Người mới, nhà cũ
Đưa người mới về nhà cũ, dễ cho chủ nhà cũ, mà khó cho chủ nhà mới. Bởi nơi đó có bao nhiêu kỷ niệm của người đã từng ở đó…
1. Không muốn làm loạn óc bạn đọc về chuyện mới cũ, nhưng câu chuyện này là có thật. Và quanh chúng ta, có bao câu chuyện như thế.
Người ta thường nói, đừng tính gì tới vật chất trong chuyện tinh thần. Nhưng suốt mấy năm liền theo dõi vụ ly hôn và phân chia tài sản cuộc hôn nhân tiền tỷ của ông bà chủ Trung Nguyên, và ở lứa tuổi cũng chiêm nghiệm chút ít về bài học sống, thì tôi thấy, tiền bạc quyết định phần lớn chuyện tình cảm.
Bữa ấy tôi đang cà phê đối diện tòa soạn, thì cô trực văn phòng nói chị quay về liền vì có khách tới kiếm. Tôi nói không có hẹn với ai trước, thì được biết bạn đọc tới kiếm. Trong số các khách được lên lịch hẹn hàng ngày, ngoài các nhân vật, tôi thường trò chuyện với bạn đọc. Họ có khi ở ngay thành phố, nhưng cũng có khi ở dưới tỉnh lên.
“Tôi đi chuyến xe sớm nhất, từ lúc 5 giờ lận”, với câu nói như vậy của họ thôi, cũng đủ khiến tôi bằng mọi cách thu xếp công việc để tiếp chuyện. Người thì đang vướng vụ việc dân sự, người thì đang khởi kiện vụ hình sự, người ly hôn, người kết hôn…
Thật sự, nếu như góc quán cà phê gần tòa soạn biết ghi lại các câu chuyện, thì hẳn phải ra nhiều tập sách, với đủ cung bậc cảm xúc hỉ nộ ái ố của kiếp người trên đời này.
Cô gái tới gặp tôi bữa đó nhà ở Hóc Môn (TP.HCM). Cô chở theo phía sau 1 cần xé cam sành – cô nói đang đi giao cam cho khách hàng. Cô gái bán cam khoe vừa trở thành cô dâu mới, với những tấm hình chau chuốt chụp ngoại cảnh cưới. 38 tuổi, cô từ miền Tây theo chồng về Hóc Môn.
Video đang HOT
Ở lứa tuổi này, theo lẽ thường, hẳn chú rể đã lớn tuổi. Cô kể, ảnh đã qua 2 đời vợ rồi, lận đận tình duyên giống cô. Năm nẳm lâu lắc rồi, lẽ ra cô đã cưới anh người yêu Việt kiều bên Mỹ. Khi anh ấy về ra mắt gia đình cô, thì lại bị phát hiện đang ở trong mối quan hệ với cô khác ngoài Bình Định. Vậy là mọi thứ dang dở, từ đó, cô sống khép kín ít giao du với ai, cho tới khi được mai mối quen anh chồng bây giờ.
Anh ấy 52 tuổi, có 2 đời vợ. Ờ, không sao cả. Các con đã lớn. Ờ, vậy là cũng khỏe rồi. Nhưng trong nhà thì đầy hình ảnh của cô vợ gần đây nhất. Còn các đồ vật thì rải rác vô thiên lủng. Hình treo ở cầu thang, đồ đạc của cô ấy hiện diện khắp nơi. Thời điểm ly hôn, cả 2 đời vợ, anh 52 tuổi này đều đưa vợ về đây sinh sống.
