Người miệt mài “gieo” mầm xanh giữa Trường Sa
“Ra với đảo, mình chỉ mong muốn mang chút thành quả ra góp phần xây dựng biển đảo chứ không chỉ để chụp hình check in” – Phan Thanh Sang, chủ trang trại hoa lan YSA Orchid Farm – Đà Lạt nói về lý do anh trở lại Trường Sa lần thứ 2.
Gửi tình yêu vào những mầm xanh
Cuối tháng 4 trong chuyến công tác dài ngày ra thăm Trường Sa tôi đã may mắn được gặp Phan Thanh Sang – Chủ tịch Hiệp Hội hoa Đà Lạt.
Gương mặt rám nắng, trên môi lúc nào cũng nở nụ cười tươi. Bất chấp cái nắng hơn 40 độ ở các điểm đảo, Phan Thanh Sang vẫn nhiệt huyết chuyên chở, bốc vác, rồi tận tụy, tỉ mỉ lật từng thùng rêu, bịch đất, gói hạt rau để tư vấn cách gieo trồng cho các cán bộ, chiến sỹ trên các đảo thuộc quần đảo Trường Sa.
Phan Thanh Sang (áo cờ đỏ sao vàng đứng) miệt mài chăm sóc những chậu lan mang từ đất liền để gửi tặng cán bộ, chiến sỹ các đảo thuộc quần đảo Trường Sa.
Với mong muốn được cống hiến, mang một phần sức lực xây dựng Trường Sa xanh, nhiều năm qua anh đã miệt mài nghĩ phương pháp trồng rau tiết kiệm nước cho các điểm đảo.
Nhớ lại lần đầu tiên đến với Trường Sa, đó là năm 2017, Sang đã được chọn đi Trường Sa nhằm đưa mô hình trồng rau tiết kiệm nước ra các đảo. Sau lần đầu tiên đến với Trường Sa, quay về đất liền chàng trai trẻ tiếp tục vận động các doanh nghiệp, tổ chức ủng hộ quà, hiện vật để xây dựng Trường Sa.
Cuối năm 2017 thấy cán bộ, chiến sỹ thay quân từ đảo về đất liền cho xem những tấm hình về điểm đảo sau trận bão Sang thấy quá đau xót. Những tán bàng bị đánh bạt gốc. Màu xanh của hoa đại, của những vườn rau đã không còn. Ngay lúc ấy Sang đã nghĩ sẽ phải nỗ lực kêu gọi mọi người hỗ trợ cho các điểm đảo ở Trường Sa.
Từ ý nghĩ ấy, cuối năm 2017, Sang đã vận động các doanh nghiệp cùng với UBND thành phố Đà Lạt hỗ trợ 40 tấn rau xanh cho các chiến sỹ ngoài đảo ăn hàng ngày. Ngoài ra anh cũng kêu gọi được hơn 100 triệu đồng tiền mặt để mua các vật tư như giống rau, đất, lưới, phân vi sinh… với mong muốn sẽ gây dựng lại những vườn rau xanh trên các đảo.
Hiện giờ, mô hình trồng rau tiết kiệm nước được Sang phổ biến, cho nhân rộng tại các đảo. Loại rêu rừng mà Sang áp dụng trồng rau ở các đảo có khả năng giữ nước nhiều gấp 10 lần so với loại đất thông thường.
Trong những hành trình sau này, anh lại vận động nhiều đơn vị hỗ trợ vật tư và kỹ thuật cho 9 điểm đảo và nhà giàn về quy trình trồng rau bằng rêu, kết hợp phân vi sinh, chất hữu cơ trồng rau sạch. Ngoài ra, Phan Thanh Sang còn kết nối với 33 điểm đóng quân ở nhiều điểm đảo để trồng rau.
Sang cũng là một trong 10 gương mặt trẻ tiêu biểu Việt Nam được vinh danh năm 2015. Sang sinh năm 1984, hiện là Phó Chủ tịch Hội hiên hiệp Thanh niên tỉnh Lâm Đồng, đồng thời cũng là chủ một trang trại hoa lan lớn tại Đà Lạt.
