Người Mỹ bị lừa dối suốt 18 năm cuộc chiến Afghanistan
Hàng trăm cuộc phỏng vấn với những người trong cuộc cho thấy dư luận Mỹ đã bị lừa dối về khả năng chiến thắng của nước này trong cuộc chiến Afghanistan.
Báo Washington Post phải đấu tranh pháp lý trong ba năm để tiếp cận bản ghi các cuộc phỏng vấn, được thực hiện bởi Văn phòng Tổng Thanh tra Đặc biệt về Tái thiết Afghanistan ( SIGAR), cơ quan liên bang Mỹ có nhiệm vụ chống tham nhũng, lãng phí trong các nỗ lực chiến tranh của nước này.
Bài học thất bại ở Afghanistan
2.000 trang phỏng vấn cho thấy các nhân vật chủ chốt đều chỉ trích cuộc chiến đã giết chết 2.300 lính Mỹ và hàng chục nghìn người Afghanistan. Cuộc chiến cũng khiến 20.000 người Mỹ bị thương và tiêu tốn của Washington 1.000 tỷ USD, theo Guardian.
Các tài liệu mới trên gợi nhớ tới “Tài liệu Lầu Năm Góc”, kho tài liệu quân sự gây chấn động về Chiến tranh Việt Nam bị rò rỉ và cũng được báo Washington Post đăng tải năm 1971. Tài liệu Lầu Năm Góc cho thấy câu chuyện tương tự: quân đội Mỹ đã lừa dối, che đậy sự thất thế trong cuộc chiến ở Việt Nam.
Hiện nay, chính quyền Tổng thống Trump và lực lượng Taliban ở Afghanistan đang đàm phán tìm kiếm thỏa thuận hòa bình, và Mỹ đang cân nhắc việc rút 13.000 quân còn đang ở Afghanistan.
Mỹ đang cân nhắc việc rút 13.000 lính Mỹ khỏi Afghanistan sau cuộc chiến 18 năm. Ảnh: AFP.
Các cuộc phỏng vấn được SIGAR tiến hành bên cạnh việc thanh tra chính thức, nhằm tìm ra các bài học từ thất bại ở Afghanistan.
Video đang HOT
Nhiều sai lầm của Mỹ trong cuộc chiến Afghanistan đã bị SIGAR phanh phui trước đây, công bố trong các báo cáo kỹ thuật, nhưng các tài liệu mới này tiếp tục vẽ nên bức tranh dễ hiểu hơn về những gì đã xảy ra.
John Sopko, người đứng đầu SIGAR, nói với Washington Post những người được phỏng vấn khẳng định “người Mỹ đã liên tục bị lừa dối”.
Hai kết luận nổi bật từ tài liệu mới
Theo Guardian, hai điểm nổi bật từ các tài liệu mới là việc quan chức Mỹ đã chỉnh sửa số liệu để chứng tỏ cho dư luận là họ đang chiến thắng, và nhiều chính quyền liên tiếp đã dung túng cho tham nhũng trắng trợn của các quan chức Afghanistan, để họ đánh cắp viện trợ của Mỹ mà không bị trừng phạt.
“Không thể tìm ra các con số phù hợp. Chúng tôi thử dùng số lính được huấn luyện, mức độ bạo lực, diện tích lãnh thổ kiểm soát được, nhưng không có thước đo nào phản ánh đúng về tình hình”, một nhân vật được các tài liệu ghi tên là “Quan chức Hội đồng An ninh Quốc gia” nói trong cuộc phỏng vấn năm 2016.
“Các thước đo đều đã bị bịa đặt trong suốt cuộc chiến”.
Một cuộc huấn luyện chung cho pháo binh Mỹ – Afghanistan ở một cứ điểm tại Jaghatu, tỉnh Wardak, Afghanistan, năm 2012. Ảnh: Washington Post.
“Chúng tôi không hiểu căn bản về Afghanistan. Chúng tôi không biết mình đang làm gì”, trung tướng Douglas Lute, nhân vật chủ chốt của Nhà Trắng trong cuộc chiến Afghanistan dưới thời Bush và Obama, trả lời phỏng vấn năm 2015.
“Chúng tôi cố đạt được gì? Chúng tôi không biết một chút gì về mục đích của mình ở đây?”, ông nói một cách thẳng thắn, vì cuộc phỏng vấn là bí mật vào thời điểm đó.
“Mọi dữ liệu đều bị sửa đổi để vẽ nên bức tranh tươi sáng nhất”, đại tá Lục quân Bob Crowley, cố vấn chống nổi dậy cho các chỉ huy Mỹ vào năm 2013-2014, cho biết. “Các cuộc khảo sát không đáng tin, nhưng củng cố cái nhìn là chúng tôi đang làm đúng”.