Anh nói, đã lo chỗ ăn ở đầy đủ cho các vợ cũ và các con đầy đủ rồi. Nhưng sao cô vợ mới cảm giác không có chút nào thoải mái. Cô theo chồng về nhà chồng, là lẽ cũng thường trong đời sống, mà sao cảm giác đang lọt vào trong 1 gia đình hạnh phúc ấm êm của người khác. Mới cưới chồng được có gần tháng thôi, mà cô giờ chỉ muốn dứt tình, về lại miền Tây. Cô hỏi, như vậy có vội vàng không, có thấy như thế là bất thường không…
2. Nhà cũ đương nhiên là nhiều kỷ niệm cũ rồi. Chúng ta sống trong 1 căn nhà ngày qua ngày, đêm qua đêm. Có khi chỉ ở 1 mình thôi, mà nhà đã lưu luyến người, người đã lưu luyến nhà. Huống chi là nơi chứng kiến nhiều khoảnh khắc hạnh phúc lứa đôi. Cho dù giờ đã tan vỡ, thì cặp đôi cùng chung sống với nhau cũng đã từng hạnh phúc. Có những căn nhà vừa bước vào, đã cảm nhận rõ rệt hơi ấm của chủ nhân và ngược lại, có những căn nhà vừa bước vào, thấy ngay sự lạnh lẽo.
Người mới về nhà cũ, chứng kiến nhiều kỷ niệm cũ. Mắt thấy thì tim đau. Đừng khuyên gì nhau, vì không ở trong khoảnh khắc ấy, sao có thể sẻ chia được bằng mọi sự chiêm nghiệm thực tế của người trong cuộc! Vậy nên, tôi chỉ biết nắm bàn tay của cô dâu mới, nói với cô ấy vài điều, mà bản thân còn thấy ngượng ngùng vì sự sáo rỗng.
Tôi không biết khuyên cô ấy ra sao. Bỏ ngay cuộc hôn nhân này? Chấp nhận sống chung cùng mọi thứ trong căn nhà cũ? Thực sự đôi lúc, chúng ta cũng bất lực trước hoàn cảnh, dù là người bên ngoài bao giờ cũng nhìn thấy sáng hơn người trong cuộc.
Chỉ ước sao anh chồng bán nhà cũ ấy đi, để cùng nhau chia sẻ vui buồn cùng người mới ở những ngày đã không còn trẻ. Tuổi này rồi, mất công làm lại cuộc hôn nhân, nghĩ thôi cũng đã mệt. Với những người đi tìm hạnh phúc muộn mằn, với suy nghĩ của tôi, họ là người rất biết trân trọng các khoảnh khắc đẹp trong cuộc sống và là những chiến binh dũng cảm!
Nhà thơ Đinh Thu Hiền
Báo Đầu tư Bất động sản
Theo bds.tinnhanhchungkhoan.vn
5 câu nói khiến người chồng tổn thương sâu sắc
"Anh có phải đàn ông không", "đó là bố mẹ anh, liên quan gì đến tôi" là những câu nói gây tổn thương người chồng. Trong quá trình tranh luận, dù bực tức đến mấy, người vợ cũng không nên nói những câu này.
"Đó là bố mẹ anh, liên quan gì đến tôi"
Phụ nữ muốn giữ trái tim của chồng, điều đầu tiên là phải hiếu thảo với bố mẹ chồng. Dù nhiều người đàn ông không biểu hiện ra bên ngoài, nhưng bên trong, anh ấy coi bố mẹ là nhất, thậm chí quan trọng hơn cả vợ. Vì thế đừng bao giờ nói lời xúc phạm đến bố mẹ chồng. Người chồng cũng luôn hy vọng rằng vợ sẽ tôn trọng bố mẹ mình. Dù rõ ràng bố mẹ chồng không thể gần gũi như bố mẹ đẻ, nhưng bạn cũng đừng nói những câu kiểu như "đó là bố mẹ anh, liên quan gì đến tôi". Câu nói này sẽ làm tổn thương chồng và khiến anh ấy thất vọng vì bạn đã rũ bỏ trách nhiệm con cái.
"Anh có phải đàn ông không?"
