Người một đằng, giấy tờ một nẻo
“Mà kì cục lắm em, giấy tờ thì một đằng, người thì một nẻo, bọn chị chẳng dám làm gì mà phải trưng giấy tờ. Cứ có cảm giác xấu hổ, tủi thân”.
Các chị ấy có “thái độ” với em
Trên hành trình tìm hiểu về cuộc sống của những người chuyển giới, lần đầu tiên chúng tôi tiếp cận được với một người chuyển giới từ nữ sang nam. Có thể nhận thấy nhóm chuyển giới từ nam sang nữ dễ nhận biết và cởi mở hơn, dễ tiếp xúc và chia sẻ những câu chuyện về cuộc đời của họ. Nhưng nhóm chuyển giới từ nữ sang nam thì khó tiếp xúc và khó nhận diện hơn hẳn.
“Có người chuyển giới từ nữ sang nam à anh? Em cứ tưởng chỉ có mấy thằng “bóng lộ” muốn chuyển từ nam thành nữ thôi chứ?” Gia Anh – một sinh viên năm 2 của một trường đại học lớn tại Hà Nội ngơ ngác hỏi.
Ảnh minh họa
Nhóm chuyển giới từ nữ sang nam khó nhận diện hơn có lẽ bởi nhiều người cho rằng một cô gái ăn mặc và có cử chỉ như nam giới dễ chấp nhận hơn một chàng trai có cử chỉ như nữ giới. Đồng thời với trào lưu “Tomboy” thì các chuyện đó càng dễ chấp nhận hơn. Tuy không bị kì thị và phân biệt đối xử trực tiếp, “thẳng thừng” nhiều như nhóm chuyển giới từ nam sang nữ, nhưng những người chuyển giới từ nữ sang nam cũng gặp nhiều vấn đề như nhóm kia. Đặc biệt là vấn đề giấy tờ.
Video đang HOT
“Chứng minh nhân dân cũ không ghi giới tính nên hầu như những thủ tục cần chứng minh nhân dân đều không vướng mắc gì anh ạ”, T.* – một người chuyển giới từ nữ sang nam ở Hà Nội cho biết. “Vì mọi người đều nghĩ em là nam, mà tên em cũng không bị nữ quá nên cũng ổn”.
“Em bị cảnh sát giao thông “sờ gáy” 4 lần rồi” T. vừa cười vừa kể, “Nhưng nộp phạt xong các anh ấy còn hỏi là muốn ghi biên bản là nam hay nữ. Có anh hỏi em là nữ mà sao ăn mặc thế này, Tomboy à. Em bảo vâng. Hỏi bạn gái em kia à. Em cũng bảo vâng”.
“Em mới đi làm chứng minh nhân dân mới, loại có in giới tính. May thế nào mà mấy anh chị ở đó cũng lịch sự, bình thường thì họ gọi anh ABC chị XYZ mà nhìn em thì họ gọi tên. Rồi làm như bình thường, không có vấn đề gì hết, làm như những người bình thường khác. Mà lúc đấy là em dùng Hoóc môn và cắt tóc ngắn lắm rồi”.
Nhưng không phải lúc nào T. cũng gặp được những người lịch sự đối xử bình thường với em như vậy. Có nhiều lần T. gặp những vấn đề về giấy tờ và thái độ của người đối diện “hết sức khó chịu”, T. bất bình. “Những lúc đi thi như là thi bằng tiếng Anh các chị tiếp tân hay có “thái độ” với em. Bảo em phải tóc dài này nọ, các chị ấy doạ không cho em thi vì em là nữ mà mặt mũi em không nữ tính”, Tú cười to. “Em thấy nó không ảnh hưởng đến bài thi nhưng các chị ấy hơi quan tâm thái quá. Còn có những lúc em đi xin việc, người ta chưa cần hỏi em cái gì, nhìn thấy ngoại hình em không giống với giới tính trong giấy tờ nên người ta không cần phải đọc, người ta bảo em đi về luôn”.
Không thể kết hôn nếu giấy tờ không được thay đổi
“Chị cũng muốn đổi tên, nhưng tên chị vẫn thế. Bọn chị thay đổi giới tính rồi tên tuổi vẫn bình thường, giới tính vẫn như trước, người ta không cho, người ta chưa công nhận”, chị Thái – một người chuyển giới 50 tuổi ở Hà Nội cho biết.
“Người ta” ở đây như chị nói có lẽ chính là chính quyền, là luật pháp. Quả thật ở Việt Nam hiện nay những người chuyển giới chưa được một điều luật nào công nhận. Những ca phẫu thuật chuyển giới đều phải thực hiện ở nước ngoài. Khi trở về Việt Nam thì giấy tờ của những người chuyển giới vẫn được giữ nguyên như trước khi chuyển giới. Điều đó gây không biết bao nhiêu khó khăn cho người chuyển giới khi họ di chuyển, du lịch, xin việc, đặc biệt là kết hôn.
Bởi trên giấy tờ người chuyển giới vẫn giữ giới tính trước khi chuyển giới nên họ không thể kết hôn với người mình yêu. Ví dụ như chị Thái, trên giấy tờ giới tính chị vẫn là Nam nên chị không thể kết hôn với bạn trai, hoặc T. trên giấy tờ vẫn là Nữ giới nên không thể lấy bạn gái mình được. Đó cũng là một rào cản ngăn cản người chuyển giới tìm đến với hạnh phúc. Phải chăng nếu xã hội hiểu thêm về họ, cảm thông với họ thì trong tương lai gần pháp luật sẽ công nhận và giúp đỡ họ được trở thành chính mình ngay trên cả giấy tờ.
