Người miền Trung xa quê mất ngủ ngóng tin bão
Không thể cùng gia đình chống bão, những người con xa quê hướng về miền Trung với tâm trạng thấp thỏm, lo âu.
Nửa đêm trước ngày bão Doksuri đổ bộ vào đất liền các tỉnh miền Trung, anh Bùi Nam (quê Nghệ An, hiện công tác Đà Nẵng) nhìn thấy tài khoản Facebook của cô giáo cũ đang hoạt động. Đang lo lắng không ngủ được, thấy học trò nhắn tin hỏi thăm, cô như tìm được chỗ để giãi bày.
“Cô dạy tôi thời cấp hai, nhà có cây bàng trước cổng vốn là dấu hiệu để học sinh nhận biết. Cây bàng có lẽ gần trăm tuổi lắm. Bao năm qua bão vào quê cô không sợ, lần này cô chỉ e cây bàng kỷ niệm bật gốc trụi cành, tệ hơn là đổ lên mái nhà cấp bốn của thầy cô. Cô nói giờ chỉ mong trời thương”, anh Nam cho biết, cùng lúc nhắn tin cho vài người khác ở quê để hỏi han tình hình.
Tại huyện Thạch Hà ( Hà Tĩnh), người dân đổ ra đường tỉa cành, chặt cây trước bão.
Quê Quảng Bình, Thảo Anh (hiện sống ở Hà Nội) có nhiều ký ức về bão. Trong khi người lớn ngổn ngang trăm bề, trẻ con thường có cách nhìn đơn giản hơn. Cô bạn nhớ lại lúc lăng xăng chuẩn bị nến, phòng khi mất điện. Tâm trạng khi đó xen lẫn háo hức bởi nếu bão cấp 10-11 học sinh sẽ được nghỉ. Mỗi lần như thế, ba mẹ và anh trai cũng ở nhà, cửa đóng kín.
“Giờ mọi người đã chằng cửa ngõ xong xuôi, bật TV theo dõi từng diễn biến cơn bão. Chắc bọn trẻ con cũng đang vui mừng trong lòng giống như mình ngày xưa”, Thảo Anh nói.
Đối với Hoàng Thúy, những ngày bão ở Quảng Bình khi còn là học sinh gắn liền với nỗi lo xe chập điện, chết máy giữa mênh mông sóng nước, là cảm giác lết được về đến nhà sau mấy đợt gió quăng quật, mưa như tát vào mặt.
“Cơn bão Wutip của mấy năm trước khiến gia đình tôi điêu đứng suốt một thời gian. Tuy nhiên, bão cũng để lại nhiều kỷ niệm thú vị. Những ngày mưa giữa mùa bão, cả nhà luộc một nồi khoai lang hay đậu phộng rồi trùm mền ngồi tán dóc”, Thúy chia sẻ.
Hiện sống ở TP HCM, không thể cùng gia đình như những ngày trước, Thúy lo lắng khi nghe kể mưa đang lớn dần, sóng điện thoại ở nhà bắt đầu chập chờn.
Sang Nga từ tám năm trước, anh Quang Trung vẫn có kỷ niệm “nhớ đời” với mùa bão năm ngoái ở Hà Tĩnh, khi về quê lấy vợ. “Tôi vừa cưới hôm 11/9 thì 5h sáng 12/9 bão vào, cả nhà phải dậy để hạ phông rạp, nghĩ bụng may không phải hoãn sự kiện quan trọng trong đời”, anh Trung chia sẻ.
Video đang HOT
Nghiên cứu sinh ở Sankt-Peterburg còn ấn tượng những lần giúp nhà hàng xóm xúc lúa vào bao tải để chuyển lên cao, bắt gà lợn đi tránh lụt. Năm nay, khi trời Nga đang mưa tầm tã, anh mở báo mạng đọc tin và biết bão cấp 12 đang hướng thẳng về quê nhà. Anh chỉ biết hy vọng cả nhà chống bão cẩn thận và mọi chuyện sớm ổn.