Đàn ông luôn có tự trọng cao và luôn muốn xây dựng hình ảnh tốt đẹp trong mắt người vợ. Vì vậy khi người vợ nói câu: "Anh có phải đàn ông không", người chồng không chỉ bị tổn thương mà còn hoang mang về giá trị của bản thân với vợ, với gia đình.
Với người đàn ông, hậu phương vững chắc là gia đình. Dù chuyện gì xảy ra, ngay cả khi mọi người quay lưng, người chồng vẫn mong nhận được sự cảm thông, khoan dung từ người vợ, thay vì nói những lời cay đắng.
"Anh xem chồng người ta làm được bao nhiêu tiền, anh chỉ giỏi phung phí"
Không một người chồng nào thích bị đặt lên bàn cân so sánh với "chồng nhà người ta", hay bị vợ chỉ trích là kẻ vô dụng. Khi vợ nói câu trên, người chồng sẽ nghĩ rằng bạn để ý đến người đàn ông tài giỏi hơn. Anh ấy cũng nghi ngờ khả năng và giá trị của mình. Ngoài ra, còn lo lắng vợ có thể rũ bỏ mình và đi tìm người đàn ông khác.
Ý định ban đầu của người vợ khi nói câu trên có thể chỉ là muốn khuyến khích, động viên chồng hãy nỗ lực hơn. Nhưng việc so sánh này lại giết chết lòng tự trọng của chồng. Đàn ông sợ nhất là bị mất mặt. Câu nói này khiến chồng bị xấu hổ, không thể ngẩng đầu lên được. Nếu thường xuyên nói câu này, một ngày nào đó, người chồng sẽ quyết định chia tay.
"Tránh xa tôi ra. Để tôi yên"
Người vợ cũng nên tránh nói với chồng rằng: "Tránh xa tôi ra, để tôi yên". Khi người chồng quan tâm đến bạn, nghĩa là trong tim anh ấy vẫn có bạn. Đó cũng là biểu hiện của sự yêu thương. Dù có thể cách hỏi han, quan tâm của anh ấy còn vụng về, không hợp ý muốn của bạn, nhưng không nên vì thế mà nói lời cay nghiệt.
"Anh ấy có quá nhiều nhược điểm"
Có một nguyên tắc cần nhớ nếu muốn duy trì hôn nhân hạnh phúc. Đó là đừng bao giờ đem nhược điểm của chồng ra kể lể và phán xét. Việc bị vợ công khai chỉ trích tật xấu trước mặt mọi người sẽ khiến người chồng khổ tâm và suy nghĩ.
Không có ai là hoàn hảo trên thế giới này, bạn và cả chồng đều cõ những thói xấu, nhược điểm. Nhưng một khi đã là vợ chồng, cùng chung sống dưới một mái ấm, thì càng nên thấu hiểu, chấp nhận những mặt chưa tốt của nhau. Nếu bạn nói ra những thói xấu của anh ấy, anh ấy sẽ cảm thấy như bị phản bội, không còn tin tưởng vợ và sẽ không tự tin mở lòng chia sẻ nữa.
Cách tốt nhất để thể hiện tình yêu, sự tôn trọng của vợ với chồng là giữ thể diện và hình ảnh cho anh ấy. Khi được vợ trân trọng, đánh giá cao, người chồng sẽ tự tin hơn trong nỗ lực gánh vác trách nhiệm gia đình. Cuộc sống hôn nhân nhờ thế mà ngày càng hạnh phúc, ấm êm.
Theo thoidai.com.vn
"Con gái, chào mừng con trở về nhà" Sáu năm trước, khi tiễn con lên xe hoa, nhìn con xinh đẹp rạng ngời, mẹ khóc. Sáu năm sau, nhìn con một tay dắt con nhỏ, một tay kéo va ly trở về nhà, bơ phờ, mệt mỏi, mẹ mỉm cười đón con. Con gái, cuối cùng thì con cũng ly hôn rồi. Có gì khủng khiếp đâu, chỉ là ly hôn...