Video đang HOT
Người thân của biển đảo
Dù không được sinh ra ở biển đảo, nhưng tình yêu của anh dành cho biển đảo lại rất lớn. Sau lần công tác đầu tiên năm 2017 Phan Thanh Sang đã trở thành người thân của cán bộ, chiến sỹ trên nhiều điểm đảo. Với mong muốn góp tay xây dựng một Trường Sa xanh Phan Thanh Sang đã quay lại Trường Sa lần 2 vào cuối tháng 4 vừa qua.
Lần này, với tư cách là khách mời của Quân chủng Hải quân nhân dân Việt Nam, Sang còn thực hiện gợi ý của Quân chủng để khảo sát, tư vấn, đề xuất giải pháp để cải thiện màu xanh trên đảo.
“Qua chuyến đi này, mình cũng hỗ trợ một số vật tư phù hợp như đất, giống rau, giống hoa để tặng các đảo. Mình cũng đang nghiên cứu để đưa vào sử dụng những mẫu nhà kính, nhà lưới trồng rau, hoa có thể vừa che mát, vừa che chắn côn trùng, sóng gió… Mình cũng hy vọng tới đây sẽ viết một cuốn sách về quy trình trồng rau cho các điểm đảo, tuỳ thuộc vào đặc điểm địa lý, từ đó để cán bộ chiến sỹ mới ra thay quân cũng có thể áp dụng” – Phan Thanh Sang nói.
Bất chấp cái nắng 40 độ khiến mồ hôi đổ ra như mưa hay những cơn sóng giữ khiến đoàn công tác mệt nhoài, Phan Thanh Sang vẫn miệt mài chỉ dạy cách trồng rau, chăm hoa cho các chiến sỹ ở các điểm đảo. Nhặt từng cọng cỏ, thăm từng khay rau, Sang say xưa kể về quy trình trồng rau, làm nhà giàn, cách bắt côn trùng. Lúc nào, Phan Thanh Sang cũng là người vào các điểm đảo đầu tiên và ra sau cùng.
“Trồng rau muống cạn khác với rau muống nước. Với những đảo nổi, việc trồng rau sẽ thuận lợi và phù hợp hơn và nên xây tường bao quanh. Riêng với nhà kính thì cần làm di động, mùa mưa thì che lại, mùa nóng thì cần mở ra để thoáng mát. Quan trọng nhất cần xây dựng một quy trình trồng rau lưu lại thành sách để các chiến sỹ mới ra đảo cứ thế áp dụng tránh việc đổi quân khiến cho nhiều người ra đảo bỡ ngỡ không có kinh nghiệm, không gieo trồng được” -Sang phân tích.
Chia tay Sang, tôi vẫn nhớ lời nhắn nhủ của anh với những bạn trẻ: “Qua những chuyến đi này, hy vọng các bạn trẻ như mình sẽ có thêm hiểu biết, tình yêu cũng như trách nhiệm với chủ quyền biển đảo tổ quốc, thậm chí biết cần làm gì thiết thực để góp phần xây dựng và bảo vệ biển đảo quê hương”.
Theo Danviet
Nỗi niềm của chị Sáu khuyết tật đất cố đô
Chị Sáu "khuyết tật" - đó là biệt danh mà nhiều người quý mến đặt cho chị Dương Thị Sáu (45 tuổi), giám đốc doanh nghiệp may Sáu Toản ở xã Yên Thắng, huyện Yên Mô, Ninh Bình.
Chị Dương Thị Sáu (đứng) hướng dẫn một nữ công nhân khiếm thính cách sử dụng máy may. (Ảnh: T.Q)
Bền bỉ cưu mang người khuyết tật
Sau hàng chục năm kiên trì, bền bỉ với việc truyền nghề, tạo việc làm cho các thanh, thiếu niên khuyết tật, đến giờ chị Sáu không nhớ rõ mình đã cưu mang bao nhiêu số phận. Chị lúc nào cũng tâm niệm khi còn sức chị sẽ làm đến cùng để giúp họ.
Nói về cái tên "Sáu khuyết tật" mà mọi người yêu mến đặt cho mình dù bản thân là người hoàn toàn bình thường, chị Sáu cười giải thích: Nghe mọi người gọi mình với cái tên đó, tôi lại thấy rất vui và hạnh phúc. Từ nhỏ đến lúc lớn lên, thấy các bạn cùng trang lứa khuyết tật bị mọi người xa lánh rất khổ cực nên ngay từ đó mình đã nung nấu ước mong sau này phải làm gì đó để giúp đỡ họ hòa nhập cộng đồng.