Anh Lê Ngọc Sơn (Hà Tĩnh), nghiên cứu sinh ở Đức cũng thấp thỏm khi hay tin bão về miền Trung. “Ngoài những kỷ niệm trong trẻo, tuổi thơ tôi còn gắn liền với những ngày cả nhà chống bão. Hồi đó, nhà nào cũng có đèn dầu Hoa Kỳ, mua thêm dầu, thêm bấc để phòng mất điện lâu ngày. Hồi đó, phương tiện truyền thông chưa phát triển, tivi còn chẳng có, cả xóm được 1-2 cái radio, nên nhà này í ới nhà kia cập nhật thông tin. Có những đêm ôm nhau chờ bão tới trong nỗi sợ”, anh nhớ lại.
Người miền trung xa quê hướng về bão.
Ngày ấy, quê nghèo xác nghèo xơ, nên nhà nào cũng phải gia cố mái (thường là tranh) để khỏi bị bão tốc. Những cây tre, bạch đàn, phi lao lớn quanh nhà được hạ ngọn để tránh nguy cơ đổ hay quật vào nhà. Nhà nào cũng sẵn vại dưa cà muối để ăn qua đận bão. Nhà anh ở cạnh nhà ông bà nội. Ông nội và cha sau khi dọn dẹp đón bão cho nhà mình thì đi quanh xóm xem nhà nào cần giúp đỡ. Mẹ và bà nội thì lo dự trữ thức ăn cho cả nhà.
Ký ức về bão đối với anh Sơn còn là những bữa ăn thiếu thốn dinh dưỡng. Có lần, sau một cơn bão lớn, mấy nhà hàng xóm bị cuốn hết mái, tan hoang. Gia đình anh phải đào những gốc cây chuối bị bão đốn ngã, lấy gốc cắt ra xào ăn với cơm. Có đận sau bão, cả làng đói triền miên, ăn khoai xéo (khoai đã thái thành lát, phơi khô nấu lên) thay cơm.
“Nghĩ về tuổi thơ và những cơn bão, khóe mắt còn cay xè, ướt nhèm kỷ niệm. Cầu mong cho dân quê tôi mạnh mẽ, cơn bão tan nhanh…”, anh chia sẻ.
Thùy Linh
Theo VNE
Bão Doksuri mạnh thế nào
Bão Doksuri được dự báo mạnh nhất từ năm 2014 đến nay, sức gió cấp 11-12, mưa lớn từ miền Bắc tới Trung Trung Bộ và một phần Tây Nguyên.
Theo bản tin mới nhất lúc 11h trưa 14/9, chỉ trong ba giờ sáng nay, Doksuri (bão số 10) đã mạnh lên một cấp, thành cấp 11 với sức gió tối đa 115 km/giờ. Khoảng trưa đến chiều mai, bão sẽ đi vào các tỉnh từ Nghệ An đến Quảng Trị gây gió mạnh cấp 11-12, giật cấp 15, sau đó suy yếu dần.
Cơ quan khí tượng đánh giá Doksuri là cơn bão mạnh, cấp độ rủi ro thiên tai 4, cao nhất từ năm 2014 tới nay. Cấp độ này được đưa ra với bão mạnh cấp 10-11 hoạt động trên đất liền Nam Bộ; bão cấp 12-15 hoạt động trên vùng biển ven bờ, đất liền Bắc Bộ, Trung Bộ và siêu bão từ cấp 16 trở lên ở biển Đông (gồm cả khu vực quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa).
Ảnh vệ tinh hai cơn bão Talim (bên phải) và Doksuri (bên trái) đang hoạt động ở khu vực Thái Bình Dương. So sánh tương quan, Talim đang rất mạnh, mắt bão to, sắc nét.
Ông Lê Thanh Hải, Phó giám đốc Trung tâm khí tượng thủy văn quốc gia, cho biết năm 2013 Việt Nam đã có hai cơn bão đạt cấp rủi ro 4 (bão Wutip và Nari) và một lần cấp 5 (cấp cao nhất). Thời điểm bão Haiyan đi qua Phillippines và cập sát đất liền Việt Nam (11/2013), rủi ro tới cấp 5.