Giới quan sát nhanh chóng nêu bật tầm quan trọng của các tài liệu mới, so sánh với Tài liệu Lầu Năm Góc.
Ken Burns, đạo diễn một phim tài liệu nhiều tập về cuộc chiến của Mỹ ở Việt Nam, viết trên Twitter: “Mark Twain thường nói ‘lịch sử không lặp lại nhưng sẽ tương đồng’. ‘Tài liệu Afghanistan’ và ‘Tài liệu Lầu Năm Góc’ rõ ràng là tương đồng”.
Dẫn chương trình đài NPR Lulu Garcia-Navarro viết trên Twitter: “Kinh ngạc. Tài liệu Lầu Năm Góc mới này cho thấy nỗ lực rõ ràng và liên tục của chính phủ Mỹ cố ý lừa dối dư luận”.
“Chiến tranh chỉ tạo ra dối trá”, Katrina vanden Heuvel, chủ biên tạp chí Nation viết trên Twitter.
Theo Zing
Ngoại trưởng Trung Quốc, Afghanistan và Pakistan đối thoại
Tại cuộc đối thoại, Trung Quốc, Afghanistan và Pakistan đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc cùng nhau bảo vệ hòa bình và ổn định khu vực trong bối cảnh tình hình đang có nhiều biến động và phức tạp.
Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị (trái), Ngoại trưởng Pakistan Shah Mehmood Qureshi (giữa) và Ngoại trưởng Afghanistan Salahuddin Rabbani. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Tại Đối thoại giữa các bộ trưởng ngoại giao ba nước gồm Trung Quốc, Afghanistan và Pakistan lần thứ ba tại Islamabad hôm 7/9, các bên đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc cùng nhau bảo vệ hòa bình và ổn định khu vực trong bối cảnh tình hình đang có nhiều biến động và phức tạp.
Tại cuộc đối thoại, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị nhấn mạnh tình hình châu Á đang trải qua sự thay đổi to lớn và phức tạp.
Hòa đàm giữa Mỹ và lực lượng Taliban tại Afghanistan đã đạt được tiến bộ nhất định. Hòa bình và hòa giải tại quốc gia Nam Á này đang đứng trước cơ hội quan trọng.
Trong khi đó, những tranh chấp mang tính lịch sử đang tiếp tục leo thang, làm suy yếu hòa bình và ổn định khu vực.
Về tình hình quốc tế, chủ nghĩa đơn phương, bảo hộ và sự chi phối đang đe dọa đến lợi ích của các nước đang phát triển.
Về phần mình, Ngoại trưởng Afghanistan Salahuddin Rabbani và người đồng cấp Pakistan Shah Mehmood Qureshi đã đánh giá tích cực về tiến bộ trong hợp tác và trao đổi về 3 vấn đề lớn trong khuôn khổ cơ chế Đối thoại giữa các bộ trưởng ngoại giao Trung Quốc-Afghanistan-Pakistan như lòng tin chính trị, hòa giải, hợp tác phát triển, kết nối, hợp tác an ninh và chống khủng bố.
Trong bối cảnh tình hình khu vực trở nên phức tạp và thay đổi nhanh chóng, Afghanistan và Pakistan tuyên bố sẵn sàng thúc đẩy liên lạc và phối hợp với Trung Quốc để tăng cường hợp tác trong lĩnh vực kinh tế-thương mại, giao lưu nhân dân, liên lạc và kết nối, triển khai Sáng kiến Vành đai và Con đường, chống khủng bố, duy trì hòa bình và ổn định, cũng như thúc đẩy phát triển và thịnh vượng khu vực.
Bên cạnh đó, ba bên cũng đạt được thỏa thuận về thúc đẩy việc thiết lập hòa bình và ổn định lâu dài tại Afghanistan thông qua các tiến trình hòa giải do Kabul dẫn đầu và làm chủ, cũng như thực thi các chương trình kết nối chung với các thể chế tài chính quốc tế như Ngân hàng Thế giới (WB).
Dự kiến Đối thoại giữa các bộ trưởng ngoại giao Trung Quốc-Afghanistan-Pakistan lần thứ 4 sẽ diễn ra tại Trung Quốc vào năm 2020./.
Theo Đặng Ánh (TTXVN/Vietnam )
Taliban từ chối đàm phán trực tiếp với chính phủ Afghanistan Một đại diện của Taliban hôm 28/7 khẳng định, lực lượng này sẽ không tổ chức các cuộc đàm phán trực tiếp với chính phủ Afghanistan. Người này đồng thời bác bỏ thông báo của một quan chức cấp cao trong chính phủ Afghanistan về kế hoạch tổ chức một cuộc đàm phán như vậy trong thời gian tới. Lực lượng Taliban. Ảnh:...