu trường vẫn tiếp diễn. Nó đang diễn ra. Chúng ta chỉ cần chờ và xem kết quả thế nào".
AP tuần trước đưa tin các cuộc đối thoại bí mật giữa Mỹ và Triều Tiên vẫn được duy trì suốt vài tháng qua, trong đó bao gồm những cuộc trao đổi dẫn đến việc Bình Nhưỡng trao trả sinh viên Mỹ Otto Warmbier hồi tháng 6. Warmbier đã tử vong sau khi Triều Tiên thả anh ngày 13/6 trong trạng thái hôn mê. Anh bị bắt vào tháng 1/2016 và bị tòa án tối cao Triều Tiên kết án 15 năm tù khổ sai vì lấy trộm biểu ngữ tuyên truyền trong khách sạn ở Bình Nhưỡng.
"Các kênh hành lang là công cụ hữu hiệu để truyền thông điệp qua lại giữa hai bên nhưng chúng khó phát huy hiệu quả trong việc thiết lập tiền đề cho thương lượng hay giải quyết vấn đề", James Carafano, phó chủ tịch ban nghiên cứu chính sách ngoại giao và quốc phòng tại trường Heritage Institute, đánh giá.
Những cuộc đối thoại hành lang hiện nay chủ yếu được thực hiện thông qua cái gọi là kênh New York ở Liên Hợp Quốc. Joseph Yun, đặc phái viên Mỹ về chính sách Triều Tiên, và ông Choe Son Hui, lãnh đạo văn phòng Bắc Mỹ thuộc Bộ Ngoại giao Triều Tiên, là hai tiếng nói chủ chốt.
Chính những cuộc gặp không chính thức này đã giúp Mỹ biết về tình trạng của sinh viên Warmbier cách đây hơn hai tháng và dẫn tới việc Ngoại trưởng Tillerson đồng ý để ông Joseph Yun tới Bình Nhưỡng thương thảo điều kiện trao trả tự do cho Warmbier.
"Kể từ đó, tôi được tin rằng 'kênh New York' đã hồi sinh và họ bắt đầu liên lạc định kỳ", Robert Einhorn, cựu quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ, cho biết. Ông Einhorn từng tham gia các cuộc đối thoại hành lang giữa Mỹ và Triều Tiên ở Oslo, Na Uy.
Theo Einhorn, kênh New York bị gián đoạn khoảng một năm trước khi chính quyền tổng thống Mỹ Barack Obama áp đặt các biện pháp trừng phạt lên Triều Tiên với cáo buộc Bình Nhưỡng vi phạm nhân quyền, đồng thời coi lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un là một mục tiêu trừng phạt.
"Phía Triều Tiên phản ứng bằng cách cắt đứt kênh New York. Điều đó đồng nghĩa Triều Tiên và Mỹ không có bất kỳ mối liên lạc chính thức nào", ông Einhorn nói. "Song những liên lạc này được thiết lập lại vào mùa xuân vừa qua ở Oslo".
Cơ hội hiếm hoi
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un ký lệnh phóng thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa hồi đầu tháng trước. Ảnh: KCNA.
Thế giới mong muốn Triều Tiên giảm tốc thực hiện các vụ thử nghiệm tên lửa đạn đạo và cởi mở hơn trong việc nối lại đối thoại, tạo tiền đề từng bước hiện thực mục tiêu phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên. Nhưng khả năng trên vẫn rất mơ hồ, bất chấp việc Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in không ngừng thể hiện thiện chí với Bình Nhưỡng.
Cùng lúc, Ngoại trưởng Mỹ Tillerson cũng nhiều lần nêu rõ ràng rằng nếu điều kiện phù hợp, Washington sẵn sàng mở kênh đối thoại chính thức với Bình Nhưỡng để thảo luận về vấn đề phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên.
Nhưng chỉ vài ngày sau tuyên bố trên, lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đe dọa tấn công tên lửa nhằm vào đảo Guam của Mỹ ở Thái Bình Dương.
"Mỹ đã nhận thấy Triều Tiên không hề muốn những cuộc đối thoại như vậy", ông Einhorn nhận xét. "Chúng chỉ có thể bắt đầu nếu Triều Tiên cho thấy chút thiện chí".
Thực tế, hôm 15/8, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Heather Nauert nói với các phóng viên rằng Mỹ "sẵn sàng ngồi xuống và nói chuyện" với Triều Tiên nhưng "nó không thể diễn ra trong một sớm một chiều". Bà đồng thời nhấn mạnh hai bên cần đạt được "một số bước quan trọng" trước khi tiến đến mốc này.
Giới chuyên gia nhận định việc nôn nóng nối lại thương lượng với Triều Tiên là không khôn ngoan và có thể dẫn tới những hệ quả xấu bởi Triều Tiên vẫn tiếp tục đe dọa Mỹ cũng như các đồng minh châu Á. Mặt khác, không có dấu hiệu nào về việc Bình Nhưỡng sẵn sàng tử bỏ thử nghiệm tên lửa đạn đạo. Nhiều người còn cho rằng Triều Tiên chuẩn bị tiến hành vụ thử hạt nhân lần thứ 6.
"Triều Tiên không ngần ngại thể hiện rõ quan điểm không muốn thương lượng, chỉ muốn tập trung phát triển năng lực hạt nhân và tên lửa", Einhorn hôm 14/8 viết trên blog cá nhân. "Bình Nhưỡng nêu ra điều này nhằm trì hoãn các cuộc đối thoại cho đến khi họ có những bước tiến đáng kể trong chương trình của mình. Đó dường như cũng là một nỗ lực nhằm nắm cơ trên để mặc cả khi những cuộc thương lượng được tiến hành".
Trong cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba những năm 1960, các cuộc thương lượng hành lang giữa Mỹ và Liên Xô đã giúp dẫn tới việc Moscow đồng ý dỡ bỏ những vũ khí tấn công triển khai ở Cuba, đổi lại Washington nhất trí vô hiệu hóa các tên lửa Jupiter bày bố tại Thổ Nhĩ Kỳ.
Đối với tình hình trên bán đảo Triều Tiên, ông James Carafano cho rằng đối thoại hành lang chỉ mang đến "hiệu quả ở mức độ giới hạn" và có thể không giải quyết được bất cứ vấn đề gì nhưng nó vẫn là một điều tốt.
"Ngay cả vào thời kỳ Chiến tranh Lạnh, khi căng thẳng với Liên Xô dâng cao, chúng ta vẫn duy trì trao đổi bởi kể cả những quốc gia dù hoàn toàn trái ngược nhau, vẫn có chuyện để nói", Carafano nhấn mạnh.
Vũ Hoàng
Theo VNE
Trump cảm ơn chiến lược gia trưởng vừa bị sa thải Tổng thống Mỹ nhắc lại sự đóng góp của ông Steve Bannon và hy vọng ông sẽ tạo nên sự thay đổi dù không còn ở Nhà Trắng. Tổng thống Mỹ và ông Bannon. Ảnh: Breitbart. "Tôi muốn cảm ơn Bannon vì sự phục vụ của ông. Ông ấy đã tham gia chiến dịch tranh cử khi tôi chạy đua với đối thủ...