“Chị có mấy chị bạn, khi chuyển giới xong rồi từ Thái Lan bay về thì người ta thắc mắc là sao giấy tờ với ngoại hình lại không giống nhau. Người ta nghi ngờ là giấy tờ giả, mạo danh nên người ta giữ lại. Dù giải thích là chúng tôi chuyển giới rồi thì người ta vẫn giữ”. Chị Thái cho biết. “Mà kì cục lắm em, giấy tờ thì một đằng, người thì một nẻo, bọn chị chẳng dám làm gì mà phải trưng giấy tờ. Cứ có cảm giác xấu hổ, tủi thân”.
Luật pháp Việt Nam hiện nay chỉ mới chấp nhận thay đổi giấy tờ cho những trường hợp như “Khuyết tật bẩm sinh về giới tính”, “Giới tính chưa được xác định chính xác”, “Gen biệt hoá tinh hoàn”, “Nam lưỡng giới giả nữ”, “Nữ lưỡng giới giả nam”, “Lưỡng giới thật”,… tức là những trường hợp Liên giới tính, như trường hợp của cô giáo Quỳnh Trâm (Bình Phước). Tuy vậy vẫn phải trải qua những thủ tục kiểm tra y tế, xét nghiệm nhằm xác định chính xác giới tính.
Rõ ràng đối với những người chuyển giới thì điều luật này không thoả đáng, bởi họ không bị “Khuyết tật bẩm sinh về giới tính” hay “Liên giới tính”,… mà ở sâu bên trong họ họ luôn tự ý thức, tự nhận biết mình là giới kia chứ không phải giới tính như được sinh ra. Nếu không được công nhận thì xã hội đã gián tiếp bác bỏ nhiều quyền lợi của họ.
Giới tính gắn liền với quyền nhân thân về mặt pháp lý, mỗi người có thể sống đúng theo giới tính của mình khi được pháp luật công nhận. Theo điều 24 bộ Luật Dân sự năm 2005 thì quyền nhân thân (quan hệ giữa người với người về một giá trị nhân thân của cá nhân hay tổ chức) là quyền gắn với mỗi cá nhân, không thể chuyển giao cho người khác, theo điều 26-27 bộ Luật Dân sự năm 2005 về quyền thay đổi họ tên thì có thể “Thay đổi họ, tên của người được xác định lại giới tính”. Những người chuyển giới hoàn toàn có quyền chính đáng để hưởng những quyền lợi như vậy.
Rõ ràng nhu cầu được hợp pháp hoá giấy tờ, được trở thành chính mình trọn vẹn trên cả hồ sơ là một nhu cầu chính đáng. Chính đáng bởi nó là tiền đề giúp cuộc sống của những người chuyển giới trở nên dễ dàng, thoải mái hơn, đồng thời gián tiếp giúp họ có thể đạt được hạnh phúc, thành công hoặc được mọi người chấp nhận. Khi luật pháp đi trước công nhận những người chuyển giới thì xã hội dần sẽ có cái nhìn khác, suy nghĩ khác về họ.
Những tín hiệu đáng mừng
“Bây giờ xã hội đã cởi mở hơn rồi, dạo xưa như này thì rất khó khăn”, chị Thái tâm sự. “Bây giờ chị đi chơi ở sân bay thì thoải mái, chị đưa chứng minh nhân dân người ta vẫn bình thường. Ngày xưa thì không thế”. Còn Ánh Phong – một người chuyển giới từ nam sang nữ khác thì chia sẻ: “Chị giữ nguyên giấy tờ cũ. Trước kia chị đi có nghe mấy chị bảo là bị chặn, không cho đi. Nhưng với chị thì rất suôn sẻ, không có vấn đề gì.
Một số người nhìn chị bảo “em cố gắng lên”, một số người an ủi, động viên chị. Hồi mới chuyển xong chị bay về Hà Nội rồi chuẩn bị bay về Quảng Ngãi, mà hôm trước chị bị sốt rất cao. Chị vẫn phải bay về nhà để còn nghỉ ngơi. Thế là người ta bắt chị kí giấy đảm bảo rồi mới cho chị lên máy bay. Lúc chị đi cũng được đưa lên xe đẩy rồi được đẩy lên máy bay, không có phân biệt gì cả. Có thể là do ngoại hình của chị dễ nhìn một chút, cái nữa là do cách ăn nói, hành xử của mình nên người ta cũng thông cảm, cho qua.”
Có thể thấy đó là những tín hiệu đáng mừng đối với những người chuyển giới. Trước đây chỉ khoảng 5-10 năm thì người chuyển giới còn là một chủ đề nhạy cảm và bị ngăn cách bởi sự ghê sợ, cách li, cô lập. Nhưng càng ngày dân trí càng cao hơn, xã hội càng văn minh, con người càng cởi mở. Dần dần những người chuyển giới đã phần nào được chấp nhận như một phần tất yếu của một thế giới đa dạng.
Đó cũng sẽ là một động lực để thúc đẩy các nhà lập pháp ra những điều khoản công nhận quyền lợi của người chuyển giới. Có thể thấy quá trình lập pháp cũng như thay đổi xã hội luôn song hành với nhau, xã hội thay đổi thì luật pháp sẽ thay đổi, và luật pháp thay đổi thì sẽ thúc đẩy xã hội thay đổi. Những người chuyển giới đã có quyền hy vọng vào một tương lai bình đẳng và hạnh phúc hơn.
* Tên nhân vật đã được thay đổi.
Theo VNE