So sánh với siêu bão Harvey, Irma ở Mỹ, ông Hải cho rằng hai cơn bão này đạt đến Cat 4-5 (sức gió từ 209 km/h trở lên) theo cách dự báo của người Mỹ, trong khi Doksuri đạt Cat 3.
"Như vậy Doksuri là cơn bão rất mạnh, sức gió cấp 11-12, giật cấp 15, còn khả năng tới như Harvey hay Irma là không có", ông Hải nói.
Bốn điểm chú ý ở bão Doksuri
Thứ nhất, cấp độ gió bão mạnh cấp 11-12, giật cấp 15, sức phá hoại cực kỳ lớn, nhiều công trình hư hỏng.
Thứ hai, bão nằm trong dải hội tụ nhiệt đới nên kích thước rất lớn. Phạm vi có gió mạnh cấp 6 từ Quảng Ninh tới Quảng Ngãi; gió cấp 10 từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên Huế và cấp 10-11 từ Hà Tĩnh đến Quảng Bình.
Bão sẽ gây mưa diện rộng, kéo dài từ nam đồng bằng Bắc Bộ, một phần Tây Bắc Bộ đến toàn bộ các tỉnh Thanh Hóa - Thừa Thiên Huế và lan sang cả Trung Trung Bộ, bắc Tây Nguyên.
Thứ ba, sóng biển vùng tâm bão có thể cao 10 m, vùng ven bờ 5-6 m. Doksuri đổ bộ đúng lúc thủy triều dâng nên ven biển từ Hải Phòng tới Quảng Bình nước dâng có thể cao 1m, ven biển Thanh Hóa đến Hà Tĩnh khoảng 2m.
Cuối cùng, các nhà dự báo khí tượng, hải văn lo ngại hiện tượng nước rút trong bão. Ven biển từ Nghệ An đến Quảng Trị khi có bão mạnh vào gần đất liền, đới gió thổi từ lục địa vào tâm bão có thể đẩy nước vùng ven bờ ra ngoài khơi, tạo ra hiện tượng nước rút.
Sau đó khi bão đổ bộ, nước dâng cao trở lại, mức độ tàn phá do đó sẽ rất lớn.
Được hình thành từ áp thấp nhiệt đới ở phía đông của Philippines, sớm 13/9 bão Doksuri vượt qua quần đảo này, trở thành cơn bão thứ 10 ở biển Đông, mạnh cấp 8 (tối đa 75 km/h).
Trước đó 9 cơn bão hầu hết được hình thành ngay trên biển Đông, cường độ yếu; hoặc xuất phát từ phía đông Philippines và hướng về Trung Quốc, không gây thiệt hại cho Việt Nam.
Theo Quy định chi tiết về cấp độ rủi ro thiên tai (ban hành tháng 8/2014), áp thấp nhiệt đới, bão có 5 cấp độ rủi ro. Riêng đánh giá bão mạnh yếu thế nào thì phải căn cứ vào bảng thang đo sức gió.
Bão cấp 10 gây gió mạnh 89-102 km/h, làm đổ cây cối, nhà cửa, cột điện. Biển động dữ dội làm đắm tàu thuyền.
Bão cấp 11 gây gió mạnh 103-117 km/h, mưa rất to, gây ngập úng, sạt lở đất có lũ quét và lũ ống ở vùng cao, vùng trũng.
Bão cấp 12 gây 118-133 km/h, gây nguy cơ vỡ đê không kiên cố.
Xuân Hoa
Theo VNE
Bão cấp 12 có thể đổ bộ các tỉnh Thanh Hóa đến Quảng Bình Đối phó với cơn bão mạnh nhất từ đầu năm đến nay, các tỉnh từ Quảng Ninh đến Khánh Hòa sẽ cấm biển từ ngày mai. Tại cuộc họp Ban chỉ đạo trung ương về phòng chống thiên tai sáng 13/9, các thành viên đều nhận định bão Doksuri (bão số 10) mạnh nhất trên biển Đông từ đầu năm đến nay và...