"Đến giờ cũng đã giúp được nhiều người, thấy mọi người được xã hội công nhận và tự kiếm được tiền nuôi bản thân, mình thấy cái tên đó gần gũi, thân thương, như một minh chứng khẳng định ước mơ của mình khi xưa đã thành hiện thực", chị Sáu chia sẻ.
Tốt nghiệp THPT chị Sáu xin gia đình đi học nghề may. "Do bố mẹ muốn hướng mình học đại học để sau này làm công chức nhà nước nên khi biết được ý định của mình, gia đình phản đối kịch liệt. Mình lại phải kiên trì thuyết phục ông bà, sau đó bố mẹ hiểu được tâm nguyện của mình nên mới đồng ý cho theo nghề" - chị Sáu nhớ lại.
"Đối với người khuyết tật mình phải có cách dạy riêng, vất vả hơn nhiều so với dạy người thường. Quan trọng là phải có tấm lòng và đặc biệt là sự kiên nhẫn. Dạy người thường phải cố 1 thì dạy người khuyết tật phải cố 10...".
Thời gian học nghề ở Hà Nội chị rất chăm chỉ. Ngoài giờ học, chị đến các xưởng may xin làm thêm, phụ giúp công việc cắt vải, may vá nhằm tích lũy kinh nghiệm thực tế. Học xong, năm 1990 chị về quê xin phụ việc tại các xưởng may để rèn luyện tay nghề.
Đến năm 1992, chị quyết định vay vốn mở xưởng may và đi các xã kiếm người khuyết tật về dạy nghề cho họ. Thời gian đầu do vốn ít, xưởng nhỏ nên chị chỉ tuyển vài thanh niên khuyết tật về dạy nghề. Chị nhớ lại những khó khăn ban đầu.
Có những bạn thiểu năng, vì chưa có kinh nghiệm tiếp xúc nên khi dạy các bạn không hiểu, chị còn bị cấu cào chảy cả máu. Có bạn học được nghề rồi thì đang làm lại... bỏ đi chơi, không biết đường về. Chị và gia đình nhiều bận phải chạy đôn chạy đáo tìm kiếm.
"May các bạn không bị sao, chứ có mệnh hệ gì thì mình không biết ăn nói thế nào với gia đình người ta" - chị cười hiền.
Một công nhân khuyết tật may quần, áo tại xưởng của chị Sáu ở Yên Mô. (Ảnh: T.Q)
Qua nhiều lần vấp váp trầy trật như vậy, chị Sáu rút ra kinh nghiệm: "Đối với người khuyết tật mình phải có cách dạy riêng, vất vả hơn nhiều so với dạy người thường. Quan trọng là phải có tấm lòng và sự kiên nhẫn, chịu thương chịu khó. Dạy người thường cố 1 thì dạy người khuyết tật phải cố 10...".
Chị Sáu cho biết, đối với từng trường hợp khuyết tật, chị có các phương pháp dạy và phân công công việc cho phù hợp. Như các em bị câm điếc thường rất khéo tay chị giao cho làm may, em nào bị thiểu năng trí tuệ thì chị giao cho đính cúc, cắt chỉ.
Đối với em bị khuyết tật về chân thì chị đầu tư thêm mô tơ điện để cho các em làm máy... Nhờ thế mà các sản phẩm của cơ sở chị làm ra không chỉ đẹp mà còn rất chất lượng không thua kém gì các sản phẩm của các đơn vị khác trong ngành.
"Dù có nhiều đối tác chia sẻ, giúp đỡ nhưng cũng còn nhiều đối tác vẫn còn kỳ thị không đặt hàng hoặc bỏ đơn hàng vì nhiều lý do. Trong năm 2017, một số đối tác thân quen trong tỉnh đã bỏ đặt hàng khiến cho đơn vị và người lao động của tôi rất khó khăn, hoang mang", chị Sáu chia sẻ.
Mong được tiếp sức
Được sự quan tâm, giúp sức cho vay vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội và Sở LĐTBXH tỉnh Ninh Bình, năm 2006 chị đã thành lập được doanh nghiệp may Sáu Toản.
Từ một cơ sở vài ba công nhân, đến nay doanh nghiệp của chị Sáu có hàng chục công nhân khuyết tật. Trong đó nhiều em đã được chị dạy nghề thuần thục, có thể tự may được quần áo theo đơn đặt hàng.
Là một trong số những người bị khuyết tật ở chân được chị Sáu giúp đỡ, chị Nguyễn Thị Bình (30 tuổi) ở xã Yên Thắng, huyện Yên Mô đến giờ vẫn đang làm tốt công việc của mình tại doanh nghiệp Sáu Toản.
"Có việc làm để kiếm được tiền để nuôi con, đến giờ tôi đã tự tin lên rất nhiều. Mong rằng, thời gian tới có thêm nhiều đơn đặt hàng hơn để chúng tôi có thêm việc làm thêm thu nhập".
Chị Sáu (áo hồng, đứng giữa) cùng các học viên khuyết tật tại một lớp học nghề may. (Ảnh: T.Q)
Để tạo thêm các công ăn việc làm cho người khuyết tật, chị Sáu tìm đi khắp nơi để kiếm đơn hàng cho đơn vị mình. "Thời gian đầu cũng khó khăn nhưng dần dần mọi người cũng hiểu và chấp nhận đặt thử nghiệm để mình làm. Lâu dần thấy các sản phẩm của tôi làm uy tín, chất lượng, giá rẻ nên lượng hàng đặt ngày càng nhiều. Nhờ thế mà tôi đã tạo thêm được công ăn việc làm cho nhiều người khuyết tật hơn tại địa phương. Trong số đó, phần lớn các đơn hàng được giao về cho các người khuyết tật ở các gia đình trong và ngoài huyện", chị Sáu cho biết.
Đơn vị của chị đã được nhiều đối tác trường học tại nhiều nơi đặt hàng, trong số đó, có nhiều trường học tận tỉnh Lai Châu đã chia sẻ tấm lòng và đặt chị làm đồng phục học sinh gần chục năm nay. Nhưng cũng còn nhiều đối tác vẫn còn kỳ thị không đặt hàng hoặc bỏ đơn hàng vì nhiều lý do. Trong năm 2017, một số đối tác thân quen trong tỉnh đã bỏ đặt hàng...
Hiện, chị Sáu rất mong mỏi các đối tác quen nối lại đơn đặt hàng và cũng mong các trường học, doanh nghiệp trong cả nước đặt hàng, chia sẻ khó khăn với đơn vị, giúp chị có thêm động lực cưu mang thêm nhiều người khuyết tật hơn nữa.
Có điều chị Sáu vẫn luôn canh cánh trong lòng: Quy mô diện tích nhà xưởng của chị rộng chưa đến 50m2, không khác một cơ sở may nhỏ lẻ hộ gia đình. Chị Sáu muốn mở rộng để làm xưởng lớn, thu hút và đào tạo thêm nhiều người khuyết tật, lao động nông thôn có hoàn cảnh khó khăn, nhưng điều kiện kinh tế hiện tại không cho phép chị thực hiện việc đó.
Tâm sự với chúng tôi, chị buồn bã: "Các bạn khuyết tật tìm đến xin học nghề ngày càng đông nhưng cũng không biết làm sao để giúp được hết...".
Ngoài việc tạo công ăn việc làm cho nhiều người khuyết tật với mức lương trên dưới 3 triệu đồng/người/tháng, doanh nghiệp của chị Sáu còn tổ chức và nhận dạy nghề cho nhiều học viên khuyết tật ở trong và ngoài tỉnh. Tính đến nay, chị đã dạy nghề may cho khoảng trên 500 người khuyết tật.Bạn đọc muốn chia sẻ, đặt hàng xin liên hệ với chị Dương Thị Sáu ở xóm 2, xã Yên Thắng, huyện Yên Mô (Ninh Bình) qua số điện thoại: 0978156962.
Theo Danviet
Nữ nhân viên xinh đẹp và tình yêu kỳ lạ với những chuyến tàu Thấy túi tiền của một vị khách người nước ngoài bỏ quên, nữ nhân viên trên tàu khách SE8 đã trình báo với trưởng tàu để trả lại người đánh rơi. Hành động ấy của nữ nhân viên Ngô Thùy Thạch Thảo vẫn được nhiều người nhắc nhớ. Trò chuyện với PV, Thảo nhớ lại, ngày 13.4 tàu xuất phát từ ga Sài...